Nhạc sĩ THÁI NGHĨA - Điệu lý quê em.

13.09.2020
Trương Đình Quang, Nguyễn Ngọc Hạnh
Nhạc sĩ Thái Nghĩa sinh ngày 1 tháng 1 năm 1958, quê ở thôn La Thọ, Điện Hòa, Thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Tốt nghiệp Đại học Nghệ thuật Huế, chuyên ngành sáng tác Âm nhạc, anh về công tác tại quê hương Quảng Nam, Đà Nẵng. Anh nguyên Chủ tịch Hội Ầm nhạc thành phố Đà Nẵng các nhiệm kỳ 2002 - 2007, 2007 - 2014. Trưởng ban Văn nghệ Đài PT-TH Đà Nẵng, Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.  . Nhạc sĩ Thái Nghĩa hoạt động âm nhạc từ những năm 1969-1975 trong phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” và làm Trưởng ban Văn nghệ phong trào “Vui ca vươn lên” của học sinh, sinh viên thành phố Nha Trang. Ông đã viết một số ca khúc và một số tác phẩm khí nhạc, tổ chức xây dựng các chương trình ca nhạc phát thanh và truyền hình của tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Đặc biệt đã dành phần lớn thời gian để viết nhiều tác phẩm cho tuổi thơ, tiêu biểu là ca khúc: Điệu lý quê em, Mẹ cấy giữa mùa vui, Miền núi nhắn về, Chim chơ-rao hót, Em yêu mãi bài ca quê em. Ông có nhiều ca khúc khác được chọn đưa vào giáo trình dạy và học hát của lớp 6, 7, 8, 9 (Nxb. Giáo dục, sách cải cách giáo dục mới, 1993). Nhạc sĩ Thái Nghĩa đã viết nhiều ca khúc đáng kể như: Sông Hàn trong tôi, Đường mới vùng cao, Niềm vui phố núi, Cành hoa, Dòng sông còn lại (thơ: Nguyễn Ngọc Hạnh), Lời thề mùa đông (thơ: Bùi Hoàng Tám)... Ông cũng đã viết một số tác phẩm nhạc không lời:  Giai điệu quê hương (biến tấu cho Violon và Piano), P’relude Nhớ quê (Piano), Rhapsodie Một miền quê, Tam tấu nhạc cụ dân tộc Nổi chìm hò giả vôi... Đã được tặng thưởng Huy chương “Vì sự nghiệp Văn hóa quần chúng”, Huy chương “Vì thế hệ trẻ”,  Huy chương “Vì sự nghiệp Phát thanh”, Huy chương “Vì sự nghiệp Báo chí Việt Nam”, Huy chương “Vì sự nghiệp Âm nhạc Việt Nam”, Kỷ niệm chương “ Vì sự nghiệp Văn hoá - Tư tưởng”, cùng nhiều giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và các ngành ở Trung ương và địa phương. Vào lúc 15 giờ ngày 15.5.2015 vì bệnh nặng, nhacjsix Thái Nghĩa đã qua đời ở tuổi 57.  

Nhạc sĩ THÁI NGHĨA - Điệu lý quê em.

Nhạc sĩ Thái Nghĩa: Âm nhạc dành cho tuổi thơ

 Tháng 5 này là tròn một năm, làng âm nhạc TP Đà Nẵng chia tay vĩnh viễn nhạc sĩ Thái Nghĩa. Gần 40 năm miệt mài cống hiến trên các lĩnh vực sáng tác, biên khảo, sưu tầm, nghiên cứu, lý luận, phê bình âm nhạc..., nhạc sĩ, nhà báo Thái Nghĩa đã trở thành cái tên quá quen thuộc trong làng nhạc, làng báo và công chúng Đà Nẵng...

 Trước năm 1975, theo gia đình vào sống ở Nha Trang, khi chưa là nhạc sĩ, với bút danh Thái Bá Trung, anh hoạt động trong phong trào học sinh - sinh viên “bảo vệ văn hóa dân tộc”, “hát cho đồng bào tôi nghe”, Thái Nghĩa đã sáng tác Anh viết Huyền sử ca Việt Nam (liên ca khúc) Em đi đó, bình minh reo trong em;  phổ nhạc Hòa bình cho Việt Nam (thơ: Nguyễn Đắc Xuân). Mùa xuân của những người bất khuất (thơ: Đông Trình)…

Hòa bình vui không em, sao ta thấy tim ta nở hoa

Độc lập vui không em, sao ta nghe tim ta vang ngàn lời ca

Ta đưa em đi qua con phố đông người, buổi sớm mai rợn trời cờ đỏ.

Niềm vui xôn xao Nam Bắc một nhà.

 (trích từ Hòa bình cho Việt Nam)

 Trái tim anh lưu luyến giai điệu của tuổi con mít:

- Tuổi tí con chi?

- Tuổi tí con chuột

- Con chuột nó kêu làm sao?

- Con chuột nó kêu chút chít

- Chút chít chi mày

  (Đồng dao Xứ Quảng)

Sau tháng 5-1975, Thái Nghĩa về lại đất Quảng. Từ giữa năm 1976, là thanh niên xung kích, lên rừng với bà con lập vùng kinh tế mới, xuống biển trồng phi lao chắn gió, rồi đi đào mương dẫn nước về đồng, đắp đập cứu ruộng đồng chua mặn..., đi vào đời sống với những người lao động, tâm hồn anh luôn ngân vang giai điệu, chan chứa niềm ao ước được viết, nhưng còn băn khoăn vì tay bút chưa vững vàng. Đầu năm 1978, anh về làm việc ở Đài Phát thanh TNVN tỉnh QN-ĐN, là biên tập viên chương trình phát thanh nông nghiệp. Với những ca khúc thời tranh đấu, Thái Nghĩa lọt vào “mắt xanh” của người phụ trách đài. Từ đầu năm 1980, anh làm biên tập viên chương trình văn nghệ và dành nhiều thời gian sáng tác ca khúc. Từ năm 2000, anh là Trưởng ban văn nghệ Đài PT-TH TP Đà Nẵng...

Việc biên tập khá bề bộn, chiếm nhiều thời giờ nhưng nhiều đề tài ấp ủ trong tâm trí thôi thúc Thái Nghĩa thể hiện. Anh ngợi ca quê hương đổi mới (Điện sáng làng định cư. Tiên Phước một miền quê) theo thơ của Ngân Vịnh, về người lao động ngành cá (Yêu biển yêu thuyền, viết với Trần Ái Nghĩa), về tình người với cây rừng (Thao thức với rừng), Sông Hàn trong tôi, Cảm tác Ngũ Hành Sơn (Thơ: Lê Thị Thu Sinh)- rômăngxơ Cành hoa..., cùng với niềm say mê lớn, là sáng tác cho thiếu nhi.

Điệu lý quê hương sau ngày giải phóng

nâng bước em đi trên đường ước vọng

đọng trên cánh cò bay bổng bên ni, bay bổng bên tê

 (Điệu lý quê em)

Nghe lứa tuổi búp trên cành hát ca khúc của Thái Nghĩa: Âm vang điệu lý Sắc bùa, Tiếng chim chích chòe, Tiếng hát tuổi thơ, Em dâng hoa tượng đài thành phố, Múa hát dưới tượng đài người mẹ...., ta nhận biết khúc thức gọn, chặt, giai điệu đẹp, trau chuốt, phát triển từ chất liệu âm điệu dân gian (lý, hò, vè của quê hương), trên thang âm dân tộc (chen kẽ, lồng điệu), lời ca gần gũi với phong cách đồng dao (khéo gieo vần, dễ hiểu), hòa hợp với tình cảm và nhịp điệu cuộc sống hiện nay:

Việc nặng phần mẹ

Việc nhẹ phần con

Khi làm, con hát véo von

Con luôn vui khi giúp mẹ

 (Vui khi giúp mẹ)

Nhân dịp đi vào đời sống của các dân tộc Cơ Tu, Ca Dong, P’nông, để nghiên cứu về nghệ thuật cồng chiêng, Thái Nghĩa viết cho các em. Những ca khúc: Miền núi nhắn về, Chim Chr’ao rao vui hót, Suối ơi, đừng có ngủ ngày, Hoa rừng tặng những bé ngoan..., thoang thoáng chất liệu k’lêu, cachoi... tình cảm hồn nhiên, dễ thương, trong sáng. Nét luyến láy, bước nhảy quãng, tiết tấu mang màu sắc riêng của từng dân tộc, chứng thật ý thức cẩn trọng của nhạc sĩ trong sáng tạo.

Nhắn với bạn miền xuôi

trăm lời người miền núi

trong như trăm con suối

ngát hương như cánh rừng

Con suối nào về xuôi

không mang tình miền núi

Non cao bao nhiêu lối

nhớ thương nhau bấy nhiêu

(Miền núi nhắn về)

 Ít ai có thể nghĩ rằng các em Y Phương, Y Hương, Y Vac (dân tộc P’nông) ở Khâm Đức, Phước Sơn, P’long Thép, Lưu Hương (dân tộc Cơ Tu huyện Giằng), Arất Đốt, P’lông Zơrâm, Br’iu Gừng (dân tộc Cơ Tu huyện Hiên) chưa rành nói tiếng Việt, đã được Thái Nghĩa phát hiện có giọng hát tốt, dàn dựng thành công nhiều ca khúc mang bản sắc dân tộc, giúp cho tiếng hát các em bay cao bay xa trên làn sóng phát thanh tỉnh của Đài TNVN..., đoạt giải thưởng cao trong các mùa hội diễn Hoa phượng đỏ toàn quốc. Ngày nay, trong số ấy, nhiều em trở thành cô giáo, thầy giáo dạy văn hóa và mang tiếng hát về cho buôn làng. Thái Nghĩa lại tìm kiếm, giới thiệu những búp trên cành mới cho phong trào. Anh đã nhận được những phần thưởng cao quý: Huy chương vì sự nghiệp văn hóa quần chúng, Huy chương vì sự nghiệp âm nhạc Việt Nam, Huy chương vì thế hệ trẻ, Huy chương vì sự nghiệp phát thanh - truyền hình. Là người chăm sóc tiếng hát Hoa phượng đỏ trên làn sóng phát thanh của tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng, anh cũng thật xứng đáng với những giải thưởng cao cho ca cảnh “Âm vang điệu hát sắc bùa” và chương trình ca nhạc chủ đề “Một miền quê em yêu” (gồm 6 ca khúc) tại Liên hoan truyền hình toàn quốc các năm qua.

 TRƯƠNG ĐÌNH QUANG

 

 

Nhớ nhạc sĩ Thái Nghĩa

 

Mới đây, nhân ngày giỗ đầu của nhạc sĩ Thái Nghĩa, tình cờ tôi được biết tạp chí văn học uy tín của Mỹ Prairie Schooner đã bầu chọn bài thơ “Lời thề mùa đông” của nhà thơ Bùi Hoàng Tám là bài thơ hay tiêu biểu. “Lời thề mùa đông” còn là một kỷ niệm nhỏ khó quên giữa tôi và nhạc sĩ Thái Nghĩa khi anh phổ nhạc, chắp cánh cho bài thơ này đi vào lòng người bằng những giai điệu đẹp, lắng sâu về nỗi buồn của một “thời xa vắng”...

Bài thơ “Lời thề mùa đông” đã được nhạc sĩ Thái Nghĩa phổ thành ca khúc cách đây gần hai mươi năm. Đó là kỷ niệm khó quên với tôi trong một lần hai anh em ngồi ở quán cà phê Long, Đà Nẵng, tôi đã giới thiệu và gợi ý Thái Nghĩa phổ nhạc, chắp cánh cho bài thơ này đi vào lòng người bằng những giai điệu đẹp, lắng sâu về nỗi buồn của “thời xa vắng”.

Nhạc sĩ Thái Nghĩa không xa lạ gì với công chúng yêu nhạc ở Quảng Nam Đà Nẵng và thiếu nhi cả nước. Ngoài những ca khúc nổi tiếng viết cho trẻ em như Điệu lý quê em, Mẹ cấy giữa mùa vui, Chim chơ rao hót… thì những Tình khúc Thu Bồn, Thao thức với rừng, Cung trầm cung thương, Dòng sông còn lại (thơ Nguyễn Ngọc Hạnh)… với âm hưởng của các làn điệu dân ca ngọt ngào đã để lại những ấn tượng đẹp cho người nghe. Có người cho rằng chất hồn hậu đằm thắm đậm đà trong ca khúc của Thái Nghĩa phần nào hiển hiện cá tính dân dã chân chất của người nghệ sĩ được sinh ra ở một làng quê bên dòng sông Thu Bồn. Có phải vì thế mà nỗi đau khôn nguôi trong chiến tranh ở vùng đất La Thọ (Điện Hòa) quê anh cứ bật lên da diết trong mỗi thanh âm. Sau Cảm tác vọng phu (1990), Lời thề mùa đông (1998) là sự nối tiếp về những số phận nghiệt ngã trong ca khúc của Thái Nghĩa. Vọng phu ngày xưa có khác gì nỗi mong chờ hôm qua và còn mãi mãi những bất hạnh lẻ loi dồn hết về phía người đàn bà trông chồng: “Bắt đầu từ một mùa đông/ Anh tôi ra trận rồi không trở về/ Cũng từ một buổi chiều quê/ Chị tôi đã nhận lời thề mùa đông”. Dường như có điều gì đó se thắt trong tâm hồn người nghệ sĩ về một chuyện tình buồn. Người nghệ sĩ đã trở thành nhân chứng cho mối tình ấy. Đồng cảm trước nỗi đau và tình yêu cao cả, đó là độ sâu lắng suy tư, là cảm xúc ngập tràn của người nghệ sĩ trước bao nhiêu mất mát ở đời.

“Cũng là phận gái chưa chồng/ Người còn hóa đá, chị không hóa gì!/ Đá còn đợi bước thiên di/ Còn con để bế, chị thì chịu không/ Núi còn hòn vợ, hòn chồng/ Chị tôi ôm nỗi chờ mong bạc đầu”. Một khổ thơ đẹp mà buồn của nhà thơ Bùi Hoàng Tám, khi đọc lên làm cho người ta liên tưởng đến những lời thì thầm ẩn ức nhỏ nhẹ của người đàn bà hẩm hiu trong đêm đông với đất trời, là tiếng thở than trong đêm mưa não lòng của “chị tôi” về số phận mình. Sự đồng cảm giữa thơ ca và âm nhạc dường như có sợi chỉ mong manh mơ hồ từ trong cảm xúc của người nghệ sĩ. Có phải vì thế mà nhạc sĩ Thái Nghĩa đã phóng tác từ tứ thơ của Bùi Hoàng Tám thành chuỗi ca từ mang âm điệu thanh bằng chan chứa: “Mùa đông ơi mùa đông/ Trời nghiêng vai đầy mưa/ Sầu đông tan mùa hoa/ Mà người đi đi mãi...”. “Sầu đông tan mùa hoa mà người đi đi mãi”. Chỉ có mỗi chữ “mãi” là thanh trắc thì làm sao hát lên cho được. Thế mà khi hát lên nghe vẫn nao lòng tưởng như có thể làm cho con người gần nhau hơn tử tế hơn để sẻ chia với nỗi đau của số phận.

Một sự tĩnh lặng trong giai điệu nhưng lại lay động dữ dội tâm hồn người nghe. Nếu ở đoạn đầu ca khúc, Thái Nghĩa sử dụng chất liệu âm nhạc mang tính kể lể êm dịu sâu lắng với âm hình tiết tấu bình ổn thì đoạn sau được phát triển trên nền kỹ thuật cung bậc tạo ra cao trào diễn tả được nỗi đau ẩn sâu trong lòng người thiếu phụ tạo cảm xúc mãnh liệt cho người nghe: “Mùa đông ơi mùa đông chị tôi còn bên sông”. Chị còn đứng chờ mong nơi bến cũ. Chị vẫn ngồi một mình với khúc vui buồn đêm đông dù người lính ấy không bao giờ về nữa! Tác giả cứ để tâm hồn mình ứa ra những cảm xúc trong sáng hồn nhiên, cứ như một đứa em thương chị lỡ đò: “Cái ngày tôi bước qua cầu/ Chị không khóc sợ nhạt màu áo tôi/ Bây giờ chị đã về trời/ Thắp hương lạy chị, lạy lời mùa đông!”.

Có lẽ đó cũng là thông điệp của nhà thơ Bùi Hoàng Tám mà nhạc sĩ Thái Nghĩa đã chắp nối bằng chính giai điệu buồn đầy tính nhân văn.

 NGUYỄN NGỌC HẠNH

 Điện Bàn quê em, nhạc và lời Thái Nghĩa