Đố kỵ

23.05.2022
Di Li
Thói đố kỵ nhiều phần vẫn xuất phát từ khoảng cách chia rẽ giữa kẻ giàu và người nghèo; sự khoe khoang, phô bày dù vô tình hay cố ý đang tồn tại hằng ngày trong cộng đồng.

Đố kỵ

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Trong thông báo gần đây của Báo cáo Hạnh phúc thế giới, 10 quốc gia được xếp hạng hạnh phúc nhất năm 2021 đều là những nước có đời sống cao và khoảng cách giàu nghèo bị thu hẹp tối đa. Khi phúc lợi được chia đều cho mọi người thì sự bất mãn, hẹp hòi đã được dẹp bỏ phần nào. Tuy nhiên, thu nhập cao không phải lý do chính, mà khoảng cách chia rẽ giữa kẻ giàu và người nghèo mới là vấn đề


Khoe khoang kích thích lòng đố kỵ

Việt Nam có một giai đoạn không thể quên với nhiều người, đấy là thời bao cấp. Có đủ mọi chuyện được truyền tụng nhưng chỉ riêng chủ đề ấy thôi cũng khiến cuộc "trà dư tửu hậu" trở nên sống động.

Song, một điểm chung mà những "người trong cuộc" đều thống nhất là "Lúc ấy sống khổ, thiếu thốn nhiều thứ mà sao chan chứa tình người. Người với người ứng xử với nhau nồng hậu, chứ không như bây giờ".

Có gì lạ đâu, bởi lúc ấy ai cũng khó khăn như nhau. Cán bộ cũng như người dân, người nổi tiếng với kẻ vô danh không khác xa là bao, đều nâng niu từng mét vải, từng cuộn chỉ khâu, từng cái xoong, chiếc chảo, đôi dép nhựa Tiền Phong... Nếu có đố kỵ thì đại khái có thể do nhà nào đấy kiếm được bữa thịt tươi nướng chả, dù đã gắng đóng cửa và che chắn các kiểu mà vẫn không ngăn được mùi thơm bay đi khắp xóm, khiến láng giềng đang phải ăn cơm độn và rau muống luộc bỗng nhói lên lòng đố kỵ.

Khi cùng khó khăn như nhau, người ta dường như tinh tế hơn, đồng cảm hơn, sẻ chia hơn. Tôi có anh bạn đã đi qua thời bao cấp kể lại rằng hồi ấy, bố mẹ anh là cán bộ nên bữa sáng anh hay được ăn phở gà. Các bạn cùng lớp chẳng được như thế, có lưng cơm rang mỡ lợn đã là may lắm. Vì thế, anh thường cố gắng tránh, không để các bạn biết bí mật về bữa sáng của mình, sợ nhỡ đâu bạn tủi thân và chạnh lòng.

Thời ấy, mười người như một, giống nhau từ cách sống, từ bộ "đồng phục" áo trắng, quần đen, dép nhựa cho đến bữa cơm độn ngô, độn sắn và cả cách viết thư tình. Nhưng bây giờ, nhiều thứ đã thay đổi; có lúc, có nơi chủ nghĩa vật chất lên ngôi. Hố sâu giàu nghèo ngày càng lớn. Đó chính là mặt trái của sự phát triển kinh tế thiếu đồng bộ.

Tốc độ đô thị hóa, toàn cầu hóa và tỉ lệ gia tăng của tài khoản mạng xã hội khiến người ta dễ dàng chứng kiến sự phân hóa và bất bình đẳng giữa các nhóm thu nhập trong xã hội. Ở đó, có những người ở nhà cao cửa rộng, di chuyển bằng xe con và ăn bữa tối trị giá vài chục triệu đồng nhưng cũng có nhiều trường hợp khó khăn đến nỗi vấn đề lớn nhất là thực phẩm của ngày hôm nay, thậm chí không đủ tiền chạy chữa những bệnh cơ bản. Ở đó có những đứa trẻ mẫu giáo sở hữu bộ sưu tập hàng hiệu đắt tiền và cả những đứa trẻ vùng cao mùa đông đi chân đất, tay bốc nắm cơm nguội lạnh ngắt cho bữa trưa...


Số lượng đột biến những người giàu lên nhanh chóng hoặc nổi tiếng thần tốc nhờ truyền thông và mạng xã hội khiến người ta không thể kìm giữ sự sung sướng mà không phô trương điều đó. Như một vòng luẩn quẩn, sự khoe khoang, phô bày đã kích thích tính cạnh tranh và thói đố kỵ.

 
 
Khoe khoang là đặc tính của nhiều người. Thói tật ấy đã được phát huy một cách vô thức và vô tình. Có bao giờ bạn tự hỏi rằng liệu mình đã kiềm chế triệt để tính phô trương? Khi phô bày bất cứ điều gì đó, bạn có nghĩ đến việc còn những người đang rất thiếu thốn thứ mà bạn có?

Khoe khoang những thứ mình có, bao gồm tài sản, vị trí, gia thế, danh tiếng, bằng cấp, con cái và sự tôn sùng những giá trị bên ngoài cũng gây nên hiệu ứng kỳ thị và cạnh tranh ở một bộ phận thế hệ trẻ. Nếu như thời của tôi, các bạn cùng lớp thường không phân biệt và ứng xử rất chan hòa thì ở thế hệ Gen Z (sinh từ năm 1995 đến 2012), ngay từ tiểu học, nhiều đứa trẻ hội tụ các yếu tố như giàu có, gia thế, sành điệu, học giỏi, điểm số cao sẽ tự cho mình quyền khinh miệt những bạn học yếu thế hơn và lôi kéo các bạn khác theo mình, tạo nên quyền lực ngầm trong cái cộng đồng non tơ nhỏ xíu là lớp học. Những đứa trẻ yếu thế hơn cũng biết thân biết phận mà không dám phản ứng; từ đấy vô hình trung đã hình thành sự méo mó về tính cách của cả hai nhóm, khi mà sự cạnh tranh những giá trị bên ngoài đã manh nha ngay từ trên ghế học đường.

Khi tình trạng phân hóa giữa các tầng lớp dân cư ngày càng rõ nét cả ngoài đời thực lẫn trên mạng xã hội thì không chỉ kích thích thói đố kỵ mà thậm chí còn làm gia tăng cả sự thù địch.

Khiêm tốn, hòa đồng, tôn vinh, khen ngợi người khác

Vẫn có cách để xóa bỏ những cảm giác tiêu cực đang nhen nhóm, ấy là sự khiêm tốn, hòa đồng và không ngừng tôn vinh, khen ngợi người khác. Bạn không thể cứ mãi ghen tị và tức tối với những người luôn khiêm nhường và biết lùi một bước để giúp bạn tỏa sáng. Riêng kỹ năng này, chúng ta cũng không khéo léo bằng người phương Tây.

Trong những chuyến viễn du sang châu Âu công tác và học tập, tôi từng chứng kiến cách ứng xử rất tuyệt vời của những người có nhiều lợi thế hơn so với các nhóm đối tượng khác trong cộng đồng. Họ là các lãnh đạo, doanh nhân giàu có, chính trị gia hay những người nổi tiếng, song hành vi không khác gì mấy so với bất cứ người bình thường nào, thậm chí còn nhũn nhặn hơn rất nhiều. Họ cũng luôn dành nụ cười thân thiện, cổ vũ, động viên và khen ngợi đối với những người ít lợi thế hơn mình. Đã quen với vẻ quan cách, trịnh trọng, thế nọ thế kia của nhiều người trong nước khi vừa ít nhiều giành được những thứ mà xã hội ao ước, lần nào tôi cũng không khỏi kinh ngạc khi chứng kiến cách hành xử khác biệt rất đáng kính trọng ấy.

Thế nên, tật đố kỵ nhiều phần vẫn xuất phát từ sự khoe khoang, phô bày dù vô tình hay cố ý đang tồn tại hằng ngày trong cộng đồng vậy.

Ngay cả ở những quốc gia văn minh, tiến bộ và có đời sống cao đồng đều như Bắc Âu, người ta cũng luôn hạn chế khoe khoang bằng các quy định thành văn và bất thành văn, nhằm tránh gây hiềm khích, căng thẳng trong cộng đồng. Chính vì thế mà trong top 5 quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, vùng Scandinavia chiếm trọn cả 5 vị trí, gồm Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch, Na Uy và Iceland. Họ không khoe khoang, vì thế cũng hạn chế tối đa sự đố kỵ.

(nld.com.vn)