Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện

20.01.2021
Nguyễn Thị Thu Thủy
Bằng lối viết giản dị như lời thủ thỉ tâm tình, Hồ Sĩ Bình dẫn độc giả đến với những vùng đất, con người mà anh đã gặp gỡ, từng trải qua tập sách Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện (tiểu luận - bút ký, NXB Hội Nhà văn).

Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện

Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện, còn thơm mùi mực in, được trình làng vào những ngày cuối cùng của năm 2020, là tập sách thứ 5 của Hồ Sĩ Bình về thể loại này, sau Bên triền sông Ô Lâu (2012), Màu xanh Đăk R’Lấp (2015); Nhạn qua sông bóng còn in trên mặt nước (2018); Mưa nắng lưng đèo (2019)...


Lay động từ hoài niệm

Phần đầu cuốn sách gồm 21 bút ký, với lối hành văn giàu chất thơ, tác giả đưa người đọc khám phá những địa danh gắn bó cùng anh một thời gian khó. Ký ức Hồ Sĩ Bình cùng Quảng Trị, mảnh đất chôn nhau cắt rốn nằm bên bờ sông Thạch Hãn; nơi ấy có mùa cá rải đồng mang hương vị món ăn mẹ nấu; tiếng còi tàu cuối năm đưa người về quá vãng; phố cây bàng chờ đợi ngày sum họp; hoa chạc chìu với lũ bạn chăn bò trên rú Trấm…

Đắk Nông - Gia Nghĩa cùng những tháng ngày xông xáo trong 10 năm dạy học, để lại tình thương mến dạt dào trong trang viết của nhà văn. Anh nhớ mãi hoa muồng vàng rơi rơi trên tóc của cô bạn song hành ngày đầu nhận nhiệm sở; những cuốn sách cùng nhà nghiên cứu triết học Phạm Công Thiện, chuyến xe thổ mộ lóc cóc vang vọng thanh âm đầy nuối tiếc. Quảng Nam - Đà Nẵng gắn bó cùng Hồ Sĩ Bình cả một khoảng đời dài sống và viết được ghi dấu bằng: Bình yên chim câu, Phố tranh Hội An, Người mẹ Giang Hà, Nhớ thương mì Quảng Phú Chiêm… Mỗi sự việc nhỏ bé qua đôi mắt tinh tường cùng trái tim giàu trắc ẩn của Hồ Sĩ Bình đều vang lên những giai điệu cảm xúc, truyền đến người đọc những ngân rung. Quan sát người đàn bà sáng sớm nào cũng đem thóc, vãi cho bồ câu nuôi thả dọc biển Mỹ Khê, anh cảm thức: “Nhìn chị ngồi cho bồ câu ăn, không gian sao mà bình yên nhẹ tênh như gió… làm tôi thấy lòng mình như chùng xuống” (tr. 36). Huế, thành phố nghiêng mình soi bóng xuống dòng Hương giang để thương để nhớ trong trang viết cùng những tháng năm mài ghế giảng đường. Tà áo lụa vấn vương trên con đường Lê Lợi và cả niềm trăn trở khi “Huế chỉ còn trong tâm tưởng”…

Chất trữ tình và chút đượm buồn khiến bút ký Hồ Sĩ Bình lôi cuốn độc giả. Đọc trang văn của anh, ta như đắm chìm theo dòng hoài niệm, thổn thức trước những bất an, hân hoan cùng đổi thay của cuộc sống mới; qua cách kể nhỏ nhẹ như rủ rỉ bên tai, lối kết thúc mênh mang, gợi nỗi niềm đồng vọng: “Hình như gió heo may cũng đã về. Hạnh phúc đôi khi cũng thật mong manh và dễ vỡ” (tr. 37)…

Tình yêu văn chương không vơi cạn

Ở phần đầu tập sách, Hồ Sĩ Bình mê đắm với hồi ức nhưng phần sau, nhà văn cẩn trọng, tỉnh táo khi cảm nhận trang viết của đồng nghiệp. 23 tiểu luận, điểm sách chứng tỏ cái nhìn sắc sảo, cái tâm của một con người không hề vơi cạn tình yêu đối văn chương cùng quá trình đọc, viết miệt mài. Văn phê bình của anh đưa người đọc đến với cái đẹp của thơ ca, nhận diện được nét riêng trong phong cách của từng tác giả. Một Võ Văn Luyến: “lối viết lúng liếng, đẩy đưa, lấp lửng”; một Nguyễn Lâm Huệ - “gã phong trần phiêu bạt”; một Thụy Sơn với “thơ giàu tính ẩn dụ”. Riêng với nhà thơ - nhà báo Nguyễn Ngọc Hạnh, anh dành lòng ưu ái cùng niềm cảm phục sâu sắc qua hai bài viết: Cảm thức quy hồi trong thế giới văn chương Nguyễn Ngọc Hạnh và Dòng sông lặng lẽ theo người. Bằng “tiếng lòng khẩn thiết và xao xuyến”; anh nhận ra Nguyễn Ngọc Hạnh, “một hồn thơ trước hiệu ứng thời gian nhưng chưa bao giờ biết cạn kiệt cảm xúc…”; “những bút ký nhân vật của Nguyễn Ngọc Hạnh có tính báo chí nhưng vẫn thấp thoáng sự ngọt ngào của văn chương”. Tư duy của Hồ Sĩ Bình cũng thật đa chiều khi thưởng lãm tranh thủ ấn họa của Duy Ninh; tranh sơn mài trừu tượng của Trương Bé.

Quả ngọt từ quá trình đọc đầy say mê của anh còn nằm ở phần cảm nhận văn xuôi với mọi thể loại: ký sự của Trương Điện Thắng, Hồ Duy Lệ; truyện ngắn của Nguyên Minh, Hoàng Trọng Dũng; tiểu thuyết của Thái Bá Lợi. Trang viết của anh cho người đọc nhận ra: Trương Văn Khoa - người đi tìm những bóng hồng trong âm nhạc; Lê Thí - nhà báo viết sử làng, Nguyễn Hữu Hương - cây bút với những bài viết có tính thời luận…

Đọc tập sách Hồ Sĩ Bình, tâm hồn mỗi người rưng rưng nỗi niềm gắn bó và vang lên những dư âm; dư âm của nỗi nhớ thương dĩ vãng. Trang viết của anh chầm chậm gõ vào lòng người bởi lối hành văn bảng lảng, giọng điệu chậm rãi suy tư, cách kết thúc luôn gợi mở. Hy vọng tập sách Hồ Sĩ Bình sẽ thắp lên trong mỗi người niềm tin yêu cuộc sống và nghệ thuật không bao giờ vơi cạn như ý nghĩa nhan đề gửi gắm: Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện.

(baodanang.vn)