Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Tiến Đạt: Những khoảng khắc lung linh phận người

05.05.2015

Cầm máy mới hơn  mười lăm năm đã có đến hơn 800 giải thưởng quốc tế, 36 giải thưởng trong nước, và được phong tặng nhiều danh hiệu, tước hiệu nhiếp ảnh, Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Đào Tiến Đạt đã tạo nên một hiện tượng đáng ngạc nhiên trong lãnh vực sáng tạo này…
Đào Tiến Đạt đến với nhiếp ảnh như một sự tình cờ. Đó là tháng 7 năm 1998. Lúc này anh có nhiều sự buồn chán, bế tắc trong chuyện làm ăn và sức khỏe, chuyện ba mẹ qua đời vì bạo bịnh. Chúng tôi cũng quen nhau mấy tháng, bất ngờ một hôm anh hỏi tôi rằng anh muốn làm nghệ thuật, còn đắn đo giữa viết văn và nhiếp ảnh, nên chọn lãnh vực nào? Anh hỏi tôi vì thời này tôi cũng võ vẽ vài trang văn và anh bảo thấy giới văn nghệ vui, không mệt mỏi như thương trường.  

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Tiến Đạt: Những khoảng khắc lung linh phận người

Tôi, bằng kinh nghiệm chữ nghĩa nhọc nhằn của mình, nhanh chóng khuyên anh cầm máy, nghĩ cốt giúp anh có cái khuây khỏa, và chỉ cần một cái bấm máy là có ngay một tác phẩm. Anh cầm máy thật. Anh gặp bậc đàn anh về tuổi tác và nghề ảnh Phạm Văn Chai nhờ giúp những thao tác, kỹ thuật sơ đẳng: khẩu độ, tốc độ, ánh sáng, bố cục ảnh… Hơn tháng sau, anh đem lại mấy bức ảnh bảo góp ý. Đó là những bức ảnh xe ũi đang mở đường Quy Nhơn- Sông Cầu. Tôi hỏi sao không sắm cái túi xách như các nhiếp ảnh gia mà dùng cái túi vải dây rút, anh bảo ngượng quá, mình chơi vui thôi mà.

 

Cuộc “chơi vui” này của anh mấy tháng sau có hồi đáp nhanh chóng: ảnh Đào Tiến Đạt có mặt trên các mặt báo, cả tờ chuyên ngành “Ánh sáng đẹp”, rồi giải thưởng ảnh thời sự địa phương… Gần năm sau, anh nói, cố gắng sau 3 năm cầm máy, nếu không thành công, không vào Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, anh sẽ không chụp ảnh nữa, vì mình không có năng lực trên lĩnh vực nghệ thuật. Thực tế lúc này ở Bình Định, chưa có hội viên nhiếp ảnh trung ương. Đào Tiến Đạt đã thực hiện được kế hoạch đầu tiên ấy sớm hơn dự định.

 

 

Rồi những giải thưởng quốc tế. Ngay những ghi nhận đầu tiên như được vào chung khảo dự treo hay Bằng Danh dự cũng mừng như bắt được vàng, cũng hạnh phúc báo tin cho bạn bè thân thiết, cả cụng ly nữa. Rồi giải nhiều dần, to dần, ào ạt đến mức bạn bè nghe tin anh được giải cũng cạn lời chúc mừng. Có thể thống kê vài số liệu: năm 2009 anh đạt 84 giải thưởng quốc tế. Cũng năm này, tại cuộc thi ở Phần Lan, Đào Tiến Đạt gửi dự thi 8 bức ảnh thì đạt luôn 8 giải thưởng: 7 HCV trong đó có 5 HCV FIAP và một Bằng Danh dự! Năm 2010 là 185, năm 2011 là 118,  năm 2012 là 123, năm 2013 cũng ngần ấy giải quốc tế, với nhiều chủ đề nhưng chủ đạo vẫn là “tình người và những số phận”! Đến thời điểm bài báo này, anh có đến 821 giải quốc tế trên phạm vi 44 quốc gia và vùng lãnh thổ. Và lần lượt các tước hiệu: RISF2 của Hội Hình ảnh không biên giới ISF (Pháp) năm 2008; Tước hiệu nghệ sĩ AFIAP năm 2007, nghệ sĩ xuất sắc EFIAP năm 2009, nghệ sĩ xuất sắc hạng đồng (EFIAP/b) năm 2013 của Liên đoàn Nghệ thuật Nhiếp ảnh quốc tế; các tước hiệu SAWIEP ở Mỹ, Hon.EPSM của Hội Nhiếp ảnh Malaysia, 2010… Mới nhất là tước hiệu Hon.FPSBP của Hội nhiếp ảnh nghệ thuật Batu Pahat, Malaysia, 2013. Đào Tiến Đạt được 13 lần vào Top 10  Who ‘s Who in photography của nhiều thể loại ảnh do Hội Nhiếp ảnh Mỹ (PSA) bầu chọn hàng năm. Năm 2010, anh được xếp hạng 1 cả ảnh màu và ảnh đen trắng khổ nhỏ, hạng nhì ảnh kỹ thuật số, năm 2013 được xếp hạng 1 ảnh màu, hạng 6 ảnh đen trắng khổ nhỏ v.v… Ở trong nước thì ngoài 36 giải thưởng, anh được Hội NSNA Việt Nam tặng tước hiệu Nghệ sĩ nhiếp ảnh xuất sắc (EVAPA) cùng nhiều bằng khen của UBND tỉnh Bình Định, Hội NSNA Việt Nam, Bộ VH-TT&DL…

 

Trên từng khoảnh khắc

 

Đúng là chỉ một cái bấm máy, người NSNA bước đầu đã tạo ra một tác phẩm nghệ thuật. Nhưng cụ thể hơn theo chia sẻ của Đào Tiến Đạt thì “đó là cái khoảnh khắc được chắt lọc từ hiện thực hỗn mang qua quá trình tư duy của người nghệ sĩ” nên “người nghệ sĩ không bấm máy cái nhìn thấy mà chụp cái nghĩ ra”. Ai cũng biết, ánh sáng và khoảnh khắc bấm máy là yếu tố quan trọng trong nhiếp ảnh nhưng “hình tượng nghệ thuật mới là thước đo giá trị tác phẩm”. Đây là sự khác biệt và tạo ra đẳng cấp của những tác phẩm ảnh nghệ thuật.

 

Trừ thể loại ảnh tài liệu, báo chí, phần ảnh nghệ thuật vài chục năm gần đây, cùng với những thành tựu của khoa học kỹ thuật, cho phép xử lý ảnh bằng các phần mềm photo shop, mỗi một tác phẩm anh còn phải lao động miệt mài trên máy để đạt kết quả cao nhất như ý. Gửi dự thi, đoạt giải cao quốc tế rồi, lại tiếp tục nghiền ngẫm, tự vấn: vì sao đoạt giải, còn hạn chế nào không, có thể còn làm tốt hơn nữa không, có thể khác hơn mà vẫn đẹp không. Vậy là các tác phẩm “Bước ngoặt”, “Nón Gò Găng” tiếp tục ra đời “Bước ngoặt” 3, “Nón Gò Găng” 2, 3… Và vẫn tiếp tục gặt hái thành công.  Hình như với Đào Tiến Đạt, cái khoảnh khắc bấm máy vẫn tiếp tục là khoảnh khắc của chuỗi dài chiêm nghiệm và khám phá, của những sáng tạo không ngừng. Thực chất đó là khám phá chính mình, chính cái tôi nghệ sĩ!

 

Cái tôi ấy đã làm nên nét riêng của trải nghiệm và phong cách. Nó mặc định. Nên tác phẩm Đào Tiến Đạt tạo ra một trường lan tỏa riêng, đến nỗi khi tên anh gắn với các bức ảnh hiện thực mang tính tài liệu, vốn phản ánh khách quan sự kiện, nhiều bạn bè đã gọi điện ngạc nhiên. Họ thấy khác. Chỉ là bạn làm nghệ thuật khác ngành và chưa cập nhật nhiều các thể loại nhiếp ảnh nhưng dù gì cũng mang lại niềm vui nho nhỏ trong anh: cái chất ảnh Đào Tiến Đạt đã đọng lại trong công chúng như một thương hiệu. Đó là phận người và những suy nghiệm về nhân sinh, những phản biện về cuộc sống, về sự sống. Nên ngay cả những rung động trước vẻ đẹp của quê hương, của văn hóa truyền thống như hát bội, bài chòi cổ, phiên Chợ Gò, tháp Chàm…, tất cả đều lung linh bóng dáng con người với những sắc thái, chiều kích riêng. Ngay cả ở một nền văn hóa rất khác như Pháp, lần được mời qua giao lưu, anh cũng tranh thủ đi bấm máy và các tác phẩm “Bắt bò tót” của anh cũng rất thành công: chỉ có thể nói rằng những cảm nghiệm về Con Người của anh đã cận lý trên từng khoảnh khắc ấy.

 

Lan tỏa và hạnh phúc

 

Ở Bình Định ai cũng biết quá trình cầm máy của Đào Tiến Đạt nên sự thành công của anh lúc đầu khiến người ta phân vân, ngỡ ngàng rồi sau biến thành một nguồn động viên, khơi gợi đam mê và nỗ lực. Hơn chục năm qua, mồng 2 tết năm nào anh cũng đi “khai máy”. Năm nay nhiều người cùng đi săn ảnh với anh. Từ anh là người đầu tiên, giờ Bình Định có nhiều hội viên Hội NSNA Việt Nam. Và cũng đã có nhiều tay máy đạt giải thưởng quốc tế: Nguyễn Ngọc Tuấn, Ngô Thanh Bình, Phạm Văn Chai, Trương Đăng Huy, Tùng Đệ… Anh sống hết lòng với bạn bè, đồng nghiệp và cũng được hồi đáp đầy trân trọng. Ngoài Bình Định, anh còn đi khắp các tỉnh miền trung, vào tận Cần Thơ, Kiên Giang- Phú Quốc…, ra đến vùng biên phía bắc Lào Cai, Lai Châu… săn ảnh. Liên tục tại hai Đại hội lần thứ 7 và lần thứ 8 Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh VN, Đào Tiến Đạt đã được tín nhiệm bầu vào Ban chấp hành, được giao phụ trách khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên, công việc khá bận rộn. Nhưng bất cứ lúc nào đến nhà cũng gặp anh đang ngồi trên máy, không làm ảnh thì đọc, cập nhật không ngừng. Bạn bè các nơi tìm về Bình Định thì đã sẵn địa chỉ tin cậy là nhà anh.

 

Có một nhiếp ảnh gia người Mỹ gốc Việt về Bình Định nhờ Đào Tiến Đạt đưa đi chụp ảnh nón Gò Găng chỉ vì ám ảnh bởi vẻ đẹp các tác phẩm nón của anh. Anh thấy vui và hạnh phúc. Cũng như, sau thành công vang dội ở cuộc thi ảnh Phần Lan, vị phó chủ tịch Hiệp hội Nhiếp ảnh gia quốc tế UPI người Thụy Điển, Nils- Erik Jerlemar, dù chưa hề quen biết, đã viết thư chúc mừng và sau đó mời anh làm giám khảo cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế.

 

Thật nhiều những bút tích, những thư từ khắp nơi trong và ngoài nước viết lời trân trọng khen ngợi các tác phẩm anh. Lại có phần trùng nhau rất lớn những lời này là “cảm phục góc máy và trái tim thấm đẫm chất nhân văn và nghệ sĩ của ông!”, “những tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp đã làm rung động lòng tôi!”…

 

Nhưng ít người biết, chính anh, NSNA Đào Tiến Đạt đã nỗ lực thế nào để đi qua bệnh tật và những khó khăn có lúc như tuyệt vọng trong cuộc sống để khẳng định một điều giản dị rằng, con người không bao giờ sợ sống! Và bằng sự trợ giúp hết lòng của vợ anh, chị Bạch Tuyết, ngôi nhà vợ chồng anh sau bao buôn bán thăng trầm giờ thành Gallery ảnh đầu tiên ở Quy Nhơn, một thành phố không mấy thuận lợi về kinh doanh tranh, ảnh. Gallery đầu tiên đến giờ. Anh cũng đã khởi động bán ảnh qua mạng. Con cái đã trưởng thành, có việc làm ổn định, trong ngôi nhà anh chị, giờ nhiệm vụ tiếp khách, giao dịch là người vợ, còn chồng miệt mài chăm chút từng bức ảnh đã săn được trong những chuyến đi. Họ đang tạm sống được với ảnh nghệ thuật, cái việc, bằng nỗ lực lớn đã giúp anh tìm thấy chính mình và đến với con người, với thế giới./.

 

Lê Hoài Lương

(vanhien.vn)