Yêu từ đối đáp trong nôi

08.09.2023
La Mai Thi Gia
Những đối đáp trong ca dao Quảng Nam cũng đủ để hình dung về một tính cách Quảng: hài hước, thông minh, sâu sắc và thâm thúy với cách chơi chữ giàu hình ảnh...

Yêu từ đối đáp trong nôi

Ca dao, tục ngữ xuất phát từ đời sống lao động. Ảnh minh họa: Thả lưới trên sông. Ảnh: Đặng Kế Đông

Hờn trách cũng rất nhẹ nhàng

Câu ca dao xứ Quảng dễ thương nhất mà mình còn nhớ cũng là do ba đọc cho mình nghe, là lời “thù dai”, “thù vặt” hay “thề độc” của một anh chàng thất tình: “Thiên linh linh/ Địa cũng linh linh/ Có con không gả cho mình/ Mai sau trồng bí mình rình mình bứt dây”.

Đọc câu ca rồi thử hình dung ra cái tư thế của anh chàng, đứng đưa tay chỉ trời chỉ đất ngay trước cửa nhà ông hàng xóm, vào đúng cái ngày con gái ông xuất giá vu quy. Chắc hẳn anh ta thương thầm cô con gái bên giậu mồng tơi, ngỡ đâu cự ly sát vách là lợi thế mà cũng đành ngậm ngùi nhìn người trong mộng sang sông...

Xứ Quảng là đất học nên hàng năm có biết bao nhiêu chàng trai khăn gói vượt đèo Hải Vân ra kinh thành Huế tìm kiếm công danh: “Học trò xứ Quảng ra thi/ Thấy cô gái Huế chân đi không đành”.

Chuyện ra kinh ứng thí đặt trong bối cảnh câu ca dao gửi gắm tâm tình của cô gái xứ Quảng lại có nhiều điểm trùng khớp: “Đường ra kinh xa thật là xa/ Anh ra chi mỗi tháng mỗi ra/ Anh ra một bữa, em cực ba bốn ngày”.

Phải chăng cô gái mượn cái sự khó ở khi đến chu kỳ của người phụ nữ để nói lên tâm sự, nỗi nhọc nhằn của người ở lại. Một ngày đường của người đi bằng ba, bốn nỗi cực của nữ nhân nơi quê nhà. Vì thế, các chàng trai phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba để vinh quy bái tổ, không phụ lòng những người hết mực vun vén cho nghiệp đèn sách.

Hay như: “Thương em từ thuở trong nôi/ Em nằm em khóc, anh đôi cục đường/ Bây giờ em có người thương/ Một, hai, ba, bốn… trả cục đường lại đây”. Anh chàng đòi trả yêu thương mà nghe sao ngọt xớt chứ không hề hằn học. Đòi “cục đường” chỉ là cái cớ, ẩn sau đó là những thấu cảm về được mất, có không trong cuộc đời mà buông bỏ nhẹ tênh.

Những câu ca dao nhắc đến ở trên là những câu nằm lòng trong ký ức tuổi thơ, sau này, khi bắt đầu chọn con đường nghiên cứu văn học dân gian, tôi mới tìm đọc những câu ca dao khác của quê hương.

Đọc đến nhóm ca dao có chủ đề đối đáp nam nữ thì mê mệt. Dân Quảng hài hước, dí dỏm cỡ con cháu Thủ Thiệm thì ai cũng biết rồi. Thế nhưng, cái dí dỏm hóm hỉnh đó không chỉ hiện diện trong đời sống hàng ngày mà còn tự nhiên đi vào ca dao tục ngữ khiến cho loại hình ca hát dân gian ở đây thấm đẫm tiếng nói tự nhiên mộc mạc của người dân quê chân chất mà tinh tế và rất thông minh.

Ý tục giảng thanh

Thử đọc câu hát đối dưới đây, lời của một anh nông dân giả ngây giả ngô, hỏi nhưng là trêu ghẹo cô gái mà mình lỡ phải lòng: “Nhón chân kêu bớ cô đi đàng/ Cái chi chỗ ngực mà cô ràng 4 dây?”.

Câu ca được hát lên bằng chất giọng Quảng đặc sệt với một mớ từ ngữ địa phương như “bớ”, “đàng”, “ràng”. Và được đáp lại bằng cái giọng cũng khá là ngoa ngắt của cô gái với những “tê” những “ni”: “Chú tê đã dại mà lại khờ/ Lưng chú dài, vai chú rộng cũng là nhờ cái ni”.

Không dừng lại ở đó, anh chàng lại lém lỉnh: “Ai lên đón gió hỏi mây/ Có khuôn đúc trẻ cho đây mượn cùng?”. Đàng gái cũng nhanh nhạy không kém: “Anh kia nói lạ nói lùng/ Khuôn ai nấy đúc, mượn cùng ai cho?”. Những tung hứng rất thông minh và dí dỏm khiến cho câu chuyện thêm phần thú vị.

Khi đi vào khảo sát và tìm hiểu nhóm ca dao thuộc chủ đề đối đáp nam nữ, mới thấy dân gian xứ Quảng theo tuýp ý tục giảng thanh. Khi trai hỏi gái cắt cớ: “Gặp ba trò khiến hỏi ba trò/ Đường lên trên bụng có đò hay không?”; thì gái không ngại đáp lời: “Cao sơn lưỡng nhũ ở trên/ Tiểu khê ở dưới, muốn lên phải có sào”. Muốn qua được con suối nhỏ để đến hai hòn núi cao thì còn phải coi cái sào và kỹ năng chèo chống của anh ra răng nữa chớ.

Rồi đến lượt gái cũng không ngần ngại làm khó trai bằng những câu đố cắc cớ: “Hai bên cỏ mọc xanh rì/ Ở giữa có khe nước chảy, hỏi anh đi đường nào?”. Mà cũng dễ gì làm khó được anh chàng tinh vi tinh tướng, anh trả lời ngay tắp lự: “Hai tay anh bu lấy hai cội đào/ Chính giữa có khe nước chảy, anh chống sào anh qua”. Thật duyên dáng mà ý nhị biết bao!

Trong dân gian có câu tục ngữ “bụng sát tận da” hay “rọt thót tận da” để chỉ sự đói ăn. Cô gái Quảng trong câu hát đối dưới đây cùng dùng hình ảnh ấy để trêu chàng trai: “Gặp anh Ba đây khiến hỏi anh Ba/ Lâu nay mần ăn khấm khá hay cũng sát da như gái này?”.

Anh trai Quảng láu lỉnh hiểu ngay ý của nàng: “Thời buổi chừ công việc sớt sưa/ Dư không dư, thiếu không thiếu, cũng đu đưa như mọi ngày”.

Dạng thức ca dao đối đáp theo kiểu “ăn miếng trả miếng” thế này chúng tôi còn gặp rất nhiều trong ca dao xứ Quảng, thể hiện sự thâm thúy, đáo để của cha ông xưa. Chất phác là thế, hiền lành là thế, nhưng khi cần thì cũng đanh đá chua ngoa không kém.

Chỉ riêng mảng ca dao tình yêu nam nữ có hình thức đối đáp như thế này thôi cũng đủ để cho thấy sự dồi dào về số lượng và sự phong phú về hình thức diễn đạt trong kho tàng ca dao Việt Nam nói chung và xứ Quảng nói riêng.

Qua nội dung chủ đề của các cặp câu hát đối đáp trong ca dao Quảng Nam đã có thể phác thảo nên những tính cách của người xứ Quảng. Đó là thích trào lộng, hài hước và thông minh, đồng thời dù chỉ là dòng văn học bình dân thôi nhưng cách dùng từ gợi hình gợi thanh, gợi cảm xúc thì chuyên nghiệp và thâm thúy vô cùng.

(QNO)