Thơ giữa đời thường

20.07.2015

Thơ giữa đời thường

Tôi thực sự ngỡ ngàng khi được tác giả Nguyễn Văn Khôi tặng tập thơ “Một chút nỗi niềm” - NXB Chính trị quốc gia ấn hành tháng 5/2015.

Ngỡ ngàng vì tuy đã có nhiều năm cùng làm việc dưới mái nhà chung “Sở Giao thông công chính Hà Nội”, nhưng chưa từng biết Nguyễn Văn Khôi có làm thơ, mà tập thơ lại có nhiều khổ, nhiều câu khá chỉnh, khá hay nữa chứ! Thì ra duyên thơ vẫn đeo đuổi anh, níu kéo anh. Hay, ngược lại, dù bận trăm công ngàn việc, nhưng anh vẫn không thể bỏ thơ. Chính vì vậy nên tôi quyết định đọc lại toàn bộ tập thơ một lần nữa, chậm và thật chậm. Ngay ở trang 5, với bốn câu đề dẫn, anh đã viết:

 

Ngàn hoa đua sắc giao mùa/ Nỗi niềm le lói gió lùa trong tim/ Mùi hương ký ức nổi chìm/ Trăng lên đỉnh tháp đi tìm câu thơ.

Ra thế, thơ đã là máu thịt ở trong anh tự thuở nào. Hẳn là anh đã gặp không ít nhưng trăn trở giữa một bên là trọng trách lãnh đạo, quản lý và một bên là tình thơ thôi thúc anh phải đọc, phải viết, phải trải lòng mình qua từng con chữ, trên từng trang giấy. Ngay từ mấy câu đề dẫn đó cũng đã hé lộ xu hướng thơ của anh, thơ trữ tình tự sự.

Có thể nói, gần như suốt cả quãng đời công chức, Nguyễn Văn Khôi gắn bó mật thiết với công tác xây dựng và quản lý đô thị. Anh có điều kiện để đi sâu đi sát, trở thành người am hiểu tâm tư, nguyện vọng của cư dân thành phố và thơ cũng đã không phụ anh. Thơ anh mang nặng tình người, tình đời:

Thành phố nghèo sau chiến tranh tàn ác/ Lại đổi thay ngàn sắc ngập tràn/ Nhiều công trình kiến trúc không gian/ Những cây cầu nối hai bờ Nam - Bắc

(Nhớ về tuổi thơ)

Anh là người nhân hậu, biết chia sẻ và cảm thương với những thân phận nghèo, tất bật mưu sinh trên từng con phố. Thơ Nguyễn Văn Khôi hàm chứa nhiều ưu tư, hoài niệm, vui buồn đan xen, nhưng nỗi buồn trong thơ anh luôn mang nặng tính nhân văn. Tập thơ có nhiều bài tri ân về cha mẹ, thầy cô, những người đã sinh thành, dạy dỗ, giúp đỡ, đồng hành cùng anh trên con đường tu nhân, lập nghiệp. Thật sâu những câu thơ anh viết về cha mẹ:

Nửa đêm trông đợi ánh sao/ Sớm sương lặn lội mấy sào mạ non/ Lo toan từng bữa nuôi con/ Thân mòn, tóc bạc, cô đơn một đời

(Gọi gió heo may)

Gà chưa gáy, sao cha đi sớm?/ Gió giật từng hồi, mưa trút nước không thôi

(Mùa xuân năm 1975)

Còn một phần khá đậm trong tập thơ của Nguyễn Văn Khôi không thể không nhắc đến. Đó là thơ tình với rất nhiều những cung bậc cảm xúc khác nhau.

Hẹn em lần nào cũng vội/ Nắng vàng bất chợt cơn mưa/ Gặp em gió nhẹ thoảng qua/ Mà sao bao giờ cũng vội.

(Lần nào cũng vội)

Tình càng nồng thắm, thì lúc chia xa càng thương nhớ và anh cũng không ngần ngại khi nói lên nỗi lòng mình:

Em xa anh/ Con cũng xa anh/ Thăm thẳm xa hàng ngàn cây số/ Đêm hiu hắt giữa hai đầu nỗi nhớ/ Mình anh bỗng hóa mong manh…

(Đợi em về)

Thơ anh thực sự đơm hoa, kết trái ngay giữa đời thường. Và, chỉ chừng ấy thôi, Nguyễn Văn Khôi cũng đã đem đến cho bạn đọc những giây phút thư giữa đầy hứng thú. Bạn đọc mong anh tiếp tục sáng tác, tỏa sáng thêm ở những tập thơ tiếp theo.

Cự Lộc, tháng 6/2015

Phạm Sĩ Đại
(tienphong.vn)