Nâng cánh cho mỹ thuật Đà Nẵng

07.05.2021
Ngọc Hà
Vài năm trở lại đây, mỹ thuật Đà Nẵng dần khởi sắc. Sự ra đời của các câu lạc bộ, nhóm mỹ thuật hay hoạt động của Hội Mỹ thuật thành phố và Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đã cổ vũ tinh thần họa sĩ, thôi thúc họ sáng tạo để có tác phẩm chất lượng.

Nâng cánh cho mỹ thuật Đà Nẵng

 

Triển lãm Sắc màu tháng 4 năm 2019. Ảnh: N.H

Từ những sân chơi nhóm, câu lạc bộ

Ra đời từ năm 2014, ngót nghét đã gần 6 năm, Câu lạc bộ (CLB) Đồ họa Đà Nẵng từ chỗ “mò mẫm” tìm hướng đi của những thành viên cốt cán, đến nay đã trở thành sân chơi quy tụ nhiều họa sĩ cùng đam mê tranh đồ họa, góp phần thổi làn gió mới cho mỹ thuật Đà Nẵng.

Họa sĩ Lê Huy Hạnh, Chủ nhiệm CLB Đồ họa Đà Nẵng nhớ lại, thời điểm trước năm 2000, trong các triển lãm mỹ thuật toàn quốc, tranh đồ họa có phần đơn độc và khó gặt hái giải thưởng. Không riêng Đà Nẵng, cả hai trung tâm mỹ thuật lớn của cả nước là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, tranh đồ họa đều góp mặt quá khiêm tốn về số lượng, chất lượng trong triển lãm khu vực.

Nhưng bằng tình yêu đồ họa, một vài anh em quyết tâm tham gia một số trại sáng tác và triển lãm đồ họa như: trại đồ họa lần thứ nhất tổ chức ở Trung tâm Mỹ thuật đương đại Việt Nam năm 2012, trại “Đồ họa không giới hạn” tại Huế và triển lãm đồ họa “Nối vòng tay lớn” tại Hà Nội.

Tháng 10-2014, sau thời gian ấp ủ, CLB Đồ họa Đà Nẵng ra đời. Từ đây, nhiều buổi hội thảo trao đổi kinh nghiệm chia sẻ về kỹ thuật đồ họa mới, nhiều trại sáng tác và triển lãm chuyên đề đồ họa được tổ chức. CLB còn thường xuyên “mượn” xưởng chế tác của Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Đà Nẵng hay xưởng của họa sĩ Trường Chinh - một thành viên CLB để cùng nhau sáng tác. Mọi kinh phí tổ chức tập huấn, trại sáng tác đều do các thành viên CLB đóng góp.

“CLB là nơi để những người chung sở thích gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về tranh đồ họa. Thông qua trại sáng tác, các họa sĩ mong muốn tạo nên những tác phẩm tranh đồ họa sống động, gần gũi với cuộc sống, từng bước giới thiệu tranh đồ họa đến công chúng Đà Nẵng. Mấy năm trở lại đây, mảng đồ họa có nhiều tác phẩm nổi trội.

Chẳng hạn, tác phẩm tranh khắc gỗ Trò chơi của họa sĩ trẻ Trương Nguyễn Nguyên Kha đoạt giải C tại triển lãm khu vực miền Trung-Tây Nguyên do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức năm 2018. Giải thưởng hằng năm của Hội Mỹ thuật thành phố năm 2019 cũng trao cho khá nhiều tác phẩm đồ họa gồm: giải A Tây Giang vào hạ - đồ họa của Đỗ Thanh; giải B Vé về tuổi thơ - khắc gỗ của Trần Hữu Cân; giải C Cổ tích - in kẽm của Bảo Tân, Mơ - khắc gỗ của Nguyễn Tiến Việt… Điều này khẳng định tranh đồ họa dần có chỗ đứng”, họa sĩ Lê Huy Hạnh cho biết.

Họa sĩ trẻ Nguyễn Tiến Việt (1991) hiện là giảng viên Khoa Kiến trúc Trường Đại học Duy Tân tâm sự, anh từng học và tham gia hoạt động mỹ thuật tại Huế. Từ năm 2018, anh về Đà Nẵng công tác, sáng tác đều đặn và tham gia các triển lãm của thành phố.

“Trở thành thành viên của Hội Mỹ thuật Đà Nẵng vào cuối năm 2019, chưa được cọ xát nhiều với các bậc đàn anh trong nghề nhưng cá nhân từng tham gia các hoạt động mỹ thuật và hội thảo, đặc biệt về lĩnh vực đồ họa, tôi cho rằng, các CLB đồ họa là nơi chia sẻ những kinh nghiệm và kỹ thuật mới về đồ họa, điều này rất có ích cho những ai đam mê loại hình này.

Vì thế, chúng ta cần có nhiều buổi hội thảo; qua đó, các họa sĩ không chỉ thực hiện, học hỏi lẫn nhau về các thủ pháp đồ họa mà còn giới thiệu thêm cho sinh viên, học sinh hiểu hơn về đồ họa tạo hình”, họa sĩ trẻ Nguyễn Tiến Việt chia sẻ.

Mỹ thuật Đà Nẵng những năm qua cũng ghi nhận sự đóng góp của các CLB và nhóm mỹ thuật khác như: CLB Họa sĩ nữ, CLB Trúc Văn, nhóm Mỹ thuật trẻ Đà Nẵng. Đây cũng là sân chơi của những người yêu hội họa, họ đến với nhau chia sẻ chuyện nghề và cả chuyện đời.

Họa sĩ Trần Chí Thành, Trưởng nhóm Mỹ thuật trẻ Đà Nẵng cho biết, các thành viên chủ chốt hiện là các họa sĩ tự do, công tác, giảng dạy ở Trường Đại học Kiến trúc, Trường Đại học Duy Tân, thiết kế lập trình Gameload và cả những bạn trẻ yêu mến hội họa…

“Anh em trong nhóm đa phần từ xa đến Đà Nẵng lập nghiệp, cùng hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến mỹ thuật, hợp tính nhau nên gắn bó nhiều năm qua. Mục đích của nhóm nhằm hỗ trợ nhau trong công việc và cả cuộc sống, những lúc rảnh rỗi thì cùng nhau tổ chức các buổi trực họa để các thành viên sáng tác. Thỉnh thoảng hoạt động của nhóm cũng có các họa sĩ nước ngoài sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng tham gia giao lưu”, họa sĩ Trần Chí Thành chia sẻ.

Tuy khiêm tốn cho rằng hoạt động của nhóm chưa có đóng góp nhiều cho mỹ thuật thành phố nhưng có thể thấy nhiều năm qua, nhóm Mỹ thuật trẻ Đà Nẵng đã tham gia vào hoạt động kết nối họa sĩ nước ngoài vào phong trào mỹ thuật chung; tham gia các hoạt động - triển lãm mang tính cộng đồng cao như: tác phẩm nghệ thuật sắp đặt Mùa bình minh với sự góp sức của 10 họa sĩ và 270 học sinh trên địa bàn Đà Nẵng; 40 mô hình vẽ tranh cát trên lốp xe tái chế do nhóm lên ý tưởng, thu thập các lốp xe cũ về, với chuyên môn mỹ thuật kết hợp với các kỹ thuật ánh sáng, kỹ thuật tạo nên hình ảnh sống động, đẹp mắt, thu hút đông đảo du khách và trẻ em cùng trải nghiệm…

Đến những triển lãm quy mô

So với 5 năm về trước, mỗi năm chỉ có 1 cuộc triển lãm hoặc không có cuộc triển lãm nào (không tính triển lãm khu vực), những năm gần đây, Hội Mỹ thuật Đà Nẵng luôn duy trì hoạt động triển lãm 5 đến 6 cuộc/năm, chưa kể các CLB trực thuộc Hội tổ chức hoạt động triển lãm, quảng bá tác phẩm cho hội viên mọi lúc, mọi nơi. Hội còn phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng thực hiện hoạt động quảng bá, đưa tác phẩm đến với công chúng yêu nghệ thuật thị giác thưởng lãm, nhìn nhận, khám phá.

Với hàng chục triển lãm mỗi năm, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng giúp quảng bá tác phẩm của họa sĩ và thúc đẩy sự sáng tạo nghệ thuật. (Ảnh chụp tại Triển lãm Mỹ thuật Đà Nẵng 2019) .Ảnh: N.H

Họa sĩ Hồ Đình Nam Kha, Chủ tịch Hội Mỹ thuật thành phố chia sẻ, bên cạnh các họa sĩ đã thành danh, có bề dày trải nghiệm, với các phong cách, bút pháp định hình luôn gắn bó, đồng hành cùng phong trào như: Duy Ninh, Vũ Dương, Hoàng Đặng, Nguyễn Tường Vinh, Nguyễn Trọng Dũng, Thân Trọng Dũng, Trần Thị Cúc..., nhiều năm qua, từ các triển lãm, mỹ thuật Đà Nẵng đã có nhiều tác giả trẻ đang dần định hình, tạo hướng đi riêng cho chính mình.

Có thể thấy, những sáng tác mới của lớp họa sĩ trẻ không chỉ góp phần kế thừa mà còn đưa mỹ thuật thành phố dịch chuyển, tiếp cận với nghệ thuật đương đại. Một số họa sĩ trẻ tạo được phong cách, bút pháp riêng, về trường phái cực thực có Nguyễn Hữu Đức,Trần Huy Tuân, Lê Ngân Thủy...; bán trừu tượng có Ngô Thanh Hùng, Phan Văn Thành, Nguyễn Vinh Trung…

Những cái tên không thể không nhắc đến về phong cách hiện thực, hiện thực xã hội chủ nghĩa như: Đặng Thị Phượng, Phan Thanh Hải, Đặng Công Tuấn, Trần Hải, Nguyễn Tấn Kiệt, Huỳnh Thị Thắng, Đỗ Thanh, Trần Hữu Cân… “Theo nhận xét của nhiều họa sĩ đàn anh, thế hệ họa sĩ trẻ hiện nay được đào tạo bài bản, có cách nhìn mới, bắt nhịp được trào lưu, xu hướng hội nhập của mỹ thuật đương đại.

Do đó, nhiều họa sĩ trẻ thành phố đoạt giải thưởng cao tại các triển lãm khu vực và quốc tế (Đặng Thị Phượng huy chương bạc “Tiểu vùng sông Mê Kông”, Trương Nguyễn Nguyên Kha giải C khu vực nam miền Trung và Tây Nguyên). Họ yêu nghề, say mê sáng tạo và luôn tự tìm tòi cái mới. Về kinh nghiệm sáng tác có thể họ chưa thật sự chín chắn nhưng bản thân tôi và giới mỹ thuật Đà Nẵng rất tin tưởng vào tài năng của lớp họa sĩ kế cận hiện nay”, họa sĩ Hồ Đình Nam Kha nói.

Có thể nói, điểm tựa để mỹ thuật Đà Nẵng ngày càng vươn cao phải kể đến Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng. Chính thức mở cửa phục vụ công chúng từ ngày 19-12-2016. Trong những năm qua, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đã thực sự tạo ra một không gian, một địa chỉ kết nối, nơi gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sáng tác của giới nghệ sĩ mỹ thuật Đà Nẵng, trong nước và quốc tế. Chỉ hơn 3 năm, Bảo tàng đã tổ chức thành công gần 40 cuộc triển lãm chuyên đề và nhiều hoạt động mỹ thuật khác.

Bà Nguyễn Thị Trinh, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng nhìn nhận, các sự kiện triển lãm kết hợp giao lưu, trải nghiệm nghệ thuật mang tính mới lạ, hấp dẫn, chú trọng đến thị hiếu của công chúng diễn ra thường xuyên tại Bảo tàng đã tạo hiệu ứng tốt và mang lại hiệu quả thiết thực trong việc thu hút sự tham gia của công chúng và du khách, động viên tinh thần sáng tác của giới nghệ sĩ, góp phần làm sôi nổi, phong phú hoạt động mỹ thuật của Đà Nẵng.

Đây còn là môi trường trong lành, gần gũi, giúp công chúng yêu nghệ thuật nâng cao nhận thức, trình độ thẩm mỹ, nơi thế hệ trẻ hình thành và nuôi dưỡng tình yêu đối với cái đẹp, góp phần quan trọng làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần, tạo nên chiều sâu, bản sắc riêng cho thành phố Đà Nẵng.

Cũng theo bà Trinh, trong thời gian đến, thành phố cần quan tâm đầu tư hơn nữa để phát triển Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng phát triển xứng tầm là bảo tàng mỹ thuật đại diện nhằm bảo tồn và phát huy các di sản mỹ thuật của Đà Nẵng và khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Trong đó, có chính sách nhằm động viên, hỗ trợ, khích lệ tinh thần sáng tạo nghệ thuật của nghệ sĩ, đặc biệt là các họa sĩ trẻ, giúp họ hăng hái phát huy tối đa tài năng, trí tuệ và tự trưởng thành ngay trên mảnh đất của quê hương mình. Đồng thời, thành phố cần tổ chức nhiều và đa dạng hơn nữa các hoạt động triển lãm mỹ thuật nhóm và cá nhân, trại sáng tác mỹ thuật, các hoạt động đấu giá tác phẩm nghệ thuật... nhằm làm sôi động, mới mẻ hơn không khí nghệ thuật, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của thành phố.

“Đối với Đà Nẵng, mỹ thuật đương đại đang thật sự thiếu vắng, tạo một khoảng cách rõ dài, chưa thể đuổi kịp xu hướng phát triển của mỹ thuật trên thế giới. Vì vậy, việc tổ chức các triển lãm mỹ thuật đương đại, hoạt động giao lưu mỹ thuật quốc tế nhằm tạo điều kiện cho họa sĩ của thành phố tiếp cận, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, phong cách sáng tác của các nghệ sĩ đương đại nước ngoài là rất cần thiết”, bà Trinh nói về đề xuất của Bảo tàng đối với thành phố trong thời gian tới.

(Theo https://baodanang.vn)