Tết Nguyên Đán - từ cái nhìn của Nguyễn Văn Xuân

29.01.2024
Vũ Đình Anh
Nguyễn Văn Xuân cho rằng, Tết Nguyên Đán là lễ hội lớn, là phong tục truyền thống quan trọng, có ý nghĩa nhất ở Việt Nam. Nên ông đặc biệt quan tâm, bởi nghiên cứu về Tết có thể phát hiện “bao nhiêu vấn đề quan hệ sâu sắc tới xã hội Việt Nam”. Tết là thời điểm tập trung nhiều tập tục, lễ hội, “là sự biểu lộ tình cảm, tư tưởng, tính chung thủy của gia đình Việt Nam trong mối quan hệ bà con, xóm làng từ Bắc chí Nam”[1]. Đặc biệt, theo ông, nền văn hóa Việt Nam rất thống nhất, ngay cả “trong thời kỳ chia cắt rất khắc nghiệt thì dân tộc Việt Nam cũng thống nhất gần như triệt để về ngôn ngữ, tập tục, chữ viết…”. Khởi đầu và cũng là tiêu điểm cho sự thống nhất “từ Bắc chí Nam” ấy chính là các tập tục trong Tết Nguyên Đán.

Tết Nguyên Đán - từ cái nhìn của Nguyễn Văn Xuân

Tìm hiểu về Tết, Nguyễn Văn Xuân quan tâm đến nguồn gốc của các lễ tục. Trong nhiều yếu tố hội tụ, kết tinh tạo nên Tết Việt, ông cho rằng “Đạo giáo mới thực sự là xương sống của lễ tục này”. Ông khẳng định đây là yếu tố thuộc về lịch sử xa xưa, không chỉ riêng Việt Nam mà Đạo giáo “tác động cực mạnh về tinh thần” trong cả bốn nước đồng văn (Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam, Nhật Bản) và các “chi lưu” như Singapore, Đài Loan… Trong truyền thống, tư tưởng Nho - Phật - Đạo đã có những tác động sâu rộng trong đời sống văn hóa người Việt. Ông cho rằng Đạo giáo vốn có tầm ảnh hưởng trong nhân dân từ trước, sau Nho giáo và Phật giáo có phần lấn át. Song không vì thế mà Đạo giáo mất vị thế, mà nó có sự phát triển, đã hòa mình, hóa thân, làm mới mẻ chính cả Nho giáo và Phật giáo ở 4 nước đồng văn này. Như vậy, khám phá về Tết Nguyên Đán, ông không chỉ thấy những biểu hiện bề mặt còn chỉ ra nguồn gốc, quá trình phát triển của các tập tục làm phong phú và đa dạng đời sống tinh thần của người Việt Nam.

Nguyễn Văn Xuân cho rằng, một truyền thống gần như không thay đổi qua nhiều thời kỳ, ở các vùng miền cả nước ấy là “Tết thì phải có ăn”. Vì vậy, khi đề cập về Tết, ông bà ta từ xưa tới nay thường nói “ăn Tết”. Ông cho rằng, đó chính là dịp “gia đình tụ họp quanh bữa ăn bề thế nhất trong năm” với đầy đủ các loại đồ ăn, thức uống. Bởi vậy, dù nghèo đói đến mấy, người dân cũng chạy vạy, lo toan để có cái Tết được ăn no và ăn ngon (có thể nhà nghèo quanh năm đói kém, chỉ no trong mấy ngày Tết). Từ truyền thống “ăn Tết” mà sinh ra biết bao tục lệ gắn liền với nó. Ông nhận thấy, nhiều người Việt đã chuẩn bị Tết trước đó từ rất lâu về “nếp tốt, rau hành, củ kiệu, vỗ heo”… Đây là tâm lý khá phổ biến của người dân xưa, khi mà cuộc sống phần lớn là tự cấp, tự túc, các cây trồng, vật nuôi phải được tính toán làm sao cho kịp ăn Tết hoặc bán để mua sắm thêm các đồ Tết. Ngoài việc chuẩn bị đồ ăn, đón tiếp khách nào, ra sao cũng đều có sự sắp xếp. Ông cũng nhận thấy sự thay đổi từ khi Đổi mới đến nay, đất nước đạt nhiều thành tựu to lớn, cái ăn nói chung và sự ăn trong những ngày Tết đối với người dân không còn đặt nặng như trước kia, bởi không phải chỉ chờ Tết mọi người mới được ăn no và ăn ngon.

Cùng với sự “ăn Tết”, các hoạt động “chơi Tết”, “du xuân” cũng được Nguyễn Văn Xuân đặc biệt chú ý. Ông cho rằng, thời xưa các bộ môn giải trí còn ít ỏi, vậy nên hội hè, ca hát, bài bạc… là những thú vui, những hoạt động văn hóa văn nghệ phổ biến. Trong đó, hội hè, ca hát là những thú vui tao nhã. Theo ông, trước năm 1945, các lối ca hát có bề dày lịch sử từ xa xưa còn truyền lại “phát triển rất dồi dào, sinh động trong dân gian”. Trong các hoạt động, sau phần lễ sẽ đến phần hội với rất nhiều hoạt động sôi nổi đem lại niềm vui cho dân chúng. Ở miền Trung thì hát Bội và hát bài Chòi là nổi bật. Nguyễn Văn Xuân rất chú ý tới thú Bài bạc ngày xuân. Theo ông, Tết là cao điểm của bài bạc, bởi có khi ban đầu chỉ là thú vui, đánh để thử vận may nhưng rồi máu ăn thua nổi lên thì biết bao cảnh “tan hoang cửa nhà”, “tán gia bại sản”, “bán vợ, đợ con”… Ông đã nỗ lực để khám phá nguồn gốc, diễn trình, quá trình du nhập và sự phát triển các loại bài bạc có mặt ở Việt Nam. Theo ông, khi tổ chức bài bạc, nhà cái có rất nhiều chiêu trò gian lận, câu kéo diễn ra, người chơi ít có cơ hội chiến thắng. Mà dịp Tết, đầu xuân, tại các lễ hội, người đông mà tiền “rủng rỉnh” nên nhiều người sẵn sàng tham gia, dù không giỏi đánh bài.

Ngoài “ăn Tết”, “chơi Tết”, người dân còn luôn mong một năm mới nhiều may mắn. Vì vậy, có rất nhiều tục lệ trong những ngày Tết để cầu sự may mắn và tốt đẹp như: treo câu đối đỏ với những lời hay ý đẹp; dành những lời tốt đẹp để chúc nhau; “bói một loại gì đó để thử thời vận năm mới”; mong được mừng tuổi (lì xì) để lấy may; kiêng đổ rác trong ngày đầu năm vì sợ đổ cả điều may; đi xem hát tuồng cũng mong được xem vai trung (mặt đỏ) và kết thúc có hậu; người đi học hay trí thức thì khai bút đầu xuân; đánh bạc thử vận may…[2]. Ngoài ra, còn có rất nhiều hình thức bói toán như xem ngày tốt - xấu, chọn tuổi xung - hợp, xem hướng xuất hành… Nói chung, rất nhiều ước mơ, kỳ vọng được nhân dân gửi gắm trong các quan niệm từ những việc thường nhật hay quan trọng đều có thể là điềm báo hoặc mang đến sự may - rủi. Vì vậy, mọi sự việc hay hành động của con người trong những ngày Tết đều phải hết sức chú ý và cẩn trọng để mong đem đến sự may mắn, xua đuổi điềm gở.

Với cái nhìn toàn diện, Nguyễn Văn Xuân còn khám phá thêm những góc nhìn rất độc đáo, riêng và ít phổ biến về Tết Việt. Với kiến văn sâu rộng, hiểu biết nhiều, ông luôn xâu chuỗi, nhìn nhận hiện tượng trong các mối tương quan, đó là hướng tiếp cận tổng thể, liên ngành và xuyên ngành trong nghiên cứu hiện đại. Ông đã đi sâu khám phá và lưu giữ rất nhiều về những cảnh đời, thói tục chưa hẳn là tốt đẹp trong những ngày cuối năm, ngày Xuân như cảnh trốn nợ và đòi nợ, trộm cắp cuối năm…

Nói chung, Nguyễn Văn Xuân là người muốn nói kỹ và toàn bộ về các đối tượng mà ông quan tâm, trong đó có Tết. Các nghiên cứu của ông viết về những ngày cận Tết, ngày Tết và những ngày xuân, có sự kết hợp giữa việc nghiên cứu, khảo chứng nhiều loại tư liệu và tư duy độc lập, uyên bác, tinh tế. Nhờ đó giúp ông có những kiến giải đa dạng, đa diện, đa chiều và độc đáo xung quanh những ngày Tết Nguyên Đán truyền thống của người Việt.

Dù dành tình cảm rất đặc biệt về Tết, song Nguyễn Văn Xuân cho rằng, người Việt Nam cần có sự thay đổi trong quan niệm về Tết. Đó là cần có niềm tin vào khoa học thay vì những niềm tin có tính chất “mê tín dị đoan”. Muốn phát triển, hội nhập sâu rộng với thế giới, nhất là “khi tiến sang công kỹ nghệ hóa”, làm ăn, giao thương hiện nay, bắt buộc phải dùng lịch dương, do đó phải quan tâm hơn đến Tết Tây. Theo ông, “không phải vì vậy mà ta bỏ Tết Nguyên Đán”, song cần rút gọn Tết ta cả về thời gian và các tục lệ, nên duy trì trong phạm vi gia đình, tộc họ, làng xóm để khỏi phí phạm năng suất quá nhiều[3]. Đây cũng là vấn đề mà một số nhà nghiên cứu hiện nay vẫn tiếp tục đặt ra, trao đổi và tranh luận nên nó vẫn có tính thời sự.

V.Đ.A

 (Tạp chí Non Nước số 311+312)

[1] Nguyễn Văn Xuân (2020), Nguyễn Văn Xuân toàn tập, tập 7, NXB Hội Nhà văn, tr.7.

[2] Nguyễn Văn Xuân (2020), Nguyễn Văn Xuân toàn tập, tập 7, NXB Hội Nhà văn, tr.174-175.

[3] Nguyễn Văn Xuân (2020), Nguyễn Văn Xuân toàn tập, tập 6, NXB Hội Nhà văn, tr.306.