Lê Thanh Xuân, mai kia theo gió về đâu

16.11.2022
Huỳnh Văn Hoa

Lê Thanh Xuân, mai kia theo gió về đâu

Lê Thanh Xuân sinh năm 1947 tại làng Vân Ly, xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Học trung học tại trường Nguyễn Duy Hiệu - Điện Bàn và trường Trung học Phan Thanh Giản - Đà Nẵng. Tốt nghiệp Tú tài phần II, theo học Đại học Khoa học Sài Gòn, ngành Hóa học.

Giảng dạy tại các trường: Trung học Hòa Vang, Trung học Phan Châu Trinh và Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng). Viết nhiều bộ sách về bộ môn hóa học.

Trước 1975, có thơ đăng trên tạp chí Văn, ký bút hiệu Lê Thanh Xuân, Tôn Nữ Đạm Thúy. Có ý thức đổi mới hình ảnh và ngôn ngữ thơ, không lạm dụng các hình thức tu từ. Thể nghiệm sáng tạo qua nhiều thể loại, từ lục bát đến thơ tự do.

Lê Thanh Xuân là người làm thơ xứ Quảng viết rất ít, sớm có thơ đăng trên tạp chí Văn, một tạp chí văn chương nghệ thuật sang trọng và nổi tiếng tại miền Nam trước 1975. Khởi đi ban đầu là những bài lục bát, gần gũi với ca dao, dân ca. Nhiều hình ảnh, giai điệu mang hương sắc của văn học dân gian. Đây là điều hiếm thấy ở những cây bút trẻ thời bấy giờ. Vốn dĩ là người theo khoa học tự nhiên, gần với những con số, những công thức, những thuật ngữ, những chất và khái niệm hóa học. Vậy mà, trên Văn, số 29, ngày 1-3-1965, số Tưởng niệm Lê Văn Trương, bài Điệu sầu, 6 câu, viết theo thể lục bát, ở đó, có buổi chiều nắng tím, có cánh én xưa lạc ngoài dặm mây, có lời ru là nước mắt và cả nỗi buồn mùa thu rơi lạnh xuống đôi tay. Lời ru bằng nước mắt là lời ru buồn. Từ buổi chiều chuyển sang bóng tối sa mù cũng là bước chuyển của tâm trạng, của trạng thái:

Buổi chiều nắng tím hoa phai

Én xưa cánh lạc bay ngoài dặm mây

Ru em bằng nước mắt này

Buồn thu lạnh xuống đôi tay giã từ

Hai câu cuối là hai câu thơ hay, sa mù và khuất nẻo, dưới vòm cây với đôi bờ mắt xa:

Trùng vây bóng tối sa mù

Vời trông cây khuất đôi bờ mắt xa.

Trên tạp chí Văn, số 53, ngày 15-02-1966, in liên tiếp hai bài, bài Niềm ao ước cuối cùng và Dòng nước vô tình. Hiếm khi tạp chí Văn in hai bài thơ của một tác giả trong cùng một số, nhất là đối với người viết trẻ.

Bài Niềm ao ước cuối cùng có số dòng vừa phải, 20 dòng. Thử đi tìm về niềm ao ước và tại sao là niềm ao ước cuối cùng? Lý giải nội dung để đánh giá bài thơ.

Niềm ao ước cuối cùng, bài thơ có hai nhân vật trữ tình: anh và em. Anh là "đêm đen", "rình em từng giấc ngủ/ từng giấc ngủ đắm mình trong mê sảng/ anh là sự hãi hùng/ mỗi đêm về máu me đầy mặt/ mắt đỏ ngầu như hai giọt hỏa châu/ hai giọt hỏa châu từng đêm dòng dòng như lệ mẹ/ em nép mình nghe súng nổ chung quanh.

Còn em, em gọi tên mình như gọi tên người chưa quen/ tóc của rừng nổi từng vùng giông bão/ hai nhánh tay gầy em quấn lấy cô đơn nệm gối chiếu chăn và cuộc đời sau lưng trước mặt/ con chim di cánh xám chở mùa đông/ những mùa đông mưa lụt hồn tưởng nhớ/ em bơi hoài trong tê cóng tuổi xuân.

Ta có cảm giác, "anh" và "em" như hai tinh cầu xa lạ. Hình ảnh hai giọt hỏa châu đỏ ngầu như hai giọt lệ của mẹ, đêm đêm dòng dòng đổ xuống, ám ảnh, chia cắt, con chim di mùa đông, tê cóng tuổi xuân, hoài vọng:  

con chim di cánh xám chở mùa đông

những mùa đông mưa lụt hồn tưởng nhớ

em bơi hoài trong tê cóng tuổi xuân.

Cuối cùng, em tự nhận mình là kẻ khổ sai chung thân, mang bản án treo hai hàng nước mắt, một nỗi cay uất khôn nguôi và không cùng về cõi chết, với dòng thơ đầy u uẩn:

tấm bia ngày tháng chữ phai mờ

Chủ nghĩa hiện sinh vào miền Nam, ảnh hưởng đến giới trẻ và trí thức. Từ đó, đi vào văn chương nghệ thuật, tùy mức độ tiếp nhận và thể hiện của từng người. Trong trường hợp thơ Lê Thanh Xuân, vẫn nhận ra những hình ảnh, cảm xúc của nhà thơ về sự cô đơn và bơ vơ của con người (hai nhánh tay gầy em quấn lấy cô đơn), nỗi ám ảnh khôn nguôi về cõi chết, về sự tê cóng tuổi xuân và hãi hùng trong tâm trạng. Đích đến của con người là tự do. Vì thế, dòng thơ cuối cùng:

cho em xin một lần nằm nghe anh kể lể

Và, đó là niềm ao ước cuối cùng, chỉ có điều, niềm ao ước ấy không như mong đợi của con người, chiến tranh (hình ảnh hỏa châu đỏ mắt/ súng nổ chung quanh/ máu me đầy mặt) đã làm tan biến đi ước mơ của tuổi trẻ. Dấu sau chữ nghĩa là hai hàng nước mắt.

Với Dòng nước vô tình, có 16 câu, đọc kỹ, sẽ thấy vấn đề về thời gian, về ý nghĩa cuộc đời được đặt ra trong bài thơ. Phút trước và phút sau là khác nhau. Heraclitus (535-474 BC), nhà triết học thời cổ đại Hy La có nói: "Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông".

Dòng lệ nóng của ngày xuân xanh cũng bỏ lại. Những đêm buồn với cháy bỏng giấc chờ mong. Khổ thơ nào cũng âm vọng dòng nước, dù tan thành bọt nước. Có nỗi đau, hồi âm từ cõi chết, hoàng hôn làm lạnh cả bầu trời xanh, loài cỏ trở mình nghe buốt rét, phận buồn thiếu nữ khép đôi bờ mắt, tận cùng của cõi - ánh - sáng - thâm - u là lời xin chút tình thương. Hình ảnh sững sờ nhìn bóng lạ trong gương là một thoáng trần gian đầy khổ ải, xoay mãi trong vòng đơn côi.

Bằng giọt lệ nóng, bằng tiếng hát ngày xưa, dòng nước sẽ chẳng vô tình xuôi dòng, ngọn gió đời qua hồn nhỏ vẫn cháy bỏng giấc chờ mong.

Bốn năm sau, cũng trên tạp chí Văn, số 141, ngày 1-11-1969, Ví dầu, bài thơ lục bát 8 câu, mượn kiểu nói văn học dân gian, với mô típ "Ví dầu" quen thuộc, có thể kể ra:

- Ầu ơ,

Ví dầu con cá nấu canh

Bỏ tiêu cho ngọt, bỏ hành cho thơm

- Ầu ơ,

Ví dầu cầu ván đóng đinh

Cầu tre lắc lẻo, gập ghình khó qua

- Ầu ơ

Ví dầu tình bậu muốn thôi

Bậu gieo tiếng dữ, cho rồi dậu ra

Ngày trước, “ầu ơ, ví dầu” là câu hát mà các bà, các mẹ thường ru cháu, ru con. Câu hát có giai điệu ngọt ngào, da diết, giàu tình cảm. Nhà thơ đã hai lần mượn lời ru "ví dầu" để ký thác tình yêu.

Lần thứ nhất:

Ví dầu tình mỏng như sương

Xin cho hoa nở lừng hương buổi đầu

Mai kia theo gió về đâu

Cũng còn thoang thoảng chút sầu quạnh hiu

"Tình mỏng như sương" so sánh tình yêu mỏng manh như làn sương buổi sớm. Mặt trời lên, nắng dọi sương tan, tình yêu cũng hết. Vì thế, mới có lời xin: Xin cho hoa nở lừng hương buổi đầu. Cái hay của câu thơ là ở "mai kia". Mai kia, hương buổi đầu, dẫu theo gió bay về đâu, thì vẫn "còn thoang thoảng chút sầu quạnh hiu". Chút sầu có thoang thoảng vẫn là chút tình dù có mỏng như sương.

Lần thứ hai:

Ví dầu thuyền vẫn còn neo

Con sông nước lớn xin liều một phen

Mai kia cuối bãi đầu ghềnh

Lời ru giấc cũ lênh đênh cũng đành.

Lần này, như trong ca dao, thuyền và bến: "Thuyền về có nhớ bến chăng/ Bến thì một dạ khăng khăng nhớ thuyền". Thuyền vẫn neo đậu. Con sông nước lớn và thuyền "xin liều một phen". Cũng "mai kia", cuối bãi đầu ghềnh, vẫn giữ "lời ru giấc cũ" và có "lênh đênh" thì "cũng đành".

Bài thơ thi vị màu sắc dân gian, ý tình trong sáng, nguyện giữ cho tình yêu không phai nhòa, dẫu thác ghềnh, dẫu "lênh đênh", vẫn chắc chắn như "cầu ván đóng đinh".

Ở đây, ta lại gặp thêm cách nói "ví dầu", "mai kia", lồng vào khung cảnh con thuyền, sông nước, cuối bãi đầu ghềnh với chút "tình mỏng như sương", "chút sầu quạnh hiu", vẫn giữ "hương buổi đầu" của tình yêu.

Trên tạp chí Văn, còn có bài thơ Đạm Thúy, ký tên Tôn Nữ Đạm Thúy. Bài thơ có 4 khổ, mỗi khổ bắt đầu bằng một từ so sánh "NHƯ". Nhân vật trữ tình xưng "tôi" là một người con gái, có giọng hiền lành, nhẫn nhịn, thấu cảm, biết hạnh phúc là ảo ảnh, vẫn chấp nhận.

Khổ 1: Như con mèo đen nằm ngủ/ Tôi thu nanh vuốt vào cô đơn/ Mang ơn thánh sủng bàn tay vuốt/ Tôi ngước nhìn anh đôi mắt tròn

Hình ảnh "đôi mắt tròn" sao thiết tha cháy bỏng ơn thánh sủng trong tình yêu đến vậy!

Khổ 2: Như con ngựa trời đôi cánh xanh/ Tôi tập làm sứ giả thượng đế/ Xin anh từng chút một ái tình/ Làm vốn đăng quang thời con gái.

Con ngựa trời đôi cánh xanh, tập làm sứ giả, xin từng chút một ái tinh, làm vốn đăng quang thời con gai. Lời lẽ chân thành qua vai "sứ giả", xin "từng chút một ái tình", "làm vốn đăng quang thời con gái" sao nghe tha thiết, tình nghĩa thế!

Khổ 3: Như viên sỏi nhỏ rơi trong nước/ Dư âm nào vang thấu hồn anh/ Suốt đời dưới đó, ngoan con nhé!/ Tôi dỗ tôi bằng sự lãng quên.

Đến khổ thơ này, lời cầu xin nhỏ dần, chỉ như viên sỏi nhỏ, rơi vào trong nước, khuấy những vòng sóng, có thành dư âm vang thấu hồn anh? Dưới đáy, viên sỏi hãy nằm im, ngoan nhé, rằng, với thời gian, sẽ lãng quên.

Đọc cả đoạn thơ, ta thương người con gái chân tình, lặng lẽ với tâm hồn mình, tự nguyện làm viên sỏi nhỏ, cô đơn.

Khổ 4: Như con ngựa hoang chạy theo bóng mặt trời/ Tôi mải mê đuổi bắt ảo ảnh hạnh phúc/ Khi cuối đường bay là sự chết/ Tôi dỗ đam mê bằng đời tôi.

Khổ cuối là khổ thơ đầy chất bi kịch, chỉ còn là con ngựa hoang chạy theo bóng mặt trời, đuổi bắt ảo ảnh hạnh phúc, cuối đường bay là sự chết, ...

May sao, trong tình yêu, thơ Lê Thanh Xuân, còn có bài thơ trữ tình đặc sắc, bài Bắt đầu. Bài thơ dài đến 1230 từ, một bài thơ tự do thuộc loại dài của thơ ca Việt Nam hiện đại. Điểm đặc biệt là, cả bài thơ không đặt câu chữ theo quy tắc ngữ pháp. Chẳng hạn, từ ngữ đứng ở đầu câu hoặc sau dấu chấm câu, không viết hoa. Toàn bài thơ viết theo chữ thường, kể cả tên riêng. Có đoạn dài đến 509 từ. Đoạn ngắn nhất, chỉ 39 từ. Mỗi khổ bắt đầu bằng một cụm từ "để anh thử bắt đầu". Cứ thế, đến 9 lần "thử bắt đầu". Câu cuối cùng, chủ thể trữ tình trong bài thơ có lời cầu xin:

Hãy cho anh được trở lại từ đầu

Cấu trúc ngữ pháp và ý nghĩa các khổ thơ, mỗi lần mỗi khác. Chính cái đó làm nên cái hay riêng của bài thơ này. Bài thơ in lần đầu trên tạp chí Văn, số 141, ngày 1-11-1969, sau đó, được đưa vào Tuyển tập thơ Quảng Nam... Chưa mưa đà thấm, NXB Hội Nhà văn, 1998.

 Đây là bài thơ tình, dấu ấn lãng mạn thể hiện ở những chi tiết đậm chất trữ tình, nhiều cung bậc cảm xúc, yêu thương, ngọt ngào, pha chút dỗi hờn. Tình yêu quê hương lồng trong tình yêu đôi lứa. Những rung động đầu đời ở khoảnh khắc mới chớm nở của tình yêu hòa quyện với nhiều hình ảnh thân quen của đời thường. Bài thơ trong trẻo, xinh xắn như đóa hoa hồng trong một sáng mùa xuân:

Từng bước chân ngập ngừng trước cửa nhà em nhét vội tờ thư vào trong (tờ thư thức trắng một đêm vẫn không nói hết được lòng mình). Con đường khải định từng đêm mưa anh mang áo đi qua nghe mừng vui tỏa xuống từ phòng học em những giọt sáng thân yêu/ vẫn nguyên vẹn thuở đầu đời mật ngọt và lòng anh qua bao chuyến ra khơi vẫn còn hồng tươi dấu môi em ngày cũ.

Hãy nghe nhà thơ bày tỏ:

- Tiếng chim vui buổi sáng trên cành, vạt nắng hồng trên tà áo em bay quấn quít, chúng ta đưa nhau trở về phòng học cũ như một kẻ xa nhà đã lâu, ngạc nhiên từng phiến gạch, mừng vui từng chút bụi, âu yếm từng mạng nhện bủa giăng bao ngày tháng bỏ quên

- Để anh thử bắt đầu dìu em đi trên những con đường cũ khi mùa xuân vừa trở lại, cỏ úa mới hồi sinh và có giọt sương nào tan trong mắt anh khi nụ cười em mừng rỡ.

- Để anh thử bắt đầu về đi trên chuyến xe lam đầy bụi bặm có em đứng trước giàn hoa giấy mừng đón anh từng buổi sáng buổi chiều.

- Để anh thử bắt đầu trở lại từng bước chân ngập ngừng trước cửa nhà em nhét vội tờ thư vào trong (tờ thư thức trắng một đêm vẫn không nói hết được lòng mình).

Những hình ảnh quê hương, một quê hương vừa đẹp vừa buồn với những hình ảnh gần gũi như tiếng chim buổi sáng trên cành, những con đường cũ khi mùa xuân vừa trở lại, chuyến xe lam bụi bặm, dòng sông Thu Bồn êm chảy, lòng ngậm ngùi thương đống rác vun cao, thương đất sạch, đất thơm, thương tháng ngày vô tăm, biền biệt mù sương:

- Trên chuyến xe lam đầy bụi bặm có em đứng trước giàn hoa giấy mừng đón anh từng buổi sáng buổi chiều.

- Em sẽ gặp dòng sông Thu Bồn mấy ngàn năm xanh lịch sử bi thương.

- Lòng ngậm ngùi thương đống rác vun cao, mơ một ngày đất sạch đất thơm đất nồng hương cây trái. Anh bỗng thương những ngày tháng vô tăm em khóc lặng thầm trong đắng cay sầu tủi trong biền biệt mù sương anh mãi tận trời nào...

 

Lê Thanh Xuân không đi tiếp con đường sáng tạo thơ ca. Nghĩ cũng tiếc. Viết ít, sớm bộc lộ tài năng về sử dụng ngôn ngữ, cách chiếm lĩnh hiện thực, cách xử lý hình ảnh và cả cách tân thể loại.    

Yêu những dòng thơ của Lê Thanh Xuân:

- Loài cỏ mọn trở mình nghe buốt rét

em quay tròn che chẳng kín đơn côi

 

- Khi thức dậy nghe đời qua, tuổi xế

 em sững sờ trông bóng lạ trong gương.

(Dòng nước vô tình)

 

Con chim di cánh xám chở mùa đông

những mùa đông mưa lụt hồn

tưởng nhớ

em bơi hoài trong tê cóng tuổi xuân

(Niềm ao ước cuối cùng)

H.V.H