Nhìn núi để nhớ mình

31.05.2017

Nhìn núi để nhớ mình

Là một nhà báo, gắn bó với vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ, Uông Thái Biểu đi nhiều, viết nhiều và trên các hành trình, những lúc đối diện với trang giấy và cây bút, anh lại xúc động làm thơ. Anh đã xuất bản một số tập thơ và đa số nghiêng về kiểu thơ trữ tình. Tập thơ “Nhớ núi”, thấy anh nghĩ nhiều, trăn trở lắm, lúc lại hoài niệm, lúc khác tiếc nuối cho một điều gì đó đã mất đi, không bao giờ trở lại. Đồng nghiệp từng nói, thơ Uông Thái Biểu có chất phong lưu, phóng khoáng. Bởi vậy nên đôi khi anh muốn ôm chầm lấy một ngọn núi, một cơn gió để thổn thức, nghĩ suy và tiếc nuối rồi lục vấn lòng mình. Mình là ai trong cuộc đời này?

“Nhớ núi” có 54 bài thơ, chia đều làm hai phần. Phần một lấy tựa là “Hoa lỡ mùa” có 27 bài. Càng đọc càng thấy tác giả đã chưng cất từ chính những hành trình làm phóng sự, trải nghiệm của một người con yêu quê, yêu đời, kể cả những mảnh đất anh từng đặt chân đến. “Hoa lỡ mùa” là hoa không nở đúng dịp cần thiết, dịp hội tụ của muôn sắc. Hay chính xác chính tác giả đã lỡ mùa, nên mới có câu thơ nhẹ, nhưng quặn đau: “Em hái gió còn ta chờ nhặt gió/ Đời vẫn đi khoan nhặt bước vô thường”. 

Dẫu thế thơ anh vẫn có chất triết lý, những trở trăn nghĩ suy hằn lên bằng những câu thơ: “Trên mặt đất hàng triệu người cày cấy/ Hàng triệu người ngồi nhặt trắng chia đen” (“Điệp khúc”); “Xin thế chấp cả bầu trời/ Vay một trận mưa rào vui mặt đất” (“Thế chấp”)…

Tập thơ cũng có nhiều bài với những câu thơ đầy hoài niệm, như bài “Những trang báo cũ”: “Người ký tên giờ này ở đâu/ Nhân vật tôi cũng chưa hề gặp/ Có lẽ họ đã đi rất xa/ Có lẽ họ đã về với đất/ Giấy thì trắng mà mực lại đen…”, Hay trong bài “Trịnh ca”, lời thơ da diết, da diết đến nao lòng: “Anh khóc thay tiếng bầy chim di trú/ Khóc đớn đau niềm sám hối sau cùng/ Đá cũng vậy trơ lỳ từng sớ/ Dù từng rung những nhịp phách da vàng…”. Hay sự quan sát tinh tế, gợi: “Mẹ lội bùn cấy lúa nắng đeo lưng/ Đòn gánh cong như mặt đời không phẳng…” (bài “Gọi”).

Ở phần hai, với tựa “Câu hát rêu phong”, cũng gồm 27 bài, đưa bạn đọc về với 27 dòng ký ức, 27 niềm mến yêu đằm thắm, trữ tình của tác giả. Uông Thái Biểu làm hiện lên những hình ảnh quen thuộc về dòng sông, những cánh đồng, ngày tháng tuổi thơ, hội làng, dáng núi, thành phố nơi anh từng sống… và những dòng cảm xúc miên man về hội làng mùa xuân, ánh mắt giao duyên đắm đuối. Các địa danh cụ thể như Đà Lạt, miền Trung du Phú Thọ, sông Kỳ Cùng, Huế… cũng vào thơ anh nhuần nhuyễn, như là anh hiểu thậm sâu mỗi vùng đất. Và anh yêu lắm, thương lắm tuổi thơ mình, quê hương mình và vùng ký ức, những mảnh đất anh đến. Thơ anh vì thế thao thiết như tiếng sông Lam, lúc lại vi vu cánh diều, hay tiếng sáo của đám trẻ chăn trâu… và nhiều câu thơ của anh, đau đến tê điếng “Đất khổ phơi mình trời nghèo cúi mặt, tôi nhặt dấu chân mình rơi dưới đáy hoàng hôn”.

Mỗi người làm thơ có một cái tạng. Uông Thái Biểu có cách sống mộc mạc và sâu sắc. Thơ cũng như người, và bóng quê, bóng núi hay các địa danh chính là không gian văn hóa, không gian thơ và cảm hứng sáng tạo. Đời người hữu hạn, không gian sáng tạo là vô hạn. Thơ Uông Thái Biểu có cảm thức về không gian, thời gian. Cảm thức về không gian, sự dịch chuyển cũng là cảm thức về tình yêu trong cuộc sống. Bởi thế, anh nhớ núi cũng là đi tìm mình. Ở bên núi mà nhớ núi, ở bên mình mà vẫn chông chênh đi tìm trong niềm thao thức khôn nguôi. Đó là sự nhạy cảm của những người làm thơ.

Nguyễn Văn Học
(vanhocquenha.vn)