Quê hương và hương quê trong thơ Nguyễn Xuân Tư

10.07.2017

Quê hương và hương quê trong thơ Nguyễn Xuân Tư

Trên chuyến bay đến Huế dự trao giải cuộc thi thơ ngành điện, tôi lật giở tạp chí hàng không Heritage đặt trong túi ghế và bắt gặp một câu thơ rất gợi về cảm xúc làng quê cổ kính mà dân dã: “Giếng làng ơi, giếng làng ơi/ Trong tôi lắng tiếng gàu rơi…giếng làng !”. Câu thơ dung dị đó cứ tự nhiên đọng lại trong tôi cho đến lúc gặp tác giả Nguyễn Xuân Tư ở chính cuộc thi mà anh được nhận giải. Biết thơ rồi mới biết người âu cũng là sự thường tình, song thích thơ, quý người lại là chuyện khác, tình thơ, tình người quyện chặt làm nên “người thơ” Xuân Tư.

Mở đầu tập thơ “Nối mai sau với bây giờ” bằng bài “Hương quê” thật đằm thắm mà tôi đồ rằng hương quê và quê hương là chất liệu chủ đạo làm nên thơ anh, như chính anh viết nên: “Bao nhiêu dịu ngọt thấm vào thơ anh”. Cái dịu ngọt ấy đã thấm và lan tỏa rất tự nhiên trong cả tập thơ này. Hồn thơ đắm trong hương quê, tình quê từ thuở thiếu thời làm bật lên câu thơ đặc sắc mà phóng khoáng: “Bất ngờ tôi gặp lại tôi/ Cánh diều no gió, khoảng trời tuổi thơ”. Hương quê trong thơ Nguyễn Xuân Tư phảng phất và thấm đượm trong những người con gái quê như cô chèo đò ở Tràng An “Bóng dáng em lung linh/ Giữa trời mây, sông nước”, hoặc, “Em gánh mùa xuân về phố/ Đung đưa đào thắm mai vàng” và tuyệt vời hơn cả là đỉnh cao “Bà Nà và em”: “Mây ôm em/em ôm mây/ Bức tranh huyền ảo/ phút giây diệu kỳ”. Quê hương của Nguyễn Xuân Tư gắn liền với Tổ quốc, trong tập thơ nhỏ này đánh dấu những địa danh mà anh đặt chân tới từ đỉnh Fansipan đến sóng biển Trường Sa, từ Lũng Cú tới Côn Đảo, từ Đà Nẵng tới Yên Tử hay chỉ là một phiên chợ quê và nhiều nơi khác, mỗi nơi một vẻ, cảnh sắc thiên nhiên hay sinh hoạt cộng đồng hiện ra trong mỗi câu thơ, song tinh thần nhất quán là phơi phới tin yêu, nồng nàn tình ý. Quê hương trong thơ Nguyễn Xuân Tư còn thể hiện ở những câu thơ đau đáu “ Xa làng hơn 40 năm/ Ngày vui thành thị, đêm nằm nhớ quê ”…

Một nét chủ đạo khác dễ dàng bắt gặp trong thơ Nguyễn Xuân Tư là mùa xuân đất nước. Cái mùa xuân “ngân nga hành khúc” ấy đã giúp nhà thơ “thắp lửa trong lòng” mà sáng tạo nên những vần thơ tràn đầy năng lượng sự sống dẫu trang nghiêm đứng trước mộ Đại tướng hay kính cẩn tại nghĩa trang Hàng Dương, hoặc là lời yêu thương nói với con gái, hay sự trìu mến mà khoáng đạt của ông ngoại – nhà thơ. Và, cái sức xuân tràn trề ấy lại thể hiện trong cảm tác “Lục bát tuổi 60”: “Lạc quan, cảm xúc thăng hoa/ Sáu mươi, mình vẫn như là... đang Xuân”! Cái tên Nguyễn Xuân Tư mà cha mẹ đặt cho anh sao mà ứng nghiệm đến thế!

Một nét đặc trưng trong thơ Nguyễn Xuân Tư là hình ảnh anh thợ điện và dường như những câu thơ hay nhất dồn nén cảm xúc đều thể hiện ở đây. Câu thơ vẽ nên bức tranh hoành tráng, ca ngợi sức lao động con người đáng để khắc vào biên niên sử của ngành Điện: “Đèo cao đường điện cao hơn/ Cột vươn sừng sững, dây vờn trong mây”. Và, khó có thể quên được câu thơ chứa chan tình cảm mà cũng rất đỗi hào sảng: “Sắc màu cam ấy trong tôi/ Thắp lên sáng cả khoảng trời tin yêu”. (Nguyên bản của anh là “thắp sáng”, tôi thích “thắp lên” hơn!).

Tựu trung lại, thơ Nguyễn Xuân Tư dung dị và tình cảm, không cần đắn đo chữ nghĩa cầu kỳ nhiều lắm mà vẫn có sức truyền cảm và khơi gợi, tôi gọi đó là hồn thơ chất phác, trữ tình. Tôi rất muốn ngồi với anh, nhâm nhi “Ly cà phê cuối năm” để nhìn lại và hướng tới: “Cuối năm nhấp ngụm cà phê/ Bao nhiêu thế sự ùa về trong tôi/ Lung linh kỷ niệm một thời/ Dắt tôi cùng với đất trời vào Xuân”. Vâng, cảm xúc chủ đạo ấy cũng là bài cuối cùng khép lại một tập thơ đáng đọc: “Nối mai sau với bây giờ” để dòng thơ tuôn chảy mãi...

Nhà báo Phùng Ngọc Đức