Khi Hồ Anh Thái viết kịch

28.04.2017

Khi Hồ Anh Thái viết kịch

Trong vai người tiếp nhận, nhà văn Hồ Anh Thái luôn khiến anh em bạn bè ngạc nhiên bởi sự “quá độ” về nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật.

Anh là một con mọt sách; thích nghe nhạc, nhất là dân ca; thích xem phim, và trên phương diện này, với bạn bè Hồ Anh Thái đã trở thành gần như một cuốn từ điển sống về nghệ thuật thứ bảy. Anh đặc biệt mê sân khấu: khi còn ở Hà Nội, thậm chí có vở kịch anh xem vài lần. Ra nước ngoài, anh thường không bỏ lỡ cơ hội vào nhà hát thưởng thức những vở diễn hay. (Hiện anh làm Phó đại sứ ở Indonesia). Trong nhiều tiểu luận, Hồ Anh Thái cho thấy anh là một khán giả sân khấu lịch lãm và tinh tế. Bởi thế, tôi không quá bất ngờ khi Hồ Anh Thái viết kịch.

Vậy, kịch Hồ Anh Thái nói gì?

Chúng nói rằng đây là một thách thức lớn, thậm chí thách thức khó vượt qua đối với các đạo diễn sân khấu nếu muốn đưa chúng lên sàn diễn mà vẫn bảo đảm sự tôn trọng tối đa tính toàn vẹn và trật tự của văn bản kịch phẩm. Đọc cả năm vở trong tập Hồ Anh Thái - Kịch, dễ nhận thấy không vở nào mang cấu trúc hình thức giống với những vở kịch được viết ra để diễn. Nói cách khác, đây là những vở kịch được viết ra với ý hướng tạo tác động thẩm mỹ tới người tiếp nhận thông qua hành vi đọc. Chúng là những vở kịch được viết ra trước hết là để đọc. Có thể nhận diện cái ý hướng để đọc này qua hai đặc điểm:

1. Những dòng chỉ dẫn (in chữ nghiêng) trong các văn bản kịch không khép gọn lại ở hành vi tác giả kịch bản “mách nước” cho đạo diễn về bối cảnh sân khấu, đạo cụ, ánh sáng, âm thanh, trang phục nhân vật. Mà thực sự, chúng là những mô tả về không gian và thời gian của câu chuyện, là những nhát vạch ra diễn biến tâm lý của nhân vật thông qua mô tả ngoại hình hoặc hành động. Nghĩa là, trên phương diện ngôn ngữ, chúng kết hợp với phần lời thoại của các nhân vật một cách hữu cơ, tạo thành một chỉnh thể văn bản ngôn từ thống nhất và đầy đủ.

2. Những đồng hiện hành động và đồng hiện thời gian liên tục trong một hồi kịch, như có thể thấy rất rõ trong năm vở kịch, là điều chỉ thực hiện được bằng những xảo thuật của ngôn ngữ văn chương mà thôi, còn với ngôn ngữ sân khấu, tức ngôn ngữ của-sàn-diễn, thì đó là điều gần như bất khả. Tôi nói “gần như bất khả”, là vì đạo diễn vẫn có thể thực hiện việc chuyển dịch đó bằng cách này hay cách khác, nếu muốn và nếu có đầy đủ phương tiện trợ giúp, song phần chắc là hiệu ứng nghệ thuật trên sân khấu sẽ suy giảm đáng kể so với hiệu ứng nghệ thuật trong văn bản ngôn từ. Tôi không nghĩ Hồ Anh Thái cố tình làm khó các đạo diễn, mà đơn giản vì, xin nhắc lại, kịch của anh trước hết là kịch để đọc. Như thể, qua ngả đường này, anh đang nỗ lực đưa kịch – ít nhất là kịch ở Việt Nam – trở về với cội rễ văn chương của nó, nơi mà vẻ đẹp kịch trước hết và sau cùng phải là vẻ đẹp của ngôn từ. Một ngôn từ đi thẳng từ người viết tới người đọc, không bị cắt xén, không bị bóp méo, không bị đảo lộn.

Kịch Hồ Anh Thái còn nói gì nữa?

Chúng nói rằng đây là sự nối dài của một Hồ Anh Thái văn xuôi, mà đích xác là văn xuôi của giai đoạn kể từ tập truyện ngắn Tự sự 265ngày. Mỗi vở kịch của anh đều chẳng bao giờ chịu đóng khung trong một chủ đề, một “chuyện”. Nó lan man và tung tóe: chuyện thời thế, chuyện cuộc đời, chuyện cõi người, chuyện trong nhà và ngoài phố, chuyện công sở và tư phòng, chuyện quốc gia và quốc tế, chuyện sống và chết của mỗi kiếp nhân sinh… Chẳng phải những chuyện gì xa lạ, nhưng đọc, ta cứ có cảm giác như đang chứng kiến một thế giới lần đầu tiên được “bóc vỏ”. Nó sinh động lạ thường bởi vô vàn những tình huống đời sống vừa hiện thực vừa phi lý, vừa cụ thể vừa khái quát; bởi dày đặc những tình huống ngôn từ được dựng lên qua giễu và nhại và phóng đại; bởi cả những chuyện “ai cũng biết là nói về ai” được tái chế tác rất khéo, thành ra những giai thoại a-nếch-đốt. Nhưng mặt khác, trong mỗi vở, cái thế giới ấy cũng lại cũ rích ra như thể phải chịu một thứ lời nguyền tổ tông chưa hề được xóa bỏ: con người luôn luôn xắng xở trong sự vô minh, vì tham - sân - si mà con người triền miên tự đày đọa mình và đày đọa kẻ khác, để rồi, tất cả rốt cuộc đều chỉ là sắc tướng giả ngụy, tất cả đều vô nghĩa.

Theo tôi, bằng vào sự nối dài ấy, mỗi vở kịch của Hồ Anh Thái đều cho ta cơ hội để có thể cười và suy ngẫm. 

Hoài Nam
(tienphong.vn)