Nhiều nhà văn hào hứng với đề tài thiếu nhi

10.04.2024
Nguyệt Hà
Nhà xuất bản Kim Đồng vừa cho ra mắt cùng lúc 5 ấn phẩm đầu tiên tham dự “Giải thưởng Kim Đồng” và đều là tác phẩm viết cho thiếu nhi của các nhà văn có tên tuổi. Vài năm trở lại đây, có nhiều nhà văn hào hứng với đề tài thiếu nhi, bên cạnh đó có nhiều cuộc thi, cuộc vận động viết cho thiếu nhi được tổ chức, tạo ra một không khí văn học thiếu nhi sôi động, mới mẻ và tiệm cận với đời sống...

Nhiều nhà văn hào hứng với đề tài thiếu nhi

Các tác phẩm dự "Giải thưởng Văn học Kim Đồng" vừa ra mắt đều là của các nhà văn có tên tuổi.

5 tác phẩm đầu tiên dự giải thưởng đã được Nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản giới thiệu với bạn đọc là: “Quà Tết của rừng xanh” của nhà văn Hồng Chiến, “Cánh diều hình nốt nhạc” của nhà văn Niê Thanh Mai, “Mùa động rừng” của nhà văn Sương Nguyệt Minh, “Nhẩy lên và hét” của nhà văn Phong Điệp và “Đại náo nhà ông ngoại” của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy. Thật tình cờ, các tác giả của 5 cuốn truyện được Nhà xuất bản Kim Đồng lựa chọn ra mắt đợt này đều là các tác giả có tên tuổi trên văn đàn với những tác phẩm dành cho lứa tuổi trưởng thành.

Bên cạnh đó, một số tác giả từng có những tác phẩm được bạn đọc nhỏ tuổi yêu thích như: nhà văn Phong Điệp với các tác phẩm “Giấc mơ bay qua cửa sổ” (tập truyện ngắn), “Người của ngày hôm qua” (tập truyện ngắn), “Nhật ký Sẻ đồng: Chào em bé” và “Nhật ký Sẻ đồng: Những rắc rối ở trường" (truyện thiếu nhi), “Chúng mình là bạn con nhé” (sách kỹ năng); nhà văn Hồng Chiến với “Bí mật của HLoan”, “Sóc vàng núi Thần Cọp”, “Chuồn chuồn ớt tìm mẹ”; nhà văn Nguyễn Xuân Thủy “Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa” (Giải Vàng hạng mục “Sách hay” của Hội Xuất bản Việt Nam năm 2012).

Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy chia sẻ: “Mặc dù “Đại náo nhà ông ngoại” là cuốn sách thứ hai về đề tài thiếu nhi và có khoảng cách khá xa với cuốn sách thứ nhất “Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa”, nhưng đây là đề tài mà tôi luôn quan tâm, hứng thú. Viết về thiếu nhi cũng là một cách để một người trưởng thành một lần nữa có cơ hội trở lại tuổi thơ của chính mình, đồng thời cũng là cách có thêm một lượng độc giả mới. “Đại náo nhà ông ngoại” cũng là tác phẩm để tôi lưu lại những kỷ niệm của các con trong những ngày tháng mùa dịch giã, cách ly xã hội đáng nhớ khi những đứa trẻ hiếu động được sống trong không gian của mình cùng những vụ “đại náo” khó quên...”.

Theo thông tin từ Nhà xuất bản Kim Đồng, sau gần 1 năm phát động, Ban tổ chức “Giải thưởng Văn học Kim Đồng” lần thứ I đã nhận được hơn 200 bản thảo của các tác giả từ khắp mọi miền Tổ quốc. Đây thực sự là con số đáng ngạc nhiên, bởi vì “Giải thưởng Văn học Kim Đồng” ra mắt tháng 5/2023 - khi đó cuộc vận động sáng tác văn học viết về đề tài thiếu nhi được phát động trước đó hơn 1 năm đã đi được gần nửa chặng đường và cũng thu hút số lượng các cây bút chuyên nghiệp và không chuyên tham gia đông đảo. Đấy là chưa kể một giải thưởng nghệ thuật dành cho thiếu nhi thường niên là “Giải thưởng Dế Mèn” đã trao được 4 mùa (từ năm 2019) nhận được sự quan tâm của đông đảo công chúng cũng như người sáng tạo nghệ thuật và các em thiếu nhi.

Để khích lệ, thu hút, “Giải thưởng Văn học Kim Đồng” đến với đông đảo người viết - người đọc, Nhà xuất bản Kim Đồng đã có nhiều hoạt động “khuếch trương” giải thưởng như tổ chức các buổi gặp gỡ với nhiều nhà văn, nhà thơ thông qua các buổi làm việc với Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật một số tỉnh như Bình Định, Gia Lai, Đắk Lắk, An Giang và mới đây là Hải Dương.

Tại buổi gặp gỡ, làm việc mới nhất giữa Nhà xuất bản Kim Đồng với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hải Dương, nhà văn Trương Thị Thương Huyền - Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hải Dương cho biết: “Hải Dương có bề dày thành tựu về văn học thiếu nhi. Hiện nay hoạt động của Ban Văn nghệ thiếu nhi rất sôi nổi, không chỉ viết cho các em mà có cả các em viết cho tuổi mình. Sự ra đời của “Giải thưởng Văn học Kim Đồng” rất có ý nghĩa, vừa gợi mở, vừa cổ vũ, khích lệ và tạo “cú hích” đối với người sáng tác...”.

Mặc dù công việc viết văn hoàn toàn độc lập, riêng lẻ nhưng phải nói rằng không khí sáng tác, xuất bản sách dành cho thiếu nhi cũng như sự ra đời của nhiều sân chơi, giải thưởng trong thời gian gần đây cũng đem đến sự hào hứng, niềm hy vọng đối với nhiều người. Đặc biệt là, ngày càng có nhiều cây bút có tên tuổi trong làng văn tham gia.

Ở “Giải thưởng Dế Mèn” lần thứ hai, tiểu thuyết “Đi trốn” của nhà văn Bình Ca là một trong 4 tác phẩm đoạt giải thưởng “Khát vọng Dế Mèn”. Trước đó, nhà văn Bình Ca trở nên nổi tiếng với tác phẩm “Quân khu Nam Đồng”, tính đến nay đã được in lần thứ 20 với số lượng phát hành lên tới trên 40 ngàn bản và từng tạo thành một “hiện tượng lạ” trong giới xuất bản.

Cả hai tác phẩm này, nhà văn Bình Ca đều lấy bối cảnh “hoài niệm” là những năm 60 của thế kỷ trước, nhưng “Quân khu Nam Đồng” lấy bối cảnh cuộc sống khi đất nước còn chiến tranh - bao cấp ở thành thị, còn “Đi trốn” là cuộc phiêu lưu của các em thiếu nhi “con nhà lính” khi đi sơ tán về một vùng nông thôn trong chiến tranh phá hoại miền Bắc.

Bên cạnh đó, chắc hẳn nhiều người còn nhớ, tập truyện thiếu nhi “Chuyện của anh em nhà Mem và Kya” của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều từng gây chú ý với độc giả và từng được đề cử vào “Giải thưởng Dế Mèn” nhưng sau đó nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã xin rút khỏi giải thưởng vì ông lúc đó là thành viên ban giám khảo. “Chuyện của anh em nhà Mem và Kya”được lấy cảm hứng từ chính những câu chuyện hằng ngày của cháu nội và cháu ngoại của tác giả.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng là một tác giả rất quan tâm đến đề tài thiếu nhi và từng có những tác phẩm viết cho thiếu nhi được yêu thích. Chính vì thế, trong nhiệm kỳ làm Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam của mình, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cùng với Ban Chấp hành Hội đã thống nhất rằng “Văn học thiếu nhi là một trong những hoạt động quan trọng và được ưu tiên của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa X”, và đã có một quyết định đúng đắn đó là tạm thời “gác” cuộc thi viết tiểu thuyết lại một thời gian để phát động “Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi” (2021-2025).

Tổng kết đợt 1 (2021-2023), từ 246 tác phẩm tham dự (trong đó ở thể loại thơ có 102 tác phẩm, ở thể loại văn xuôi có 144 tác phẩm), đã có 16 tác phẩm (bao gồm cả dạng bản thảo và sách đã xuất bản theo thời hạn quy định của ban tổ chức) đã được trao giải. Trong đó, Giải Nhất được trao cho bản thảo cuốn văn xuôi “Mèo sinh ra đâu phải chỉ bắt chụp” của tác giả Dương Thị Thảo Nguyên; 2 Giải Nhì được trao cho “Hạt dẻ ơi, về nhà thôi” (Văn xuôi - bản thảo) của Nguyễn Thị Cẩm Hà, “Dắt mẹ đi chơi: Đố mẹ”, “Dế Mèn học chữ” (2 tập - thơ) của Mai Quyên; 5 Giải Ba được trao cho: “Những đôi mắt khoảng trời” (Văn xuôi - tập sách) của Đào Quốc Vịnh, “Con cáo lửa” (Văn xuôi - bản thảo) của Phạm Thanh Thúy, “Đi bắt nỗi buồn” (Văn xuôi - bản thảo) của Nguyễn Thị Như Hiền, "Sông vừa đi vừa lớn" (Thơ - bản thảo) của Nguyễn Minh Khiêm, “Cái bếp kể chuyện” (Thơ - bản thảo) của Đinh Công Thủy...

Về thành công ban đầu của cuộc vận động sáng tác văn học dành cho thiếu nhi, nhà văn Nguyễn Bình Phương - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận định:

“Chặng đầu của cuộc vận động đã mang tới những thành công nhất định. Thành công trước hết là ở số lượng tham gia đông đảo với sự trải rộng khắp các vùng miền, từ Hà Nội, đến TP Hồ Chí Minh, từ Đồng bằng sông Cửu Long lên Tây Nguyên, qua các tỉnh miền Trung, ra miền núi phía Bắc. Điểm thú vị là có nhiều tác giả là người Việt Nam hiện đang sinh sống hoặc học tập, công tác tại nước ngoài cũng nhiệt tình tham dự. Độ tuổi tác giả tham dự khá phong phú, cao nhất là tác giả Huỳnh Sanh Châu (95 tuổi), thấp nhất là Kul Nguyễn (10 tuổi) với tác phẩm “Tích cực” và Vũ Khánh Huyền (11 tuổi) với “Mùa hè quê ngoại”.

Đặc biệt, bên cạnh việc có nhiều nhà văn - nhà thơ lớn tuổi, có uy tín trên văn đàn tham gia như Lê Hồng Thiện, Võ Khắc Nghiêm, Ngân Vịnh, Phạm Đình Ân, Đặng Huy Giang, Đinh Công Thủy... thì cũng xuất hiện nhiều gương mặt tác giả mới với nhiều hứa hẹn mang tới sinh khí mới cho thể loại này như Dương Thị Thảo Nguyên, Nguyễn Thị Cẩm Hà, Mai Quyên, Nguyễn Phong Việt, Nguyễn Xuân Lai...”.