Ga Mây

11.10.2021
German Kanabeev
Tôi chờ gió thốc từ tàu. Lúc đó tôi cảm tưởng như đang chuyển sang một thế giới khác. Một thế giới nơi chỉ có gió, tiếng còi chói tai của đoàn tàu, tiếng sầm sập của bánh xe và tất cả những gì con người cảm nhận. Chỉ không có chính con người. Cứ như trên tàu không có người, chỉ có cảm xúc của họ vốn không còn thuộc về họ.

Ga Mây

Tranh của Wynne B Jones, họa sĩ người North Wales.

- Ông ơi, tại sao ga của chúng ta có tên là Mây? - tôi hỏi ông và chạy theo ông trên các thanh tà vẹt.

Ông đi phía trước trong chiếc áo ghi lê màu cam sáng khoác bên ngoài chiếc áo chần bông. Tôi thiếu trọn một bước để đi đúng trên các thanh tà vẹt. Thanh đầu tiên thì được, nhưng thanh tiếp theo lại trượt qua. Điều đó khó chịu kinh khủng. Tôi không hiểu tại sao họ xếp các thanh tà vẹt như vậy, để cứ mỗi bước thứ hai lại trượt đi. Nên hoặc phải đi những bước nhỏ, hoặc phải nhảy.

Nhưng ông thì ngược lại, rất thoải mái. Ông sải bước hào phóng và đáp chính xác cách mỗi hai thanh, không chút nỗ lực nào. Ông giống con gấu. To lớn và mạnh mẽ.

- Mùa đông ông sẽ kể. - ông đáp.

- Tại sao vào mùa đông?

- Khi đó sẽ dễ hiểu hơn. - và không nhìn tôi:

- Tán gẫu đủ rồi. Nghe dây điện hát kìa.

Tôi dừng lại, lắng nghe.

Dây điện chạy dọc đường tàu đúng là đang hát. Âm thanh thật lạ. Giống tiếng rên của một dây đàn guitar bị đứt.

- Ông ơi, dây điện hát gì?

- Hát về đủ thứ, - ông đáp. - Về chia ly, về gặp gỡ, về tình yêu, về thù hận, - về tất cả những gì người đi trên chuyến tàu cảm nhận.

Khi bài hát của lũ dây điện ngày càng lớn hơn và trở nên đe dọa, ông nắm tay kéo tôi ra khỏi đường tàu.

Chúng tôi lùi lại vài mét, và tôi chờ gió thốc từ tàu. Lúc đó tôi cảm tưởng như đang chuyển sang một thế giới khác. Một thế giới nơi chỉ có gió, tiếng còi chói tai của đoàn tàu, tiếng sầm sập của bánh xe và tất cả những gì con người cảm nhận. Chỉ không có chính con người. Cứ như trên tàu không có người, chỉ có cảm xúc của họ vốn không còn thuộc về họ.

Cả đời ông làm việc trên đường sắt. Tại ga. Mây. Trực trạm đổi ghi. Ai gọi ông là người bẻ ghi có thể dẫn đến một vụ ẩu đả ra trò. Ông căm ghét từ này.

Hai mươi mét cách thềm ga là làng của chúng tôi với mươi căn nhà. Tất cả những ai từng ở Mây đều làm việc cho nhà ga.

Tôi sống cùng ông, chỉ hai người. Tôi không nhớ mẹ lẫn cha. Chỉ có mỗi ông. Ông và tôi.

Hai lần mỗi ngày ông đưa tôi theo. Chúng tôi đi dọc trạm ghi. Lắng nghe bài hát của đường dây. Chuyển ghi xong, ông dẫn tôi đến chỗ đoạn đường ray xe lửa bị bỏ hoang nằm một bên gần đó.

Tôi không thích đoạn đường này. Đường ray ở đây hoen gỉ. Chúng không lấp lánh như trên con đường mà những đoàn tàu lao tới. Ở đây không có dây điện, cũng có nghĩa là không có những bài hát. Một nửa số tà vẹt bị mất, và đoạn đường giống cái miệng không răng của một ông già. Từ phía này, nơi gần rừng hơn, đường ray đứt đoạn.

Ở đây cũng có trạm chuyển ghi. Qua nó có thể chuyển con tàu sang một đường ray khác hay về phía đó, nơi đường ray đứt đoạn. Cứ mỗi lần như vậy ông lại kiểm tra hoạt động của cấu trúc đó. Nếu có gì không ổn, ông lệnh cho tôi ở yên, còn ông về nhà lấy dầu đặc.

Ông cẩn thận bôi trơn từng bu lông. Kiểm tra xem nó có hoạt động không, và hài lòng cúi nhìn phía những đường ray bị cắt đứt. Sau đó ông ngước nhìn về phía kia, dường như đợi con tàu.

- Ông ơi, tại sao ông lại coi sóc trạm này? - tôi hỏi. - Ở đây dẫu sao tàu cũng có chạy đâu.

- Không chạy, - ông đáp. - Nhưng chuyến tàu cuối cùng sẽ đi chính là qua đây.

- Chuyến tàu cuối cùng là gì? Kể đi ông!

- Cha của ta, ông cố của con, đã kể chuyến tàu cuối cùng sẽ đi dọc con đường này. Vậy nên trạm ghi phải luôn được bảo trì. Thực hiện đổi ghi đúng lúc để con tàu chạy về phía đó, nơi chấm dứt những đường ray.

- Tại sao là chuyến tàu cuối cùng?

- Bởi nó có thể chở ta đến hạnh phúc - ông trả lời.

- Hạnh phúc, - có phải là một nhà ga không?

- Ừ, có thể là một nhà ga, - ông cười và xoa đầu tôi. - Từ Mây đến Hạnh phúc, ta đoán, chắc vài ngày đường.

Ông mất khi tôi mười tuổi. Từ thị trấn một người đàn bà không còn trẻ với đôi mắt mệt mỏi tìm về. Bảo bà là dì tôi, và đưa tôi về thị trấn.

Hai mươi năm sau vào tháng giêng, ngay sau lễ đón năm mới, tôi trở lại ga Mây. Mùa đông thật sâu, tuyết dày, kêu trèo trẹo. Vừa bước xuống tàu, tôi hiểu ngay tại sao nó được gọi như thế. Những ngọn đồi phủ đầy tuyết che khuất các ngôi làng sau chúng, tưởng như những đám mây vũ tích.

Tôi mang theo mình về thành phố dầu đặc của ông. Tôi không về nhà ông. Mà tôi cũng không chắc ngôi nhà còn không nữa. Tôi cần đến trạm chuyển ghi.

Những cái tay đòn không buồn nhúc nhích. Tôi vật vã hồi lâu với chúng, cho đến khi nghe bài hát của những sợi dây điện trên đầu. Chuyện này thật lạ. Nào có đường dây cao thế nào trên những đường ray cũ kỹ đâu. Bài hát ngày càng âm vang, và tôi cảm nhận một làn gió nhẹ thoảng dọc những đường ray. Điều này thường xảy ra khi tàu đến gần ga. Tôi thấy đường ray run lên.

Có bao nhiêu sức lực tôi ấn vào cần gạt và chuyển mũi tên từ phía những đường ray đang hoạt động sang phía những đường ray đứt đoạn gần rừng.

Con tàu lao tới với vận tốc đáng kinh ngạc. Suýt nữa tôi đã không kịp nhảy khỏi đường đi của nó. Khi nó bay ngang, thời gian như trôi chậm lại, và qua cửa sổ một trong những toa tàu tôi thấy ông. Ông nhìn tôi và cười. Tôi gào hết sức:

- Ông ơi, ông có hạnh phúc không?

- Từ Mây đến Hạnh phúc mất hai ngày đường, - tôi nghe ông đáp.

Con tàu lao vào rừng, làm tôi điếc tai bằng tiếng còi xuyên thấu, và biến mất.■

 

Nhà văn German Kanabeev sinh năm 1980 tại một thị trấn nhỏ gần biên giới Mông Cổ. Ông đã thử nhiều nghề, sống ở nhiều thành phố nhưng không ở đâu lâu. 

Ông là tác giả tiểu thuyết Tôi sẽ là Phật, loạt Kệ sách của Vadim Leventhal và tuyển tập truyện Kodokushi (2018). Giải thưởng “Sách bán chạy quốc gia” (Nga) năm 2020 cho tác phẩm Otto.

(Phan Xuân Loan dịch từ tạp chí Tình hữu nghị các dân tộc, số 1-2020)

(cuoituan.tuoitre.vn)