Kí ức và văn học - cộng sinh và sáng tạo

03.11.2023
Võ Nguyễn Bích Duyên
Trong thần thoại Hy Lạp, cuộc hôn phối của thần Zeus và nữ thần Mnemosyne (nữ thần Kí ức) đã sinh ra các nữ thần Muse (những nữ thần Thơ ca). Câu chuyện thần thoại này dù là kết quả của thế giới quan thần linh chủ nghĩa, song lại thể hiện được cái nhìn tinh tế và sắc sảo về tâm lí học sáng tạo. Kí ức chính là cội nguồn của nghệ thuật, trong đó có văn học. Đến lượt mình, văn học lại tác động trở lại kí ức theo nhiều cách khác nhau. Vì vậy, có thể nói, giữa kí ức và văn học tồn tại một quan hệ cộng sinh, cùng tương trợ lại cùng mở ra những chân trời sáng tạo cho nhau.

Kí ức và văn học - cộng sinh và sáng tạo

Mối quan hệ này thể hiện trên nhiều phương diện. Trong đó, nhìn từ phía kí ức, có thể thấy được vai trò vô cùng quan trọng của kí ức đối với sáng tạo văn học. Trước tiên, có thể thấy, kí ức thực sự là một trong những chủ đề quan trọng của văn học. Ở góc độ này, kí ức vừa là chất liệu văn chương, lại vừa là một trong những động lực thúc đẩy nhà văn cầm bút. Viết là con đường phục dựng và tái tạo quá khứ, là hình thức lưu giữ, trao truyền kí ức. Tự truyện, hồi kí, tiểu sử… là những thể loại mà kí ức đóng vai trò tối thượng.

Nói đi, kí ức - một tác phẩm mang dáng dấp hồi kí/ tự truyện của nhà văn người Nga Vladimir Nabokov - hoàn toàn được kiến tạo từ những mảnh kí ức của tác giả về những người thân trong gia đình và quãng đời đã qua của ông. Kí ức về những sự kiện trong tác phẩm và những tác động của những sự kiện đó lên các nhân vật không chỉ làm hiển lộ thân phận con người trong cơn ba đào của lịch sử mà còn góp phần phục dựng bối cảnh xã hội đương thời từ góc nhìn cá nhân chân thực, sinh động và sâu sắc hơn bất kì một trang sử nào. Viết kí ức, do đó, là viết một lịch sử nhân bản và sống động. Nhưng đọc kí ức, trước tiên và sau cùng, là xác định được một chân dung tinh thần, một gương mặt văn chương của người viết - chủ thể của kí ức. Nói đi, kí ức trở thành một trong những cuốn tự truyện nổi bật của thế kỉ XX còn bởi sức ám ảnh của những kí ức cảm xúc mà Nabokov miêu tả trong tác phẩm. Sự kì dị, lạ thường trong suy nghĩ và xúc cảm của Nabokov tạo nên sự khác biệt rất lớn so với các tác phẩm cùng thể loại và góp phần khẳng định tài năng văn chương của tác giả. Kí ức, với tư cách là chất liệu phi hư cấu, tự thân đã có thể là sinh mệnh của những tác phẩm trong thể loại này.

Song kí ức trong văn học, không chỉ dừng lại như là con đường để “đi tìm thời gian đã mất” (Marcel Proust). Kí ức còn trở thành động lực của sự sáng tạo khi viết về kí ức - đặc biệt là những kí ức chấn thương - lại cũng vừa là cách để chủ thể được nhấc gánh nặng kí ức ra khỏi tâm trí. Việc tái hiện những nỗi đau mà bản thân từng đối mặt ẩn chứa rất nhiều ý nghĩa. Trước tiên, theo Almos Golberg, tự thuật lại chấn thương là cách kháng cự lại nguy cơ bị đồng nhất hóa bởi các cách biểu đạt của các thế lực trấn áp, cách chống lại sự hư vô hóa bởi tình trạng im tiếng của chính chủ thể. Mặt khác, viết về kí ức chấn thương là đối mặt với nó. Sự trình diễn lại những chấn thương, sự thuật lại những nỗi đau còn mang ý nghĩa quan trọng, tích cực đối với các chủ thể. Dẫu rằng điều này buộc chủ thể phải sống lại một lần nữa sự kiện gây chấn thương, nhưng nó lại có tác dụng làm hồi phục, xoa dịu, thậm chí ít nhiều chữa lành thế giới tinh thần của họ, giúp họ có thể chịu đựng được các chấn thương. Các nghiên cứu tâm lí đã chỉ ra, việc có thể kể lại các sự kiện đau buồn giúp con người giải tỏa được những gánh nặng tâm lí. Viết về kí ức, từ góc độ này mang tính năng kép: vừa là để lưu giữ kí ức, vừa là để lãng quên.

Các nghiên cứu về kí ức văn hóa của Jan Assmann đã đề cập đến vấn đề kí ức “văn học”. Bản thân văn học đã mang tính kí ức vì các tác phẩm xuất hiện sau đều mang vác và vận chuyển những lớp trầm tích kí ức về hình thức thể loại. Kí ức về thể loại có thể được biểu hiện ở hai hình thức. Trước hết, tác phẩm văn học nào cũng được xác định về mặt thể loại dựa trên những đặc điểm thể loại của nó. Các đặc điểm của thể loại chính là kí ức về thể loại. Ở một dạng thức khác, nhà văn có thể sử dụng kí ức thể loại để kiến tạo nên một tác phẩm dung chứa được nhiều thể loại, thậm chí từ đó tạo ra một thể loại mới. Bản chất kí ức của văn học còn được thể hiện ở tính liên văn bản của tác phẩm khi nó có thể chứa đựng kí ức về những văn bản/ tác phẩm khác, hoặc vô thức, hoặc hữu thức.

W.G. Sebald, nhà văn, học giả người Đức quan trọng sau Thế chiến thứ hai, trong tiểu thuyết của mình đã liên tục pha trộn, lai ghép các thể loại khác nhau, tạo nên cái gọi là “thi pháp hỗn hợp” dung chứa các đặc tính của nhiều thể loại khác nhau: hư cấu và phi hư cấu, tiểu sử và tiểu thuyết, chính sử và dã sử… Ngoài ra, việc Sebald sử dụng các tác phẩm của các tác giả khác (Stendhal, Kafka, Borges…) hay những chi tiết tiểu sử của các tác giả văn học (Nabokov, Kafka, Stendhal…) như một chất liệu để kiến tạo nên các truyện kể cũng là một dạng thức gọi dậy và di truyền những kí ức văn học trong tác phẩm của mình. Việc tái tạo những kí ức văn hóa này không chỉ phản ánh cái nhìn lịch sử của Sebald, những dự cảm về sự tàn hủy của cả kí ức, hiện tại và tương lai, mà còn mở ra những khả thể của việc viết từ phương diện nội dung đến hình thức nghệ thuật từ góc độ kí ức.

Mối quan hệ giữa kí ức và văn học không mang tính chất một chiều, mà là sự cộng sinh. Kí ức, một mặt, là nguồn cội của sự sinh thành, là chất dưỡng nuôi cho hình hài một tác phẩm. Nhưng vì văn học là nơi kí ức được kí gửi, nên văn học trở thành phương tiện vận chuyển kí ức về phía tương lai. Văn học là một kho lưu trữ kí ức, không chỉ của cá nhân mà còn của nhóm, tập thể, cộng đồng, dân tộc, quốc gia và cả nhân loại. Năng lực dung chứa và chuyên chở kí ức của văn học vượt qua rất nhiều giới hạn. Văn học có thể có kí ức của câu chuyện trăm năm hoặc một khoảnh khắc. Văn học có thể có kí ức của câu chuyện xuyên biên giới hoặc một điểm bất kì trong không gian. Văn học có thể giữ lại kí ức về cuộc đại chiến thế giới, cũng có thể giữ lại kí ức của một mùi hương, một cảm xúc tế vi. Và văn học còn có thể vĩnh cửu hóa mọi kí ức mà nó mang vác như cái cách mà Marcel Proust, với Đi tìm thời gian đã mất, đã vĩnh cửu hóa khoảnh khắc cái bánh madeleine gợi dậy quãng đời niên thiếu của mình, trở thành cái bánh “huyền thoại” trong nghiên cứu về Proust và về lãnh địa của kí ức.

Phương tiện của kí ức, theo quan điểm của các nhà nghiên cứu kí ức, rất đa dạng, từ di tích cho đến tàn tích, từ đài tưởng niệm cho đến vật lưu niệm, từ tác phẩm văn học cho đến nhiếp ảnh, từ ngôn ngữ cho đến cơ thể con người… Song khả năng tự sự hóa kí ức và tái tạo kí ức của văn học linh hoạt hơn cả. Bản chất của kí ức là phân mảnh và vụn vỡ, vì kí ức luôn luôn được “nhớ lại” - một hoạt động tâm lí không phải lúc nào cũng cho một kết quả chính xác như nó vốn có. Sự thực của kí ức trong các tự sự văn học là một sự thật được tường thuật lại, nó không chỉ bị chi phối bởi sự sai lệch của quy luật hồi nhớ mà còn được sửa chỉnh lại cho phù hợp, vừa vặn với ý hướng sáng tạo của tác giả. Đây là lúc kí ức được sáng tạo lại trong văn học. Và tùy vào thành công của tác phẩm mà kí ức giờ đây có thể được mang một vóc dáng, thậm chí là một bản mệnh mới khi nó có thể dịch chuyển từ vùng hư cấu sang phi hư cấu, từ dã sử sang chính sử, từ ngoại biên vào trung tâm… Tại đây, người ta có thể thấy được rõ nhất quyền năng của văn học đối với kí ức: đó là tạo ra kí ức. Trong các tác phẩm của Mạc Ngôn, Diêm Liên Khoa - những gương mặt tiêu biểu của văn học đương đại Trung Quốc - kí ức về những giai đoạn lịch sử không thể quên của đất nước được hình thành từ sự hư cấu hóa những sự thực. Người đọc khi bước chân vào thế giới của những vùng đất quá khứ trong sáng tác của hai ông sẽ tự động lưu giữ những kí ức ấy như là một lớp kí ức đầy chân thực và sinh động.

Những năm nửa sau thế kỉ XX trở lại đây, kí ức là một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm nhiệt thành của các nhà nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực khác nhau, như xã hội học, sinh học, y học, thần kinh học, văn hóa học, chính trị học, văn học… Các khái niệm khác nhau về kí ức và các loại kí ức, cơ chế hoạt động và vai trò của kí ức trong đời sống cá nhân và tập thể ở mọi phương diện của nó không ngừng được xác định, phân tích và giải mã. Tất cả tạo nên cái gọi là “quả bom kí ức” hay “cơn sốt kí ức”.

Nguyên nhân sâu xa của hiện tượng này phần lớn bắt đầu từ dự cảm về một nguy cơ đặc biệt nghiêm trọng: sự lãng quên của con người trong thời đại công nghệ đa phương tiện. Sự bùng nổ gần như khó kiểm soát, sự dễ dàng của việc nhân bản, lưu trữ, mã hóa và truy xuất của hình ảnh và thông tin… thay vì hỗ trợ con người trong việc ghi nhớ quá khứ thì lại khiến họ lãng quên kí ức nhiều và nhanh hơn. Nhưng kí ức là bản sắc, là căn tính, là tương lai không phải chỉ của một cá nhân đơn lẻ mà nó là của cả một tập thể, một cộng đồng, một dân tộc, một khu vực. Lãng quên kí ức sẽ dẫn đến những xáo trộn và mất mát cho chủ thể của nó.

Ở Việt Nam, chỉ vài ba thập kỉ nữa thôi, những nhân chứng sống của những sự kiện lịch sử quan trọng và nổi bật của đất nước ta, trong đó có các cuộc chiến tranh, sẽ biến mất hoàn toàn. Kí ức của thế hệ thứ nhất đã vĩnh viễn không thể được tìm thấy, chỉ còn lại “hậu kí ức” (Marianne Hirsch) của thế hệ thứ hai và của những thế hệ kế tiếp. Nguy cơ kí ức về một quá khứ gần của dân tộc bị lãng quên, bị biến dạng, bị phân mảnh, bị chiếm dụng… là không thể phủ nhận. Làm thế nào để không thất lạc kí ức và chống lại sự hư vô hóa kí ức trong một thế giới mà sự hình thành một kí ức cũng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết như hiện nay? Mối quan hệ cộng sinh và sáng tạo giữa kí ức và văn học đặt cho văn học trách nhiệm phải dự phần vào việc tìm kiếm một câu trả lời khả dĩ cho nan đề cấp bách này, vì như nhà văn W.S. Sebald từng xác định, rằng cốt lõi đạo đức của văn chương chính là kí ức.

(VNQĐ)