Nghe nhạc là thấy xứ Quảng

09.05.2023
Lý Đợi
Có hai cách viết ca khúc về quê hương: Cách đầu tiên, phổ biến hơn và có vẻ cũng dễ hiệu quả hơn, đó là đề cập trực tiếp vào các địa danh, tập quán... Cách thứ hai, có vẻ “khó nhằn” và trừu tượng hơn, đó là đề cập gián tiếp, nhưng nghe vẫn ra vị, ra chất của địa phương đó. Đất Quảng Nam - Đà Nẵng (gọi chung là xứ Quảng) nổi tiếng với cả hai dạng ca khúc này. Trong bài này, sẽ đề cập cách viết thứ hai.

Nghe nhạc là thấy xứ Quảng

Thật khó để kể hết tên tuổi những nhạc sĩ nổi tiếng hoặc có dấu ấn của/với xứ Quảng. Từ những người thời kỳ đầu của nền tân nhạc (tạm tính từ trước 1954) như La Hối, La Xuân, Dương Minh Ninh, Vương Gia Khương… Thế hệ thứ hai (tạm tính từ trước 1975) như Lê Trọng Nguyễn, Trầm Tử Thiêng, Lan Đài, Trương Đình Quang, Hoàng Tú Mỹ, Phan Huỳnh Điểu, Đynh Trầm Ca, Vũ Đức Sao Biển, Đằng Vân…

Hội An có vài người chuyên viết lời Hoa cho ca khúc của nhiều nhạc sĩ, đó là Diệp Truyền Hoa (thế hệ 1), Lê Chương (thế hệ 2)…, cũng rất xứng đáng kể tên. Thế hệ thứ ba (tạm tính từ sau 1975) như Thuận Yến, Từ Huy, Trần Quảng Nam, Minh Đức, Phan Ngọc Minh… Rồi thế hệ hiện tại như Trần Quế Sơn, Phương Tài, Lê Cát Trọng Lý, Hồ Ngọc Phước, Mạc Ly, Hoàng Kim Chi…

1. Hiếm có người Quảng trưởng thành nào mà chưa từng nghe ca khúc “Xuân và tuổi trẻ” (viết năm 1944) của La Hối (1920-1945, quê Hội An). Bắt đầu bởi các câu như “Ngày thắm tươi bên đời xuân mới/ Lòng đắm say bao nguồn vui sống/ Xuân về với ngàn hoa tươi sáng/ Ta muốn hái muôn ngàn đóa hồng”. Để kết bài bằng: “Hát vang lên đời ta thắm tươi/ Tiết xuân huy hoàng muôn sắc hoa/ Tiết xuân êm đềm muôn tiếng ca/ Xuân tưng bừng…”.

Cả ca khúc (lời Việt do nhà thơ Thế Lữ đặt) không có một từ nào về địa danh, tập quán hoặc tập tính của xứ Quảng, nhưng không chỉ người Quảng, mà dân nghe nhạc tứ xứ đều dễ dàng chung nhận định rằng “Xuân và tuổi trẻ” luôn mang chất riêng có của văn hóa Hội An. Có lẽ vì cái gốc tích đô thị và văn hóa đặc thù của Hội An mà không nơi đâu có, rồi vì tính chất Việt - Hoa song hành tự nhiên trong ca khúc cũng là một đặc trưng riêng.

Nếu xét về những ca khúc mang tính quốc tế nhất của xứ Quảng, chắc khó bài nào qua được “Nắng chiều” (năm 1952) của Lê Trọng Nguyễn (1926-2004, quê Điện Bàn). “Qua bến nước xưa lá hoa về chiều/ Lạnh lùng mềm đưa trong nắng lưa thưa/ Khi đến cuối thôn chân bước không hồn/ Nhớ sao là nhớ đến người ngày thơ”.

Cả ca khúc cũng không có từ nào về xứ Quảng, nhưng dân nghe nhạc vẫn cứ nói rằng nghe “Nắng chiều” là thấy xứ Quảng. Trong phim Cyclo (1995) của Trần Anh Hùng, ca khúc này cũng được sử dụng cho một trường đoạn rất ấn tượng, hát bằng giọng Quảng Nam rất thấm.

Trước đó, qua phim cùng tên của Lê Mộng Hoàng (1971), “Nắng chiều” đã khá phổ biến ở một số nước châu Á. Sau đó ở Nhật Bản, Đài Loan và Hong Kong… phổ biến ca khúc này với tên gọi “Việt Nam tình ca”, hoặc “Nam hải tình ca” do Thận Chi đặt lời Hoa. Vì sao nghe “Nắng chiều” mà biến thành Việt Nam hoặc Nam hải (biển phía Nam, biển Việt Nam)? Phải chăng do chất Việt riêng có của ca khúc mà Việt Nam hiện ra? Mà ở trong nước, chất Việt này chính là chất Quảng.

Ca khúc này phổ biến đến mức, nếu bước vào các quán karaoke ở khu vực tiếng Hoa, Nhật, Anh, Thái Lan và Khmer, thế nào cũng có thể nghe người nào đó hát một lần. Tại Thái Lan, ca khúc này có tên tạm phiên âm là Pleng Ruk Talay Taii, chưa rõ do ai đặt lời.

Trong tiếng Anh là Evening-Sunshine, vốn do Satsuki Midori hát đầu thập niên 1960 mà phổ biến. Nếu đi Đài Loan, Hong Kong, Thượng Hải… hoặc vào các tiệm băng đĩa ở Chợ Lớn (TP.Hồ Chí Minh), có thể mua được đĩa nhạc có bài Việt Nam tình ca do danh ca Đài Loan là Phí Ngọc Thanh (sinh 1955) trình bày rất hay.

2. Người Quảng viết hay về xứ Quảng đã khó, người xứ khác mà viết hay, lại được người xứ Quảng yêu thích, càng khó hơn gấp bội. Người xứ khác khi viết, dù trong ca khúc có địa danh, tập quán… xứ Quảng, thì vẫn có thể xếp vào các bài đề cập gián tiếp, vì khi viết về xứ khác, việc gọi tên để định vị gần như là việc bắt buộc, nếu không có, rất khó nhận ra hương vị riêng.

Ca khúc “Tình em xứ Quảng” của Trần Ngọc (sinh 1943, quê Sơn Tây, nay thuộc Hà Nội) là một ví dụ sinh động cho sự “ngược dòng” này. “Anh về nơi xứ Quảng thăm người em phố Hội/ Sông Thu Bồn con nước lững lờ trôi/ Đường chùa Cầu mưa buồn giăng ngập lối/ Rừng thông xanh mưa thắm ướt bờ môi”.

Hoặc ca khúc “Thu Bồn ơi!” của Lê Anh (sinh 1937, Quảng Trị) cũng tương tự như vậy. “Ai đặt tên cho dòng sông như tên em đi vào nỗi nhớ/ Con sông quê êm mềm như lụa anh mãi gọi/ Mãi gọi ới Thu Bồn, mãi gọi ơi Thu Bồn”.

Cả Trần Ngọc, Lê Anh, rồi Doãn Nho (sinh 1933, Hà Nội) với ca khúc “Người mẹ Quảng Nam”, họ chỉ đôi lần đến xứ Quảng, nhưng có ấn tượng sâu sắc nên sáng tác thành công. Nhiều nhạc sĩ chuyên viết “địa phương ca” công nhận rằng có nhiều nơi đi hoài cũng không viết được gì, còn vài nơi chỉ đi một hai lần đã đủ dấu ấn và cảm xúc.

Mọi so sánh trong nghệ thuật, sáng tạo đều vô cùng khập khiễng. Nhưng giả dụ, nếu đem 3 ca khúc vừa nêu so với “Quảng Nam yêu thương” của Phan Huỳnh Điểu (1924-2015), “Quê hương tuổi thơ tôi” của Từ Huy (1948-2006), “Tình quê” của Trần Quế Sơn (sinh năm 1972)… sẽ thấy sự khác nhau khá rõ về khí, về chất của cách viết nhạc trực tiếp và gián tiếp.

Chiều sâu, sự mô tả, âm hưởng phong thổ, tự tình quê hương… cũng khác nhau. Nhưng vượt lên trên hết, thì người nghe - trong đó có dân Quảng - được hưởng lợi nhất, vì được nghe nhạc khác nhau, được yêu xứ Quảng theo các hương vị riêng. Điểm chung của vài chục ca khúc viết thành công về xứ Quảng - dù trực tiếp và gián tiếp - đó là mới nghe nhạc là đã thấy xứ Quảng rồi. Thế mà không tài, không tuyệt, thì gọi bằng gì?

(QNO)