"Đối thoại" với nhà văn Nguyễn Minh Châu

04.11.2019

Nguyễn Minh Châu (20/10/1930 - 23/1/1989) là một trong những nhà văn tiêu biểu của văn học Việt Nam hiện đại. Ông là một trong những người báo hiệu cho sự đổi mới toàn diện của văn học Việt Nam.
Có một thời gian dài ông công tác ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Căn phòng ông ở xưa giờ là phòng biên tập của tôi. Nhân chuẩn bị có một cuộc hội thảo lớn về Nguyễn Minh Châu nhân dịp ngày sinh của ông do Viện Văn học tổ chức, tôi đã có một cuộc trò chuyện giả tưởng với nhà văn ở đúng căn phòng ông từng làm việc về sự nghiệp, đời văn và những vấn đề ông quan tâm lúc sinh thời.

Trong màn đêm u tịch của ngôi biệt thự cổ nhà số 4, tôi không bật đèn nhưng vẫn thấy ánh sáng nhờ nhờ ngoài phố hắt vào. Tôi nhận ra người đang đứng trước mặt mình, người này trong ảnh tôi đã nhìn nhiều lần, căn phòng cũng quen thuộc, Nguyễn Minh Châu từng làm việc ở nơi này. Tôi cất tiếng mời ngồi và ngỏ ý muốn bật đèn nhưng nhà văn ra hiệu không. Tôi bảo, tôi muốn trò chuyện với tác giả của “Phiên chợ Giát” từ lâu rồi nhưng giờ không có máy ghi âm.

Nguyễn Minh Châu hỏi tôi, anh có trí nhớ tốt không. Tôi trả lời rằng cũng đủ để ghi nhớ một cuộc trò chuyện. Nguyễn Minh Châu bảo, tuổi trẻ phải thế chứ, đã mấy chục năm tôi ít nói chuyện với những người ở ngôi nhà này, ở đây vẫn giữ được không khí xưa.

Tôi bảo rằng, chúng tôi muốn giữ như xưa nhưng cũng khó vì thời thế đã khác. Và câu chuyện về văn chương bắt đầu trong ánh sáng mờ mờ của đèn phố, trời còn sớm lắm, ngoài đường vắng tiếng xe qua lại.

 

- Thưa nhà văn Nguyễn Minh Châu, nhà văn nghĩ sao về không khí văn chương thời bây giờ so với trước đây. Có phải nó quá buồn thảm ảo não không?
+ Đúng là không khí văn chương bây giờ không còn hừng hực như thời chúng tôi sống. Khi ấy chúng tôi hăng hái, nhiệt huyết lắm cơ, gặp một tác phẩm nào mình thích là trò chuyện rôm rả ngay, về văn chương ấy. Bây giờ thì trầm lắng quá, hầu như không thấy ai nói chuyện văn chương nữa. Người ta bàn bạc về tiền bạc, chức quyền. Văn chương bây giờ qua cái thời được ưa chuộng rồi.- Thưa nhà văn Nguyễn Minh Châu, nhà văn nghĩ sao về không khí văn chương thời bây giờ so với trước đây. Có phải nó quá buồn thảm ảo não không?

- Có phải rằng hồi trước các nhà văn cũng nhiệt huyết lắm nhưng rồi nền văn học Việt vẫn không tiến được bao. Vẫn thiếu những ngôi sao sáng, những tác phẩm để đời và quanh đi, quẩn lại bàn mãi cũng không nên chuyện, bởi thế không khí văn chương nhạt hẳn đi. Kể cả lãnh đạo văn học cũng là những khuôn mặt cũ rích.

+ Đúng là có chuyện ấy, cứ khuấy động lên mãi, nói mãi nhưng dường như nền văn học vẫn đứng nguyên một chỗ. Từ những năm 1990 đến giờ có lẽ không có những đột phá nào đáng kể. Người ta sốt ruột nhưng tình hình có cải thiện là bao, người ta ngày càng xa rời văn học, không mấy quan tâm. Nói mãi mà không tạo ra sản phẩm chất lượng thì để làm chi. Và anh nói cũng đúng, vẫn là những khuôn mặt cũ rích ấy thì mong đợi điều gì.

- Nhưng liệu những người mới có thay đổi được gì, nếu thực sự có những người mới xuất hiện và thay thế, hay cũng là lực bất tòng tâm.

+ Cái mới quan trọng nhưng không phải là tất cả, quan trọng nhất là tài năng, không có tài năng thì không có gì cả, cái mới chỉ là chất xúc tác thôi. Người mới mà tư duy cũ cũng hỏng. Trong văn chương, tài năng là số một...

- Phải chăng nhà văn muốn nói đến vai trò cá nhân là quyết định. Hội đoàn, tổ chức chỉ là những kiểu hỗ trợ thứ yếu...

+ Không hẳn là thứ yếu nhưng cá nhân là người quyết định. Văn chương là vấn đề cá nhân. Xưa kia các cụ như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du có hội đoàn gì. Hội đoàn là cái căn nhà lớn che chắn sau lưng lúc bão gió, chuẩn bị bữa cơm ngon lành. Muốn viết hay, tác phẩm lớn là việc cá nhân của người viết, là tài năng và tầm vóc.

- Nhưng nếu cái bụng đói thì ai có thể ngồi viết được, chỉ mong sao sản xuất thật nhiều, thật nhanh để quay vòng, đói khát thì mong sao có cái lớn được...

+ Chẳng phải những người như Vũ Trọng Phụng, Nam Cao viết khi bụng đói vẫn có tác phẩm để đời đấy thôi. Đói hay no chỉ là một thứ cần thiết thôi chứ không phải tất cả. Thời chúng tôi, hầu như ai cũng đói khát nhưng không phải không có những tác phẩm hay. Nhiều anh tôi biết bây giờ chẳng phải lo gì cơm áo gạo tiền, thậm chí có nhà lầu xe hơi mà vẫn không có tác phẩm hay. Thế mới biết điều kiện vật chất chỉ là tương đối thôi.

- Thế “Khách ở quê ra” và “Phiên chợ Giát” ấy được nhà văn viết trong niềm cảm hứng của cơn đói khát…

+ Không phải quá đói nhưng đói là chính xác. Tôi viết “Khách ở quê ra” thì lúc ấy vẫn còn trì trệ lắm; “Phiên chợ Giát” thì cuộc sống đã nhúc nhích lên một tí. Cái lão Khúng ấy là từ con người đói khát vươn lên.

- Có người nói rằng, lão Khúng là nhân vật sáng nhất của Nguyễn Minh Châu. Không có nhân vật ấy thì Nguyễn Minh Châu cũng mờ nhạt. Nhưng về tính điển hình thì lão Khúng vẫn còn thua xa những Chị Dậu, Chí Phèo hay Xuân Tóc Đỏ…

+ Người ta nói thế à? Tất nhiên tôi không bằng những người như Ngô Tất Tố, Nam Cao hay Vũ Trọng Phụng được, nhưng mỗi thời mỗi khác. Lão Khúng là nhân vật ưa thích của tôi, tôi đã viết ba truyện liên quan tới lão ấy. Lão Khúng là một điển hình cho người nông dân bắt tay vào công cuộc xây dựng xã hội mới, dám quyết dám làm. Văn chương cần những nhân vật như thế.

- Nhà văn từng nói rằng, sẵn sàng đánh đổi văn nghiệp của mình để viết được một truyện ngắn hay như Nguyễn Huy Thiệp. Điều ấy có thậm xưng quá không, vì theo như ý của tôi, “Phiên chợ Giát” không thua kém bất cứ truyện ngắn nào của Nguyễn Huy Thiệp.

+ Nguyễn Huy Thiệp là một tài năng và anh ấy đã thổi một luồng gió mới vào bầu khí quyển văn học, điều mà lúc ấy, không một nhà văn nào làm được. Sự tiên phong của Nguyễn Huy Thiệp chính là ở chỗ ấy. Câu nói ấy của tôi không thậm xưng đâu, tôi luôn đánh giá cao Nguyễn Huy Thiệp.

- Người ta từng đưa “Mảnh trăng cuối rừng” vào dạy trong chương trình phổ thông rồi bây giờ là “Chiếc thuyền ngoài xa”, nhưng vẫn có ý kiến tranh luận rằng “Mảnh trăng cuối rừng” hơi sến sáo và “Chiếc thuyền ngoài xa” có những yếu tố bạo lực không phù hợp với việc dạy học sinh phổ thông…

+ Người viết sau khi kết thúc xong tác phẩm là anh ta hoàn thành sứ mạng của mình rồi. Đọc và lựa chọn là quyền của bạn đọc và những người tuyển trạch. Tôi không viết như anh nghĩ nhưng người đọc cũng có quyền của họ. Tôi không muốn tranh cãi nhưng tôi nghĩ, người ta chọn tác phẩm của tôi thì họ phải thấy cái hay của nó. Họ có cái lí của họ, cũng như anh và tôi.

- Nếu đề cử một tác phẩm duy nhất của Nguyễn Minh Châu để cho vào sách giáo khoa thì nhà văn sẽ chọn tác phẩm nào?

+ Tất nhiên là “Phiên chợ Giát”, đó là những đắm đuối cuối đời của tôi, tâm huyết và những nhọc nhằn viết trên giường bệnh.

- Nhà văn đã từng viết bài “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh hoạ”. Có phải lúc ấy ông đã nhận ra được vấn đề, khi quá nặng về tuyên truyền thì không có tác phẩm hay được, nền văn học bị o bế hoặc tự chui vào cái rọ “minh họa thô thiển” thì không lớn được.

+ Chính tôi đã dự cảm như thế. Tại sao văn nghệ được quan tâm như thế mà toàn những tác phẩm làng nhàng, nhà văn làng nhàng. Kể cả những người có tài, viết rất hay trước kia cũng kém đi. Hãy nhìn Nguyễn Tuân, Xuân Diệu mà xem. Đó là những bậc tiền bối nhưng rõ ràng họ là một cú thụt lùi. Cứ gán ghép cho văn học những nhiệm vụ thô thiển thì không mong có tác phẩm lớn được, hay cũng còn chả có.

- Theo nhà văn thì bây giờ nền văn học Việt đã bớt minh hoạ chưa, chắc nhà văn vẫn còn quan tâm tới hậu thế theo một cách nào đó.

+ Tôi thấy bây giờ văn học được tự do và cởi mở hơn. Người viết đã được hít thở không khí thoáng đãng hơn và không phải ghì sát vào bất cứ nhiệm vụ gì. Nhưng mà sự sôi động và những cú chấn động lớn vẫn chưa có. Vẫn là bầu không khí trầm buồn và đều đều.

- Bây giờ những người đắm đuối với văn chương còn rất ít, người ta có nhiều mối quan tâm hơn. Văn học giờ trở thành vấn đề tự thân, vẫn còn sự quan tâm của xã hội nhưng không còn ráo riết. Bây giờ vị trí nhà văn cũng không được như xưa nữa.

+ Văn chương là một cuộc chơi bình đẳng và các nhà văn phải chấp nhận thôi. Anh được tự do hơn thì anh phải nỗ lực. Nhưng tôi cho thế cũng là tốt, ta không bị những bong bóng xà phòng làm cho loá mắt.

Trong bầu không khí nhợt nhạt của buổi sớm, tôi muốn hỏi thêm vài câu nữa nhưng Nguyễn Minh Châu ra hiệu từ chối. Nhà văn họ Nguyễn chốt một câu cuối rằng, văn chương là việc ai người ấy làm, các anh đừng trông mong vào người khác hoặc ai đó chu cấp cho. Văn chương tự nó là một con đường, đừng bắt nó phải thế này, thế kia...

Uông Triều
(vnca.cand.com.vn)