Đối thoại liên ngành văn học - y học trong tiểu thuyết nữ Việt Nam đương đại

23.05.2023
Nguyễn Hữu Minh
Đối thoại liên ngành được xem là xu thế chung của các ngành khoa học hiện đại, trong đó có văn học và y học. Với xu hướng không ngừng mở rộng biên độ về mặt nội dung phản ánh đối với thể loại tiểu thuyết, rất nhiều nhà văn nữ đã đặt vấn đề quan tâm đến một số phạm trù y khoa và diễn giải chúng trong các tác phẩm của mình với tâm thức hiện sinh, trên lập trường bình đẳng giới. Chính sự đối thoại liên ngành này đã góp phần giúp cho tiểu thuyết nữ Việt Nam đương đại mang một diện mạo rất đặc trưng về giới.

Đối thoại liên ngành văn học - y học trong tiểu thuyết nữ Việt Nam đương đại

Đặt ra những vấn đề nghiên cứu trong tương quan đối thoại giữa hai ngành, cả y học lẫn văn học đều có những điểm mạnh và điểm yếu nhất định. Y học đã giúp cho văn học có cách nhìn nhận và khám phá con người đầy mới mẻ, nhân văn. Ngược lại, văn học đã diễn giải các vấn đề liên quan đến y khoa một cách sinh động, bớt cứng nhắc và gần gũi hơn với mọi người. Xem xét đối với trường hợp tiểu thuyết nữ Việt Nam đương đại, từ việc ý thức về các vấn đề thuộc phạm trù y khoa, nhiều nhà văn nữ đã viết về chúng như những diễn ngôn riêng từ góc nhìn giới: từ vấn đề thai sản cho đến phá thai, từ vấn đề bệnh tật cho đến các phương thức điều trị, từ chuyện bác sĩ cho đến chuyện môi trường bệnh viện…

 

Đối thoại với những vấn đề y học trong tiểu thuyết nữ Việt Nam đương đại

Có thể khẳng định rằng y học là một trong những vấn đề được khá nhiều nhà văn Việt Nam, đặc biệt là các nhà văn nữ đương đại quan tâm, tìm hiểu và khai thác nhằm phục vụ cho mục đích sáng tác. Mặc dù bản thân họ không phải là những y bác sĩ chuyên nghiệp, phần lớn trong số các nhà văn nữ không đi theo nghiên cứu y học như một ngành học thực tiễn, nhưng bằng cảm quan tinh tế bản năng và sự am hiểu thông tin một cách khoa học, tất cả vấn đề liên quan đến y học đã được nhìn nhận, diễn giải như những trải nghiệm giới đầy tính thực tế, mang tinh thần nhân văn sâu sắc.

Một trong những thuộc tính chính của văn học là phản ánh đời sống con người và khơi gợi những vấn đề thực sự “có vấn đề”. Qua những sáng tác của mình, các nhà văn nữ đã thể hiện được điều này một cách nghiêm túc. Họ bàn luận về chúng gắn liền với thực tế đời sống, cũng như đánh giá được tầm quan trọng mật thiết của vấn đề đối với bất cứ ai. Một trong số các nhà văn nữ rất quan tâm đến những vấn đề y khoa trong việc sáng tác chính là Thuận. Trong Paris 11 tháng 8, cô đã thẳng thắn: “Cái cần nhất là phải có sức khỏe.” Trước đó, với Chỉ còn 4 ngày là hết tháng tư, tác giả cũng đã thể hiện sự lo lắng của bản thân trước vấn đề bệnh tật con người đối với cuộc sống khi đánh giá: “Bệnh tật cũng là một bất hạnh và hắn bất ngờ nhận ra rằng, trái ngược với định kiến cho rằng dân phương Tây ham sống sợ chết, phải đến 4 phần trăm người bệnh ở Pháp tìm mọi cách để giấu bệnh của mình, thậm chí thà chịu chết còn hơn phải kể thật về nó với người thân hoặc bác sĩ.” Nhà văn Võ Thị Xuân Hà cũng quan tâm thể hiện các vấn đề về bệnh tật trong tiểu thuyết của mình bằng các diễn ngôn cụ thể. Một trong những căn bệnh nan y của thời đại là ung thư đã được nhân vật Cầm Kỳ (Tường thành) bàn luận trong mối lo sợ có thể giết chết cả thể xác lẫn tâm hồn con người: “Bây giờ cả xã hội sắp bị ung thư hết rồi riêng gì ai? Các kiểu hóa chất. Các kiểu nhân tạo. Cậu vào bệnh viện K mà xem. Đông quá thể. Mọi người dửng dưng này nói lên điều ung thư không có gì đáng sợ! Nếu có bị, chẳng qua cũng chỉ là miếng thịt thối. Cắt được gọn ghẽ thì sống. Cắt lem nhem thì ngoẻo. Sợ nhất là tâm hồn bị ung thư. Dao kéo nào cắt được?” Bởi nếu như đối tượng chủ yếu y học hướng đến “chữa lành” là thể xác thì với văn học là tâm hồn. Cả hai vấn đề này đều được các nhà văn nữ chú trọng.

Với gần ba mươi tiểu thuyết được khảo sát, người viết bài này bắt gặp không ít chứng bệnh được các nhà văn nữ đề cập và diễn giải. Trong số đó, không chỉ có các chứng bệnh liên quan trực tiếp về mặt thể xác được quan tâm (sốt, nấm da, ghẻ lở, đau răng, nhược cơ, mỡ trong máu, tật nguyền, viêm màng não, co thắt đại tràng, lông quặm, viêm amidan…) mà còn có nhiều căn bệnh ảnh hưởng chủ yếu đến mặt tâm lí, chấn thương tinh thần được đề cập (rối loạn lưỡng cực, tự kỉ, trầm cảm…) Đáng chú ý, các tác phẩm khai thác không ít các chứng bệnh của riêng nữ giới (ung thư cổ tử cung, rong kinh…) và một số chấn thương khác (chấn thương sinh sản, chấn thương phá thai, chấn thương vì tước đoạt quyền thân thể…) Ngoài ra, các tác phẩm cũng khai thác, diễn tả không ít chứng bệnh bất lực của nam giới trong xu hướng đối thoại giới. Và mặc dù đề cập đến nhiều chứng bệnh khác nhau như vậy, nhưng không phải các tác giả chỉ liệt kê hay gọi tên mà không có dụng ý. Ngược lại, nhiều nhà văn đã ý thức diễn giải bệnh tật một cách cụ thể qua việc cung cấp nhiều thông tin cơ bản về hoàn cảnh, triệu chứng tâm lí cũng như triệu chứng thể chất…

Bên cạnh việc thể hiện các diễn ngôn về những vấn đề y học thông qua một số tình tiết, suy nghĩ và lời nói của nhân vật, các tác phẩm còn xây dựng hình tượng cặp đôi nhân vật bác sĩ - bệnh nhân đảm nhiệm vai trò khám phá thân thể và hiện trạng y khoa. Có không ít vị “lương y” hiện lên méo mó trong mối quan hệ với người bệnh được các nhà văn nữ khắc họa. Là một bác sĩ phá thai, chuyên thực hành công việc dễ gây nguy hiểm đến tính mạng của sản phụ, đáng lẽ phải ân cần và giúp đỡ bệnh nhân, bà bác sĩ trong Blogger của Phong Điệp lại có lời nói và thái độ ứng xử hết sức hời hợt, đáng sợ: “Bà bác sĩ có khuôn mặt lạnh băng, nhìn cô bằng con mắt của quan tòa nhìn bị cáo, phán gọn lỏn: Có thai! Gần năm tháng rồi. Có muốn giải quyết không? Có tờ giấy cam kết đây, cô cậu kí vào. Thai to quá rồi. Chả ai dám làm đâu. Cô cậu muốn thì tôi làm cho. Nhưng phải cam kết không kiện tụng gì đấy. Chả ai nói trước được. (…) Thai to tổ bố thế. (…) Tôi là tôi không chịu trách nhiệm đâu đấy nhé.” Trong tiểu thuyết Tiền định, nhân vật ông lang Chi Lan được Đoàn Lê xây dựng không khác gì kẻ lang băm, bán thuốc dựa vào niềm tin mù quáng của mọi người qua hình tượng viên đá ma. Thậm chí, trong 1981, Nguyễn Quỳnh Trang còn kể về cô y tá của một bệnh viện nọ hết sức bất nhẫn khi từ chối tiếp nhận bệnh nhân bằng những lời lẽ cay nghiệt: “Cô y tá trực mặt lạnh trơ ngồi sau bàn giấy. Con chị đứng run rẩy bên cạnh. Cô ta hất hàm: Tiền đâu? Để làm gì ạ? Mày ngớ ngẩn à. Phải nộp viện phí chứ? Cô cứ khám cho em cháu đã. Không có tiền nộp thì khám cái gì? Mạng người quan trọng hơn tiền chứ cô. À! Láo thật! Dám cãi người lớn cơ đấy. Cháu xin cô. Cô cứu em cháu với! Lũ trẻ lang thang như chúng mày mà chữa với chạy để làm loạn xã hội lên à?”

Thông qua việc đề cập đến hình tượng này, một số nhà văn còn có ý thức lên tiếng về sự bất cập trong dịch vụ y tế ở nhiều cơ sở bệnh viện: “Chế độ làm việc 35 giờ một tuần đã được đem tặng cho toàn bộ giới công chức, trong đó có các bệnh viện công. (…) Bệnh nhân cứ việc xếp hàng méo mặt, còn nhân viên bệnh viện ngồi nhà nghỉ ngơi.” “Ở một số cơ sở có các bệnh nhân nằm trường kì, một y tá và một hộ lí phục vụ mấy chục phòng bệnh, ngay việc tiếp nước uống cho bệnh nhân cũng khó có thể được bảo đảm, nhất là những phòng ở xa, nơi cái nóng có thể tăng lên 40 độ.” Chính những phản ánh như trên đã phần nào cho thấy mối quan tâm lớn của các tác giả về chất lượng y khoa nói chung, cũng như phản ánh tình trạng thực tế của nhiều bệnh viện: số lượng y bác sĩ và cơ sở vật chất không đủ công suất phục vụ, đảm bảo công tác chữa trị khi số bệnh nhân nhập viện đang ngày một quá lớn. Bên cạnh đó, các nhà văn nữ còn ngầm đối thoại lại với đời sống y học thực tế ngoài xã hội. Đó là những nỗi lo thường trực của mỗi người khi phải đối mặt càng ngày càng nhiều nguy cơ tiêu cực trong cuộc sống. Ngoài ra, việc thể hiện những trải nghiệm giới hết sức sinh động trong một số tiểu thuyết về vấn đề sinh sản, phá thai, thăm khám và chữa trị bệnh tật đã phần nào tái hiện không gian thực hành y khoa một cách tinh tế, giàu tinh thần nhân văn.

Nhưng trong một số trường hợp, bệnh tật chưa hẳn đã là nỗi lo quá lớn đối với những người có nhiều kinh nghiệm dân gian trong việc phòng chữa bệnh. Phải chăng ngày nay, con người càng ngày càng thiếu sự quan tâm đúng mực đối với các kiến thức y khoa nên khi đối mặt với bệnh tật họ thường e dè, lo sợ, mất niềm tin? Đó cũng là một trong những vấn đề đáng để chúng ta suy nghĩ, rằng liệu những diễn ngôn y khoa có thực sự quan trọng và hữu ích khi được phần lớn tác giả nữ quan tâm thể hiện.

 

Tâm thế đối thoại: từ tâm thức hiện sinh đến lập trường bình đẳng giới

Ý thức môi trường mình đang sống là thế giới của sự hỗn loạn, đầy rẫy những điều phi lí, con người dần hoài nghi và đánh mất niềm tin vào nhiều thứ, trong đó có những đại tự sự được xác lập từ lâu đời như quy luật và chân lí. Ngay thời điểm mọi giá trị trở nên đổ vỡ, không còn mang tính đúng sai rõ ràng, con người hình thành tâm thức hiện sinh, mong muốn phản kháng, vượt thoát những điều cấm kị, đồng thời khao khát thiết lập những giá trị mới thay thế những diễn ngôn cũ trên hành trình truy nguyên bản thể. Đó cũng là tâm thức đối thoại rõ thấy trong tiểu thuyết nữ Việt Nam đương đại.

Thông qua việc thể hiện các diễn ngôn y học như chủ đề xuyên suốt trong phần lớn tác phẩm, các tác giả đã ý thức bày tỏ sự đối thoại của họ mang những dụng ý riêng hết sức chính đáng: muốn được lưu dấu lại những trải nghiệm của bản thân, muốn được viết ra những điều họ quan tâm và có ý nghĩa, hay đơn giản họ viết chỉ vì họ thích viết. Chính sự tự do trong tâm thế dụng bút đã giúp cho những cốt truyện được cấu trúc, những kiểu nhân vật được xây dựng và các vấn đề được thể hiện thường mang nét độc đáo riêng biệt. Không ít nhân vật đã trở thành những nhân vị đặc sắc như: An (Đàn bà hư ảo - Nguyễn Khắc Ngân Vi), Tiệp (Gia đình bé mọn - Dạ Ngân), Chín (Tiền định - Đoàn Lê), bà Khuê (Phúc âm cho một người - Nguyễn Khắc Ngân Vi), Vàng Chở (Chúa đất - Đỗ Bích Thúy), nhân vật “ả” (Trò chơi hủy diệt cảm xúc - Y Ban), Không Bé (Tiểu thuyết đàn bà - Lý Lan), Mai (Cánh chim kiêu hãnh - Đỗ Bích Thúy), Lâm Lâm (Nhiều cách sống - Nguyễn Quỳnh Trang). Tất cả họ đều là những người đàn bà mạnh mẽ, ưa thích tự do, luôn tự quyết trong mỗi lựa chọn và không ngừng cố gắng vượt thoát khỏi những diễn ngôn truyền thống mang tính bó buộc. Bởi vậy, An trong Đàn bà hư ảo đã trở thành người đàn bà luôn biết cách nổi loạn, bắt Nhai phải chiều ý mình trong những kì kinh và chuyện tình dục, bởi cô luôn ý thức về sự lạc lõng, buồn chán của cuộc sống. Trong khi đó, Tiệp trong Gia đình bé mọn lại là người đàn bà thực sự can đảm trong chuyện ngoại tình công khai trước mặt Tuyên. Những nỗi đau và sự cô đơn về hai lần sinh đẻ và ba lần phá thai liên tục cứ ám ảnh khiến cô nhận ra người chồng trước mắt không hề quan tâm đến tình cảm và cảm xúc của mình. Không Bé trong Tiểu thuyết đàn bà đã từng rơi vào tình trạng mất phương hướng khi mong muốn sinh con với Ted không được đáp ứng, cô nhận ra: “Betty? Một kẻ khác trong Không Bé đáp lại tiếng gọi đó. (…) Thỉnh thoảng kẻ khác đó tung hê tất cả để giải phóng một Không Bé ngạo nghễ là mình, cô độc, tổn thương. Hai kẻ đó cùng tồn tại, nhượng bộ nhau từng lúc, cấu xé nhau từng lúc, thương cảm nhau ít nhiều, và từng giết nhau mà không xong.” Ý thức về nhân cách Không Bé đã bị thui chột trong vai diễn Betty, cô chủ động khước từ Ted và quyết định quay về Việt Nam như điều cô muốn. Còn Vàng Chở trong Chúa đất lại là người đàn bà không chịu sự ràng buộc khi phát hiện chúa đất mắc chứng bất lực. Cô chấp nhận đánh đổi mạng sống để có được chút niềm vui và sự tự do ngắn ngủi. Hành động ngoại tình với tên người hầu đã thể hiện sự chống cự và sức phản kháng quyết liệt của cô trước chúa đất, cũng như trước cường quyền áp bức… Qua đó, những hành vi này có thể được xem là sự đối thoại chủ động trước diễn ngôn nam quyền truyền thống thường chèn ép, lấn lướt, áp chế nữ giới.

Chính những trải nghiệm giới đã giúp cho lớp diễn ngôn của các tác giả trở nên khách quan, tự nhiên và sinh động. Điều này đã được thể hiện rõ qua hành trình khám phá nhân-vị-đàn-bà của mỗi nhân vật: trải nghiệm quan hệ tình dục cùng sự lựa chọn giữa “have sex” và “make love”, trải nghiệm về chu kì kinh nguyệt, trải nghiệm về việc sinh con/ phá thai. Đó là hành trình của những chấn thương mà nỗi cô đơn là một trong những mặc cảm tinh thần dai dẳng nhất. Bằng việc sử dụng các diễn ngôn y khoa về bệnh tật, những nỗi cô đơn này được nhấn mạnh một cách rõ ràng. Từ đó, nhiều nhà văn đã cho thấy mỗi chặng đường các nhân vật đi qua đều phải đối mặt với sự lạc lõng, bỏ rơi của người thân, bạn bè hay người tình. An (Đàn bà hư ảo) đã từng có giai đoạn khủng hoảng tinh thần trầm trọng, luôn phải đối mặt với nỗi lo sợ cô đơn khi Nhai biệt tích. Còn Không Bé (Tiểu thuyết đàn bà) cô đơn trong chính mối quan hệ với Ted khi cả hai đều không thể dung hòa cho nhau những suy nghĩ về chuyện tương lai. Liên (Paris 11 tháng 8) cô đơn trong nỗi lo lắng về chứng viêm mụn suốt những tháng ngày thanh xuân. Qua đó, xu hướng tự đối thoại với bản thân chính là trải nghiệm cá nhân tự mỗi nhân vật bộc lộ, phát hiện và ý thức.

Đặc biệt, tâm thức hiện sinh còn được thể hiện qua việc sử dụng diễn ngôn thân thể như một phương thức biểu đạt hướng đến sự tự do và tính hữu dụng. Các nhà văn nữ đã tạo nên sự phá cách trong lối viết, lối tư duy bằng việc thiết lập “tường thành” thân thể dựa trên lập trường bình đẳng giới. Tự do viết, tự do xây dựng những hình tượng nhân vật ý thức về nỗi cô đơn mang tư thế nổi loạn, thậm chí hoài nghi về những diễn ngôn xuất phát từ nam giới, các tác giả đã cho thấy mong muốn và khát vọng bình đẳng của nữ giới. Trong khi các nhà văn nam có vẻ thường bất cần khi đề cập đến vấn đề này thì đối với hầu hết nhà văn nữ đây là điều gây nhiều nan giải và suy tư. Việc phơi bày rõ ràng như thế trước hết nhằm chỉ ra thiên tính nữ đặc trưng của giới thứ hai, sau đó đối thoại một cách ngang bằng giữa các giới và cuối cùng xem đó như một thế mạnh có thể bình đẳng trước những thế mạnh khác của nam giới.

Như vậy, hiện sinh là một trong những cảm thức nổi bật của hầu hết tiểu thuyết nữ Việt Nam đương đại. Qua đó, các tác giả đã thể hiện rõ ràng xu hướng đối thoại giữa tự thân với tha nhân hay giữa tự thân với tự thân về những vấn đề như: ý thức giới, ý thức thân thể hay ý thức sức khỏe - bệnh tật… Bình đẳng và hòa hợp chính là khát vọng chung của hầu hết các tác giả từ khi họ ý thức được những vấn đề trên qua việc thể hiện chúng trong tiểu thuyết của mình. Có thể nói, lối viết thân thể hay lối viết tự thuật nhìn chung chính là biểu hiện của lối viết hiện sinh khi luôn hướng đến sự tự do và độc đáo. Đấu tranh hay không đấu tranh vì quyền lợi của nữ giới từ lâu đã không còn là mục đích chính trong quá trình sáng tác của các tác giả. Sống và viết như bao nhà văn khác, không phân chia giới tính mới thật sự là ước mơ và mục đích chung hướng đến của phần lớn tiểu thuyết gia nữ.

Nhìn từ mối quan hệ liên ngành, văn học và y học có nhiều sự gặp gỡ, tương giao thú vị. Ngày nay, việc nghiên cứu lĩnh vực đặc biệt này trên thế giới đã không quá xa lạ, giúp giải quyết nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ trong mối quan hệ phát triển tương hỗ giữa hai ngành. Chính vì thế, xu hướng đối thoại đã tỏ ra khá thông dụng và được nhiều nhà văn nữ quan tâm trong lối viết của mình. Khám phá và nhìn nhận con người từ góc độ thân thể cá nhân, văn học nữ đương đại đã khơi gợi tinh tế những vấn đề riêng tư, thầm kín của nữ giới. Trước đây văn học ít quan tâm đến tâm thức đối thoại lại với các diễn ngôn truyền thống bằng tri thức về y học. Đặc biệt, so với dòng văn học nữ của những thời kì trước, tính đối thoại trong văn học nữ đương đại nói chung và tiểu thuyết nữ đương đại nói riêng ngày càng được thể hiện mạnh mẽ, góp phần tạo nên bản sắc giới trong các sáng tác nữ. Ngày nay, các nhà văn nữ, xuất phát từ tâm thức của sự tự do sáng tạo, không phải viết chỉ để gửi gắm những thông điệp đến độc giả mà trước hết là viết cho bản thân, viết để trở về với chính mình.

(VNQĐ)