Mưa trưa lưng đồi
Nhưng con nít mà, nói đâu quên đó. Với lại, chuyện ma bắt người ta chết, đám trẻ từng nghe trong những đêm mùa hè trăng sáng, những tối mùa đông mưa lạnh… Nhưng có thấy ai chết kiểu vậy. Đâu đó thoảng qua một chút lo sợ, rồi thôi...
Nhưng chuyện không dừng lại như chuyện ma nữa. Loa đầu làng mỗi ngày rọt rẹt 3 lần, lệnh cho người không được ra đường, không được tụ tập chuyện trò, ai cũng phải đeo khẩu trang, trừ lúc ăn uống… Mẹ cấm tôi ra khỏi ngõ. Ngay cả khi cha mẹ đi gặt lúa, cũng không cho tôi đi theo. Mọi lần, khi đến mùa gặt, người lớn đi làm công suốt ngày. Gặt hái, tuốt lúa, vô bao…, ồn ào náo nhiệt từ đồng về đến sân nhà. Đám nhỏ tụi tôi hay lùa bò ra đồng, gặt đến đâu bò lần theo bờ ruộng ăn cỏ đến đó. Những bờ cỏ, lâu nay nấp trong đám lúa, được hưởng phân tro bón ruộng, cũng nhấp nhổm tốt theo nên mấy con bò đua nhau gặm; đến chiều no căng thì lũ lượt ra về. Không còn bị quản thúc bởi người lớn và đám bò bị bỏ đói lâu ngày phá quấy, đám con nít bày đủ trò... Vì thế, mùa gặt ở quê tôi như mở hội. Người lớn quần quật cả ngày; phơi nắng ngoài đồng từ sáng sớm, đến tối mịt vẫn còn tuốt lúa, sàng sảy… mà vẫn vui, chuyện trò rôm rả không biết mệt. Đám trẻ được dịp chơi đùa và ních đầy bụng những bữa nửa buổi bằng xôi hay mỳ Quảng…
Nhưng lần này thì tụi nhóc cả xóm phải ngồi yên. Mẹ tôi trước khi đi gặt, hốt vội nhúm rơm rải vô máng chuồng bò, dặn với: “Ở nhà là ở trong nhà nghe con, đừng chạy lơn xơn ngoài đường, họ bắt đó!”. Tôi ngồi trước hiên, ròng rã chờ cả buổi, mới thấy cha tôi ì ạch kéo xe bò chất đầy lúa, mẹ tôi phụ đẩy phía sau, về nhà. Mẹ tôi trùm khăn kín mít hai ba lớp, chỉ chừa đôi mắt lấp ló dưới vành nón lá. Còn cha tôi, gương mặt đỏ gay, mồ hôi chảy ròng ròng xuống chiếc khẩu trang màu xanh đã chuyển thành màu xám đen do bùn đất văng tung tóe và tụt xuống gần đến miệng. Cha tháo khẩu trang, thở nặng nhọc, quay lui càng chiếc xe bò, tháo dây rồi đổ ào đống lúa xuống sân: Đúng là “ăn một mình no tức, làm một mình cực thân!”. Mẹ phụ với cha kéo những bó lúa quây thành đống. Im lặng đến ngột ngạt, chỉ nghe những bông lúa quẹt nặng nề xuống sân…
Tôi nặng nhọc trở mình, đôi mắt vừa he hé bỗng nhíu lại vì tia nắng lọt qua kẽ phên, xiên thẳng vô mặt. Căn nhà vắng tanh. Tôi đi rửa mặt và lấy chén xôi dưới lồng bàn tre, mang ra hiên ngồi. Cha mẹ chắc đã ra đồng từ sáng sớm. Trong sân, đống lúa tuốt đêm qua được trải ra một góc, vàng tươm trong nắng. Mấy con chim sẻ đi quanh sân, tranh nhau nhặt lúa, kêu lách chách... Ngồi nhìn vơ vẩn mãi cũng chán, tôi đứng lên, cầm chiếc cào tre góc sân, đi cào trở lúa. Rồi hết chuyện. Buồn chân buồn mắt, tôi đánh liều bước ra dỡ chiếc cổng tre, nhóng mắt nhìn theo con đường trước nhà, dẫn xuống chân đồi.
Nhà tôi ở gần đỉnh đồi, nhìn xuống là con đường uốn lượn quanh co, thấp thoáng những ngôi nhà khuất sâu trong ngõ chè tàu, râm bụt... Ở lưng chừng đồi, bật lên một màu đỏ chót của cây phượng đang mùa trổ bông. Nơi đó, là cả thiên đường của tụi nhỏ trong xóm. Cây phượng không biết trồng từ đời nào, mà cành lá sum sê tỏa bóng rợp một khoảng sân trước nhà văn hóa thôn. Chớm hạ, những nụ hoa lấp ló trong vòm lá bất chợt bung ra mạnh mẽ, hòa cùng tiếng ve râm ran suốt cả vùng đồi. Cuộc chơi của đám trẻ cũng chính thức bắt đầu. Tụi con trai đã chán bị cột chặt trên ghế với những trò bắn nhau chí tử hay đua xe bạt mạng, mà bắt đầu “chiến” nhau trong đời thực. Hết trò ném đất u đầu mẻ trán trên đồng ruộng, chúng chơi trò mạo hiểm hơn với việc bắn ống phóng. Những ống trảy, trúc được cưa, chặt..., chế tạo thành những khẩu súng bắn đạn bằng trái bời lời, cò ke hay “đẳng cấp” hơn là trái thầu đâu. Chúng chia phe, rượt đuổi bắn nhau ầm ĩ cả buổi trưa quanh nhà văn hóa thôn hoặc những khu vườn ven đồi. Hết cuộc chơi là đứa nào đứa nấy mồ hôi mồ kê nhễ nhại; quần áo loang lổ mủ bời lời xám xịt; có đứa bị miểng cổ chai ở đầu ống phóng cứa đứt, máu còn rỉ trên tay, trông gớm chết. Còn đám con gái, không gì hấp dẫn bằng mấy trò chuyền thẻ, ô làng, nhảy dây; hay “mơ màng” hơn là lượm mấy bông phượng thi xếp thành bướm rồi mang về ép trong vở... Nhưng những thú vui đó chỉ là cái cớ cho đám con gái bỏ ngủ trưa, tụ tập để “tám” đủ thứ chuyện trên trời dưới biển. Có bữa đám con trai hào phóng, kéo nhau vô các khu rừng ven đồi, hái dủ dẻ, sim, mua, chà là, trâm móc..., gói đầy trong mũ trong áo về đổ xòa ra dưới gốc phượng để cả bọn con gái cùng xúm vào ăn.
Nhưng mấy hôm nay, “thiên đường” ấy trở nên vắng lặng vì lệnh cấm tụ tập. Chỉ nghe tiếng ve ran rầm rĩ trong các khu vườn, kéo dài trong nắng nghe chừng bức bối thêm... Tôi chớm chân ra đường, nhìn xuống chân đồi rồi quay bước trở vô, sợ lâu hơn chút thôi, là tôi không giữ được đôi chân ưa chạy nhảy của mình...
Tôi nằm úp mặt vô vách phên, mở he hé cánh cửa sổ cho ánh trăng rọi vào thành một đường vàng, trải dài trên chiếu. Đêm trung du tĩnh lặng. Chìa mặt qua khe cửa để hở, tôi hít mùi hương ổi vừa chín tới thoảng trong đêm. Những trái ổi được cha tôi bọc giấy kín mít để ngăn lũ ong chích trộm; nhưng tôi vẫn len lén bấm móng tay để xem chúng sắp chín hay chưa. Nên lác đác trên trái ổi xanh xanh, những dấu móng tay cong cong hằn lên, nâu sậm.
Đang mơ màng trong hương ổi thoảng thơm, tôi giật nảy mình vì sau tiếng sột soạt nhè nhẹ là cái đầu ai đó hiện lên qua khe cửa. Đang định hét lên thì tôi vội bịt chặt miệng. Khuôn mặt thằng Hoàng hiện ra, cười nhăn nhở. Hoàng là đứa em con bà cô trong họ và chơi thân với tôi. Nó lấy ngón tay ra dấu im lặng rồi chìa cho tôi xem cái lon sữa bò trống rỗng. Dưới đáy lon có gắn sợi dây cước lòng thòng. “Chị dùng cái này để liên lạc với em nghe! Em cũng nối cho mấy đứa nữa chung quanh đây!”. Nghe nó thì thào dặn dò, tôi khẽ mỉm cười vì cái trò trẻ con mà tôi đọc nhiều trong sách. Thời đại nào rồi mà nó còn chơi mấy thứ trò này không biết. Tôi chiều nó, thò tay lấy ống sữa bò áp vô một bên tai; nghe tiếng rọt rẹt lạo xạo đâu đó vẳng lại. Thấy nó chớm chân đi, tôi ngoắc lại, chỉ tay vô cây ổi. Nó cúi xuống, lúi húi một hồi rồi hái mấy quả bỏ vào vạt áo, biến mất trong ánh trăng khuya...
Cái trò vớ vẩn mà thằng Hoàng bày ra trong thời gian tụi tôi chôn chân trong nhà tránh dịch, lại trở nên hấp dẫn. Chán với mấy chương trình trên tivi hay trò chơi trên máy tính theo quy định giờ giấc của các bậc phụ huynh sau bữa cơm tối, trước giờ đi ngủ, tụi tôi hay vào “mạng” để “tám” đủ thứ chuyện. Mà đâu biết chuyện gì, chỉ nghe rọt rẹt rồi đoán đứa này nói chuyện này, đứa kia nói chuyện nọ cho vui vậy thôi rồi chìm vào giấc ngủ...
Trong cơn mơ, tôi thấy mình chạy qua vườn nhà nọ, sân nhà kia, rượt nhau trên những cánh đồng lúa bát ngát dưới chân đồi... rồi quay về nhảy dây cùng đám bạn dưới tán cây phượng trổ bông đỏ rực dưới ánh nắng vàng ươm. Bỗng tiếng còi xe cứu thương xé lên từng hồi dài, cắt ngang cuộc chơi khiến cả đám dừng sững lại, nhìn qua hướng nhà thằng Hoàng rồi vội vã ai chạy về nhà nấy. Đôi chân rã rời theo cuộc chạy nhảy, quẫy đạp liên hồi...
“Dậy, dậy con ơi! Dỡ phong tỏa rồi!”. Tôi uể oải nghiêng người. Mẹ đứng bên giường, lay nhẹ. Tôi định kéo tấm chăn mỏng che mắt khỏi ánh mặt trời chói chang xiên qua khe cửa sổ rồi quay qua ngủ tiếp, nhưng nhìn đôi mắt mẹ đỏ hoe, tôi bật ngồi dậy. Dỡ phong tỏa thì vui thôi, sao mẹ lại khóc? Tôi băn khoăn nhưng không dám hỏi. Đánh răng rửa mặt xong, tôi ngồi ăn chén cơm chiên mẹ để dưới lồng bàn. Đợi tôi ăn xong, mẹ bưng tô cháo đường đặt trên bàn, nhỏ nhẹ: “Con bưng tô cháo ni qua nhà cho thằng Hoàng. Em nó...”. Mẹ bỏ lưng chừng câu nói, quay đi lén lấy tay gạt ngang tầm mắt. Câu hỏi lại chờm lên trong tôi: “Thằng Hoàng, sao mẹ?”; nhưng mẹ lảng đi nhanh ra sau ảng nước.
Tôi lấy nón đội rồi bưng tô cháo đường ra ngõ, chầm chậm xuống lưng đồi. Ở quê tôi, những ngày mùa hoặc đám giỗ, người ta thường lấy gạo nếp nấu với đường bát, để nguội thì đặc lại nên gọi là cháo đường. Mùi nếp quyện với mùi đường và gừng, thơm điếc mũi. Đám nhỏ tụi tôi đứa nào cũng thèm món này, vì lâu lâu mới có; nhưng thằng Hoàng thì gọi là ghiền “thôi rồi”, vì nó là “cây” hảo ngọt. Biết vậy, những hôm nhà tôi nấu cháo đường, mẹ nhắc tôi gọi nó qua ăn; có bữa nó ăn hai ba chén mà không ớn. Không hiểu sao hôm nay mẹ không bảo tôi gọi nó nữa, mà phải bưng qua nhà...
Bao câu hỏi lởn vởn mãi trong đầu, tôi không để ý những đám mây bay ngang lưng trời, thả những bóng râm chạy dài theo con đường dẫn xuống chân đồi. Rồi mưa. Mưa. Những hạt mưa nhỏ kéo xiên trong nắng, rơi xuống lác đác. Tôi rảo bước nhanh hơn, nhưng những sợi mưa đuổi theo mau mau. Sợ tô cháo đường dính mưa loãng nhạt, tôi chạy ào tới nép dưới tàng cây phượng. Trong bóng nắng lấp lóa dưới màn mưa xiên xiên, tôi bỗng thấy bóng thằng Hoàng chạy tới, bước chạy của nó lướt trên mặt đường, như bay như bay... Tôi chìa tô cháo đường cho nó. Thằng Hoàng với tay ra. Tôi buông tay. Tô cháo đường chao nghiêng, rơi xuống đất, vỡ toang. Những đóa phượng đỏ bầm quyện cùng những giọt mưa bỗng đổ ào ào xuống, tô cháo đặc quánh chảy loãng ra, loang dưới gốc cây, nhòe nhoẹt... Nước mưa gặp hơi đất nóng giữa trưa, bốc lên thành từng đám hơi mờ trăng trắng. Bóng thằng Hoàng cũng vỡ ra thành những sợi khói, chầm chậm bay lên, bay lên...
Tôi ngước nhìn thảng thốt... Hoàng ơi!
(baoquangnam.vn)