Thanh Thảo với thể loại trường ca

04.12.2017


Có lẽ khó mà có tác giả trường ca đương đại nào sánh được với nhà thơ Thanh Thảo
 về mặt bề dày sáng tác cũng như chất lượng của trường ca - một thể loại được coi là “loài thơ quý hiếm” cần đưa vào sách - đỏ - văn - chương. Cứ dăm năm miệt mài trong lặng lẽ, thể nào Thanh Thảo cũng lại có thêm một trường ca mới.
Trên con đường tìm kiếm cái mới, nhà thơ Thanh Thảo không bao giờ là người ngoài cuộc. 

Thanh Thảo với thể loại trường ca

Trong khi anh đang trăn trở thể nghiệm thì không ít người chỉ muốn anh quay trở lại với những giá trị đã làm nên tên tuổi của anh thời chiến tranh. Nhưng Thanh Thảo không chịu ngủ quên trên thành tựu của những giá trị cũ.

Bằng tài năng thơ và một nỗ lực không chịu bất lực của mình, mấy chục năm qua, Thanh Thảo vỡ vạc chính anh ở mảng đời sống tâm trạng của một người lính đã thấm đẫm nỗi đau trận mạc và mảng đời sống thơ đích thực trước đây anh chưa có thời gian khai phá. Tôi cho rằng trong con - người - thơ của Thanh Thảo, một nội lực sáng tạo lớn luôn thôi thúc anh, luôn cày xới anh, luôn vắt kiệt anh ở những bến bờ mới.

“Chân đất” là trường ca thứ 10 của Thanh Thảo. Trường ca này độc đáo bởi nét nghĩ, nét suy tưởng, nét cấu trúc ngôn ngữ thi ca của riêng anh đã quật vác lên những nét thơ mới như những người nông dân tay trắng, chân đất ở Quảng Ngãi quê anh đã vác đá xây nên Trường Lũy tự thủa nào.

Không hiểu vì sao, tôi chợt liên tưởng, cái nguồn mạch trường ca dồi dào và sâu lắng của Thanh Thảo có thể cũng đã bắt nguồn từ mạch sống trường tồn của dãy Trường Lũy nơi quê hương anh vì “Địa linh thường sinh ra nhân kiệt”. Và, nếu không sinh ra ở miền đất nghèo khó mà quật khởi ấy, không được nuôi dưỡng bởi nhân dân hào hùng và đau thương ấy thì làm sao Thanh Thảo có thể viết được những trường ca như: “Những người đi tới biển”, “Trẻ con ở Sơn Mỹ”, “Những ngọn sóng mặt trời”, “Khối vuông ru-bích”, “Đêm trên cát”, “Metro”…

Lần này, bằng trường ca “Chân đất”, Thanh Thảo đã hướng chúng ta vào một hệ - quy - chiếu thi ngữ mới với cấu trúc của các chương như các “Chân…Thơ” thật độc đáo, găm vào trí giác người đọc, từ “Chân tre” tới “Chân ruộng”, từ “Chân mưa” đến “Chân núi”, từ “Chân cò”, “Chân tháp”, “Chân mây” tới “Chân sóng”, “Chân lũy”.

Và, từ những đường nét kiến trúc khá đặc biệt ấy, anh dựng nên ngôi nhà trường ca “Chân đất” theo giọng điệu riêng mà Thanh Thảo dành cho tập thơ này: Uyên thâm mà phóng túng, dân dã mà hiện đại, tối giản mà sâu sắc, bình dị mà đa dạng… Nếu ở “Chân tre”, anh thầm gọi đất đai máu thịt: “Quê hương ơi làm sao tôi sống/ thiếu Người/ làm sao tôi thành một bóng cây/ nho nhỏ/ nếu trước nhà tôi, ngoài ngõ/ không rậm rì rậm rịt một bóng tre” thì ở “Chân ruộng”, anh phác thảo chân dung cuộc đời: “Người già quê tôi/ tuổi ngót trăm ngày tăm xị rượu/ lưng còng song song mặt đất/ dáng thảnh thơi như một chiếc tàu bay/ bay chậm chậm qua mây mù u uất”.

Khi ở “Chân mưa”, Thanh Thảo cảm nhận đau đáu về mẹ: “những dấu chân mưa bờ tre phấp phỏng/ bóng bóng phập phồng/ tôi ngồi nhìn mẹ tôi xay lúa/ tôi không biết và tôi không nghĩ/ đời mình như chiếc cối xay tre” thì ở “Chân núi”, anh lại thấm thía sứ mệnh của người cầm bút: “như người xuyên rừng nhãng bước chân đi/ cứ chăm chăm phát cây mở lối/ gánh nặng là chữ/ muỗi vắt là chữ/ mồ hôi là chữ/ đói bụng là chữ/ buồn vô ngôn”.

Nếu ở “Chân tháp”, anh ngược về những thế kỷ trước của văn hóa Chàm, để chiêm nghiệm cái đẹp: “tôi kính dâng lên tổ tiên mình/ chiếc bát mẻ nằm lặng bên chân tháp/ cái bát người con trai Việt/ lăn lóc tìm cặp mông người con gái Chàm/ như tìm nơi trú ngụ/ lăn lóc tìm mênh mang vó ngựa/ lăn lóc tìm ấm êm bếp lửa/ lăn lóc tìm đức tin” thì ở “Chân lũy”, anh đã cùng người dân quê mình vác đá xây Trường Lũy: “Đá cõng đá cõng đá/ mồ hôi cõng mồ hôi/ tháng năm cõng tháng năm/ người cõng người/ xây nên Trường Lũy/ cùng mọi người tôi vác đá xây lũy/ cùng mọi người tôi vác tự do vác tình anh em qua lũy/ cùng mọi người tôi ném những trái ngang khỏi lũy/ chúng tôi không xây Vạn Lý Trường Thành/ chúng tôi đếch cần hảo hán/ chúng tôi tươi vui bình thản/ dù chân lũy tới chân trời/ xa lắc chơi vơi”.

Đặc biệt, ở “Chân sóng”, những câu thơ đau đớn của Thanh Thảo như những vết bầm giập trên cơ thể  đất nước làm chúng ta xúc động: “lặng im như đá mồ côi/ họ dạy anh tình yêu không lời/ không thể thiếu Hoàng Sa/ không thể sống thiếu biển/ anh yêu biển mà anh đứng trên bờ/ anh yêu nước mà không biết bơi/ làm sao anh hiểu/ có những người lính đảo/ trần lưng trước mưa đạn quân thù”.

Trong cuộc viễn du vào miền ngôn ngữ cách tân, có khi người làm thơ cảm thấy mình đang bay vào cái vùng bóng tối riêng của một miền ánh sáng để nhìn ngược lại vùng thực tại chúng ta đang sống. Trên cái đường biên mập mờ hai chiều tối - sáng ấy, chúng ta sẽ có những phát hiện mới về các giác cảm, về không gian, về thời gian, về sự tồn tại của con người. Và ở trong vùng tối thẳm sâu vô thức ấy, những câu thơ chợt đến như một giấc mơ và một mình nó làm một cuộc viễn du vượt ra khỏi mọi thể chế về ngôn ngữ để độc hành trong sáng tạo.

Theo tôi, Thanh Thảo là một tài năng không chịu đựng nổi những con đường mòn cũ, quen thuộc trong thi ca. Và bởi tính năng động trong sáng tạo của con người thơ anh luôn bật lên những ý tưởng, những khát khao khám phá. Sau khi đọc nhiều bài thơ của Thanh Thảo, tôi cảm thấy hình như Thơ không phải chỉ đánh thức Thanh Thảo mà chính Thanh Thảo đã đánh thức chúng ta bằng một cái nhìn thành thật đến cay đắng. Bởi một lẽ trên thế gian này, trong cuộc hành trình dâu bể này: “Không ai tái chế nước mắt nỗi đau, dù để làm nên những trang sách”. Không hiểu vì sao câu thơ này thi thoảng lại rung động trong tôi một thứ gì đấy mằn mặn, nhói đau như nước mắt.

Dù tìm tòi, cách tân kiểu nào đi nữa thì thơ Thanh Thảo vẫn là một dòng nội tâm đậm đặc những suy tư trằn trọc với đời sống này, quê hương này, lớp người này, tâm thế này và trong một đêm sâu nào đó, dưới một bầu trời sao nào đó hoặc trong một ngày nắng chói chang nào đó, bên một bát khoai khô nấu mật, bên một người mẹ gầy như ban mai… vẫn còn thao thức một Thanh Thảo luôn canh cánh trước những bần hàn, nghèo khó của quê hương.

Tập thơ “Metro” của Thanh Thảo là tập trường ca thứ 9 (trong số 15 tập thơ) đã xuất bản của anh. Có thể nói, Thanh Thảo đã lập một kỷ lục ghi nét về trường ca trong thơ Việt Nam đương đại. Trong đó, phải kể đến tập trường ca “Đêm trên cát” trước đây của anh đã từng được giới phê bình và công chúng thơ coi như một đỉnh mới của nghệ thuật thơ trường ca trong suốt mấy chục năm qua.

Lần này, với trường ca “Metro”, nhà thơ Thanh Thảo đã làm một cuộc hành trình trở lại với quãng thời gian trai trẻ của anh trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt ở Trường Sơn với một cái nhìn có độ lùi sâu hơn và chiêm nghiệm hơn về số phận con người và đất nước.

Ngay ở chặng ga đầu tiên của “Metro”, hình ảnh những người lính trong “chuyến tàu trận mạc” đã vĩnh viễn nằm lại dưới một Trường Sơn đại ngàn lại nhắc nhở chúng ta về những năm tháng thương đau ấy. Những người lính trẻ đã đi vào chiến tranh, đi vào cái chết với một chân dung hồn nhiên và trong trẻo nhất của thế hệ mình: “không ai đủ sức trả lời/ dù còn cả cuộc đời trước mặt/ năm 26 tuổi tôi “thử hỏi về hạnh phúc”/ với những hồn nhiên trong trẻo nhất/ nhưng hạnh phúc là gì tôi không biết/ là cái bóng của lặng im/ là cái bóng của cái cái bóng cây bằng lăng cây bồ đề/ nửa đêm chợt thức giữa rừng già/ một tiếng gì khẽ rơi/ hạnh phúc”.

Câu hỏi về hạnh phúc trong những năm tháng ấy mãi mãi nằm lại với tuổi trẻ của những người đã lặng lẽ dâng hiến máu xương mình trong cuộc chiến tranh giải phóng: “Nhưng hạnh phúc là gì? câu hỏi này của chị Dương Thị Xuân Quý/ người hỏi không thể tự trả lời/ vì chuông đã rung/ hết giờ”. Một câu hỏi chưa có lời đáp cứ cứa mãi vào tâm khảm những người còn sống hôm nay. 

Những năm sau chiến tranh, một Thanh Thảo với những tìm tòi mới trong thơ lại bắt đầu khuấy động thi đàn. Có người đánh giá cao những đóng góp của anh trong mảng thơ viết về chiến tranh, nhưng cũng có người cho rằng mảng thơ sau chiến tranh của anh với những nỗi đau đời sống thường ngày, với những trăn trở cách tân cho thấy một diện mạo sâu sắc hơn, đầy đủ hơn về thơ Thanh Thảo.

Tôi thì cho rằng ở giai đoạn nào cũng vậy, Thanh Thảo vẫn là một tài năng thơ đích thực với một trái tim luôn nồng nhiệt, chân thành, chia sẻ với mọi mất mát và bất bình trước mọi giả trá, bất công và bạo lực. Có ai đó nói, trong suốt ba chục năm qua, con người thơ của Thanh Thảo vẫn là con người sáng tạo của những trường ca lớn, tôi thấy điều ấy không sai, vì có thể hơi thở máu thịt chính của đời thơ anh là hơi thở của trường ca. Nhưng tôi lại thấy một điều gần đúng, cũng trong thời gian trên, với những tìm tòi bền bỉ nhằm cách tân thơ Việt, Thanh Thảo vẫn là một nhà thơ đáng chú ý của những bài thơ nhỏ rất đặc sắc, hiện đại.

Nguyễn Việt Chiến
(nhavantphcm.com.vn)