NSND Doãn Châu: Sống là không ngừng hy vọng

27.08.2019

Trong lĩnh vực thiết kế mỹ thuật sân khấu, NSND Doãn Châu là một tên tuổi lừng lẫy. Cuộc đời làm họa sĩ sân khấu của NSND Doãn Châu gắn liền với những tác phẩm của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Với ông, đó là một hạnh phúc. Ở tuổi nghỉ hưu, ông tìm đến với hội họa như một chốn an vui của mình.

NSND Doãn Châu: Sống là không ngừng hy vọng

-Những ngày tháng 8 này, giới nghệ sĩ lại nhớ về Lưu Quang Vũ, nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa. Còn ông, trong chương trình “Quán Thanh Xuân - Điều không thể mất”, tôi thấy ông chỉ nói về niềm hy vọng, về những giá trị Lưu Quang Vũ để lại chứ không nói về nỗi buồn, những mất mát?

+ Tôi đến với “Quán thanh xuân” là đến với những ký ức đẹp, về những điều Lưu Quang Vũ để lại cho chúng ta chứ không phải để thoã mãn sự hiếu kỳ của người hôm nay. Hôm nay ta nghĩ thế nào và trân trọng những giá trị của Lưu Quang Vũ ra sao? Tôi phải kiềm chế rất nhiều cảm xúc, vì anh Vũ là người thân của tôi, một thời chúng tôi dựa vào nhau mà sống, một mặt nào đó tôi biết ơn anh Vũ, nhờ có anh mà tôi mở rộng tầm nhìn, lớn lên từ những vở diễn của anh.


- Đó là một thời làm nghề nhiệt thành, sôi nổi? Ông nhớ gì về thời đó?
Cuộc đời anh Vũ vất vả, đau khổ, tôi cũng vậy, vì thế chúng tôi có nhiều đồng cảm với nhau. Nhưng tôi nghĩ, đau khổ sẽ giúp con người lớn lên và chỉ có con chim mới nâng nổi cái lồng, sự đau khổ sẽ khiến nó bay lên, mang cả cái lồng để đi đến sự tự do. Giữa tôi và Vũ có sự đồng cảm, đồng điệu, cùng khát vọng tạo ra những giá trị tốt đẹp làm thay đổi nhận thức của xã hội.

+ Thời của chúng tôi chia nhau từng củ khoai, các con của tôi và con anh Vũ còn mặc quần áo của nhau, có cái bánh, anh Vũ lóc cóc xe đạp lên nhà tôi chia đôi cho hai anh em. Lưu Quang Vũ sáng tạo không ngừng, anh lang thang đầu bến cuối sông, gặp người xe ôm, ông hàng phở, bà bán kẹo bột, tha thẩn đi trong đời sống, góp nhặt tất cả những tiếng nói, nguyện vọng, tâm tư của dân và viết thành tác phẩm. Vì thế các nhân vật của Vũ sống động, nó là đời sống được tái hiện.


- Còn ông, là một họa sĩ sân khấu, tên tuổi của ông cũng gắn liền với những vở kịch nổi tiếng của Lưu Quang Vũ?

Tiếng nói trong kịch của Vũ trở thành tiếng nói của toàn dân, khát vọng của toàn dân. Tầm ảnh hưởng của kịch Lưu Quang Vũ lớn đến mức, nó làm cho chúng ta thêm yêu cuộc sống hơn, nhân văn hơn. Thời đó, chúng tôi còn mang vở diễn kinh điển “Hồn Trương Ba da hàng thịt” đi lưu diễn ba tháng khắp nước Nga, rồi nước Mỹ, được cộng đồng đón nhận. Họ coi Lưu Quang Vũ là một Molier của Việt Nam. Chỉ có kịch của Lưu Quang Vũ mới làm được điều đó.

+ Như tôi đã nói, tôi lớn lên từ chính những vở diễn của anh Vũ. Anh Vũ viết hơn 50 vở kịch thì tôi làm mỹ thuật khoảng 30 vở, từ vở đầu tiên “Sống mãi tuổi 17” cho đến vở cuối cùng trong chuyến đi Hải Phòng định mệnh. Hội họa sân khấu là một phần vô cùng quan trọng, nó góp phần làm nên thành công của vở diễn. Giữa chúng tôi có nhiều sự đồng cảm, đồng điệu, nên rất dễ “bắt sóng” nhau.

-Một thời làm nghề sôi nổi và đam mê, mỹ thuật sân khấu đã đạt tới những đỉnh cao. Ông có nhìn nhận thế nào về thế hệ họa sĩ làm sân khấu hôm nay?
+ Riêng phần hội họa, hiện nay chúng ta có một số họa sĩ kha khá. Thế hệ trẻ bây giờ kỹ thuật giỏi nhưng phải tu dưỡng thêm, họ chỉ chú ý chính về hội họa mà không biết rằng, hoạ sĩ sân khấu phải có kiến thức tổng hợp, nền tảng văn hoá, lịch sử âm nhạc, hội họa…

Tôi nhớ ngày xưa, khi tôi làm vở của nghệ sĩ Tất Đạt “Đỉnh cao mơ ước” về NSND Đặng Thái Sơn, tôi đã mày mò học piano, mượn NSND Phạm Thị Thành tất cả các tác phẩm của Đặng Thái Sơn về nghe và tìm hiểu làm thế nào diễn đạt được thế giới âm thanh đó bằng ngôn ngữ hội họa. Tôi nghe hết ngày này qua ngày khác, đến bản concerto của Chopin lanh lảnh như tiếng mưa rơi, tôi nghĩ ra một sân khấu tuyệt vời, giữa âm nhạc và thiết kế mỹ thuật có sự kết nối chắp cánh cho sân khấu.

Họa sĩ đôi khi còn phải biết làm cả thợ mộc, cả diễn xuất. Thế hệ mới bây giờ thiếu điều đó, họ phải đọc nhiều, nghe nhiều, nghiên cứu nhiều. Tôi từng là diễn viên tốt nghiệp khóa 1 Trường Sân khấu Điện ảnh cùng NSND Đoàn Dũng, NSND Thế Anh…Các họa sĩ trẻ hôm nay cần hiểu, hội họa chỉ là một trong những phương tiện biểu hiện mà thôi.

-Thiết kế mỹ thuật sân khấu cần những ngôn ngữ mới mẻ, hiện đại hơn, trong khi sân khấu ở nước ta vẫn cũ kỹ? Chúng ta thiếu những tiếng nói cá nhân mạnh mẽ?

+ Tôi nhớ, ngày xưa, khi tôi sang Tiệp Khắc học, thầy giáo có hỏi, chức năng của họa sĩ sân khấu là gì, mọi người đều trả lời là chắp cánh cho đạo diễn. Nhưng thầy chỉ ra rằng, các anh chỉ nói được phần ngọn chứ chưa nói được gốc rễ của vấn đề. Chẳng hạn như, có những vở diễn, người thiết kế chỉ dùng 3 ngọn nến và 5 dải lụa. Cần gì có hội họa, không có đường nét.

Làm gì có màu sắc, cũng không cần phác thảo. Vậy chức năng hội họa sân khấu ở đâu, đó là cùng với đạo diễn tìm ra hình thức vở diễn. Không phải chỉ vẽ mà xong đâu. Có những vở cần sự đồ sộ, nhiều đường nét, chi tiết, có những vở không cần gì cả. Giờ có nhiều công nghệ hiện đại hỗ trợ cho sân khấu, nhưng quan trọng nhất vẫn là sức nghĩ, trăn trở để tìm ra hình thức vở diễn. Thế hệ họa sĩ mới chưa được tập hợp thành một tập thể mà vẫn là những họa sĩ chiến đấu đơn độc, không thành thế hệ như thời chúng tôi, ngoài việc làm sân khấu, chúng tôi còn tổ chức 4 triển lãm sân khấu.

-Rời sân khấu, ông đến với hội họa. Nhiều năm nay, giới làm nghề biết đến ông là một họa sĩ. Có sự kết nối nào giữa một họa sĩ sân khấu với hội họa?

+ Sau khi anh Vũ mất 2 năm, tôi không làm gì vì quá buồn và hụt hẫng. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, cuộc sống vẫn phải bước tiếp. Tôi cố gắng lấy lại phong độ làm việc, rồi lên làm quản lý. Năm 2014 tôi về hưu, nhưng tôi nghĩ, con người không có gì buồn hơn khi chỉ sống để mà hưởng thụ, không có ích cho xã hội, tôi vẫn làm vở cho đến 2017, 2018 cùng với NSND Anh Tú như “Hamlet”, “Lão Hà Tiện”… Nhưng sức khỏe không ổn. Làm sân khấu phải thức đêm suy nghĩ, chạy đi chạy lại rất mệt. Và trong hai thứ mình có tay nghề, được học hành bài bản, tôi chọn hội họa, nó độc lập hơn, tự do hơn.

-Trong hội họa, ông chủ trương đa phong cách thay vì định hình cho mình một phong cách riêng. Có phải điều này ảnh hưởng từ chính những năm tháng làm thiết kế mỹ thuật sân khấu?

+ Tôi là một trong ít họa sĩ vẽ đa phong cách, nhiều người chê rằng, tại sao lại không định hình cho mình một phong cách. Tôi chủ trương khác, khi vẽ một phong cách chưa chắc đã hay. Từ đặc điểm nghề nghiệp tôi là họa sĩ sân khấu bắt buộc đa phong cách để nghiền ngẫm, tìm ra hình thức phù hợp cho từng vở diễn, mỗi vở phải khoác một cái áo khác nhau.

Thế tại sao tôi không chọn một phong cách cho từng tác phẩm tuỳ vào cảm xúc của tôi. Mùa xuân đến, hoa đào nở, tôi cầm màu, ném vào bức tranh theo trường phái biểu hiện… Có lúc tôi vẽ rất hiện thực, “Bờ Hồ đêm xuân”, hay có khi trừu tượng,  “Bát Tràng đất và lửa”, những lò gốm như những con người nhảy múa trong lửa. Tại sao tôi phải vẽ cho mọi người thấy tôi là tôi. Tôi vẽ cho chính tôi, cho cảm xúc của chính tôi. Đó là chủ trương của tôi. Tôi hài lòng với mình và thấy thế là hạnh phúc. 

Hội họa ý nghĩa thế nào với ông?

+ Với hội họa tôi được thể hiện cái tôi của mình nhiều hơn. Tôi vẽ nhiều thứ, một buổi sáng lên đê Bát Tràng, thấy người nông dân nhìn về những dãy nhà Ecopark với sự nuối tiếc, cuộc sống mới làm mất đi những gì chân chất của nông thôn ngày xưa. Và tôi vẽ lại cảm xúc đó. Bản chất của hội họa là màu sắc và đường nét, cảm xúc làm cho con người phong phú hơn.

3h sáng nhà thờ Đức Bà Paris cháy, tôi mất ngủ và dậy cầm cọ vẽ, nó là di sản của nhân loại, tuổi thơ của tôi gắn với tác phẩm “Những người khốn khổ”, có hình ảnh nhà thờ. Hội họa với tôi là như thế. Các trường phái cũng chỉ là biểu hiện cảm xúc của người nghệ sĩ. Vẽ mang lại cho tôi cảm giác hạnh phúc, để tôi thấy mình sống có ý nghĩa hơn. Hãy làm tốt công việc của mình, đừng kiêu ngạo bởi thiên hạ rất nhiều người giỏi và quan trọng là không được đánh mất chính mình.

-Ông trải qua nhiều nỗi buồn, mất mát, nhưng vì sao ông vẫn luôn giữ cái nhìn lạc quan với cuộc đời như thế?

+ Thái độ sống rất quan trọng. Đau khổ làm cho ta lớn lên, mọi người nên nghĩ theo hướng tích cực. Cuộc sống còn nhiều nỗi buồn nhưng nếu chỉ nhìn vào nỗi buồn làm sao ta sống được. Hàng ngày, mở báo ra, thấy rất nhiều tin tiêu cực như chết chóc, đâm chém nhau, rồi tham nhũng, rồi y tế, giáo dục, bao nhiêu tệ nạn… Quá buồn. Nhưng ta hãy nhìn sang một khía cạnh khác của cuộc sống, đó là hàng nghìn ngôi nhà mọc lên, nông thôn đang khá lên, một mặt nào đó làm mình vui. Hãy nghĩ theo hướng tích cực như thế để sống vui và ý nghĩa hơn.

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Lan Tường (thực hiện)
(cstc.cand.com.vn)