Nhà điêu khắc Phạm Hồng với quê hương Quảng Nam Đà Nẵng.

13.03.2013

Nhà điêu khắc Phạm Hồng với quê hương Quảng Nam Đà Nẵng, đúng thế với tư cách là một nhà điêu khắc quen biết. Song đầy đủ hơn cuộc đời Phạm Hồng là “một chốn đôi quê”. Sinh trưởng trên quê lụa Hà Tây, nay thuộc thành phố Hà Nội. Sớm có năng khiếu mỹ thuật từ nhỏ, quanh quẩn trong lũy tre làng mà tự tin “dám” ra Hà Nội thi thẳng vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp. Tốt nghiệp loại giỏi được trường cử đi tu nghiệp ở nước ngoài song anh tình nguyện xin đi B vào Nam chiến đấu.

Nhà điêu khắc Phạm Hồng với quê hương Quảng Nam Đà Nẵng.

Không bằng lòng với vốn kiến thúc nghề nghiệp, hòa bình thống nhất đất nước anh lại thi đỗ vào khoa điêu khắc trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Tốt nghiệp, một lần nữa anh lại xin vào công tác tại Quảng Nam Đà Nẵng. Con đường nghệ thuật ngót 40 năm qua của Phạm Hồng luôn gắn bó mật thiết với hai thời kỳ lịch sử: Một thời chiến tranh và một thời hòa bình của dân tộc.

Một thời chiến tranh sinh tử với quân và dân đất Quảng trung dũng kiên cường đã thực sự tích lũy được vốn sống, vốn hiểu biết, vốn nghệ thuật làm hành trang cho nghệ thuật điêu khắc của Phạm Hồng một thời hòa bình. Có thể khẳng định, quân và dân Quảng Đà một thời chiến tranh là miền đất hứa cho nghệ thuật điêu khắc Phạm Hồng.

Nghệ thuật và phong cách nghệ thuật điêu khắc Phạm Hồng...

Hoà bình thống nhất đất nước toàn dân hồ hởi bắt tay “xây dựng đất nước ta to đẹp hơn, đàng hoàng hơn” như lời Bác dạy. Không thể không xây dựng những công trình tượng đài tôn vinh những nhân vật lịch sử, những chiến công của quân và dân ta làm nên lịch sử nhằm giáo dục truyền thống cho các thế hệ đời sau. Đi đầu trong phong trào sáng tác và xây dựng các công trình tượng đài là các tỉnh Nam Trung Bộ: Quảng Nam - Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định... Đứng ở tuyến đầu trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Đã thực sự chắp cánh cho hoài bão ước mơ của nhà điêu khắc Phạm Hồng. Người đầu tiên lập dự án Trại sáng tác điêu khắc Quốc tế trình ủy ban, ra Hà Nội xin ý kiến của Hội, của Vụ Mỹ thuật... rồi lập tờ trình lên Bộ Văn hóa: Một quy hoạch văn hóa tạo hình ở khu di tích danh thắng lịch sử Non nước và các vườn tượng trong các không gian đô thị Đà Nẵng. Mời cho được những nhà điêu khắc tên tuổi trong và ngoài nước chung tay xây dựng. Trong thư hồi âm của nhà điêu khắc tên tuổi Điềm Phùng Thị viết “Về trại sáng tác điêu khắc quốc tế tôi thấy trước sự khó khăn của toàn quốc. Chúng ta nên tìm cách hô hào sự tham gia quốc tế: Đông Tây Nam Bắc, vừa đỡ tốn, vừa vẻ vang cho Việt Nam”. Quả thật thiên thời chưa tới, địa lợi nền kinh tế bao cấp thời chiến suy thoái. Chỉ còn nhân hòa chưa hội đủ điều kiện làm những dự án điêu khắc lớn. Phạm Hồng đành mở xưởng, tập hợp thợ đá Non nước hợp tác liên kết với Na Uy một dự án nhỏ... và hy vọng, chờ đợi...

Biết bao ước mơ dự định sáng tác điêu khắc trong thời chiến của anh nay hội đủ điều kiện thực hiện. Hàng loạt tượng tròn, tượng đài ra đời đi vào đời sống được dựng ở nhiều địa danh lịch sử và hiện diện trong các bảo tàng mỹ thuật quốc gia, bảo tàng lịch sử quân đội, bảo tàng mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh...

Mở đầu là 3 bức tượng Bác Hồ Miền Nam trong trái tim tôi, Vòng tay của Bác, Bác Hồ trong ngày giải phóng. Sáng tạo hình tượng nghệ thuật Bác Hồ trước hết phải giống. Hơn thế còn phải đẹp, đúng với từng không gian và thời gian, khắc họa cho được thần thái của một nhà cách mạng, nhà văn hóa lớn, gần gũi với nhân dân như tên gọi thân thương của chúng ta “Bác Hồ”. Quả thật chẳng đơn giản chút nào với người vẽ, người nặn. Hình tượng nghệ thuật Bác trong các tác phẩm của Phạm Hồng ít hay nhiều đã thể hiện được tính cách tâm hồn Bác kính yêu của chúng ta.

Còn hình tượng các nhân vật lịch sử Hoàng Diệu với Thành Thăng Long, một thế đứng vững chắc, mặt hướng về phía trước, cương nghị ngẩng cao đầu, khối ngực căng tròn, quyết tử thủ với Thành Thăng Long của một dũng tướng. Danh thần Trần Văn Dư với cáo thị Cần Vương, Chí sĩ Nguyễn Duy Hiệu ... là những chí sĩ của quê hương đất Quảng thuộc thể loại tượng ngoài trời, ánh sáng tự nhiên với không gian cảnh quan nơi đặt tượng. Nói chung tượng nhân vật luôn đòi hỏi cao khả năng diễn hình, diễn khối mới mong khắc họa được thần thái của nhân vật và khả năng đối thoại với công chúng.

Không ít tác phẩm được sáng tác theo xu hướng hiện thực tâm trạng, thoát thực hơn với bút pháp cường điệu, cách điệu giàu các phẩm chất nghệ thuật: tả thực, siêu thực, lập thể, ẩn dụ, biểu hiện... thuộc kênh tạo hình của chủ nghĩa hiện đại như Khát vọng mùa xuân, Âm vang Tây Nguyên, Bất khuất, Hoa của đất, Thạch Sanh, Vũ điệu bất tử, Dòng sữa mẹ, Sự tích Âu Cơ, Cô Tấm, Học chữ Bác Hồ, Ngày hội, Mẹ biển cả, Biển mùa xuân... Biết kết hợp hài hòa yếu tố tạo hình với yếu tố trang trí làm phong phú khối. Khối là tiếng nói đặc trưng của nghệ thuật điêu khắc.

Nhà điêu khắc Phạm Hồng (giữa)

Các công trình tượng đài, tượng ngoài trời nói chung luôn đòi hỏi biết khai thác chiều không gian thứ 4 - không gian đặt tượng. Điều tiên quyết, quyết định sự thành bại của một công trình tượng đài. Cho dù tự thân tác phẩm có đẹp đi chăng nữa, không được đặt đúng chỗ, hài hòa với không gian tự nhiên kiến trúc, nhất quán của một cảnh quan. Nhìn chung các công trình tượng đài Quảng Nam trung dũng kiên cường - hình tượng nhân vật thường đậm, chắc, khoẻ; Bà mẹ Quảng Nam - hai nhân vật mẹ và con một cách nhìn trực diện, quyết liệt, một sống một còn theo hướng nhìn chính diện đối mặt với quân thù; Chiến thắng Hà Lam-Chợ Được - 3 nhân vật tựa lưng vào nhau, 3 hướng nhìn xoay tròn tạo một thế đứng vững chắc của khối tròn; Còn chiến thắng Bồ Bồ chỉ một nhân vật anh bộ đội một tay cầm súng, một tay nắm đấm giơ cao đặt trong một biểu tượng hình cánh cung, mũi tên hướng lên trời thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Đó là những dạng bố cục làm phong phú hình thức tượng đài Phạm Hồng mà vẫn nhất quán một phong cách nghệ thuật hiện thực giàu phẩm chất anh hùng ca, dân tộc và thời đại theo cảm quan của thế hệ mình.

Một quan niệm, một cách tiếp cận nhân vật lịch sử và chiến công lịch sử và một cách xử lý nghệ thuật riêng Phạm Hồng. Định hình, định vị một phong cách nghệ thuật hiện thực tâm trạng thuộc kênh tạo hình của chủ nghĩa hiện đại giàu chất anh hùng ca và chất thơ.

Nhà điêu khắc Phạm Hồng bước sang tuổi xưa nay hiếm vẫn lấy sáng tác làm niềm vui lớn như cách nói của Các Mác về nghệ thuật cho mình, gia đình và đồng nghiệp. Hơn thế vẫn còn nhiều ấp ủ, hoài bão, dự định, đề án... về nghệ thuật điêu khắc cho mình, cho quê hương thứ hai Quảng Nam Đà Nẵng. Quả thật với Phạm Hồng cuộc đời này vẫn đẹp sao Phạm Hồng ơi? hãy sống hết mình mà cả cuộc đời ông dành cho nó. Nghệ thuật điêu khắc hiện đại Việt Nam. Thật đáng trân trọng.

Lê Quốc Bảo

Nguồn vietnamfineart.com.vn