Hình ảnh người mẹ qua tuyển thơ “Giấc mơ sông Thương” của Nguyễn Phúc Lộc Thành - Tuệ Mỹ

27.05.2020

Hình ảnh người mẹ qua tuyển thơ “Giấc mơ sông Thương” của Nguyễn Phúc Lộc Thành - Tuệ Mỹ

Tuyển thơ “Giấc mơ sông Thương” (GMST) của Nguyễn Phúc Lộc Thành (Nxb Hội Nhà văn, năm 2018 gồm 108 bài thơ lục bát từ ba tập thơ “Giấc mơ sông Thương”, “Chiều” và “Chân quê”). Tập thơ đề cập đến nhiều đề tài: Mẹ, Em, Quê hương, Tình người... Lạc vào không gian thơ của “Giấc mơ sông Thương”, tôi hoàn toàn bị mê dụ khi chạm vào mỗi thi ảnh, mỗi ngôn từ... Những cảm xúc về tình yêu con người, tình yêu cuộc sống cùng những khổ đau, hạnh phúc từ thi phẩm cứ ùa vào lòng tôi mà sâu đậm và rõ nét hơn cả là những rung cảm về Mẹ.

Viết về Mẹ, Nguyễn Phúc Lộc Thành thường đặt Mẹ vào “Chiều”. Chiều trong thơ anh nào phải chỉ mang nghĩa thực mà phần lớn mang nghĩa biểu trưng. Chiều, vốn tự thân nó luôn mang nỗi u hoài nên đã vận vào tâm trạng của người con khi nghĩ về Mẹ, về với Mẹ “Trời chiều/ mưa chẳng ngừng tuôn/ Con về đào bốn góc vườn tìm nhau” (Chân quê 9). Mưa chiều chẳng ngừng tuôn vì đồng cảm với nỗi xúc động, bồi hồi của con khi tìm về nơi chôn nhau cắt rốn, nơi Mẹ sinh con ra. Mưa chiều buồn ngập lòng mà “nắng chiều” thì có vui đâu “Nắng chiều/ Kinh Bắc/ phơi phơi/ rưng rưng ngọn bấc/ Đầy trời gió lay” (GMST13). Không “rưng rưng” sao được khi nắng chiều phải chứng kiến buổi chia ly Mẹ tiễn cha ra trận “Chiều nay/ Nắng trắng mòn sông/ Bến Chia Ly trắng / trong trong/ nhàu nhàu”(GMST13). Không phải “Nắng chiều không thắm không vàng vọt” (Tống biệt hành- Thâm Tâm) mà là “Nắng trắng”. Nắng “trắng” đã nhuộm “trắng” Bến Chia Ly. Thi sĩ đã khéo pha màu cho bức tranh đưa tiễn: buồn đau, tang tóc phủ trùm. Và đây nữa Mẹ với “Chiều”: “Mẹ ngồi vắt sữa xuống chiều” (GMST16). “Chiều” trong câu thơ trên có phải là “cõi vô thường”, “cõi trần” được nói đến trong câu thơ này “Mẹ vắt sữa/ xuống vô thường/ đến chay bầu ngực/ còn thương/ cõi trần” (Chân quê 12). Vậy ra, “vắt sữa xuống chiều” đã tôn vinh tầm vóc Mẹ. Mẹ đã dấn thân vào cõi người để làm tròn thiên chức của mình. Có phải vì thế mà hình ảnh “bầu ngực”, “sữa mẹ” cứ láy đi láy lại trong thơ anh như một lời khẳng định cái thiên chức cao cả đó.

“Đêm” còn là thời gian dành cho Mẹ. “Đêm qua/ Mẹ đếm chong chong/ Chờ con/ Ngồi nhặt xác lòng quạnh rơi” (Chân quê 4). Người ta bảo “Thức đêm mới biết đêm dài”. Đối với Mẹ, đêm càng vô tận vì Mẹ phải “đếm” bước đi của đêm trong “chong chong” mòn mỏi để chờ con về. Và vì thế mà đêm đã bào mòn cơ thể Mẹ “Đêm qua/ đáy mắt mẹ ngầu/ nhàu xơ như xác lá trầu héo khô” (Chân quên 4). Sức tàn phá của sự đợi chờ quả thật là khủng khiếp! Với Mẹ, đêm không còn là thời gian nữa mà là không gian: không gian đợi chờ. Nó mênh mông, thăm thẳm, mỏi mòn, “chong chong”.

Nói đến không gian chờ đợi, thi sĩ lại tiếp tục dẫn ta đến một nơi: “Mẹ vịn mòn đá cổng làng/ Lưng chờ võng cả mấy hàng cau cong” (GMST13) để chờ cha từ trận tuyến trở về. Là tượng “vọng phu”? Đúng vậy, nhưng không phải người vợ trông chồng đến hóa đá mà là làm “mòn đá”. Có câu “Nước chảy đá mòn”, vậy mà sự mong chờ mòn mỏi của Mẹ cũng làm “mòn đá” đó thôi. Vô vọng vốn là cái trừu tượng nhưng dưới ngòi bút của Nguyễn Phúc Lộc Thành nó hiển hiện một cách ám ảnh qua “mòn đá cổng làng”. Thi ảnh này càng làm tăng thêm sức nặng cho cái vô vọng của sự đợi chờ khi nó đứng cạnh “Lưng chờ mẹ võng”. Cái lưng cong võng của Mẹ như một dấu hỏi về thời gian đợi chờ. Bao lâu, đến khi nào Mẹ mới thôi đứng đợi? Một câu hỏi không có lời đáp mà chỉ thấy đá cổng làng “mòn” thêm, lưng Mẹ “võng” thêm thôi .

Vốn là người phụ nữ chân quê, nơi Mẹ gắn bó cả một đời không đâu khác là đồng ruộng, dòng sông. Đó là “Sông Thương/ mắt mẹ nông sâu/ Khua chèo Kinh Bắc/ đò câu dùng dằng” (GMST 2). Tại nơi đây “Mẹ già chài lưới tháng ba”, “Mẹ già kéo mẻ lưới tù”. “Chài lưới”, “kéo lưới” vốn là công việc của nam giới nhưng cha ra trận rồi thì ai làm cái công việc khó nhọc này ngoài Mẹ. Chỉ vì một lẽ đơn giản: “Bến Thương/ xăm xắp trời trưa/ Những sợi nước mắt/ thêu thùa đời con” (GMST 16). Để “thêu thùa đời con”, Mẹ phải một đời lam lũ, khổ nhọc “Mẹ giặt chiếc áo nâu sòng/ Tay cào mười ngón xuống lòng sông quê” (GMST 13). Vốn nghèo lại phải một mình nuôi con, Mẹ không thể không vật lộn với cuộc sống. Mong manh, yếu ớt là thế nhưng trong cuộc vật lộn với đói nghèo mẹ trở nên mạnh mẽ vô cùng. Cái “cào” từ tay mẹ vừa có sức mạnh của tình thương con lại vừa có sức nặng của sự chịu đựng đớn đau, khó nhọc. Nếu thương con đến vô cùng thì sức chịu đựng của mẹ cũng bền bỉ vô cùng. Hết sông sâu đến ruộng đồng cằn cỗi, vẫn bàn tay ấy “Bàn tay/ cằn cỗi ruộng đồng/ thấy trong nứt nẻ đòng đòng lên câm” (Chân quê 8). Cả đến khi nhắm mắt xuôi tay, Mẹ vẫn mang theo nhọc nhằn khó khổ “Bàn tay/ mẹ duỗi chiều nay/Móng còn cáu bẩn/ mặt ngày/ nhân gian” (Khúc vĩ thanh 109). Bàn tay Mẹ với “vệt chai sờn” chính là minh chứng “biết nói” về sự hy sinh lặng thầm của mẹ vì con. Giờ Mẹ không còn nhưng bàn tay Mẹ luôn hiện hữu ám ảnh trong tâm tưởng con “Con về/ nghe những chai sờn/ nơi bàn tay mẹ/ khóc hờn giữa đông” (Chân quê 8), “Ngủ đi/ những vết chai sờn/ trên bàn tay mẹ/ dập dờn đói no” (Chân quê 8).

Mẹ ra đi, với con là cả một trời tang. Tiếng nấc cất lên thấu trời “Mẹ ơi/ con nấc ời ời/ tím lên ngằn ngặt/ một trời ấu thơ” (Chân quê 10), “Mẹ ơi/ nước mắt còn tươi/ Còn nguyên quằn quại/ cõi người trên mi”.  Và đau đớn “Cơn đau/ xẻ núi mà về/ Nước mắt từ biển lê thê lên ngày”. Dữ dội đến tàn khốc. Tưởng chừng như trái tim con bị nhấn chìm trong biển nước mắt lê thê. Diễn tả độ sâu, độ mạnh của nỗi đau, xưa có cụ Nguyễn Du với những dòng tuyệt bút “Đau đòi đoạn, ngất đòi phen/ Tỉnh ra lại ngất, ngất rồi lại mê”. Nay, có không ít những dòng thơ hay mang dấu ấn của người viết “Chiều, con mắt lệ đầy vơi/ Giọt dài, giọt vắn/ Mẹ ơi, khóc thầm” (Nguyễn Ngọc Hưng), “Mẹ ơi!/ mây giăng/ kín một góc trời/ ruột gan quặn thắt/ tơi bời/ vấn vương” (Bùi Nguyễn Trường Kiên). Giờ, “Cơn đau/ xẻ núi.../Nước mắt từ biển...” thực sự đã in đậm dấu vân tay của Nguyễn Phúc Lộc Thành.

Mang nỗi đau chất ngất, con ngẩn ngơ đi tìm Mẹ. Nhưng con biết tìm nơi đâu khi Mẹ không còn? Đây rồi “Mẹ nằm/ như ngủ trên cơi”, “Chiều nay/ Cơi vẫn còn đây/ Bình vôi thiếu những đốt gầy ghé thăm/ Lá trầu/ cong dáng Phật nằm/ như vòm lưng mẹ giữa thăm thẳm đời” (Chiều 31). Cơi trầu, lá trầu, bình vôi là những người bạn gắn bó thân thiết với Mẹ già. Mẹ mất nhưng chúng vẫn lưu giữ “những đốt gầy ghé thăm”. Nên nhìn chúng là hình ảnh Mẹ hiển hiện diệu kỳ. Kỳ diệu thật! Lá trầu trong mắt con “như vòm lưng mẹ” lại mang “dáng Phật nằm”. Ánh sáng từ bi lấp lánh nơi hình hài của Mẹ chỉ có thể nhìn thấy được  từ trái tim đầy ắp tình yêu và sự tôn thờ đối với Mẹ mà thôi. Mẹ từ bi nên khi “về”, Mẹ chỉ có thể nằm trong ánh sáng và âm thanh của thiền “Mẹ nằm/ thõng tiếng chuông chùa/ Mõ vào hồi cạn/ Mẹ vừa lạnh vai” và trong vòng tay của Phật “Mẹ nằm/ Bụt khóc cửa đền/ Cội đa/ xõa rễ trắng miền hoa ngâu” (GMST34). Nếu dòng sông quê đã đưa Mẹ bước vào cuộc người thì đó cũng là “cõi đi về” của Mẹ khi đã kết thúc hành trình của kiếp nhân sinh: “Mẹ nằm/ gối sóng lên quê/ Cây thiền trút lá/ bồ đề/ xuống con” (GMST34) “Dòng Thương chờ cốt tro quê/ Đục trong tắm lá bồ đề mẹ tôi” (GMST3). Khi nhập cuộc, Mẹ phải “giặt thương đau”, “tay cào mười ngón”, “chài lưới tháng ba”, “kéo mẻ lưới tù”. “chan nước mắt xuống đồng”... một cách vật vã, đớn đau nhưng khi “về”, Mẹ thảnh thơi bước vào không gian của Phật, Bụt, Thiền, của tiếng mõ chuông, của lá bồ đề... Còn có không gian nào thiêng liêng, thánh thiện hơn thế? Một kết thúc có hậu dành cho cuộc đời của Mẹ!

Viết về Mẹ, có không ít thi sĩ đã đưa người mẹ của chính mình vào trang thơ của họ. Còn người Mẹ trong “Giấc mơ Sông Thương” chỉ là “nhân vật”, là người mẹ của cộng đồng. Nhưng cảm xúc của Nguyễn Phúc Lộc Thành chân thành, mãnh liệt và xúc động vô cùng. Tưởng chừng như tình yêu, lòng biết ơn và sự tôn thờ đối với Mẹ đã trầm tích trong anh tự bao giờ, chỉ cần chạm nhẹ vào là tuôn trào ra đầu ngọn bút để thành thơ. Nên rất tự nhiên dòng cảm xúc ấy cứ chảy vào lòng người đọc khiến họ không thể cầm lòng. “Bài đầu tiên, khi đọc lòng tôi nức nở. Bài thứ hai, thứ ba, thứ tư vẫn vậy, như thể cơn khóc hôm nào mới cất tạm nay lại vỡ ra” (Văn Giá). Trong cõi thơ viết về Mẹ, có bài nào không làm xúc động lòng người? Nhưng để gây được ấn tượng sâu sắc và làm lay động đến miền sâu thẳm của lòng người cần phải kể đến tài năng của thi sĩ. Cũng là lục bát truyền thống nhưng “Thi sĩ Nguyễn Phúc Lộc Thành đã mở ra một không gian mới cho lục bát. Không gian đó chứa đựng sự khám phá cảm xúc, khám phá hình ảnh, khám phá ngôn từ và khám phá ý nghĩa của đời sống tưởng như không có gì để khám phá nữa” (Nguyễn Quang Thiều) và “Nhiều bài thơ, nhiều câu thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành viết trong cảm xúc mộng mị, đến ma mị theo kiểu xuất thần từ cõi vô thức” (Nguyễn Việt Chiến). Chắc hẳn những ý kiến trên là lời lý giải vì sao “Giấc mơ sông Thương” được đông đảo bạn đọc yêu thích và hình ảnh Mẹ trong bộ sách thơ này có sức đọng trong lòng tôi.

T.M