Hy vọng sự khởi sắc của văn học thiếu nhi

29.08.2023
Vân Khánh (thực hiện)
Chất lượng và sức hút của văn học thiếu nhi trong nước lâu nay vẫn là bài toán khó. Gần đây một số cuộc thi, cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi được phát động. Các cuộc thi này chỉ mang tính chất phong trào hay là sự vào cuộc của văn học góp phần phát triển Văn học thiếu nhi nước nhà? Chúng ta cùng bàn luận về vấn đề này với nhà văn Lê Phương Liên - Uỷ viên Hội đồng Văn học thiếu nhi - Hội Nhà văn Việt Nam.

Hy vọng sự khởi sắc của văn học thiếu nhi

Nhà văn Lê Phương Liên và tác giả.

- Thưa nhà văn Lê Phương Liên, theo bà thì văn học thiếu nhi trong nước chưa đủ sức hút đối với độc giả, nguyên nhân vì sao?

+ Trước hết, tôi thấy một điều là văn học thiếu nhi Việt Nam đang đứng trước một thách thức lớn. Chúng ta khoan đã nói đến sự ảnh hưởng của các phương tiện nghe nhìn như tivi, mạng, Facebook ... mà chúng ta chỉ nói vấn đề đọc và nghe sách văn học thiếu nhi thì nó đã có một khoảng cách. Trước đây, các nhà văn viết cho thiếu nhi và độc giả của mình thì khoảng cách không lớn lắm nhưng bây giờ, cảm giác khoảng cách về tuổi tác, nhận thức càng lớn hơn, khoảng cách về đời sống tuổi thơ của những người như thế hệ chúng tôi, kể cả trẻ hơn, 7X, 8X thậm chí 9X thì nó đã khác hẳn thế hệ thiếu nhi thế kỷ 21.

- Đối với các nhà văn, nhà thơ họ chưa mặn mà với mảng văn học thiếu nhi hay đây là địa hạt tưởng như đơn giản nhưng thực ra rất khó, vì không phải ai cũng có thể sáng tác cho thiếu nhi, những cây bút sáng tác mảng này cũng khá hạn chế. Bà nghĩ sao về điều này?

+ Tôi có một ý kiến hơi khác một chút, tức là số người mong muốn được là tác giả viết cho thiếu nhi không phải là ít, thậm chí là nhiều nhưng khả năng viết đến đâu và thành công hay không lại khác. Bởi vì viết cho các em không dễ, nhất là với đời sống nhiều chiều như bây giờ, người viết cần viết cái gì và viết như thế nào để các em thích, quan tâm thì là một thách thức cho nhà văn.

- Vậy các em thiếu nhi - những độc giả nhí cần những điều gì từ các tác phẩm dành cho các em?

+ Có thể thấy rằng, đời sống văn hóa tinh thần của các gia đình Việt Nam hiện nay đã hoàn toàn hội nhập với thế giới. Cuộc sống thay đổi một cách hối hả, mọi sinh hoạt của các em cũng đổi thay, khác biệt so với các thế hệ trước. Lấy một ví dụ nhỏ thôi, ngày xưa trẻ em đi học toàn đi bộ nhưng bây giờ, tất cả trẻ em được đưa đón, chăm sóc quá kỹ lưỡng. Quan sát của nhà văn về vấn đề này, họ hoàn toàn có thể nhập vai để viết những câu chuyện về trẻ con thời nay đi học. Nói rộng ra, mỗi một thời đại thì quan niệm về cuộc sống cũng có sự khác nhau do đó chúng ta phải nhập cuộc thì mới có sự phù hợp được. Tôi là biên tập viên lâu năm của NXB Kim Đồng, tôi quan sát thấy rằng, thế hệ bạn đọc bây giờ quan tâm nhiều hơn đến thể loại trinh thám, viễn tưởng. Tuy nhiên, một điều mà văn học thiếu nhi cần chú trọng đó là tác phẩm văn học thiếu nhi là một thế giới vừa hiện thực nhưng cũng đầy tưởng tượng. Nhiệm vụ của nhà văn là phải viết về thế giới trẻ thơ trong trẻo nhất, đúng với thời đại mà các em đang sống, tất nhiên là không phải bê nguyên xi vào, không chụp lại hiện thực mà phải thông qua lăng kính trẻ thơ, giàu trí tưởng tượng bay bổng.

- Các cuộc thi sáng tác văn học thiếu nhi như giải "Dế mèn", cuộc thi "Đóa hoa đồng thoại" v.v đã mang lại ý nghĩa như thế nào thưa bà?

+ Nhà văn Tô Hoài sinh thời đã từng nói rằng nếu trao giải thưởng cho văn học thiếu nhi một tỉ đi thì có lẽ kích thích thêm nhiều các cây bút lắm. Đó là câu nói vui nhưng cũng là sự mong muốn chính đáng dành cho giải thưởng viết về thiếu nhi. Tôi nghĩ rằng, phải vào cuộc và đưa ra những giá trị lớn cho giải thưởng văn học thiếu nhi là hoàn toàn cần thiết, có ý nghĩa khích lệ đối với các cây viết. Tuy nhiên, việc viết đã đành thì việc đọc cũng vô cùng quan trọng. Việc đọc của công chúng hiện nay, việc đọc của biên tập viên và của ban giám khảo góp phần quan trọng trong việc phát hiện ra những nhân tố tài năng. Con mắt xanh của nhà văn, linh cảm của người đọc là nhà văn sẽ phát hiện, khích lệ và trao giải xứng đáng cho các cây bút. Các cuộc thi viết về thiếu nhi tôi cho rằng cần được nhân rộng thêm nữa, với những thành công và lan tỏa của các cuộc thi mà chúng ta điểm trên đây thì đã góp phần thúc đẩy niềm đam mê, yêu thích viết văn cho mọi lứa tuổi, đặc biệt là các cây viết thiếu nhi. Các em viết cho chính các em và người lớn - những nhà văn viết về các em.

- Là một thành viên Ban giám khảo cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam thì nhà văn Lê Phương Liên thấy sự hưởng ứng của các tác giả đối với cuộc vận động này ra sao?

+ Có một nhà văn đã nhận định là, sau một thời gian kìm nén hơi lâu thì đã có tín hiệu trở lại, nhiều bản thảo gửi đến, có những bản thảo rất dài. Có những bản thảo viết hoàn toàn mới, tôi chưa từng được đọc những bản thảo mới như thế. Đó là điều thật đáng mừng. Sự đổi mới hoàn toàn rõ nét. Tôi hy vọng là hội đồng giám khảo sẽ đồng tình với những cái đột phá, mới mẻ đó. Tôi cũng hy vọng một điều nữa đó là những tác giả đang quan tâm đến cuộc thi, hãy gửi về những bản thảo chất lượng, tinh túy nhất, viết những điều mới mẻ và sáng tạo và điều cốt lõi là mang lại điều gì tốt đẹp nhất dành cho thiếu nhi.

- Tới đây Ban Văn học Thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam có biện pháp cụ thể nào để vực dậy phong trào viết cho thiếu nhi không thưa bà?

+ Tôi nghĩ Hội Nhà văn Việt Nam chỉ cần đưa ra một chủ trương là sẽ làm lại giải thưởng Văn học thiếu nhi thôi. Ban Văn học thiếu nhi sẽ là bộ phận trực tiếp giải quyết vấn đề đó. Thực hiện được tốt việc đó, đã là vô cùng khó khăn rồi. Bởi việc chọn ra được những tác phẩm nào xứng đáng được giải thưởng, đấy cũng là một quá trình không đơn giản. Và chỉ khi nào làm được việc đó, chúng ta mới có một sự hoàn thiện về lí luận Văn học thiếu nhi Việt Nam.

- Trông chờ vào giải thưởng văn học và xem đó là cách duy nhất?

+ Muốn có giải thưởng phải có tác phẩm hay, muốn có tác phẩm hay phải có nhiều biện pháp khác nhau nữa. Ví dụ như tổ chức tọa đàm, các trại sáng tác nhỏ, các cuộc đi thăm anh chị em sáng tác… Những việc ấy, đôi khi không cần chi phí hoành tráng quá mà chỉ là những hành động nhỏ kết nối tình thân ái giữa những nhà văn viết cho thiếu nhi với nhau, giữa những người có chung một chí hướng. Và phải dựa vào rất nhiều sự tự giác của toàn xã hội, không kì vọng quá nhiều vào sự đầu tư của Nhà nước.  

- Chỗ này xin trở lại sân thơ thiếu nhi hồi đầu năm, liệu hoạt động có tác động vào thưởng thức và sáng tác văn học thiếu nhi không, thưa nhà văn?

+ Mặc dù sân thơ được tổ chức một năm một lần vào dịp Rằm tháng Giêng, nhiều người bây giờ đã quen và cảm tưởng rất bình thường. Thực ra, nó có ý nghĩa mở đầu cho một năm. Nếu khởi đầu một năm bằng cảm xúc tươi sáng thì chúng ta sẽ có một động lực, niềm khát vọng sống trong năm mới. Sẽ có một loạt các mĩ từ hay ho để nói về chuyện này. Nhưng tôi nghĩ chúng ta cứ thử xem, thử phát động những hoạt động văn học như thế trong nhà trường, cộng đồng, chúng ta sẽ thấy được sự truyền cảm ấy như những ngọn lửa ấm và sáng của văn học.

Từ kinh nghiệm nhiều năm viết sách cho thiếu nhi, xin bà đề xuất một số giải pháp để nâng cao chất lượng các tác phẩm dành cho thiếu nhi trong thời gian tới, đáp ứng được nhu cầu của các độc giả nhí?

+ Tôi nghĩ rằng nếu người viết yêu tuổi thơ của bạn đọc hôm nay như yêu tuổi thơ của mình trong ký ức thì sẽ thành công. Người viết sẽ biết "hóa thân" vào nhân vật mang tâm hồn bạn đọc hôm nay. Tôi luôn tâm niệm rằng, phải viết làm sao để tác giả là người đọc và người đọc cũng rung cảm với câu chữ của trang sách như là tác giả vậy. Tôi hy vọng, với sự quan tâm tích cực của Hội Nhà văn Việt Nam và toàn thể xã hội, những năm tháng sắp tới văn học thiếu nhi sẽ khởi sắc.

-  Xin trân trọng cảm ơn nhà văn Lê Phương Liên!

(vnca.cand.com.vn)