Hẹn gặp anh ngày mai

12.10.2021
Trần Thị Tú Ngọc
Phía cuối con đường, nắng nhạt màu dần trên tàng cây xuyên mộc. Em biết rằng thêm một buổi chiều giống như ngàn vạn buổi chiều khác sắp sửa trôi qua. Hàng xuyên mộc cổ thụ lặng yên trong ngày đứng gió, chúng đã ở đó rất lâu trước khi ta sinh ra và sẽ còn tồn tại rất lâu sau khi ta mất đi. Anh từng nói rằng một đời người có khi còn ngắn ngủi hơn một đời cây mà không hiểu vì sao ta cứ luôn đắm chìm trong bất an rồi phiền muộn thế này.

Hẹn gặp anh ngày mai

Minh họa: Hà Trí Hiếu

“Bản tin dịch bệnh Covid-19 ngày...: 24 giờ qua có thêm 6.559  ca nhiễm mới. Trong đó có 1.184  ca trong cộng đồng”.

Em có ba mươi phút nghỉ giữa ca, tay chân rã rời, còn hai mắt cay xè nặng trĩu. Giá như lúc này có anh ở đây, em nhớ quá chừng góc quán nhỏ chúng ta hay ngồi, nhớ ly cà phê muối với hương vị lạ lùng quá đỗi. Những khoảnh khắc ấy giờ đã là quá khứ thật rồi. Em mở bản nhạc quen thuộc của chúng ta, giai điệu La Vie En Rose ngân lên trong không gian trống trải bỗng nhiên rơi xuống những nốt trầm nhuốm màu tuyệt vọng. Edith Piaf hẳn sẽ không bao giờ hình dung được hơn nửa thế kỉ sau ở một chốn xa xôi lại có người lắng nghe ca khúc này mà lòng buồn đến thế. Des nuits damour a ne plus en finir… Những đêm tình yêu không bao giờ hết…

Phía cuối con đường, nắng nhạt màu dần trên tàng cây xuyên mộc. Em biết rằng thêm một buổi chiều giống như ngàn vạn buổi chiều khác sắp sửa trôi qua. Hàng xuyên mộc cổ thụ lặng yên trong ngày đứng gió, chúng đã ở đó rất lâu trước khi ta sinh ra và sẽ còn tồn tại rất lâu sau khi ta mất đi. Anh từng nói rằng một đời người có khi còn ngắn ngủi hơn một đời cây mà không hiểu vì sao ta cứ luôn đắm chìm trong bất an rồi phiền muộn thế này.

Em nhận được điện thoại của anh trước khi ca trực bắt đầu. Anh nhắc em nhớ về Lũng Cuội, một nơi xa vắng với những triền đồi sỏi đá phủ đầy hoa huyết mộc đỏ thẫm.

- Tình hình của Đan như thế nào rồi?

- Vẫn chưa có tin gì cả anh ạ - Em cố giữ cho giọng nói có vẻ bình thường.

Giọng anh trầm xuống rất khẽ:

- Em giữ gìn thật cẩn thận nhé, mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi.

Em biết anh nghĩ gì lúc này. Bản thiết kế nhà thiếu nhi Lũng Cuội vẫn còn nằm đâu đó trong máy tính của anh. Anh đang ở đâu đó trong thành phố bị phong tỏa với hàng chục nghìn ca lây nhiễm. Nơi chốt kiểm soát, em đã quen với tiếng hú còi gấp gáp của xe cứu thương và những gương mặt bơ phờ hoảng hốt lướt ngang qua.

Chúng ta đang sống trong những ngày lạ lùng làm sao. Những ngày không giống với bất cứ ngày nào ta từng trải qua trước đó.

*

“Bản tin dịch bệnh Covid-19 ngày..: 24 giờ qua có thêm 7.531 ca nhiễm mới. Trong đó có 1.516 ca trong cộng đồng”.

Sáng nay bác sĩ Thanh ngất xỉu sau bốn tiếng đồng hồ liên tục lấy mẫu xét nghiệm ở sân trạm y tế phường. Trời rất nắng và bộ đồ bảo hộ quá ngột ngạt với người phụ nữ vừa mang thai. Lúc đó em đứng ở ngoài cổng hướng dẫn người dân điền thông tin vào tờ khai y tế, không biết sau lưng mình đồng nghiệp vừa gục xuống vì kiệt sức trong lặng lẽ.

Đang là mùa hè. Mùa của những chuyến đi.

Chừng này năm ngoái chúng mình đến Lũng Cuội cùng nhau, một hành trình dài rong ruổi qua bao chặng đường khô rang ngập trong bụi đỏ, hai bên mép vực sâu hút xòa ra từng đám lau già bạc phếch rũ rượi dưới nắng mưa. Lũ trẻ trong bản ùa ra vây quanh hai đứa mình tự nhiên thân thiết như gặp người quen cũ. Nhìn những gương mặt trẻ thơ háo hức chờ đợi được phát quà, tự nhiên em thấy lòng mình nhoi nhói.

Đêm đó Đan đốt lửa trong căn nhà sàn đầy gió. Thứ gió dữ dội của non cao như bầy ngựa hoang miệt mài trườn qua những vách đá rêu phủ nghìn năm. Đan đã gắn bó với trạm gác rừng heo hút này bảy năm, quãng thời gian đủ để nỗi cô đơn hoang vắng nhuốm đầy trong mắt.

- Thật sự thì ban đầu mình chẳng có ý định ở lại đây lâu đến thế này đâu - Đan nheo mắt tránh ánh lửa bập bùng lấp loáng - Học đại học xong nộp đơn đi một chuyến xem núi cao rừng thẳm thế nào, lên đây mới thấy khiếp thật, xa quá, khổ quá, nhưng nỗi buồn mới thật là kinh khủng. Bao nhiêu lần xếp đồ vào ba lô tính chuồn một mạch rồi chả hiểu sao lại lụi hụi dỡ ra, đến giờ vẫn vậy.

Đan nói thế thôi nhưng em biết cậu ấy sẽ chẳng thể rời đi, cũng như em và anh một lần tình cờ lên Lũng Cuội rồi năm nào cũng lặn lội quay trở lại. Đan bảo nhìn bọn trẻ ở đây thương lắm. Sự thiếu thốn nhiều khi không chỉ đơn giản là thiếu ăn hay thiếu mặc mà là thiếu vắng một điều gì đó giống như niềm vui và hy vọng.

Cùng với Đan, chúng mình dành những ngày phép ngắn ngủi để giúp bọn trẻ đọc sách, vẽ tranh, học tiếng Anh và làm quen với Internet. Đan kiên nhẫn vô cùng. Cả anh cũng thế. Anh phác thảo cho Đan xem bản thiết kế nhà thiếu nhi do nhóm thiện nguyện quyên góp xây dựng. Em lặng lẽ ngắm hai người đàn ông, tự hỏi vì sao số phận lại để chúng ta gặp gỡ nhau ở một nơi kì lạ như thế này.

Kì nghỉ phép kết thúc đột ngột bởi một cuộc điện thoại khẩn cấp từ thành phố, dấu hiệu về làn sóng dịch bệnh mới sau chuỗi ngày bình thường đã dần hiển hiện, bệnh viện yêu cầu tất cả nhân viên khẩn trương quay về sẵn sàng chuẩn bị cho mọi tình huống. Bỏ lại đằng sau những bức vẽ dang dở, chúng mình vội vã sắp xếp ba lô. Đan âm thầm bổ củi ngoài sân, tiếng búa vang lên đều đều, khô khốc. Cậu ấy đã quen với những cuộc chia tay chóng vánh. Bao nhiêu người đã đến rồi đi, chỉ có những cơn gió nghìn năm ở lại.

Anh chở em xuôi theo con dốc phủ đầy hoa huyết mộc. Em chẳng dám ngoái lại nhìn những bàn tay trẻ thơ vẫy vẫy. Qua khỏi khúc cua cuối cùng, bỗng nhiên anh nói: “Không biết bao giờ chúng mình mới gặp lại Đan ở đây”.

Lúc đó anh đã linh cảm thấy điều gì mà em chưa biết?

*

“Bản tin dịch bệnh Covid-19 ngày...: 24 giờ qua có thêm 8.620 ca nhiễm mới. Trong đó có 2.007 ca trong cộng đồng”.

Bố tắt tivi, quay về phía em mở điện thoại gọi:

- Từ mai con không phải đi lấy mẫu test nhanh nữa. Ở lại phòng khám làm việc như bình thường. Bố đã trao đổi với Giám đốc bệnh viện rồi.

- Con không thể làm vậy được đâu bố ạ.

Chưa kịp để cho em nói hết câu, bố ngắt máy rồi bước lên cầu thang, cái bóng nặng nề đổ ra phía sau kéo dài thành khúc trượt trên từng bậc. Từ hôm làm nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 em đã tự giữ khoảng cách với gia đình, đi về bằng lối riêng và sinh hoạt xa nhau một quãng. Căn nhà rộng lại càng thêm rộng. Bố từ xưa đến nay chỉ biết đến công việc, nhiều khi quên cả sự hiện diện của mẹ và em. Từ trong phòng ăn, em thấy mẹ vội vã cắm nốt bông sen vào lọ để đuổi theo cái bóng vừa đi khuất. Ngang qua tấm cửa kính ngăn cách với chỗ em ngồi, mẹ dừng lại, ngập ngừng cầm điện thoại lên:

- Bố lo lắng thế là đúng đấy con ạ. Bố mẹ chỉ có một mình con thôi.

Em nghe như thể một giọt nước lạnh buốt vừa nhỏ vào tim. Ngày xưa cũng vì câu nói này mà Đan sống như cái bóng đơn độc trong gia đình em, những vết xước trong trái tim trẻ thơ vĩnh viễn chẳng thể nào liền sẹo. Em không giữ được chút kỉ vật nào về Đan ngoại trừ một tấm ảnh đen trắng kịp lôi ra khỏi đống đồ đạc mẹ đốt cháy sau nhà. Khi tìm thấy Đan ở Lũng Cuội, em lặng lẽ gấp vào cuốn sách đọc dở trên bàn viết của cậu ấy. Lũng Cuội hôm đó chênh vênh trong nắng, bao nhiêu năm tháng trôi đi mà đôi mắt đứa trẻ trong bức ảnh và đôi mắt người đàn ông đứng trước mặt em vẫn vẹn nguyên một cái nhìn khắc khoải u buồn như thế.

- Nếu ngày nào đó anh phải đi tới một nơi thật xa, em có nhớ anh như đã từng nhớ Đan không?

Anh hỏi em câu đó khi chúng mình ngồi cạnh nhau trong quán cà phê Phố, vẫn là Edith Piaf với giai điệu La Vie En Rose quen thuộc: “Quand il me prend dans ses bras. Il me parle tout bas. Je vois la vie en rose... Khi người ấy ôm em vào lòng. Người ấy nói với em thật trầm ấm. Em thấy cuộc đời toàn màu hồng...”.

Mải đuổi theo ý nghĩ về đôi tình nhân say đắm ấy nên em không nhận ra một thoáng suy tư lướt qua gương mặt trầm tĩnh của anh. Tựa vào bờ vai anh, em thì thầm rất khẽ:

- Sao anh lại nói thế. Chúng mình luôn đi cùng nhau cơ mà.

Chiều hôm trước em vừa viết đơn tình nguyện xin vào phía Nam tăng cường lực lượng cho các bệnh viện dã chiến. Tên anh đã có trong danh sách những bác sĩ sẵn sàng lên tuyến đầu, tên em sẽ được bổ sung vào dưới đó. Điều bí mật ấy em cố gắng giấu anh. Hẳn anh sẽ bất ngờ lắm khi nhìn thấy em cùng với anh và các đồng nghiệp khác di chuyển ra sân bay vào Nam chống dịch. Sâu thẳm trong lòng em thấy phảng phất âu lo, nhưng ý nghĩ được sát cánh bên anh chia sẻ những giờ phút khó khăn nhất khiến em hạnh phúc.               

Thế nhưng đợt điều động đầu tiên chỉ mình anh đi còn em ở lại. Bằng một cách nào đó em bị đưa ra khỏi danh sách mà không có lời giải thích nào. Đến tận bây giờ em mới hiểu điều mà mẹ em vừa nhắc đến, “bố mẹ chỉ có một mình con, bố sẽ không bao giờ để con phải vào nơi nguy hiểm”.

Gánh hai chữ “một mình” trên vai mới nặng nề làm sao.

Khi Đan đến nhà em, cậu ấy cũng chỉ có một mình, bộ quần áo cũ được giặt ủi cẩn thận vẫn không giấu được vẻ lôi thôi nhếch nhác vì rộng dài quá cỡ. Đan là con một người họ hàng xa bên phía bố em, gia đình cậu ấy gần như mất cả trong trận lũ quét. Trong lần về thăm quê đợt đó, trước đông đảo bà con chòm xóm, bố đã nhận lời đưa cậu bé lên thành phố nuôi dạy ăn học cho đến khi trưởng thành. Bà ngoại già yếu của Đan, người duy nhất còn sống sau vụ lở đất kinh hoàng đã trao gửi đứa cháu lên tám tuổi vào tay ân nhân với lòng biết ơn vô hạn.

Năm ấy em cũng vừa tròn tám tuổi, em đưa cho Đan quả táo mình đang cầm và cậu ấy nhoẻn cười vui sướng. Đó hình như là lần duy nhất em thấy Đan cười. Suốt những năm tháng về sau sống dưới ánh mắt sắc lạnh như dao của mẹ em, Đan luôn cúi đầu lầm lũi. Bố em quá bận với những chuyến công tác triền miên, không hề biết vợ mình vẫn khắc ghi mối hận với nhà chồng bởi những câu chuyện từ thời xưa cũ.

*

“Bản tin dịch bệnh Covid-19 ngày...: 24 giờ qua có thêm 8.390 ca nhiễm mới. Trong đó có 1.115 ca trong cộng đồng”.

Anh kể rằng cái chết vì nhiễm Covid-19 là cái chết cô đơn nhất trên đời. Họ trải qua những ngày âm thầm chống chọi với bệnh tật không có gia đình bên cạnh, tới lúc trút hơi thở cuối cùng cũng chẳng có cơ hội nói lời vĩnh biệt với ai, tử thi lạnh lẽo nằm chờ trong nhà hỏa táng. Suốt ba tháng bám trụ ở vùng tâm dịch, biết bao nhiêu lần anh cố kìm nước mắt trước giờ phút tử biệt sinh ly.

Nỗi lo âu cộn lên trong lòng em. Từ lúc biết Đan xét nghiệm dương tính đến giờ em vẫn không nhận được thêm tin tức gì. Cậu ấy lây bệnh từ một thanh niên vừa chở hàng từ biên giới về có mặt trong nhóm đi sửa nhà giúp gia đình neo đơn trong bản. Tối hôm đó Đan bắt đầu mệt mỏi rồi ho sốt. Cậu ấy gọi điện cho em khi vừa nhận được kết quả từ CDC, giọng cố giữ mà vẫn run run. Đó là lần đầu tiên Đan chủ động liên lạc với em kể từ khi gặp lại nhau sau mười năm cách biệt. Trong khoảnh khắc đầy sợ hãi, Đan tìm em như tìm đến người thân duy nhất còn lại trên đời. Trái tim em tưởng chừng như thắt lại.

Từ trong bệnh viện dã chiến anh gọi về dặn em hãy vững vàng lên, dẫu cho ngày qua ngày trên đường phố vẫn vẳng tiếng còi xe cứu thương rờn rợn. Thỉnh thoảng xuất hiện dòng tin ngắn ngủi viết về nơi nào đó có bác sĩ qua đời vì bị lây nhiễm khi chăm sóc bệnh nhân. Trong phút yếu lòng em bỗng nhiên bật khóc, sẽ ra sao nếu chúng mình chẳng còn cơ hội gặp lại nhau.

Em nhận ra mình đã nông nổi biết bao nhiêu. Buổi hoàng hôn xa lắc ấy trên tầng thượng tòa nhà Espérer lộng gió, khi em từ chối lời cầu hôn hẳn là anh buồn lắm.

- Em xin lỗi, em nghĩ mình chưa sẵn sàng cho cuộc sống gia đình.

Lúc đó bàn tay anh đặt nơi mép bàn khẽ run lên. Em chưa từng bao giờ thấy anh như thế. Ngay cả trong những ca cấp cứu ngặt nghèo nhất anh vẫn luôn giữ được vẻ điềm tĩnh của một bác sĩ nội trú đã tôi luyện qua rất nhiều tình huống khó khăn. Rất lâu sau anh mới quay sang phía em với cái nhìn sâu thẳm:

- Cho anh cơ hội để đợi em nhé, bao lâu anh cũng đợi.

Dường như những chuyến đi về Lũng Cuội giúp anh nhận ra rằng em vẫn luôn day dứt vì Đan. Đó là một món nợ mãi mãi không thể nào trả được. Năm mười tám tuổi cậu ấy rời khỏi nhà em với hai bàn tay trắng và tâm hồn thương tổn. Tất cả số tiền các mạnh thường quân ủng hộ Đan sau trận lũ được mẹ giữ lại với lí do đã nuôi dưỡng Đan chừng ấy năm trời. Đan chẳng bận tâm về điều đó. Cậu ấy đã bị đánh cắp nhiều thứ đáng giá hơn thế, đó là những năm tháng ấu thơ hạnh phúc và niềm tin thánh thiện về lòng tốt của con người.

Nửa đêm giật mình tỉnh dậy sau cơn ác mộng em thảng thốt nghĩ về chặng đường sắp tới. Chưa bao giờ cuộc sống trở nên mong manh đến thế này.

*

“Bản tin dịch bệnh Covid-19 ngày...: 24 giờ qua có thêm 9340 ca nhiễm mới. Trong đó có 1.556 ca trong cộng đồng”.

Em nhắn tin cho Đan mỗi ngày dẫu không chắc cậu ấy có đọc được không. Em dặn Đan tập thở để giữ hơi, các loại thuốc có thể dùng và cách chống chọi khi lên cơn sốt. Em nhắc Đan nhớ về những kỉ niệm thời thơ bé, bầy mèo hoang sau nhà hai đứa từng lén lút mang cá cho ăn, hộp bút màu sáu chiếc chia đôi nên khu rừng Đan vẽ toàn màu xanh, còn rừng của em toàn lá vàng lá đỏ. Em còn kể cho Đan nghe về người hát rong thường dừng chân nơi góc phố vào những ngày cuối tuần vắng lặng. Sau khi Đan đi rồi chỉ còn mình em nghe tiếng đàn guitar bập bùng của người ấy vọng lên suốt đêm thâu.

“Đó là người đàn ông tóc dài hay hát tình ca Pháp” - Điện thoại chợt hiện lên tin nhắn đầu tiên của Đan.

 “Đúng rồi. Vậy là cậu vẫn còn nhớ” - Em vừa nhắn trả lời Đan vừa khóc.

“Khi người ấy ôm em vào lòng. Người ấy nói với em thật trầm ấm. Em thấy cuộc đời toàn màu hồng... Mình nhớ chứ. Bây giờ có còn ai nghe bài hát ấy nữa hay không?”.

“Mình vẫn thường nghe cùng anh Vĩnh trong một quán cà phê nhỏ nằm bên con đường trồng toàn cây xuyên mộc. Chừng nào cậu về thành phố mình sẽ dẫn cậu đi”.

Tiếp theo đó là một khoảng lặng yên vô tận. Đan không nhắn gì thêm với em nhưng chừng đó cũng đủ để em yên lòng rằng cậu ấy sẽ mạnh mẽ để vượt qua cuộc tấn công ác hiểm của con virus. Em biết Đan vẫn luôn một mình chịu đựng trong lặng im như thế, khi mẹ lấy quả táo em vừa trao vào tay cậu ấy ném xuống đất, khi nhận đòn thay em vì lén nuôi mèo, khi bị phạt quỳ sau góc bếp vì đá bóng làm rách áo. Tới năm vào lớp mười, Đan không chỉ im lặng với em mà còn cả không bao giờ nhìn thẳng vào mắt em nữa. Thế nhưng em vẫn biết mỗi sáng chiều đi học cậu ấy luôn ở đằng sau một quãng âm thầm bảo vệ em khỏi những trò trêu chọc của lũ con trai tai quái trong trường.

- Anh lớn lên trong trại trẻ mồ côi. Thỉnh thoảng cũng cảm thấy rất cô đơn nhưng có lẽ còn hạnh phúc hơn nhiều đứa trẻ khác.

Anh nói vậy khi em hỏi vì sao lại dành hầu hết thời gian rảnh rỗi cho những chuyến đi đến với trẻ em miền núi. Trong một lần cùng anh lên khám bệnh cho bà con Lũng Cuội, em bất ngờ gặp được Đan, lúc này đã khoác lên mình bộ đồng phục của nhân viên bảo vệ vườn quốc gia Pa Xóng. Mọi thứ ban đầu hết sức khó khăn, Đan lẩn tránh em vì có lẽ hình ảnh em gợi cho cậu ấy nhớ lại những kí ức nên chôn vùi vào quên lãng. Anh trở lại Lũng Cuội nhiều lần để tiếp tục kế hoạch của nhóm thiện nguyện, em trở lại Lũng Cuội vì ở đó có Đan. Thế rồi tất cả đột ngột trở nên dang dở khi dịch bệnh ập đến..

Nếu ngày mai đại dịch này kết thúc, em sẽ làm việc gì đầu tiên?

*

“Bản tin dịch bệnh Covid-19 ngày...: 24 giờ qua có thêm 9.580 ca nhiễm mới. Trong đó có 2470 ca trong cộng đồng”.

Đan báo tin cho em cậu ấy đã xét nghiệm âm tính lần thứ ba.

Anh nói rằng hôm nay bệnh viện dã chiến nơi anh đang làm vừa phải bổ sung thêm một trăm giường mới.

Em nhận tin xen giữa những phấp phỏng âu lo. Năm giờ chiều nay khu phố của gia đình em bị phong tỏa vì xuất hiện một ca nhiễm trong cộng đồng chưa rõ nguồn lây, các biện pháp phòng, chống dịch được kích hoạt ở mức cao nhất. Bố nhận thông báo ở lại cơ quan lấy mẫu test nhanh. Em xác định mình sẽ bám trụ lâu dài trong bệnh viện. Ở nhà chỉ còn mình mẹ. Mẹ gọi điện cho em hoảng hốt:

- Phải làm sao bây giờ Quỳnh ơi. Mẹ sợ lắm.

Khoảnh khắc ấy tự nhiên em thấy thương mẹ vô cùng. Cả cuộc đời mẹ hầu như chẳng có niềm vui. Ngày xưa mẹ phụ việc ở quán cơm, gặp rồi yêu bố em khi đó đã đi làm trong một cơ quan Nhà nước. Hai người đều nghèo như nhau nhưng gia đình bên nội phản đối dữ dội vì nghĩ dù sao bố cũng xứng đáng với một người có học thức cao hơn. Sau khi kết hôn đường công danh của bố ngày càng thăng tiến thì khoảng cách giữa bố và mẹ ngày càng xa. Mẹ còn bị họ hàng ghét bỏ vì chỉ có mình em, không sinh được cho gia đình chồng một đứa con trai nối dõi. Có thể vì lẽ đó mà mẹ nghiệt ngã với Đan ngay từ lúc bố mới đưa cậu ấy về nhà.

Giờ đây khi bóng ma của dịch bệnh cận kề, mẹ bỗng thấy cô đơn và hoảng sợ.

- Mẹ đừng lo gì cả, đã có con đây rồi.

Đừng sợ, có mình ở đây rồi. Đan từng nói câu đó với em khi hai đứa đuổi theo một con mèo hoang rồi đi lạc vào nghĩa địa.

“Đừng sợ, có anh ở đây rồi”. Anh nói vậy khi em hồi hộp đứng trước ca cấp cứu đầu tiên.

Thời gian trôi qua từng giây phút nặng nề. Em ước gì lúc này đây có một bàn tay ấm áp ở bên, như Đan từng nắm tay em dò dẫm qua những ngôi mộ im lìm trong bóng tối, quên cả đói, quên cả rét và cả nỗi sợ hãi trận đòn khốc liệt đang đợi ở nhà. Như anh từng nắm tay em qua chặng đường thực tập y khoa gian khổ nhưng đầy ắp niềm vui, cái ôm đầu tiên, nụ hôn đầu tiên, lời hẹn hò đầu tiên khi hai đứa khoác lên mình chiếc áo blouse màu trắng.

Em cố ngăn mình không được khóc. Đêm nay sẽ dài biết bao nhiêu.

*

“Bản tin dịch bệnh Covid-19 ngày..:  24 giờ qua có thêm 10.280 ca nhiễm mới. Trong đó có 6.021 ca trong cộng đồng”.

Cùng một lúc em nhận được tin kết quả xét nghiệm của mẹ dương tính và tin mình có tên trong danh sách các bác sĩ sẽ lên đường vào Nam đợt tiếp theo. Bác sĩ Châu nói nếu em không thể đi lần này, chị ấy sẽ thay em. Con gái bác sĩ Châu mới vừa tròn hai tuổi.

 Sau phút rối bời, em cầm điện thoại lên gọi cho bố, không biết nên báo tin nào trước tiên.

- Con đã gặp Đan ở Lũng Cuội - Câu đầu tiên tự nhiên thốt ra chẳng liên quan gì với điều em định nói.

-  Bố có lỗi với cậu ấy, cả với mẹ và con nữa - Giọng bố buồn thật buồn - Bố chẳng bao giờ làm được việc gì tử tế cả.

- Bố đừng như vậy - Em bỗng thấy mình nghèn nghẹn - Mẹ phải vào viện vì nhiễm bệnh rồi mà con lại sắp đi công tác xa, con không biết phải làm gì lúc này nữa.

Một khoảnh khắc yên lặng trôi qua, cuối cùng bố khẽ nói:

- Con cứ yên tâm, có bố ở đây rồi.

Em nhận ra mái tóc bố bạc trắng sau một đêm chờ kết quả xét nghiệm mà bỗng thấy lòng đau nhói. Dịch bệnh và những giờ phút đối diện với sinh tử khiến tất cả chúng ta đều thay đổi. Bố mẹ đã già, cuộc đời ngắn ngủi làm sao, bao nhiêu điều bỏ lỡ đầy nuối tiếc.

Một tuần lễ căng thẳng trôi qua, tình hình mẹ ổn định dần, có thể vận động ăn uống bình thường và không còn ho sốt. Chuyến bay chở hai trăm năm mươi bác sĩ  vào Nam đã được ấn định vào mười giờ bốn lăm phút sáng mai. Em biết rằng mình sẽ lên đường mà không thể ghé qua nhà chào bố, cũng không có cơ hội nói lời tạm biệt mẹ đang điều trị trong bệnh viện. Thôi thì hãy để mẹ vững lòng khi nghĩ rằng luôn có con gái ở ngay cạnh đây.

Nắng chói chang lên vòm xuyên mộc lúc em ra sân bay. Những cánh cửa ngôi nhà khép lại bên con đường vắng lặng. Đan nói sẽ thu xếp xin giấy phép trở về thành phố chăm sóc mẹ em sau khi hết thời hạn tự cách ly, bệnh viện đang cần những người khỏi bệnh quay lại giúp đỡ các trường hợp nhiễm Covid-19. “Mình vẫn luôn hy vọng cậu sẽ nguôi ngoai chuyện cũ”. “Mọi thứ đã qua lâu rồi, Quỳnh ạ. Chúng mình còn có hẹn xây nhà thiếu nhi cho trẻ em ở Lũng Cuội vào mùa thu, nhớ nhắc anh Vĩnh sớm trở về để hoàn thành bản thiết kế nhé”.

Em đang đi về phía anh đây. Lúc này hẳn là anh vẫn đang miệt mài với nhiệm vụ trong bệnh viện dã chiến. Có khi nào anh nhớ mùa thu nơi thành phố của chúng ta, nhớ vị cà phê muối và giai điệu La Vie En Rose vẫn thường lắng nghe cùng nhau vào mỗi chiều thứ bảy. “Et des que je lapercois. Alors je sens en moi. Mon coeur qui bat… Và ngay khi em nhìn thấy người ấy. Em cảm thấy bên trong mình. Trái tim em thổn thức...”.

Nếu ngày mai đại dịch này kết thúc, em sẽ làm việc gì đầu tiên?

Đã bao lâu rồi kể từ khi anh hỏi em câu đó.

(vnca.cand.com.vn)