Huyễn hoặc ngày em của Trần Nhã My

07.03.2018

Huyễn hoặc ngày em của Trần Nhã My

Tập thơ thứ 3 của Trần Nhã My, sau 2 tập thơ “Dỗi” 2012, giải thưởng Thơ trẻ của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam 2012 và “Mảnh vỡ không lời” 2015, giải B của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam 2016, ít nhiều đã gây nên sự tò mò, hiếu kỳ, muốn tìm đọc của người yêu thơ đối với Trần Nhã My.

Trước hết là cảm nhận và nhận xét của nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã ở Lâm Đồng, anh viết: “Câu thơ như là thân phận trên dòng kẽ cuộc đời. Nghe xót. Buồn và cô đơn đến cùng tuyệt. Đến đây, thơ Trần Nhã My đã phát lộ những phút lóe sáng. Có thể nói chân dung thơ của nàng từ sợi tóc đến đôi mắt đều có cách khác lạ... Đó là phong cách đầy ấn tượng, vừa tỉnh táo, vừa hôn mê; để cuối cùng trong “Huyễn hoặc ngày em”, nàng sực tỉnh. Giống như một sự “ bừng ngộ” chỉ bằng cái kéo tay của thơ ca trên bước nhân sinh...” (Nhịp thơ như nhịp thở, Nguyễn Thánh Ngã).

Ngã cũng có lý, khi tựa đề tập thơ là “ Huyễn hoặc ngày em”, mà chỉ ngay cái từ “huyễn hoặc” đã như những giấc mơ, sự suy nghĩ vốn mơ mơ, màng màng, thậm chí là... sai lầm hay mê muội, mà Từ điển Tiếng Việt đã định nghĩa hai từ “Huyễn hoặc” là: “ Tự mình hiểu sai hay tin tưởng mù quáng vào một sai lầm nào đó mà mọi suy nghĩ, hành động đều bị chi phối bởi sự sai lầm!” Hoặc giả là: “ Mơ ước xa vời, không có thật mà vẫn mơ ước...” Thế thì, cái huyễn hoặc ấy đã ảnh hưởng gì đến “ngày em”, mà một tâm hồn thi ca, đa sầu, đa cảm, rất phụ nữ và rất đàn bà đã phải tự nhận về em “ngày em” với những đau đáu, nỗi niềm: “ Anh nợ/ đã em từ buổi đầu gặp gỡ/ ánh mắt nhìn trong buổi tiệc vui/ nợ câu đố giữa bàn ăn đoán tuổi...” (Cuối năm nhắc nợ, trang 36), cái nợ vô tình mắc phải từ “Cái buổi ban đầu lưu luyến ấy” là chuỗi nợ liên kết, từ nợ “hè phố”, “bài thơ”, cái nắm tay... cho đến chỗ ngồi và những gì gì nữa mà Nhã My đã... giấu chặt, không nói để cuối cùng khẳng định: “ Em đòi mãi/ đừng hẹn sang năm hay kiếp sau sẽ trả/ hết kiếp này em đòi mãi không thôi...” ta mới sực ngộ ra cái nợ dai dẵng, tiền kiếp của tình yêu, tình nghĩa vợ chồng mà trọn đời khó có thể trả nổi. Thơ hay, bất ngờ chính ở chỗ từ tưởng... chơi chơi, hư hư mà thực đến nao lòng!

Hoa Ti gôn thì chắc ai cũng biết? Và nhiều người lớn tuổi chắc cũng không thể nào quên những bài thơ nổi tiếng của TTKH. Trần Nhã My cũng có 2 bài thơ trong tập nói về hoa Ti gôn ( bài “ Đâu rồi hoa Ti gôn” trang 37 và “ Nụ tím hồng” trang 84, song cái khác lạ, mới và dễ thương đó chính là 2 câu thơ : “ Ti gôn đâu rồi/ hồng tím của em đâu?”, phải chăng đây cũng là cái huyễn hoặc trong những cuộc tình, song cũng đầy những cảm nhận tinh tế, đáng yêu của thơ?

Song hành giữa mê và thực, giữa tỉnh và mơ, Trần Nhã My đã biết sử dụng những con chữ để... “huyễn hoặc” người đọc, chia sẻ và đồng cảm với mình, nhưng thơ My không phải dễ đọc, dễ cảm. Không cũ, nhưng cũng chưa thực là mới tới độ... hậu hiện đại, bí hiểm và vô lối hay cách tân riêng một lối đi. Thơ Trần Nhã My là khúc thức, là sự tự sự, cũng thủ thĩ, thầm thì, rất đàn bà nhưng lại không bạo liệt, nóng bỏng mà nhẹ, rất nhẹ như chính hơi thở: “ Dắt em về với sông Lô/ đêm tĩnh lặng/ nghe rõ từng nhịp thở/ sông im lìm/ không biết chảy ngược xuôi...” (Đêm sông Lô, trang 39), hay như: “ Thua cuộc!/ em đi về phía mong manh/ em đi về nơi không còn gì để có/ nỗi đau em phương này, niềm đau anh phía đó/ sao đo được phần hơn...” ( Anh đau nhiều không, trang 16) và đây nữa: “ Tựa vai anh/ em non dại nghĩ mình độc nhất/ nhiều khi em vô tình quên mất/ trước em, bờ vai này từng là gối tựa những mái tóc đàn bà...” (Bóng cũ, trang 19) đã không còn là sự huyễn hoặc nữa mà đó chính là sự vân vi của một người đàn bà khao khát yêu đương!

Sẻ không là sự hồ đồ, mê muội trong khi yêu, mà Trần Nhã My đã rất “ngộ”, hiểu được và so sánh nó như một bàn cờ tướng mà người “Thua một ván cờ” đã phải “Em một mình ôm quân tướng lang thang”! Không ngộ sẽ không có câu thơ “tự biết” nghe nhói lòng đến vậy!

Edith Sitwell nữ nhà thơ, nhà văn nổi tiếng nước Anh từng nói: “ Thơ là sự thần thánh hóa thực tại” Tình yêu trong thơ Trần Nhã My cũng có lúc được tôn lên là... Thiền, là ... huyệt mộ “ Cuộc đời như một sát na/ anh buông mình trong những chuyến đi xa/ khi nào mỏi mệt/ anh hãy quay về/ vì em là huyệt mộ của anh đây!” (Người đi tìm huyệt mộ” trang 78). Ô ! sao không là Thiên đường, là cõi... nát bàn? Một chuyển hóa, liên tưởng rất... ma mị, nhưng cũng rất đời thường! Đó cũng chính là sự sáng tạo của việc “ thần thánh hóa thực tại”, song lại rất... dễ hiểu và gần gũi với mọi người! 

Thơ và người thơ “huyễn hoặc” nhưng lại không huyễn hoặc người đọc. Ranh giới mong manh giữa 2 bờ hư thực, hình như đã tự xóa nhòa, khi người đọc, bạn yêu thơ biết lắng nghe những câu thơ “huyễn hoặc” nhưng chất đầy tâm trạng của người đàn bà... yêu và mong muốn giữ gìn tình yêu tự trái tim mình...

Bên bờ Vàm Cỏ, tháng 01. 2018
Trần Hoàng Vy
(nhavantphcm.com.vn)