Người thành phố

06.10.2022
Nguyễn Trọng Hoạt
Nếu kê khai, chắc hầu hết những người sống trong hẻm này sẽ ghi “dân nghèo thành thị” vào cột “thành phần” trong bản lý lịch của mình.

Người thành phố

Đàn ông ở đây phần nhiều là đạp xích lô, chạy xe thồ, phụ hồ. Đàn bà thì sáng gánh sôi, bún mắm, bưng bánh xèo, bánh ướt đi đụng đầu. Tầm nữa buổi là thời điểm làm ăn của các bà ve chai, xoa xoa, đậu hũ. Tối đến, với ngọn đèn dầu tù mù, các bà gà gật bên tủ thuốc hoặc mấy cái trứng vịt lộn được ủ trong cái thau nhỏ. Các ông xúm xít với nhau quanh đĩa đu đủ nộm hoặc mấy lát ổi xanh, sang lắm là đĩa lòng xào nghệ cùng với chau đế, khề khà tống tiễn một ngày cực nhọc. Tiếng là phố nhưng cảnh và người ở đây nhem nhuốc hơn cả quê.

Theo Hà, đẹp nhất, sang nhất ở con hẻm này là bốn cô mắt xanh mỏ đỏ, vàng đeo sáng chóe đang trọ phía trong nhà Hà một đoạn. Cơm chiều xong, “tứ đại mỹ nhân” của con hẻm lại đóng bộ vô, tay cầm cái xắc nhỏ, dưỡn dẹo ra ngã ba đầu hẻm, vọt lên xích lô. Khuya các cô mới về mang theo mùi thơm đến nhức đầu của nước hoa, thuốc lá. Miệng các cô lúc nào cũng lép nhép nhai kẹo cao su, tay cầm điếu thuốc. Họ nói chuyện với nhau tất nhiên bằng tiếng mình nhưng Hà chắc non nửa là không có trong từ điển tiếng Việt.

Sáng chủ nhật, Hà đang nhảy lò cò trước sân thì bốn người đẹp ngang qua. Một chị (nghe họ gọi với nhau, Hà biết tên là Lệ) đứng lại. Chị say mê nhìn Hà chơi, vẻ thích lắm. “Cho chị chơi với được không ?”. “Chị lớn rồi mà cũng chơi á ?”. Nghe Hà hỏi lại, chị xịu mặt, buồn thiu. Chị đưa mắt chán chường nhìn con hẻm sâu hút trước mặt. Khoảnh khắc buồn, trông chị thật dễ thương. “Chị làm việc ở đâu ?”. Không lời đáp, chị dúi vào tay Hà cái kẹo cao su và mấy trái nho rồi bước nhanh như chạy.

“Trời ơi, vứt, vứt ngay !” - Mẹ Hà nổi nóng khi nghe con gái mình khoe món quà nhỏ.

- “Từ nay mẹ cấm con tiếp xúc với bọn bia ôm ấy, nghe chưa ? Coi chừng con sida dính vào là tiêu đời đấy con ạ!”.

Mặc cho con gái ngơ ngác, bà lại rền rỉ, ta thán về những tệ nạn, những cạm bẫy đang giăng mắc khắp nơi. Cứ như lời mẹ, Hà thấy quanh mình đáng sợ thật. Một mét vuông có bốn thằng ăn cắp kia mà ! Đồ phơi đó, thấy mấy bà chai bao và bọn nhặt sắt vụn là phải để mắt tới ngay. Mấy ông thiến heo, “bấm lỗ tai không đau” lượn ra lượn vô kia là đang thám thính, chờ rinh mấy chậu thiên tuế, vạn tuế trước sân đấy ! Hà thích chơi với bọn trẻ trong xóm lắm nhưng mẹ cấm tiệt. “Dây vào bọn vô học ấy chỉ có thiệt thân thôi con ạ”. Lời đe ấy của mẹ không làm anh Nam của Hà sợ. Khi ba đã đến công ty, mẹ chễm chệ nơi sạp vải ngoài chợ là Nam vọt rào, leo ra đường. Nhiều bữa xước phải mảnh chai, thép gai, máu chảy te tua, Nam bị mẹ nện cho kêu trời. Mẹ bảo Nam đẻ ngược, tính giống như tên quai nôi của nó: Lỳ.

Hồi nhỏ, mỗi lần Nam bỏ đám bạn, chạy về mếu máo là được mẹ tiếp ứng ngay : “Thằng nào, thằng nào dám đánh con của bà hở ?!”. Thấy mẹ Hà là bọn trẻ xanh mặt, co giò biến ngay, cứ như gà con gặp quạ. Lần khác, nghe Nam mét lại, mẹ trợn mắt lên, bét vào mông mấy cái nảy lửa : “Nó đánh mày sao không biết đánh lại ? Mày to như con khủng long mà không vặn cổ được cái thằng xi cò que đó à ?”. Nhiều lúc đứng trong hàng rào nhìn các bạn “làm bánh”, chơi trò trốn tìm, Hà thích lắm nhưng sợ mẹ. Cả đến bây giờ, khi Nam đã vào lớp 10, Hà lớp 6 Nhưng anh em Hà vẫn không có bạn ở hẻm phố này.

Buổi trưa, Hà đang mải miết với cuốn “Từ góc sân nhà em” thì nghe tiếng than nghèo kể khổ ngoài cổng. Nhìn qua khe cửa, Hà thấy ông ăn mày, đầu trần, ngồi bệt trên đất, bàn tay run run sờ lên cánh cổng nhà Hà. Hà mở quyển vở, lấy 500 đồng định chạy ra thì mẹ ngăn lại: “Con không phải lo cho những kẻ giả điên khiêng đồ ấy”. Giả đâu, chính mắt Hà thấy hai chân ông cụt tới háng. Nghĩ thế nhưng Hà không dám cãi.

Nam về cùng với chiếc xe đạp gãy phụt và bộ mặt xay xước, thâm tím. Mẹ Hà quýnh lên. Sau phút thất thần, bối rối, bà lấy lại cái giọng gang thép vốn có của mình :

- Đứa nào đánh con ?

- Bọn nó xô con ngã xuống đường…

- Đã bảo là tránh xa bọn ba nhe, du đãng ra - Bà hạ giọng - nhưng tại sao chúng nó xô con ?

- Chúng nó giựt dây chuyền của bạn con, con rượt theo…

- Hiệp sĩ gớm nhỉ - bà trề môi - được chi chưa biết, giờ mang mặt máu này về báo khổ tôi đây !

-  Nói thế thì mẹ đừng lo cho con nữa.

-  A…..

 Bà tròn mắt nhìn con trai như nhìn một hình hài kỳ dị. Lần đầu tiên trong đời, nó dám cãi lại bà. Nhưng bà đâu biết, nó bắt đầu dẫm lên điều cấm số một của bà : Uống rượu và hút thuốc. Có hôm Hà thấy Nam khập khưởng về, miệng cứ lảm nhảm “Chán quá ! Chán quá !”. Và Hà trở thành chứng nhân duy nhất cho nỗi lòng của Nam được bày ra trong men rượu. Nam nói toàn lời người lớn. Tay vẫy vẫy điếu thuốc, trông oách thật. Hà biết anh buồn vì không đưa bạn tới nhà chơi được. Bạn của con đến nhà mà mẹ thẩm vấn cứ như để tuyển người vào cơ quan bí mật. Bà lại ngó ngó như quan tòa nhìn tội phạm. Bà sợ chúng ăn cắp hay mang thuốc phiện vô nhà chắc? Từ đó, tối nào Nam cũng đi học ngoại ngữ, học thêm. Đi học mà không mang vở! Hà định mét mẹ nhưng lập tức nhận được cái véo tai đau điếng : “Ranh con, không được bép xép !”.

Khuya, cả con hẻm bừng dậy. Người la, chó sủa. Tiếng xe máy rồ. Tiếng chân chạy đùi đụi. Những khuôn mặt ngái ngủ, dớn dát nhìn về ngôi nhà trọ của “tứ đại mỹ nhân”. Ai đó kêu lên “đánh ghen rồi !”. Lại tiếng la của người khác, “Trời ơi, lưỡi lam vô mặt con Lệ rồi !”. Hà tông cửa chạy ra. Lệ, mặt đầm đìa máu, tay đang bu song sắt trên cánh cổng nhà Hà, hốt hoảng: Hà ơi, cho chị trốn với!”. Hà chạy vô nhà lấy chìa khóa nhưng bị mẹ giữ lại: “Không được, để chúng nó vào phá nhà hả?”. May mà tổ dân phòng của khối phố kịp thời có mặt.

Hôm sau và nhiều hôm sau nữa, chuyện nóng hổi “vừa thổi vừa nghe” của con hẻm là chuyện náo động lúc nửa đêm. Người ta hỏi nhau về thủ phạm. Họ chép miệng tiếc cho khuôn mặt đẹp của Lệ. Rồi họ xuýt xoa mừng cho cô là may đã tránh được ca axit của con “sư tử hà đông”. Họ giành nhau tờ Báo Công an nhàu nát để xem chuyện con hẻm của mình có bị nhà báo nói thêm không. Hà nghe các bà nói với nhau là “tứ đại mỹ nhân” đã bị đưa lên trại “không sáu” rồi. Hà chẳng biết trại “không sáu” là gì, nhưng chắc xa lắm. Sau đó lại nghe, ra trại các cô đã bỏ nghề cũ. Người đang bán vé số ở vườn hoa thành phố, gặp bà Mười bún mắm thì vội kéo nón xuống, lờ đi. Kẻ đang bán cá heo ở chợ Chồm Hổm, thấy người trong hẻm mừng cứ như gặp lại người thân. Riêng Lệ đang làm ở công ty vệ sinh môi trường thành phố. Nhớ lại khuôn mặt đầy máu của chị, Hà thấy thương quá.

*

*     *

Bữa cơm dọn ra đã nguội ngắt nhưng chỉ có con mèo ngồi thu lu ở đầu bàn. Ti vi qua chương trình dự báo thời tiết từ lâu nhưng ba Hà và Nam vẫn chưa về. Ba không ăn cơm tối với vợ con là chuyện thường. Nhưng còn Nam… Chốc chốc Hà lại chạy ra cổng, dán mắt vào con hẻm tối đen như cái hang. Không yên được, Hà lại chạy ra ngã ba đầu hẻm tìm chiếc Cúp 81 màu ốc bươu trong dòng người xuôi ngược. Thất vọng, Hà quay vô.

Khi đồng hồ chậm rãi dóng 12 tiếng thì mẹ Hà hốt hoảng. Mặt bà cau lại, đứng ngồi không yên. Bà luôn mồm đưa ra những câu hỏi giữa trời. Bà líu ríu mở cuốn danh bạ điện thoại, bấm số, dập máy rồi lại bấm số. Bà định chạy qua hàng xóm hỏi nhưng giờ này ai thức nữa. Vả lại thường ngày bà đâu trò chuyện với ai nên cũng chẳng ai để ý đến người nhà này.

Bỗng chuông điện thoại réo vang. Cả hai mẹ con cùng nhào lại. Hà trao ống nghe cho mẹ. “Vâng, đúng rồi - giọng bà bỗng lạc đi - sao ? Bệnh viện Đa Khoa thành phố hả… được, tôi đến ngay”. Buông ống nghe, bà ngồi phịch xuống xa lông, ngửa mặt kêu trời.

…Hà rón rén sau mẹ bước vào phòng cấp cứu. Đập vào mắt Hà toàn màu trắng đến lạnh người. Lẫn trong màu tinh khiết ấy, có một người mặc đồ bảo hộ màu xanh có đính những sọc vàng phản quang, chân đi đôi ủng bê bết bùn, đang lăng xăng theo sự chỉ dẫn của bác sỹ. Khi người đó quay lại, Hà sừng sờ: chị Lệ. Nhận ra người quen, Lệ bước tới, kéo mẹ Hà ra góc phòng, nói nhỏ:

-  Nam ổn rồi, bác sĩ vừa kiểm tra phim nói là chỉ rạn ống chân phải. Nó vừa thiếp đi đấy.

-  Nhưng đầu đuôi là sao hả cô ?

-  Em đang quét rác thì nghe cái “rầm” ở gốc xà cừ phía trước. Em chạy lại và gọi xích lô - Lệ cười buồn - Tại rượu và tại cái trụ điện đấy. May là trong túi áo Nam có “cạc” của ba nó nên em mới biết số “phôn”.

Mẹ Hà cầm chặt tay chị Lệ, đầu cúi xuống, nước mắt ứa ra. Cổ họng bà ngắc ngứ như muốn nói điều gì mà không nói được. Bỗng bà gục mặt lên vai áo xanh bạc phếch của chị, khóc thành tiếng. Mọi người đứng quanh ngơ ngác. Vâng, có lẽ họ không hiểu hết nỗi niềm đang trào ra theo dòng nước mắt của bà.

N.T.H