Thơ nữ Đà Nẵng, một tập hợp đa thanh - Huỳnh Văn Hoa

19.04.2018

Thơ nữ Đà Nẵng, một tập hợp đa thanh - Huỳnh Văn Hoa

Chúng ta đang có trong tay một tuyển tập thơ nữ Đà Nẵng dày dặn, đa phong cách, đa âm sắc. Mỗi nhà thơ là một tiếng nói văn học, một cá thể nghệ thuật. Có thể nói, sau 1975, thơ Đà Nẵng nói chung và thơ nữ nói riêng, đều phát triển cả về số lượng và chất lượng.

1. Như tiếng biển đêm (NXB Hội Nhà văn, 2018) là một tập hợp đông đảo, đa dạng các nhà thơ nữ, với 20 gương mặt, 294 bài, 374 trang, bình quân: 15 bài/tác giả.

Trước đây, vào năm 1994, Hội Văn học nghệ thuật Đà Nẵng (cũ) có Tự khúc xanh, NXB Đà Nẵng, chỉ mới tuyển 40 bài của 23 tác giả nữ. So với bây giờ, khác xa về nhiều mặt. Nhìn ở bình diện cả nước, mới chỉ có:

- Thơ nữ Việt Nam tuyển chọn, 1945-1965, NXB Hội Nhà văn, HN, 1994, gồm 80 tác giả nữ là hội viên  Hội Nhà văn Việt Nam.

- Tuyển Thơ Tác giả nữ Việt Nam, Nhà xuất bản Phụ Nữ, Hà Nội, 2000, do Lại Nguyên Ân, Ý Nhi, Ngô Thế Oanh, Mai Hương và Phạm Xuân Nguyên tuyển chọn.

- Gần đây, tuyển tập song ngữ (Bilingual anthology) Thơ nữ Việt Nam từ xưa đến nay (Vietnamese Feminist Poems From Antiquity to the Present), do NXB Phụ nữ Việt Nam và NXB Feminist thuộc Đại học New York phối hợp tuyển chọn, chuyển ngữ và phát hành năm 2008. Tuyển tập này chọn 72 bài thơ của 72 nhà thơ nữ Việt Nam, từ thế kỷ XI đến thế kỷ XX.

- Theo tìm hiểu của chúng tôi, các tỉnh thành khác trong cả nước, chưa có hội đoàn văn nghệ nào đứng ra làm tuyển tập thơ nữ cho địa phương mình.

- Vì thế, việc Hội Nhà văn Đà Nẵng tuyển chọn và xuất bản Như tiếng biển đêm, có thể nói, đó là một điểm son, rất đáng hoan nghênh và biểu dương.

2. Nhiều thế hệ nữ làm thơ, đứng bên nhau trong một tuyển tập. Cao niên nhất là nhà thơ Vạn Lộc, sinh năm 1946, vào xuân Mậu Tuất này, chị đã 73 tuổi. Thứ đến thế hệ sinh vào những năm 50 như Thủy Anh, Hoàng Thị Thương, Ngô Liên Hương, rồi đến thập niên 60 là những Nguyễn Nho Thùy Dương, Đinh Thị Như Thúy, Phan Hoàng Phương, Vô Biên, Khánh Hồng, Bùi Mỹ Hồng, những năm 70 là Thi Nhung, Nguyễn Thị Anh Đào, Thương Huyền. Nhạy cảm là thế hệ 8X: Ngô Thị Thục Trang, Trương Bách Mỵ, Nguyễn Hải Lý, Đoàn Minh Châu. Tuy nhiên, lại chưa thấy thế hệ 9X, mặc dầu tuổi đời họ không còn trẻ nữa, cũng sắp bước vào tam thập nhi lập.

Xuất thân từ nhiều ngành nghề: Có người buôn bán, "bỏ áo nữ sinh, mang áo chợ" (Vạn Lộc), có người công tác ở một cơ quan báo chí hoặc hội đoàn văn nghệ, xuất bản (Phan Hoàng Phương, Nguyễn Thị Anh Đào, Đinh Thị Như Thúy, Khánh Hồng, Bách Mỵ, Nguyễn Hải Lý), có người đang làm nghề giáo hoặc đã nghỉ hưu hay chuyển ngành (Hoàng Thị Thương, Ngô Liên Hương, Ngô Thị Thục Trang, Vô Biên, Thụy Du), có người công tác trong một đơn vị quân đội (Thương Huyền), ...

Đến với nhau từ nhiều vùng miền khác nhau: Đó là Hà Nội của Ngô Liên Hương, mái vòm phong rêu xưa cũ / vườn xưa lối mòn đã khác / nao lòng trước chiều gió bấc. Đó là Hà Tĩnh, nơi có dòng sông La, nước trong xanh, chảy qua những vui buồn, những tiếc nhớ của thời thơ ấu trong thơ Nguyễn Thị Anh Đào. Đó là Huế, trầm mặc của người đàn bà làm thơ, ngồi chơi với bụi - Quế Hương. Và vẫn còn một Huế nữa, lặng thầm trong những câu thơ của Đinh Thị Như Thúy, Vô Biên. Đó là hương vị phù sa của sông Thu, sông Vu Gia trong thơ Bách Mỵ, Thục Trang, Thanh Tùng, Đoàn Minh Châu, ...

Đặc biệt, tình yêu ngọt ngào, chân thành, với "Gương mặt người lấp lánh những niềm thơ" trong thơ Ngô Liên Hương, Phượng Hoàng, Vô Biên, Nguyễn Hải Lý, ...viết về thành phố Đà Nẵng thân yêu.

3. Chủ đề tình yêu, trong Như tiếng biển đêm, chủ đề này chiếm một tỷ lệ lớn. Phụ nữ nào mà không yêu, không thầm thì bày tỏ nỗi niềm thương nhớ. Tình yêu như ngọn lửa, thắp lên để giữ cho cuộc sống thêm hương sắc, thêm tin yêu, thêm hy vọng. Không có tình yêu, con người sẽ trở về cuộc sống bản năng, thiếu khát khao về cái cao cả. Dễ thấy trong tuyển tập này, những ước vọng đẹp đẽ, những mong muốn sẻ chia, những dỗi hờn khi yêu,... Những nỗi niềm trong thơ của các nhà thơ nữ được bộc lộ có khi nhẹ nhàng, kín đáo, có khi bạo liệt, mạnh mẽ. Điều này được giãi bày trong thơ của Nguyễn Hải Lý, Thương Huyền, Thụy Du, Nguyễn Thị Anh Đào, Khánh Hồng,...   

4. Yếu tố thiền, thiền tính, hương vị thiền có mặt trong không ít bài thơ nữ. Trong một không gian mới, không gian đô thị, con người bị cuốn vào những phố xá, nhà cửa, tiện nghi... quên đi sự tĩnh tại và yên bình của tâm hồn, quên đi một nơi chốn đi về, giật mình nhớ lại: "miền quê chẳng có gió mưa mà buồn" (Phút giây bên núi - Giản Chi, 1970). Vì thế, đọc những bài thơ của Vô Biên, Khánh Hồng, Bách Mỵ, Bùi Mỹ Hồng, Nguyễn Nho Thùy Dương, Thi Nhung, Phượng Hoàng, Vạn Lộc,... sẽ cảm nhận được thi tính đó. Mỗi câu thơ, ý thơ nhuốm hơi hướm vị thiền đều mang đến người đọc một thú vị riêng.

Cải ơi xin hãy trổ ngồng / Để ta cõng nắng qua sông cùng người (Thi Nhung), À ơi giữa chốn phù sinh / Dễ gì có được chút tình nắm tay (Phượng Hoàng), Em phải xé bỏ bao nhiêu lần / Tờ lịch cuối cùng / Để tìm lại / Một mùa xuân không cũ (Bùi Mỹ Hồng), Nếu như có kiếp luân hồi / Mai sau xin biếc chân trời cỏ may (Nguyễn Nho Thùy Dương), Ngẫm ra hai chữ được thua / Nửa hư, nửa thực, nửa đùa, nửa không (Vạn Lộc).

Vô Biên có bài thơ 4 chữ ấn tượng, tên là Ai trong tôi nghìn con mắt lạ, chỉ 72 từ. Ta về đâu giữa cõi trăng soi giữa dòng / ngàn hoa đẫm nguyệt / Tiếng chim đập cánh / Rớt giữa mênh mông. Đọc bài thơ này, tôi liên tưởng sáng tác của Thi Phật Vương Duy (701-761), một trong những bài thơ tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật đậm chất Thiền của ông, đó là Điểu minh giản (Khe chim kêu). Bài thơ đã được Ngô Tất Tố dịch: Người nhàn hoa quế nhẹ rơi / Đêm xuân lặng ngắt trái đồi vắng tanh/ Trăng lên, chim núi giật mình / Tiếng kêu thủng thẳng đưa quanh khe đồi.

5. Có một miền quê cứ mãi đi về trong thơ, tạo thành một  trường thẩm mỹ riêng, nơi đó có những ngày ấu thơ sống với mẹ, với bà, có tiếng ầu ơ câu hò trăng sáng, có tiếng mái chèo khua nước đêm khuya, có mùa đông theo cha ra đồng, có người con gái “đêm rời làng gói theo tiếng quốc”. Những ảnh hình của quê mẹ ngày xưa... da diết nhớ thương trong thơ Bách Mỵ, Ngô Thị Thục Trang, Nguyễn Nho Thùy Dương, Thanh Tùng,... Những ngả đường, dòng sông, cây cầu, mùa đông heo may, con đò dọc của Điện Bàn, Đại Lộc, Hội An, Đà Nẵng làm nên chất thơ của một vùng đất. Thiếu cái này thì không ra thơ của xứ Quảng. Nhiều nhà thơ nữ yêu thương sâu đậm với quê hương.

6. Đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người, cuộc sống, cách viết. Ẩn sau trang viết của những nhà thơ nữ Đà Nẵng là các quan niệm, cách nhìn về con người và cuộc sống. Với thơ, họ bày tỏ suy tư, khát vọng, sắp đặt hệ hình mới với mong mỏi tránh sáo mòn, chật hẹp, đưa thơ nhập cuộc vào tiến trình hiện đại. Thơ nữ cũng tạo được những ám ảnh, những thao thức, những gửi gắm. Có chỗ ta bắt gặp một cách viết, cách nói, cách mô tả của cái nhìn thị giác đương đại, tuy chưa bạo liệt, mạnh mẽ, phá cách như Vi Thùy Linh, Ly Hoàng Ly, Phan Huyền Thư, Bình Nguyên Trang,... song đã tạo được cái riêng của thế hệ sáng tạo mới như Đoàn Minh Châu, Phan Hoàng Phương, Đinh Thị Như Thúy,  Bùi Mỹ Hồng. Duy có điều, thơ nữ Đà Nẵng, đổi mới, hiện đại gì đi nữa cũng không đưa thơ đi về phía bí hiểm, dung tục, xa lìa nguồn cội. Họ tự tin, dám đi tới, dám là mình, góp phần tạc dựng một thế hệ thơ sau 30 năm đổi mới (1986-2016).

Thơ nữ Đà Nẵng phần lớn nhẹ nhàng, chân chất, dung dị, thấm đẫm thiên tính nữ, gắn bó với đời sống. Những thể nghiệm về hiện đại hóa thơ ca, đổi mới ngôn ngữ thơ ca, có được sự quan tâm và đầu tư của nhiều nhà thơ (Đinh Thị Như Thúy, Phan Hoàng Phương, Ngô Thị Thục Trang, Thi Nhung, Bùi Mỹ Hồng, Bách Mỵ, Đoàn Minh Châu).

7. Những gương mặt:

- Hai mươi năm qua, Vạn Lộc đã in nhiều tập thơ. Thơ chị đi từ những nỗi niềm riêng tư, thầm kín, chắc lọc từ trái tim mẫn cảm với tình yêu, với cuộc đời. Đây là một tiếng thơ chân thành, khát khao sống, mong muốn giãi bày. Mười bài thơ 4 câu in trong tuyển tập này, mỗi bài là một trải nghiệm, một thức nhận về chân lý cuộc sống, nói như nhà thơ Đông Trình, "gói trong lòng nó cả một thế giới" (Hạt bụi, trang 113).

- Quế Hương, sinh năm 1950, tại Huế, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ngồi chơi với bụi là tập thơ, do nhà xuất bản Thuận Hóa in 2009. Quế Hương viết văn, làm thơ, viết kịch bản, bình thơ... lĩnh vực nào cũng đều ghi dấu ấn. Người đàn bà chân trần này đã đi vào thánh - đường - thơ - ca bằng một giọng thơ riêng với một chuỗi hình ảnh mang tính thẩm mỹ riêng.

- Phan Hoàng Phương đến với thơ khá sớm. Thơ Phan Hoàng Phương được giới thiệu trên nhiều tạp chí văn nghệ. Phan Hoàng Phương là nhà thơ nữ có giọng riêng. Ngôn ngữ, hình ảnh chọn lọc, có sức gợi, làm nên "những thông điệp bí mật, đầy sức ám ảnh và gợi cảm", như Nguyễn Hữu Hồng Minh từng giới thiệu trên báo Thể Thao - Văn hóa Cuối tuần, số 27(152), thứ Sáu, ngày 2/7/2010.

Thơ Phan Hoàng Phương tràn ngập nỗi niềm của một cái tôi vừa thương nhớ quê nhà, cảnh cũ, người xưa, bàng bạc một nỗi u hoài, vừa mong mỏi tìm đến cái thiện, cái đẹp của con người, cuộc sống.

- Đoàn Minh Châu có ý thức đổi mới phương thức thể hiện. Những cách diễn tả đột biến, lạ hóa ngôn ngữ. Đoàn Minh Châu, như họa sĩ, đã tạo ra nhiều mảng màu mới, vẽ nên một bức tranh lấp lánh các sắc độ, mở ra một thế giới khác. Cái chính là tác giả nữ này dám là mình, dám thử thách, dám mạnh dạn kiếm tìm một thứ ngôn ngữ mới, đặc biệt dám trải nghiệm những nghĩ suy của chính mình trong hành trình đi đến những giá trị nghệ thuật.

- Nguyễn Nho Thùy Dương đã in hai tập thơ: Những bông ngãi đắngĐường dã quỳ. Như bao người phụ nữ khác, Nguyễn Nho Thùy Dương muốn giữ tình yêu và hạnh phúc, sợ chia cách, cô đơn. Song, "trên con đường mờ khuyết" (Xin được yên) của tình yêu và số phận, có lần, tác giả nói: "trái tim mắc cạn hai bờ nắng mưa", để rồi: Con tàu hút xa... trơ vơ đường vắng / một mình em.../ Nẻo về không có anh sao dài quá (Trên sân ga). Thùy Dương có 7 bài lục bát sâu lắng.                              

- Ngô Thị Thục Trang vừa viết văn, làm thơ vừa dạy học. Mảng nào cũng có thành tựu. Thế giới thơ Ngô Thị Thục Trang là thế giới của thiên đường tuổi nhỏ. Có thể nói, thực thể "làng" trở thành ám ảnh nghệ thuật trong nhiều sáng tác của Thục Trang.

- Khánh Hồng, chống chọi với bệnh tật, vì thế, có nhiều câu thơ, bài thơ se thắt một nỗi buồn, quặn thắt niềm đau. Nhiều câu thơ viết cho chồng, cho con, thể hiện tình yêu tha thiết với gia đình. Điều lạ là, càng viết cho con, thương con, thì cảm giác rời bỏ thế gian càng gần. Đọc thơ chị dễ rơi nước mắt. Khánh Hồng ý thức về sự hữu hạn của đời người, sự ngắn ngủi, ngậm ngùi của số phận, "Nguyễn Trãi, Nguyễn Du từng đi chuyến trước / Những chuyến xe không có khứ hồi" (Chế Lan Viên):

Rồi mẹ cũng đi như đã đến

Y như hạt bụi thôi mà.

                                (Rồi mẹ cũng đi như đã đến)

- Bùi Mỹ Hồng xuất bản tập Thủy tinh mù, năm 2012, viết ít, đăng ít, có lối tư duy ngược và sự xâm lấn của tư duy logic, không đi theo lối mòn. Thơ đậm đặc một nỗi buồn, ngay như tên gọi của từng bài thơ. Dường như đoán định được những gập ghềnh phía trước của số phận, Bùi Mỹ Hồng viết như một trải nghiệm, tinh tế mà bộc trực, gai góc mà dịu êm: Ngày tháng trong tôi / như những nốt nhạc rời / đang tìm nơi an nghỉ (Vỡ hoa). Thơ của Bùi Mỹ Hồng là thơ của một người phụ nữ, viết cho mình, có sự giằng xé nhiều chiều của đời sống nội tâm, một giọng thơ đau đớn, ánh lên vẻ đẹp của những trang thơ buồn.

- Bách Mỵ mới chỉ xuất bản một tập thơ, tập Đêm chảy dài trên tóc, NXB Hội Nhà văn, 2017, song tạo được tiếng nói riêng. Có thể nói, chưa có nhà thơ nữ nào của xứ Quảng được giới thiệu nhiều trên diễn đàn văn nghệ trong và ngoài nước như Bách Mỵ. Đài Tiếng nói Việt Nam, mục Trang viết đầu tay của những cây bút nhỏ, Trang Du Tử Lê (hải ngoại), tạp chí Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt Văn nghệ quân đội. Tạp chí này đã dành nhiều số để đăng bài và giới thiệu thơ Bách Mỵ. Tôi cứ nghĩ, thơ Bách Mỵ như con chim bay ra từ ô cửa quê nhà. Con chim ấy chao liệng qua bao khung trời, vẫn bay về theo tiếng gọi của làng, rồi bay tiếp vào không gian rộng lớn.

- Đinh Thị Như Thúy, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, tác giả nữ đạt nhiều giải thưởng về thơ. Có những cách tân trong thể loại và ngôn ngữ, tạo nên phong cách riêng, có đóng góp nhất định cho đổi mới thơ ca hiện đại.

Thơ Đinh Thị Như Thúy là thơ - văn xuôi (Propose Poem), thơ tự do, ngôn ngữ trong sáng, đằm thắm, dịu dàng, tình ý tinh tế. Thơ Đinh Thị Như Thúy không phải là thứ thơ ngọt ngào, dễ đọc. Nhiều bài thơ còn mang yếu tố thế sự, đậm chất trữ tình công dân.

Cách đây gần 5 năm, trước Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VIII, có người từng nhận xét: “Tài năng lớn chưa thấy nhưng đã xuất hiện những tài năng trẻ thực sự như Nguyễn Ngọc Tư, Lynh Bacardi,  Đinh Thị Như Thúy... Hy vọng họ sẽ vượt qua được cơn hồng thủy của sự dối trá đang diễn ra làm đảo lộn các giá trị cho ra đời những kỳ hoa, dị thảo.”  Mong lắm thay!

Khắc họa diện mạo thơ nữ của một vùng đất không phải là một điều dễ dàng, rất cần có thời gian, có một quá trình tìm hiểu, nghiên cứu công phu và tâm huyết, khách quan và khoa học.

Hơn 40 năm mới có một hợp tuyển như thế này, theo tôi, chỉ nên biểu dương, nói như Nguyễn Du, "thì trao giải nhất chi nhường cho ai".

Có thể nói, với thơ nữ Đà Nẵng, bằng ba từ, xin chọn, đó là tiếng thơ: giản dị, xúc động và sâu lắng.

Xin mượn mấy câu thơ của nhà thơ Nga, Evtushenko, để nói về sự đóng góp của thơ nữ Đà Nẵng: 

Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời

Mỗi số phận chứa một phần lịch sử

Mỗi số phận rất riêng dù rất nhỏ.

8. Trao đổi: Tuy nhiên, rất tiếc là, trong tuyển tập này lại thiếu một số khuôn mặt, đó là:

Một là, cách đây cũng hơn hai thập kỷ, vào đầu những năm 90, xuất hiện hai nhà thơ nữ. Lê Thu Thủy là tác giả tập thơ Thơ cho Isaura, NXB Đà Nẵng, 1991. Thơ Lê Thu Thủy được Hoàng Hưng đánh giá cao. Xin tham khảo: 

"Tập thơ xứng đáng được ghi nhận vì giọng điệu mới lạ trong thể thơ bậc thang đã lâu bị quên lãng nhưng được chị làm mới trở lại một cách dễ thương. Tập thơ có nhiều bài khiến tôi phải ngạc nhiên vì cái nhìn đầy bản lĩnh về thế giới, vũ trụ, loài người, trong cái cảm vẫn hồn nhiên nghịch ngợm của cô học trò ương bướng, thách đố". 

Hai là, Lê Viết Hoàng Mai với “Hẹn chị trên đồi cỏ tía” mà báo Lao Động giới thiệu, là một trong những bài thơ tình độc đáo và xúc động nhất. Đây là thơ của một người con gái thương một người con gái vất vả lỡ thì. Bài thơ rất thực thà, dân dã: “Chị tôi đen/sấp ngửa nắng mưa trên cánh đồng nứt nẻ/ra đường chị te tái chạy / duyên đâu?/ mà để tìm chồng” để rồi hạ một câu kết bàng hoàng thật nhân bản: “Ước chị hóa đàn ông / hẹn chị trên đồi cỏ tía”. Hai nhà thơ nữ đó không có mặt trong Tuyển tập này.

Ba là, không hiểu lý do gì, Võ Kim Ngân không có thơ trong Như tiếng biển đêm. Võ Kim Ngân đã xuất bản các tập thơ: Bông hồng ngủ quên, NXB Đà Nẵng, 1996 và Nhặt mùi hương trầm đâu đây, NXB Hội Nhà văn, 2005. Nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm từng có nhận xét về tiếng thơ Võ Kim Ngân: "Thơ Võ Kim Ngân là những đợt sóng từ xa khơi vỗ vào một tâm hồn khát khao yêu thương và xô dạt những nỗi buồn vui trong lòng tay mảnh mai của người phụ nữ. Những đợt sóng ấy không ầm ào tung bọt trắng xóa mà chìm trong mênh mông đại dương phẳng lặng".

Bốn là, trường hợp Bảo Bình. Bảo Bình là hội viên Hội Nhà văn Thành phố Đà Nẵng, đã xuất bản Giọt sương dễ vỡ, NXB Thanh Niên, in 2006. Có nhiều bài đáng đọc như: Tưởng, Chiều tím, Về lại vườn tuổi thơ, Ca dao buồn, Giọt sương dễ vỡ,...

Năm là, vẫn có những tác phẩm thơ được chăm chút, ra đời thời gian gần đây như Lục bát tình tôiLặng của cô giáo dạy sinh vật Trần Thị Nguyệt Phượng (THPT Trần Phú), rồi Mùa trăng cũ (NXB Đà Nẵng, 2009), Đèn thức với ai (NXB Hội Nhà văn, 2014) của Vương Hoài Uyên (Trần Thị Minh), giáo viên dạy Ngữ văn trường THPT Phan Châu Trinh, chưa thấy có mặt trong tuyển tập này.

Trên đây là vài cảm nghĩ về tuyển thơ Như tiếng biển đêm và về đội ngũ các nhà thơ nữ của Thành phố Đà Nẵng.

Đà Nẵng, 21 tháng 3 năm 2018

H.V.H

Bài viết khác cùng số

Sao mình không về Hòa Xuân sớm hơn… - Nguyễn Hải LýVũ công - Bashir Sakhawarz (Afghanistan)Khe trời - Kiều GiangKiên trung - Trầm Nguyên Ý AnhMiền sương trong - Nguyễn Thị Anh Đào“Huyền thoại những cây cầu” - Phạm Thị Hải DươngKý ức thành phố tiếng còi tàu - Trần Trung SángMột Hội An, một lời ru - Ngân VịnhNgày rộng - Nguyễn Nhã TiênGiữa những giới hạn - Nguyễn Hoàng ThọThơ Lê Ái NiệmSau cái tư lự của gió - Hồng Thủy TiênBên thềm chiều - Nguyễn Hoàng SaNiệm - Kim DungNgày thường - Nguyễn Đông NhậtĐàn bà - Trần Trúc TâmThơ Xuân CừThơ Huệ ThiTản mạn về tiếng Quảng - Bùi Văn TiếngDiễn ngôn tính dục trong sáng tạo văn học về đề tài lịch sử Việt Nam đương đại - Nguyễn văn HùngPhan Tứ - hành trình sáng tạo và khát vọng khẳng khiu cuối đời - Trịnh Thị Vân Dung, Phạm Phú PhongThơ và thơ nữ của chúng ta - Hoàng Hương ViệtPhải chăng tiếng Việt đang “thất thủ” trên sân nhà? - Diệp Dân Hùng“Vạt nắng cuối chiều” của Trương Công Mùi - Hoàng LiênNgược dòng - bao nỗi đắng cay -Trịnh Đình Nghi Như tiếng biển đêm: yêu thương, khát vọng và bứt phá - Nguyễn Thị Thúy HồngChọn lựa tình yêu như một cách giải thoát - Tần Hoài Dạ VũThơ nữ Đà Nẵng, một tập hợp đa thanh - Huỳnh Văn HoaHành trình đến với thơ hay - Bùi Văn TiếngNSNA Thân Nguyên: Nghệ thuật là lưu giữ khoảnh khắc “cựa mình” của nhân vật - Huỳnh Thạch Hà