KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH NHÀ VĂN NGUYỄN VĂN XUÂN (10/5/1921 - 10/5/2021): Nguyễn Văn Xuân - Nhân tích vùng văn hoá xứ Quảng

05.05.2021
Vũ Đình Anh

KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH NHÀ VĂN NGUYỄN VĂN XUÂN (10/5/1921 - 10/5/2021): Nguyễn Văn Xuân - Nhân tích vùng văn hoá xứ Quảng

Nguyễn Văn Xuân sinh tại làng Thanh Chiêm, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam - đây là vùng đất còn lưu giữ nhiều dấu tích của lịch sử, văn hóa. Ông sớm có ý thức tìm tòi, học hỏi nên rất am tường về quê hương, từ đó, đã viết nên những tác phẩm ấn tượng sâu sắc về lịch sử, văn hóa và con người vùng đất “phên giậu” của Tổ quốc. Nhờ tập trung cao độ vào một vùng đất như vậy, ông mới khai thác được nhiều nhất những tầng vỉa giá trị nơi mảnh đất ông sinh thành và sinh sống. Đó cũng chính là đóng góp lớn của ông. Bởi văn hóa xứ Quảng là một bộ phận hữu cơ, không tách rời của văn hóa dân tộc. Câu chuyện của một vùng đất, của những số phận nơi đây rất tiêu biểu, nó đã vượt qua phạm vi một vùng quê để vươn tới những những vấn đề sâu sắc, cao cả, đầy tính nhân văn của người Việt Nam trên khắp mọi miền quê, vươn tới những vấn đề lớn lao của đất nước. Đó là một điều rất khó nhưng ngòi bút Nguyễn Văn Xuân đã làm được.

Chính tình yêu quê hương, cảm quan văn hóa, lịch sử xứ Quảng là sợi dây kết nối, tạo nên sự thống nhất và tầm vóc của Nguyễn Văn Xuân. Đó cũng là tâm niệm của ông: “Viết sử một ngôi làng cần một đời người”. Ông cũng khẳng định, mình chuyên tâm nghiên cứu về nơi chôn nhau, cắt rốn không phải do “cục bộ, địa phương” mà là “như một người con hiếu thảo chăm lo hương khói cho tổ tiên xứ sở của mình”. Nhà Quảng Nam học mong muốn “góp phần đừng để lãng quên những gì xứ Quảng đã đóng góp cho dân tộc suốt những thế kỷ qua vì sự lãng quên ấy là có tội với tiền nhân và dân tộc”(1).

Điều đó được thể hiện rõ nhất và sâu sắc qua việc Nguyễn Văn Xuân lựa chọn ở lại để cống hiến cho quê hương xứ Quảng sau năm 1954. Giai đoạn từ năm 1945 đến 1954, ông tham gia và giữ một số vai trò như Ủy viên kịch nghệ của Hội Văn nghệ Quảng Nam và ủy viên kịch nghệ Hội Văn nghệ Liên khu V... Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, vấn đề băn khoăn nhất của ông đó là đi ra Bắc, vào Sài Gòn hay ở lại quê hương. Đây chính là một sự lựa chọn khó khăn, nhất là khi bạn bè ông đã ra Bắc, hoặc vào Nam. Mà Sài Gòn là nơi ông từng sống một thời gian trước 1945, “nơi tôi có nhiều bạn bè, nơi chắc chắn tôi có đời sống bảo đảm nhiều mặt mà không phải lo sợ những va chạm với tính đố kỵ thường xảy ra. Vùng này với những người vừa ham cãi, vừa hiếu động, tự dưng mang vạ lây vào mình”(2). Cuối cùng, quyết định của ông là ở lại gắn bó với xứ Quảng. Đó là sự lựa chọn của một người con nặng lòng gắn bó với nơi chôn rau cắt rốn để cống hiến, đóng góp cho quê hương.

Việc tìm hiểu, gìn giữ, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa và văn học địa phương là hướng nghiên cứu khó khăn nhưng nếu thành công sẽ có nhiều đóng góp. Bởi ông đọc nhiều sách phương Tây, nhận thấy nghiên cứu địa phương học là một hướng tiếp cận khả thi. Vì vậy, trong cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, ông cho rằng: “Tôi là một người địa phương học, - Nguyễn Văn Xuân nói - nhưng không phải địa phương học theo nghĩa cũ, mà là theo nghĩa mới. Việc nghiên cứu xã hội, theo tôi, không phải là chép chỗ này một ít chỗ kia một ít, mà phải nghiên cứu thực tế sự việc, phong tục, văn hóa...”(3). Bởi vậy, từ “sau 1954, tôi đã viết dễ có đến mấy ngàn trang để tìm hiểu cho được cái tính bản địa của Quảng Nam để từ đó nhìn ra đất nước mình, dân tộc mình. Phục vụ tối đa cho bản địa cũng là phục vụ tối đa cho đất nước, cho cộng đồng, hướng đi ấy nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu trên thế giới đã đi”(4).

Quan niệm này của Nguyễn Văn Xuân có lẽ phần nào được khởi dẫn từ thiên tài người Đức J.W.Goethe. Ngay từ khi là chàng thanh niên 16 tuổi luôn ôm ấp mộng văn chương đã đọc, đã tìm hiểu và “Từ đó, tôi đâm ra say mê và phụng thờ Goethe... Tôi sớm nhận thức tình cảm lớn lao, tốt đẹp, đa dạng, tân kỳ chính là nhờ sự dẫn khởi của Goethe” (Bão rừng). Trong suốt cuộc đời sáng tác và trước tác của ông, tôi chưa thấy Nguyễn Văn Xuân ngợi ca một nhà văn, học giả nào hơn thế. Ông tự nhận mình bị thu hút và coi J.W. Goethe là thần tượng cần hướng tới. Nhà văn đã thốt lên rằng: “Hỡi Goethe, thiên tài đa dạng và vĩnh viễn; trong sự cô độc, trong cái ô trọc của thế nhân, tôi luôn luôn hướng về hình ảnh của người như hoa hướng dương tìm dấu mặt trời” (Bão rừng). Mà nói đến Goethe, chính là Karl Marx (vị lãnh tụ thiên tài của giai cấp vô sản toàn thế giới) cũng cho rằng Goethe là “người Đức vĩ đại nhất”. Khi đề cập về Goethe, chúng ta đều biết thiên tài này rất đề cao vai trò tính dân tộc trong văn học nghệ thuật, rằng “Không một nghệ sĩ nào lẫn trường phái nào được quan sát một cách biệt lập, nó liên quan tới vùng đất nơi anh ta sống, với công chúng của dân tộc mình, với thế kỷ này”(5). Những quan niệm của Goethe, sau này, sẽ trở thành luận điểm chủ đạo của trường phái văn hóa - lịch sử trong nghiên cứu, lý luận văn nghệ trên thế giới. Và đó cũng là quan điểm chủ đạo trong sáng tác và nghiên cứu của nhà Quảng học.

Những nét văn hóa của địa phương đã thấm vào máu thịt, đã nuôi dưỡng tâm hồn, đã hình thành cốt cách, con người nơi ông. Tình yêu sâu sắc dành cho nơi chôn rau cắt rốn đã thôi thúc ông “ghi lại một nét ý chí, một sắc thái địa phương và hiển nhiên cũng là của dân tộc” (Hương máu). Từ cảnh sắc thiên nhiên cho đến con người với những nét tính cách đặc trưng, từ những sự kiện, những câu chuyện trong dân gian cho đến các di sản, các lĩnh vực, các ngành nghề, quá trình phát triển... của xứ Quảng đều được ông khám phá và ghi lại. Nhưng điều đặc biệt nơi ông là tư duy độc lập, sắc sảo, phát hiện được nhiều vấn đề mới và luôn hướng tới tiêu chí phát triển nước nhà.

Mối quan tâm lớn nhất của Nguyễn Văn Xuân chính là các nhân vật lịch sử của quê hương. Có thể họ là những danh nhân đã xả thân cho đất nước như Phan Châu Trinh, Ông Ích Khiêm, Hoàng Diệu, Nguyễn Duy Hiệu, Phan Bá Phiến, Trần Cao Vân, Thái Phiên, Hồ Học... hay là những “con chó săn đắc lực” của thực dân Pháp như Nguyễn Thân và những kẻ tay sai, phản bội (truyện Hương máu, Viên đội hầu). Ông cũng chú ý đến những người dân thường vô danh như anh Bốn, chị Mững, thằng Thu, ông Tú Bình... (truyện Hương máu, Cái giỏ, Thằng Thu, Chiếc cáng điều). Họ có thể được lịch sử ghi chép lại hay chỉ được truyền miệng với nhau trong các câu chuyện dưới tán cây, bên ly nước trà thì họ cũng chính là những chứng nhân của một giai đoạn lịch sử, họ mang vác các nét tính cách của con người xứ Quảng quê ông. Mỗi nhân vật được nhấn mạnh, đề cao ở những nét tính cách khác nhau, có tốt, có xấu, có yêu nước, có bán nước, có anh dũng, có hèn nhát... nên họ có thể được ngợi ca hay bị phê phán, đó chính là những người đã tồn tại ở xứ Quảng được nhà văn đưa vào tác phẩm của mình. Ông là người ý thức rất sâu sắc vấn đề tân học và cựu học, đây chính là điểm cốt yếu, xuyên suốt của các thế hệ trí thức Việt Nam nếu đặt nó trong hệ thống. Và ông nhận ra nhiều nhà nho của quê hương ông đã đi đầu trong canh tân để đưa đất nước phát triển, đã đặt nhân dân lên “ngai vàng” thay vì mãi cúi đầu trước vua quan.

Ông cũng quan tâm đến những phong tục, tập quán, lối sống, thói quen của những người cùng quê. Có thể là các tập tục đón tết truyền thống, thú chơi bài bạc ngày xuân, tục lệ của xóm ăn mày hay ăn cắp bên chợ Hàn, tệ mê tín, cầu cúng (Bài bạc ngày xuân, Kẻ trộm cuối năm, Dư ở phường Xoan, Lão thầy bói...). Đó là “lệ trả nợ miệng”, thể hiện danh giá qua đám giỗ, chạp, hiếu hỷ nặng nề, phiền phức (Ngày giỗ cha). Cũng có khi đáng khen như việc quý mến, giúp đỡ người cùng quê khi ra thành phố, nhưng nếu xét về mục đích thì có thể là đáng trách vì chỉ muốn thể hiện danh tiếng với xóm làng chứ chẳng phải do thực tâm (Cố hương). Rồi thì dư luận chốn thôn quê có tác động sâu rộng nhưng nhiều khi thiếu căn cứ, chỉ dựa vào vài lời đồn đại vu vơ (Thằng Thu). Rất nhiều nét văn hóa của làng xóm, quê hương, đất nước như thế đã được nhà văn xứ Quảng lưu giữ lại.

Nguyễn Văn Xuân nhìn thấy sự khắc nghiệt, dữ dội của thiên nhiên nơi vùng đất “ô châu ác địa”. Đó là nạn hạn hán nặng nề, bão lũ dữ dằn đe dọa tính mạng, tài sản của những người dân quê khốn khổ quanh năm (Cái quần, Cây đa đồn cũ, Xóm mới). Hay số phận mong manh của phận người giữa biển trời bao la mà một cơn giận dữ của thiên nhiên cũng khiến bao mạng người nằm lại nơi nấm mồ không nắp là mặt biển bao la (Ngày cuối năm trên đảo). Những trang sách với bút pháp tả thực thiên nhiên khắc nghiệt gây nên biết bao cái chết khiến chúng ta không khỏi bàng hoàng xúc động. Người dân xứ Quảng, miền Trung phải gồng mình ứng phó giữa thiên nhiên, đất trời dữ dội như thế. Song, cái hay của Nguyễn Văn Xuân là dù viết về thực tại khốc liệt nhưng con người luôn đủ bản lĩnh để vươn lên.

Nguyễn Văn Xuân cũng dành sự quan tâm về tiến trình lịch sử của xứ Quảng, và đặt nó trong tiến trình phát triển của Việt Nam. Đứng về phương diện sử liệu, với sự cẩn trọng, tác giả đã tiếp cận và khai thác được rất nhiều dạng thức tài liệu khác nhau. Từ văn bia, gia phả, bút kí đến các tài liệu thành văn cả trong và ngoài nước. Về nội dung, các bài viết, các công trình của tác giả đã gần như đề cập tương đối đầy đủ các phương diện đời sống xã hội trong quá trình phát triển. Các phân tích và nhận định, Nhà Quảng học cũng đã đưa đến nhiều nhận thức mới và cả những trải nghiệm mới đối với các giá trị văn hóa của vùng đất này. Chính vì vậy, các tác phẩm của ông vừa cho thấy sự gần gũi, gắn bó, tính bình dị vừa bao quát được những sắc thái của đời sống thường nhật. Nét độc đáo trong các tác phẩm của ông khi viết về vùng đất xứ Quảng còn được thể hiện qua quan điểm, lập trường của người nghiên cứu. Với tư duy độc lập, cộng thêm đặc trưng “hay cãi”, Nguyễn Văn Xuân đã tự mình phản biện rất nhiều vấn đề ẩn khuất trong lịch sử. Để từ đó, đưa ra những lập luận và lí giải cũng như bổ sung các minh chứng để làm sáng tỏ vấn đề. Có thể nói rằng, các nghiên cứu của ông về vùng đất xứ Quảng đã có được những dấu ấn độc đáo và quan trọng.

Dù là người “yêu quê hương đến mức nồng nhiệt như thế kể cũng hiếm thấy” (Trần Hữu Tá) nhưng ông lại rất tỉnh táo để nhận ra cái nào là hay, là dở,

là tốt, là xấu với mong muốn người Quảng nói riêng, dân mình, quan mình nói chung biết để tự sửa đổi, tự điều chỉnh (Vụ tai tiếng lớn nhất về ngoại thương Việt Nam giữa thế kỷ XVIII, Từ ngũ phụng tề phi đến ngũ phụng bất tề phi). Nên nhà Quảng học cũng có nhiều bài phê phán những tập quán, quan niệm cổ hủ, lạc hậu với mong muốn canh tân, đổi mới vì mục tiêu đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân; vì nền độc lập và sự phát triển của nước nhà. Vì vậy, ông khẳng định rất rõ rằng: “Bản sắc dân tộc không chỉ duy trì cho cái cũ có giá trị mà chính nó tạo nên tập tục cho các giá trị mới trở thành truyền thống mới để phát triển” (Bản sắc dân tộc ứng dụng vào đổi mới).

Nói chung, nếu Nguyễn Văn Xuân đánh giá cao vai trò của các nhà nho tân học, các trí thức xứ Quảng thì tôi cũng xem ông là một trong những nhà trí thức đó. Điều này được thể hiện qua sức đọc và tầm hiểu biết sâu rộng, qua các sáng tác về văn hóa, văn chương, qua một khối lượng rất đồ sộ các công trình, các bài viết về sử học, về vùng đất quê hương... Những quan điểm, cách viết rất riêng của Nguyễn Văn Xuân đã khơi gợi nhiều hướng đi mới và cả cách nhìn nhận, đánh giá về các nhân vật, sự kiện, vùng đất, phong trào đã diễn ra trong tiến trình lịch sử dân tộc. Học giả xứ Quảng thực sự đã để lại cho các thế hệ hôm nay rất nhiều bài học đáng trân quý. Đó là thái độ làm việc nghiêm túc, cần mẫn; là sự coi trọng các nguồn sử liệu gốc khi nghiên cứu; là tư duy phản biện, đối chiếu so sánh khi nhìn nhận, phân tích hay đánh giá một vấn đề gì thuộc về lịch sử; là các kinh nghiệm, gợi mở cho cuộc sống hôm nay.

 

(1) Dương Trung Quốc “Lời bạt: Nhà Quảng học”, Tuyển tập Nguyễn Văn Xuân, Nxb. Đà Nẵng (2002), tr.1007.

(2) Nguyễn Văn Xuân “Nguyễn Văn Xuân toàn tập”, tập 7 (2020), tr.279.

(3) Lại Nguyên Ân “Gặp nhà văn Nguyễn Văn Xuân” (2019), http://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/gap-nha-van-nguyen-van-xuan, (Tạp chí Văn hóa Nghệ An)

(4) Thanh Thảo phỏng vấn “Nhà văn - nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân: Tôi viết nghiên cứu bắt đầu do... hay cãi”, Báo Thể thao và Văn hóa (2002), số 65, ngày 13/8/2002.

(5) Dẫn theo Phạm Ngọc Hiển (2009), J.W.GỚT, G.W.PH. HÊGHEN, C.MÁC: Bàn Về Tính Dân Tộc Trong Văn Nghệ, https://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=9987, ngày 15/04/2009