Thế hệ trẻ trong nghiên cứu khoa học và công tác hội - Đinh Thị Trang

04.09.2019

Thế hệ trẻ trong nghiên cứu khoa học và công tác hội - Đinh Thị Trang

Trong 9 hội chuyên ngành thuộc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng thì Hội Văn nghệ dân gian và Hội Nhà văn là có số lượng hội viên trẻ ít nhất. Tại các hoạt động hay những buổi sinh hoạt hội, đông đảo nhất vẫn là những hội viên lớn tuổi, thâm niên trong công tác nghề, còn những gương mặt trẻ thì hầu như khá ít ỏi. Trong khi đó, những tác phẩm có giá trị về văn hóa, văn học, nghệ thuật trên địa bàn thành phố thời gian qua một phần được trao cho những nhà nghiên cứu trẻ.

Những nhà nghiên cứu trẻ do tuổi đời tuổi nghề còn khá "non nớt", tuy nhiên họ có một bầu nhiệt huyết lúc nào cũng cháy bỏng nên ai cũng hào hứng và có nguyện vọng tham gia vào các hội với tâm thế được học hỏi và có cơ hội để phát triển những ý tưởng và vốn tri thức của mình. Tuy nhiên, khi họ đã vào được các tổ chức hội sau một thời gian ngắn lại có tâm trạng chán nản, muốn xin ra khỏi hội. Thực trạng này do đâu? Phải chăng các thế hệ trẻ đã không còn mặn mà với hội?

1. Thế hệ trẻ trong nghiên cứu khoa học ở Hội Văn nghệ dân gian

Nghiên cứu khoa học là một phạm trù lớn bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau, chẳng hạn nghiên cứu khoa học về ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, nghiên cứu khoa học trong khoa học xã hội và nhân văn... Nhưng ở tham luận này tôi chỉ đề cập đến việc nghiên cứu khoa học của thế hệ trẻ trong Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng.

Khó có thể phân biệt được thế hệ trẻ và thế hệ già. Có thể phân biệt theo tuổi nghề, những năm tham gia công tác hoạt động nghiên cứu văn hóa, văn học nghệ thuật hoặc phân biệt theo tuổi đời. Nếu tuổi đời thì bao nhiêu được gọi là trẻ? Như Hội Nhà văn hằng năm có tổ chức Hội nghị văn trẻ là dành cho những người viết văn có thành tựu dưới 35 tuổi. Thực ra cách phân biệt này chỉ có tính tương đối theo suy nghĩ của từng người. Ở đây tôi tạm phân biệt thế hệ trẻ là những bạn trẻ làm nghiên cứu khoa học dưới 40 tuổi.

Dù làm việc trong lĩnh vực nào cũng phải qua đào tạo để có một trình độ nhất định để đáp ứng được yêu cầu công việc và nhằm khẳng định tài năng nghề nghiệp, nhưng đối với những nghề liên quan đến làm nghiên cứu mà đặc biệt là nghiên cứu về văn hóa, nghệ thuật - đó là một công việc ngoài sự khó nhọc, vất vả, đầy chông gai lấy đi nhiều thời gian và công sức thì còn yêu cầu người làm khoa học phải có những tố chất cần thiết như là lòng yêu nghề, kiên trì, nhẫn nại, khả năng về thẩm mỹ và nghệ thuật. Vì vậy, lực lượng nghiên cứu trẻ có số lượng ngày càng hạn chế.

Việc nghiên cứu khoa học được thể hiện qua việc in các tác phẩm về văn hóa, văn nghệ dân gian hoặc đăng tải những công trình nghiên cứu trên các sách, báo, tạp chí, các hội thảo khoa học trong nước và quốc tế,... Trước đây, các công trình nghiên cứu chủ yếu là của các nhà nghiên cứu lớn tuổi ở trong hội như: nhạc sĩ Trương Đình Quang, nhạc sĩ Trần Hồng, ThS. Văn Thu Bích, nhà nghiên cứu Lê Duy Anh, Hoàng Hương Việt, Bùi Văn Tiếng, Võ Văn Hòe, Đinh Thị Hựu... Giai đoạn sau này thì có nhiều nhà nghiên cứu trẻ tham gia vào hội và cũng có nhiều công trình nghiên cứu như Lưu Anh Rô, Nguyễn Hoàng Thân, Võ Văn Hoàng, Hoàng Thị Mai Sa, Phạm Tú Trinh, Hoàng Hà Giang, Phan Thị Huyền Trâm, Đỗ Thanh Tân, Đinh Thị Trang...

Như vậy có thể thấy việc nghiên cứu khoa học có sự tiếp nối giữa thế hệ già và thế hệ trẻ. Nếu trước đây các công trình nghiên cứu chủ yếu tập trung cho việc sưu tầm các thể loại văn học dân gian, nghề truyền thống, lễ hội truyền thống, các tập tục và chú giải, phân tích về những thể loại đó. Thì sau này, thế hệ trẻ đi sâu hơn, có những hướng đi mới hơn khi nhìn nhận những chất liệu văn hóa, văn học dân gian này. Các nhà nghiên cứu trẻ đã hướng đến việc nghiên cứu những chất liệu đã có được từ các công trình của các nhà nghiên cứu trước đã sưu tầm được và nghiên cứu theo hướng ứng dụng và phân tích các giá trị văn hóa dân gian để hướng đến phát triển du lịch văn hóa, tâm linh và bảo tồn những giá trị truyền thống từ những chất liệu đó.

Sở dĩ có được những tác phẩm tốt như vậy bởi thế hệ trẻ sau này có điều kiện tốt hơn để nghiên cứu.Thứ nhất là đã được thừa hưởng những thành quả của những nhà nghiên cứu đi trước. Hai là được đào tạo bài bản từ các trường đại học, có điều kiện được làm những nghiên cứu khoa học từ rất sớm. Ba là do điều kiện công nghệ thông tin phát triển, có thể tìm kiếm nhiều tư liệu trong và ngoài nước, có thể so sánh giữa các vùng miền. Bốn là có điều kiện phương tiện thuận tiện để đi thực tế nhiều nơi. Từ những điều kiện thuận lợi đó mà thế hệ trẻ có thể thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học.

Song song với những thuận lợi đó thì việc làm nghiên cứu của các hội viên trẻ cũng có nhiều khó khăn. Các bạn trẻ tuy năng động nhưng cũng bận bịu giữa sáng tác và công tác của mình, giữa công việc kiếm sống với tham gia nghiên cứu khoa học, đi khảo sát thực địa. Thêm nữa, hiện nay, nhiều di tích, di sản văn hóa do quá trình đô thị hóa bị biến mất hoặc xuống cấp; những người già - là kho tàng sống của các tập tục, ca dao, tục ngữ, tri thức dân gian không còn nữa; những phong tục, tập quán, lễ hội cũng thay đổi theo thời gian,... nên việc sưu tầm tư liệu trở nên khó khăn.

Cho dù gặp nhiều khó khăn nhưng những năm qua, những hội viên trẻ với sự giúp đỡ của Liên hiệp Hội, cũng cho ra đời nhiều công trình nghiên cứu. Nhóm Chi hội Trường Đại học Sư phạm cũng có một công trình xuất bản chung là Văn hóa Đà Nẵng từ những mảnh ghép, công trình này là tập hợp những bài nghiên cứu về đình, chùa, miếu mạo, các làng nghề truyền thống, nghệ thuật tuồng, bài chòi... góp phần lớn cho việc bảo lưu những nét văn hóa truyền thống tại vùng đất Đà Nẵng. Nhiều hội viên cũng đã xuất bản những công trình được in riêng và in chung như: Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Thân với Đường biên 2 (in chung), Nxb Đà Nẵng (2013); Đà Nẵng - Miền Trung: Những vấn đề lịch sử - văn hóa (in chung), Nxb Văn hóa - Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (2017); Tìm về đất Quảng (in riêng), Tập 1, Nxb Đà Nẵng, (2018)...; Đinh Thị Trang với Tìm hiểu miếu thờ trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn (in riêng), Nxb Thông tin - Truyền thông (2013); Từ ngữ nghề biển của ngư dân Đà Nẵng (in riêng), Nxb Văn học (2016), Văn hóa Đà Nẵng từ những góc nhìn (in riêng), Nxb Đà Nẵng (2018); Hoàng Hà Giang với Tục cúng miếu xóm ở Đà Nẵng (bản thảo); Phan Huyền Trâm với Tìm hiểu mộ cổ ở Đà Nẵng (bản thảo);... Ngoài những tác phẩm đã in thành sách, các hội viên trẻ cũng có nhiều công trình nghiên cứu đã đăng trên báo, Tạp chí như Tạp chí Non Nước, Tạp chí Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng, Tạp chí Khoa học và giáo dục, Tạp chí khoa học và công nghệ, Tạp chí Làng Việt, báo Đà Nẵng, báo Quảng Nam, các hội thảo và diễn đàn khoa học khác. Có thể nói, những đóng góp của hội viên trẻ thông qua những công trình nghiên cứu khoa học đã được trao giải và ghi nhận là một tín hiệu đáng mừng cho sự tiếp nối của thế hệ để góp phần làm cho hội ngày càng phát triển và có nhiều công trình khoa học góp phần bảo lưu, gìn giữ vốn văn hóa, văn nghệ truyền thống và sử dụng những công trình đó góp phần phát triển du lịch văn hóa, tâm linh trên địa bàn thành phố.

2. Thế hệ trẻ trong tham gia công tác Hội

Từ năm 2010, Hội Văn nghệ dân gian đã có nhiều nhà nghiên cứu trẻ tham gia hội. Đó là một tín hiệu đáng mừng vì trong tương lai, có thế hệ kế tục, tiếp tục thực hiện những công việc thay thế cho những hội viên lớn tuổi. Hội Văn nghệ dân gian có Chi hội Đại học Sư phạm được thành lập với sự tham gia của những nhà nghiên cứu trẻ chủ yếu là giảng viên và một số sinh viên làm nghiên cứu về văn hóa, văn nghệ dân gian của trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng. Khi còn học ở trường đại học, chúng tôi là những sinh viên đã được nghe các thầy cô nói về Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng, một phần bởi những thầy cô giảng dạy chúng tôi là những người đang hoạt động trong hội như thầy Hồ Tấn Tuấn, cô Đinh Thị Hựu, cô Văn Thu Bích, thầy Lưu Anh Rô,... phần khác được biết đến những nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian Đà Nẵng thông qua những công trình nghiên cứu về văn hóa, di tích, tín ngưỡng, tập tục, lễ hội, văn học dân gian của các bậc tiền bối, các nhà nghiên cứu kỳ cựu như Trương Đình Quang, Trương Duy Hy, Trần Hồng, Văn Thu Bích, Lê Duy Anh, Hoàng Hương Việt, Bùi Văn Tiếng, Võ Văn Hòe, Đinh Thị Hựu... nên chúng tôi rất ngưỡng mộ và tìm hiểu điều kiện để được tham gia vào hội, mong muốn được tiếp xúc, giao lưu với các nhà nghiên cứu để học hỏi thêm.

Khi tham gia hội, với đam mê nghiên cứu, thế hệ trẻ mong muốn có một sân chơi để vừa học hỏi, vừa thể hiện bản thân, đồng thời muốn được chia sẻ và tìm được những tiếng nói chung, sự đồng cảm với các thành viên trong hội... ở khía cạnh nào đó cũng là cách tiếp cận để các bạn trẻ nâng cao trình độ, năng lực của mình. Việc trao đổi với những người cùng thời hay khác thời, ít nhiều cũng tạo ra được kinh nghiệm riêng cho bản thân, và điều đó có lợi cho giới nghiên cứu trẻ. Nhưng khi tham gia vào sinh hoạt hội rồi thì sự hứng thú với hội ngày càng giảm sút. Nguyên do ở đâu? Do hoạt động của hội nặng về hình thức và lạc hậu? Hay vì số lượng hội viên lớn tuổi trong hội "áp đảo" so với người trẻ?

Những người trẻ, họ có sự năng động, sôi nổi nên đòi hỏi những hoạt động sôi nổi như các hội thảo bàn về những vấn đề nghiên cứu mới, được tham gia nói tiếng nói của mình, những công trình nghiên cứu của mình được đánh giá một cách khách quan, không vì công trình của người lớn tuổi bao giờ cũng phải hơn người trẻ tuổi,... trong khi hoạt động của hội còn mang nặng tính già cỗi, nặng về hình thức.

Nói về dấu ấn “trẻ” trong hội, khách quan mà nói, tôi thấy những nhà nghiên cứu trẻ ít được coi trọng, nhất là trong việc xét giải thưởng hàng năm cũng thiếu sự công bằng. Người trẻ gần như không có chân trong ban, hội đồng chuyên môn, tác phẩm ít được coi trọng và có thể bị gạt đi. Trẻ là sung sức nhưng đôi khi bị coi là “non nớt” hay ấu trĩ cho rằng: Xét tuổi là con, cháu sao lại vượt cấp người già? Việc in sách chung của hội cũng không rõ ràng về việc tôn trọng bản quyền, trong một cuốn sách in chung thì chỉ ghi thành viên nhưng lại không thể hiện rõ là ai thực hiện phần nào. Trong một số bài viết, có hội viên lớn tuổi lại đạo văn những bài viết của hội viên trẻ đã công bố trên các phương tiện truyền thông trước đó.

Người trẻ trong hội hầu như đều đang làm việc ở một cơ quan nào đó, việc viết lách nghiên cứu cũng hầu như là nghề tay trái, là một đam mê chứ không dành toàn thời gian vào đó. Việc tham gia hội họp cũng có nhiều hạn chế vì bận bịu công việc. Việc đóng góp cho hội, thiết nghĩ không hẳn là phải họp hành đầy đủ, làm nghiên cứu thì có thể đóng góp cho hội bằng những công trình nghiên cứu đăng báo chí hoặc xuất bản. Nếu lấy tiêu chí là không đi họp mà bị gạch tên khỏi hội thì dần dần chắc cũng không còn hội viên trẻ tham gia hội.

Có thể những yếu tố trên đã tạo nên sự chán nản và không còn hào hứng tham gia hội. Khi mục đích ban đầu là giao lưu, học hỏi, tìm tới một sân chơi bổ ích, được thể hiện giá trị của mình nhưng không đạt được thì họ tự nhiên không muốn tham gia nữa.

3. Một số giải pháp thu hút thế hệ trẻ tham gia hội

Hiện nay, Hội Văn nghệ dân gian chỉ còn 42 hội viên, hội viên trẻ chỉ có 7 hội viên. Việc xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ người trẻ tham gia công tác hội là rất cần thiết. Bởi các lớp đàn anh, đàn chị thì ngày càng lớn tuổi, cần có tầng lớp kế cận để tham gia duy trì và gánh vác công việc của hội.

Cuối năm 2018 vừa qua, dưới sự chỉ đạo của Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật, Hội Văn nghệ dân gian đã tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2018-2023 đã cơ cấu đội ngũ trẻ vào Ban Chấp hành hội nhằm trẻ hóa Ban Chấp hành, hi vọng sẽ tạo được sự năng động và làm gạch nối cho sự phát triển của hội trong tương lai.

Để hoạt động của hội thực sự năng động, cần phải nghĩ ra những sáng kiến để tổ chức các hoạt động thu hút các bạn trẻ như tổ chức các buổi hội thảo, trao đổi về một đề tài nào đó. Tổ chức những cuộc điền dã, thực tế tại địa phương cho hội viên vào ngày cuối tuần để thuận tiện hơn cho những hội viên trẻ đang làm việc tại các cơ quan ban ngành.

Việc đầu tư, tìm kiếm nguồn hội viên trẻ để bổ sung vào hội cũng rất quan trọng. Có thể thu hút hội viên trẻ trong nhà trường, từ các trường đại học trên địa bàn thành phố hoặc từ các đơn vị làm công tác văn hóa tại các phường, quận để bổ sung. Phối hợp với các trường đại học tổ chức các hoạt động học thuật để các bạn trẻ biết về hội, tham gia vào các hoạt động hội.

Các thành viên của Ban Chấp hành, Hội đồng Nghệ thuật làm việc một cách công bằng, luôn đề cao lợi ích của hội viên, đánh giá một cách chuẩn xác các tác phẩm của hội viên.

Phát triển Câu lạc bộ nghiên cứu trẻ, nhất là những bạn có đam mê với nghiên cứu về văn hóa văn nghệ dân gian. Người trẻ tham gia làm công tác nghiên cứu ở hội vốn đã ít, nếu như không động viên, tạo điều kiện cho họ tham gia thì dần dần hoạt động của Hội chỉ còn lại những hội viên già tham gia và không có thế hệ tiếp nối.

Đ.T.T

Bài viết khác cùng số

Nhặt trăng - Vũ Ngọc GiaoMiền quê xanh - Nguyễn Thị PhúMiền quê bên dòng sông Yên - Hồ Sĩ BìnhNét văn hóa Cơtu và điểm đến du lịch - Đoàn Hạo LươngDu lịch cộng đồng kết hợp đường sông - nhìn từ Hòa Vang - Diệp Dân HùngĐồi trăng - Vũ Ngọc GiaoNhững mùa quả ngọt trên đất Hòa Vang - Nguyễn Thị Anh ĐàoVai trò của Hòa Vang trong phát triển Đà Nẵng - Bùi Văn TiếngHòa Vang xây dựng nông thôn mới - Minh NamVề Hòa Vang - Hồ XoaBùn đất chân nâu - Nguyễn Hoàng SaMỳ Quảng Túy Loan - Lê Anh DũngQuê xưa nguồn cội Túy Loan - Đinh Thị Như ThúyBên sông Túy Loan - Thanh PhúNước mắt chảy ngược - Thụy SơnVề đi anh - Thụy DuThương lắm Hòa Vang - Vạn LộcPhố mới - Mai Hữu PhướcHô bài chòi trên sông Yên - Lê Anh DũngĐồng Xanh - Đồng Nghệ - Đinh Thị Như ThúyVề hai câu chữ Việt và chữ Hán tại mộ phần cụ Phạm Phú Thứ - Phan Nam SinhNgười Cơtu ở Đà Nẵng - Huỳnh Viết TưThế hệ trẻ trong nghiên cứu khoa học và công tác hội - Đinh Thị TrangMỹ thuật Đà Nẵng tiếp nối thế hệ - Hồ Đình Nam KhaMột số biến đổi văn hóa Cơtu ở huyện Hòa Vang - Võ Văn HòeTrách nhiệm thế hệ - Lê HuânPhát triển đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ - vấn đề tiếp nối thế hệ - Bùi Văn TiếngThần thoại của dân tộc Cơtu ở miền núi Đà Nẵng - Đinh Thị HựuNhạc cụ truyền thống của người Cơtu xứ Quảng - Văn Thu Bích