Phan Tứ - Nhà văn còn nhiều... bí ẩn

27.07.2020


Phan Tứ (tên thật là Lê Khâm) sinh ra trong một gia đình danh giá. Ông ngoại ông là nhà chí sĩ Phan Chu Trinh. Cụ thân sinh là nhà giáo Lê Ấm, nguyên Đốc học Trường quốc học Huế. Năm 2000, nhà văn Phan Tứ đã được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
Nếu như trong tư cách nhà văn, Phan Tứ được bạn đọc nhớ nhiều bởi những cuốn tiểu thuyết giàu lý tưởng, đậm vẻ đẹp lãng mạn cách mạng như Gia đình má Bảy, Mẫn và tôi, Người cùng quê, thì trong đời thường, những câu chuyện về tính nguyên tắc trong xử sự và cách làm việc quá chặt chẽ, khoa học của ông lại được anh em trong văn giới truyền tụng nhiều... Nhà văn có cách bảo mật như một nhà...tình báo. 

Phan Tứ - Nhà văn còn nhiều... bí ẩn

Những năm gần đây, các bộ nhật ký chiến trường được thực hiện bởi các nhà văn đã lần lượt được biên soạn và ra mắt bạn đọc (như nhật ký chiến trường của Nguyễn Thi, của Chu Cẩm Phong, của Dương Thị Xuân Quý...), trong đó, có lẽ nhật ký chiến trường của Phan Tứ là đồ sộ và độc đáo nhất. Theo bà Lê Thị Kinh, chị ruột của nhà văn cho biết, toàn bộ bản thảo nhật ký của Phan Tứ mà gia đình giữ được hiện có hơn 50 cuốn. Để bảo mật, ngoài tiếng Việt, nhà văn còn ghi chúng bằng các ngôn ngữ: Tiếng Anh, tiếng Lào, tiếng Nga và tiếng Pháp, trong đó có rất nhiều trang ông còn chú rất rõ "Tài liệu mật. Không được xem". 

Bà Lê Thị Kinh trước đây từng là Đại sứ Việt Nam ở Italia. Bà rất giỏi tiếng Pháp. Đọc những trang nhật ký bằng tiếng Pháp của người em trai, dù biết Phan Tứ nổi tiếng thông minh, tiếp thu nhanh trong việc học ngoại ngữ song bà Kinh vẫn không ngờ ông lại có thể viết hay như thế bằng tiếng Pháp.

Giải thích lý do tại sao từ khi Phan Tứ còn sống, một phần nhật ký của ông đã được xuất bản (vào các năm 1983, 1984), song từ khi ông qua đời, trong hơn chục năm, không có cuốn nào tiếp tục ra mắt bạn đọc, trong khi lượng bản thảo nhật ký chiến tranh của ông phong phú đến vậy, bà Minh thừa nhận, đến bây giờ mới công bố những cuốn nhật ký này kể cũng hơi muộn, song theo bà, khó khăn lớn nhất mà gia đình vấp phải vẫn là việc xử lý tư liệu. Trước nhất, phải tìm được người giỏi tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Lào để dịch, rồi tìm những người có vốn sống chiến trường để hiệu đính, để mã hóa những từ...viết tắt, những thuật ngữ chiến tranh. Rồi cần phải có những người đủ khả năng (và cả chức năng) thẩm định xem tài liệu nào có thể được công bố, tài liệu nào chưa nên. Quả là, với một nhà văn có cách bảo mật cao đến vậy, thì sự tiếp cận các trang nhật ký của ông tuy thú vị song cũng...vất vả. 

Được nguyên mẫu của nhân vật Mẫn treo ảnh thờ

Đọc tiểu thuyết Mẫn và tôi của Phan Tứ, cuốn sách gối đầu giường một thời của nhiều cán bộ, chiến sĩ, nhiều độc giả hẳn không quên được Mẫn và Thiêm - hai nhân vật tiêu biểu cho lớp cán bộ trẻ quả cảm, kiên cường cùng mối tình rất lãng mạn của họ. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết Mẫn là một nhân vật có thật ở ngoài đời, tên là Phận. Bà Phận hiện đã cao tuổi. Trong bài báo của tác giả Trung Việt in trên Báo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh, bà Phận có kể lại những kỷ niệm xúc động của bà với Phan Tứ thời kỳ ông về "nằm vùng" tại vùng Tứ Mỹ, tỉnh Quảng Nam.

Theo tác giả Trung Việt quan sát, trên bàn thờ nhà bà Phận "ngay cây cột dỡ cạnh bàn thờ, trên cao là ảnh nhà văn Phan Tứ". Bà Phận còn kể rằng, hễ cứ đến ngày giỗ Phan Tứ thì thể nào đêm đó bà cũng chiêm bao thấy ông về. Có lần, ông về, rủ bà ra ruộng ngồi chơi. Kể ra, điều này cũng không có gì khó hiểu: Nhà văn đã ở và gắn bó với ngôi nhà của "cô Mẫn" ấy tới mấy năm chứ có ít đâu.

Được biết, trong tang lễ nhà văn Phan Tứ được tổ chức vào ngày 19-4-1995 tại Nhà văn hóa trung tâm TP Đà Nẵng, đã có một vòng hoa viếng của bạn đọc có dòng chữ "Mẫn và tôi sống mãi".  

Nghiêm khắc và rạch ròi, sòng phẳng 

Những ai có dịp quen biết và gần gũi với nhà văn Phan Tứ, hẳn đều có chung nhận xét: Họ có thể không thật thích Phan Tứ ở lối sống căn cơ, lắm khi nghiêm ngặt đến thành máy móc, song không ai là không thừa nhận ông sống thẳng thắn, trung thực, và rất rạch ròi, sòng phẳng trong những vấn đề liên quan đến tiền nong. Ai đó vay tiền ông, có thể ông không cho vay hoặc cho vay ít, song ông đặc biệt không hề mắc mớ, nợ nần tiền nong của ai. Thậm chí, có nhiều lúc, ông nhịn nhường, giành phần thiệt về phía mình. Nhà văn Thanh Quế, người có nhiều năm tháng chiến đấu và công tác cùng Phan Tứ đã nhận xét: "Là con trai duy nhất trong một gia đình không đến nỗi túng thiếu, Phan Tứ hẳn được mẹ và các chị em gái chiều chuộng. Nhưng có lẽ giống bố, bản tính anh dứt khoát từ chối mọi sự cưng chiều, ưu đãi. Thói quen này đã giúp anh thích nghi mau lẹ với cuộc đời người chiến sĩ và đứng vững trước những thử thách, gian nan".

Nhân nhắc tới cụ thân sinh của Phan Tứ, cũng xin nói thêm là: Cụ Lê Ấm từng là thầy dạy của các nhà văn, nhà thơ, nhà hoạt động văn hóa như: Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Nguyễn Xuân Sanh, Hà Huy Giáp... Cụ nổi tiếng nghiêm khắc. Với văn tài của người con trai duy nhất, có lẽ cụ muốn "khích tướng" nên hầu như không bao giờ buông lời khen trước mặt con. Một lần, ông Hà Huy Giáp tới thăm thầy. Ông cất lời khen Phan Tứ có nhiều đóng góp cho nền văn học cách mạng. Cụ Lê Ấm - bấy giờ đang nằm trên giường bệnh - nhỏm dậy nói ngay: "Cái gì, thằng Khâm (tên thật của Phan Tứ) mà viết hay à. Dở òm, tôi đọc chẳng ra cái gì cả. Nó phải cố gắng nữa mới viết văn được".

Cũng giống tính người cha, Phan Tứ luôn nghiêm khắc với chính mình. Và trước nhiều vấn đề, ông luôn có cách nhìn và cách thể hiện quan điểm rất sòng phẳng. Như khi ông nói về việc sáng tác về đề tài chiến tranh: "Cuộc đời tôi từ hồi 14 tuổi cho đến nay 64 tuổi hoàn toàn là sống trong chiến tranh, cho nên tôi rất tha thiết viết về chiến tranh. Viết ra, hay dở còn tùy bạn đọc. Tôi chỉ muốn nói một điều thôi: Không ai ép mình đi theo kháng chiến chống Pháp, không ai ép mình đi theo kháng chiến chống Mỹ thì bây giờ cũng không ai ép mình viết cả... Chỉ ân hận là đã không kịp làm trọn công việc...". Thật là những suy nghĩ thẳng thắn, giản dị, xúc động và thuyết phục.     

Không "khô khan" như ai tưởng... 

Có nhiều giai thoại về chuyện Phan Tứ cứng nhắc trong cư xử với phụ nữ, như chuyện một người bạn gái đến ký túc xá tìm ông (thời ông còn là sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội), Phan Tứ đã chạy vào xem lịch rồi trở ra nói với người bạn gái, theo lịch thì phải hai hôm nữa mới tới ngày hẹn gặp. Tuy nhiên, đọc các tiểu thuyết Gia đình má Bảy, Mẫn và tôi của Phan Tứ, hẳn ta phải ngạc nhiên khi thấy ông tả những pha yêu đương rất tình tứ, lãng mạn. Một số đồng nghiệp còn cho hay, thời gian tham gia quân tình nguyện Việt Nam ở Lào, ông có sáng tác bài thơ Cô gái Sầm Nưa được một nhạc sĩ phổ thành bài hát Điệu lăm tơi khá phổ biến thời ấy.

Bản thân Phan Tứ cũng cho biết, ông từng "dịch" một bài thơ nửa tiếng ta, nửa tiếng Pháp ra thơ Việt như sau:Chiều chiều dạo bước trên đàng/ Ngó vô trong quán thấy nàng trẻ xinh/ Trẻ xinh lại bé quá chừng/ Lòng riêng tôi cũng thầm ưng...sờ nàng. Gần đây, đọc báo, tôi còn được biết, hóa ra Phan Tứ còn là tác giả một bài thơ vui về...râu từng được lưu truyền lâu nay như một thứ "tài sản dân gian": Đã bảo đừng ra sao cứ ra/ Cứ ra, ra mãi khiến tau già/ Tau già, già mãi thì tau chết/ Tau chết thì mày hết chỗ ra. Người sáng tác nên những trang văn đầy lãng mạn trữ tình như trong Mẫn và tôi, người sáng tác nên những câu thơ vui hóm đến nhường kia, sao có thể nói người đó khô khan được?

Bùi Ngọc Long 
(danang.gov.vn)