Nghĩ về Đà Nẵng từ sau năm 1945 đến 1975 (Kỳ 1)

26.10.2021
Bùi Văn Tiếng
Thay đổi sâu sắc nhất của vùng đất Đà Nẵng/Hòa Vang từ sau năm 1945 là về thể chế chính trị. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đánh dấu sự cáo chung của chế độ quân chủ ở Việt Nam và khai sinh chế độ dân chủ cộng hòa - Đất nước bốn nghìn năm trưa nay cơn gió mạnh/ Thổi phồng lên tim bỗng hóa mặt trời (thơ Tố Hữu).

Nghĩ về Đà Nẵng từ sau năm 1945 đến 1975 (Kỳ 1)

Cầu Nguyễn Hoàng/Nguyễn Văn Trỗi được xây dựng vào nửa sau thập niên 1960 là cây cầu tuổi đời lớn nhất đang còn ở lại với dòng sông Hàn.

Đầu tháng 1 năm 1946, lần đầu tiên trong đời, cử tri Đà Nẵng/Hòa Vang được cầm lá phiếu trên tay để bầu Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và bầu Hội đồng nhân dân các cấp. Thời điểm này, Hòa Vang là một đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Quảng Nam; còn thành phố Đà Nẵng là một đơn vị hành chính trực thuộc cấp kỳ, ngang cấp tỉnh (theo Điều thứ 3 Sắc lệnh số 77/SL ngày 21 tháng 12 năm 1945 tổ chức chính quyền nhân dân ở các thị xã và thành phố của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh). Ngoài ra, căn cứ Nghị định số 190-TC ngày mồng 5 tháng 2 năm 1946 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Phạm Văn Đồng, có thể thấy Đà Nẵng vào thời điểm này tiếp tục được xem là trung tâm thu thuế trước bạ khu vực duyên hải Trung Bộ và Tây Nguyên.

Bộ máy chính quyền cách mạng ở Đà Nẵng/Hòa Vang với những người đứng đầu ưu tú như Huỳnh Ngọc Huệ (Bí thư Thành ủy, Đại biểu Quốc hội khóa I), Lê Văn Hiến và Lê Dung (Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời thành phố Thái Phiên/Đà Nẵng, Đại biểu Quốc hội khóa I), Lâm Quang Thự (Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện Hòa Vang, Đại biểu Quốc hội khóa I)… đã điều hành mọi hoạt động của địa phương mình theo một mô hình quản lý khác trước, cho đến cuối tháng 12 năm 1946, và quan trọng hơn là đã lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp lần thứ hai - được Đại diện Trung ương Đảng và Chính phủ tại Nam Trung Bộ Phạm Văn Đồng biểu dương: “So sánh với toàn quốc, mặt trận Đà Nẵng được liệt vào hàng đánh mạnh nhất và dẻo dai nhất…”, góp phần làm thất bại kế hoạch đánh nhanh, thắng nhanh của Pháp, tạo điều kiện cho cả nước có thời gian để chuyển vào trạng thái chiến tranh, tiếp tục kháng chiến trường kỳ. Sau khi tái chiếm Đà Nẵng/Hòa Vang vào cuối năm 1946, người Pháp một lần nữa trực tiếp quản lý vùng đất này; cho đến ngày mồng 3 tháng 1 năm 1950 thì bàn giao cho chính quyền Quốc gia Việt Nam thân Pháp; và sau Hiệp định Genève năm 1954, vùng đất Đà Nẵng/Hòa Vang lại thuộc quyền quản lý của chính quyền Việt Nam Cộng hòa thân Mỹ.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ kéo dài suốt 30 năm kể từ khi Thành Thái Phiên tắm mình trong khói lửa/ Đất anh hùng lần nữa quyết hy sinh (thơ Tế Hanh), bộ máy chính quyền cách mạng còn non trẻ của Đà Nẵng/Hòa Vang chuyển vào vùng tự do/ra vùng giải phóng tiếp tục lãnh đạo phong trào đấu tranh trong vùng địch tạm chiếm, tiếp tục đi cùng dân tộc trong suốt cuộc trường chinh giành lại độc lập tự do cho đến ngày toàn thắng cuối tháng 3 năm 1975. Và nếu như trong Phong trào Nghĩa hội Quảng Nam (1885-1887), Huỳnh Bá Chánh - nhân vật thứ ba của Tân Tỉnh - từng xây dựng căn cứ bí mật gọi là quân thứ Giang Châu ngay trong vùng địch tạm chiếm (ở khu vực thuộc làng Trung Lương nằm giữa Cẩm Lệ và Đò Xu) để đấu tranh vũ trang chống Pháp, thì tiếp nối truyền thống “quân thứ Giang Châu” ấy, người Đà Nẵng/Hòa Vang thời chống Mỹ cũng đã hình thành một số căn cứ rất nổi tiếng như Khu căn cứ cách mạng K20 ở Đa Mặn (nay thuộc phường Khuê Mỹ quận Ngũ Hành Sơn, đã được xếp hạng Di tích cấp quốc gia vào năm 2010); như Khu căn cứ cách mạng B1 ở Hồng Phước (nay thuộc phường Hòa Khánh Bắc quận Liên Chiểu, đã được xếp hạng Di tích cấp thành phố vào năm 2019); như Khu Căn cứ cách mạng Huyện ủy Hòa Vang ở Phú Túc (nay thuộc xã Hòa Phú huyện Hòa Vang, đã được Di tích cấp quốc gia vào năm 2014); như Khu căn cứ nổi Sông Đà trên sông Hàn…; và đã đào rất nhiều hầm bí mật để nuôi giấu cán bộ, nổi tiếng như hầm bí mật nhà Mẹ Nhu và nhà Mẹ Hiền ở Thanh Khê… 

Về địa giới hành chính, từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và trong kháng chiến chống Pháp, chính quyền cách mạng đã tiến hành ba lần hợp xã ở huyện Hòa Vang; năm 1968 chia huyện Hòa Vang thành khu I, khu II và khu III sau đó nhập lại, rồi đến tháng 8 năm 1973 lại chia thành ba khu... Năm 1967, các quận của thành phố Đà Nẵng và huyện Hòa Vang - cùng các huyện thị khác thuộc tỉnh Quảng Đà - cũng được hợp nhất thành Đặc khu Quảng Đà trực thuộc Khu V. Đặc biệt, tuy danh chánh ngôn thuận thì ở thời điểm đầu năm 1946, quần đảo Hoàng Sa đang thuộc quyền quản lý của tỉnh Thừa Thiên, nhưng vào tháng 4 năm 1946, nghị quyết kỳ họp đầu tiên của Hội đồng nhân dân thành phố đã xác định quần đảo Hoàng Sa là một đơn vị cấp xã của Đà Nẵng; đồng thời trong tháng 4 và tháng 5 năm 1946, Ủy ban nhân dân cách mạng thành phố Đà Nẵng liên tiếp cử hai đoàn cán bộ ra đảo (đoàn thứ nhất do kỹ sư Phan Niên - Phó Trưởng ty Công chánh làm Trưởng đoàn để tiếp quản; đoàn thứ hai do Trưởng ty Cứu tế xã hội Nguyễn Đình Liệu và Trưởng ban Tư pháp Phan Kim dẫn đầu để thăm và nắm tình hình); và đến giữa năm 1950, được sự đồng ý của Ủy ban Kháng chiến-Hành chánh Nam Trung Bộ, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến-Hành chánh thành phố Đà Nẵng Chế Viết Tấn còn ký quyết định thành lập Ủy ban Kháng chiến-Hành chánh Hoàng Sa gồm 5 người, tiếp tục khẳng định quần đảo Hoàng Sa là một đơn vị hành chính trực thuộc chính quyền cách mạng Đà Nẵng. Thật ra toàn bộ quần đảo Hoàng Sa cũng đã được Sở Địa dư Đông Dương/Service Géographique de l'Indochine đưa vào địa phận thành phố Tourane từ tháng 11 năm 1898 trong tấm bản đồ Tourane phát hành tại Hà Nội.

Chính quyền Quốc gia Việt Nam và nhất là chính quyền Việt Nam Cộng hòa cũng có những điều chỉnh về địa giới hành chính nội bộ của quận Hòa Vang và của thị xã Đà Nẵng, trong đó nổi lên là việc chia quận Hòa Vang thành quận Hòa Vang và quận Hiếu Đức vào giữa năm 1958, là việc chuyển một số xã của quận Hòa Vang về trực thuộc thị xã Đà Nẵng, chẳng hạn năm 1958, cơ quan quận lỵ của Hòa Vang đóng tại xã Hòa Thuận nhưng đến cuối năm 1961 đầu năm 1962 thì chuyển về đóng tại xã Hòa Thọ (nay thuộc phường Khuê Trung quận Cẩm Lệ). Đối với quần đảo Hoàng Sa, vào ngày 22 tháng 10 năm 1951, Thủ hiến Trung Phần Việt Nam Trần Văn Lý đã ký Tư văn mật số 1403-VP/PC/M đề nghị sáp nhập quần đảo Hoàng Sa vào Thị xã Đà Nẵng, tuy nhiên đề nghị này đương thời chưa được Chính phủ Quốc gia Việt Nam giải quyết. Mãi đến ngày 13 tháng 7 năm 1961, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm ban hành Sắc lệnh số 174-NV, với nội dung: “Quần đảo Hoàng Sa, trước kia thuộc tỉnh Thừa Thiên, nay đặt thuộc tỉnh Quảng Nam; Một đơn vị hành chánh xã bao gồm trọn quần đảo này được thành lập và lấy danh hiệu là xã Định Hải, trực thuộc quận Hòa Vang”. Và đến ngày 21 tháng 10 năm 1969, Tổng trưởng Bộ Nội vụ Việt Nam Cộng hòa Trần Thiện Khiêm ban hành Nghị định số 709-BNV/HCĐP/26 về việc sáp nhập xã Định Hải vào xã Hòa Long thuộc quận Hòa Vang tỉnh Quảng Nam (nay thuộc phường Hòa Hải quận Ngũ Hành Sơn thành phố Đà Nẵng), kèm theo một bản đồ địa giới xã Hòa Long mới - cũng có thể gọi đây là động thái “kéo Hoàng Sa vào đất liền”.

 

Cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hàn là cầu Maréchal De Lattre De Tassigny, thường gọi là cầu De Lattre dài 520m do hãng Eiffel của Pháp thiết kế và xây dựng vào năm 1951. Qua sự kiện này có thể thấy hạ tầng đô thị của vùng đất Đà Nẵng được đầu tư không đáng kể và chậm so với nhiều thành phố trong cả nước, chẳng hạn như trước đó nửa thế kỷ, hãng Eiffel của Pháp đã thiết kế và xây dựng cầu Trường Tiền ở Huế hoàn tất năm 1899; cầu Ghềnh ở Biên Hòa hoàn tất năm 1902... Cây cầu thứ hai bắc qua sông Hàn là cây cầu dã chiến mang tên Nguyễn Hoàng/ Nguyễn Văn Trỗi - một trong hai cây cầu có kiến trúc vòm bằng giàn thép Poni do Tập đoàn liên doanh RMK-BRJ (Raymond International, Inc., Morrison - Knudsen International, Inc., Brown & Root, Inc. and JA Jones Construction Co., Inc) của người Mỹ xây dựng vào nửa sau thập niên 1960 (cây cầu thứ hai có kiến trúc vòm bằng giàn thép Poni là cầu Long Hồ dẫn từ thành phố Cam Ranh vào sân bay Cam Ranh - cũng do RMK-BRJ xây dựng). Cầu Nguyễn Hoàng/Nguyễn Văn Trỗi không phải là cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hàn như cầu De Lattre/Trình Minh Thế/Trần Thị Lý nhưng là cây cầu tuổi đời lớn nhất đang còn ở lại với dòng sông này. Và dẫu được xây dựng lúc người Pháp sắp ra đi như cầu De Lattre, hay lúc người Mỹ vừa mới đến như cầu Nguyễn Hoàng, thì đương thời cả hai đều là phương tiện phục vụ chủ yếu cho quân viễn chinh xâm lược.

Nhìn chung về hạ tầng đô thị ở vùng đất Đà Nẵng/Hòa Vang từ sau năm 1945 đến năm 1975, có thể thấy ngày càng xuất hiện nhiều công trình dành cho hoạt động quân sự, đặc biệt từ sau khi Mỹ đổ quân vào vịnh Đà Nẵng mở đầu thời kỳ trực tiếp tham chiến trên chiến trường Việt Nam, chẳng hạn như sân bay Đà Nẵng - một sân bay lưỡng dụng nhưng được xem là căn cứ không quân quan trọng của Mỹ trong những năm từ 1965 đến 1975; như sân bay Nước Mặn cùng bãi đáp máy bay trực thăng trên đỉnh Kim Sơn và sân bay trực thăng trên đỉnh Sơn Trà của quân đội Mỹ từ nửa cuối thập niên 1960; như Trạm Radar Sơn Trà được mệnh danh là Mắt thần Đông Dương bởi tầm quan sát không gian rất rộng, là hai tòa nhà màu trắng hình cầu trên đỉnh núi do người Mỹ xây dựng vào nửa đầu thập niên 1960, trước khi quân viễn chinh Mỹ đổ bộ hồi tháng 3 năm 1965; như quân cảng Đà Nẵng được xây dựng gần cầu Nguyễn Hoàng và cầu Trình Minh Thế (đây cũng là lý do vì sao cầu Nguyễn Hoàng lại phải nằm sát cầu Trình Minh Thế)…

Tháng 1 năm 1953, Bộ Quốc phòng Pháp chuẩn y xây dựng cơ sở phát điện dành riêng cho quân viễn chinh Pháp tại Đà Nẵng với tên gọi Trung tâm Phát điện của quân đội. Cuối tháng 6 năm 1953, Nhà máy điện Liên Trì được người Pháp khởi công xây dựng tại địa điểm nay là trụ sở Tổng Công ty Điện lực miền Trung (góc đường Duy Tân - Trưng Nữ Vương). Công việc đang tiến hành dở dang thì Pháp thất bại tại Điện Biên Phủ, phải chấp nhận ký kết Hiệp định Genève chấm dứt sự có mặt của quân viễn chinh Pháp tại Việt Nam, do vậy Nhà máy điện Liên Trì được quân đội Pháp bàn giao cho quân đội Sài Gòn và sau đó quân đội Sài Gòn đã đồng ý cho Công ty SIPEA quản lý khai thác Nhà máy điện Liên Trì trong vòng 20 năm (từ tháng 8 năm 1955 đến tháng 8 năm 1975). Tháng 11 năm 1956, sau khi Nhà máy điện Liên Trì chính thức hoạt động, Công ty SIPEA cho dừng phát điện tại khu vực nhà máy đường Phan Đình Phùng (đã hoạt động từ năm 1922) và chuyển các máy phát điện ở đây vào Nhà máy điện Nha Trang. Kể từ thời điểm này, Nhà máy điện Liên Trì trở thành cơ sở phát điện chính tại Đà Nẵng; khu vực nhà máy đường Phan Đình Phùng chỉ còn sử dụng để làm văn phòng giao dịch.

B.V.T