Tia nắng Thu Bồn…

08.06.2020

Năm 1972 tôi được phân công dạy văn lớp 10 (hệ 10 năm) ở trường cấp III Quốc Oai, Hà Tây. Trong chương trình văn học hiện đại có Bài ca chim Chơ rao của Thu Bồn. Trong lời giới thiệu tác phẩm, sách giáo khoa viết: “Thu Bồn là một nhà thơ miền Nam trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bài ca chim Chơ rao là bản trường ca ca ngợi tinh thần đấu tranh quật khởi của đồng bào Tây Nguyên, ca ngợi mối tình đoàn kết Kinh Thượng”.

Tia nắng Thu Bồn…

Lúc ấy tôi không hề biết Thu Bồn là ai chỉ đoán rằng Thu Bồn là một nhà thơ từ miền Bắc vào lấy bút danh Thu Bồn, tên một dòng sông miền Trung, như Xuân Thiều lấy bút danh Nguyễn Thiều Nam… Và rồi suy nghĩ ấy cứ định vị trong tôi nhiều năm. Nhưng có một điều: đọc và dạy Bài ca chim Chơ rao của Thu Bồn tôi thật sự cảm phục, ngạc nhiên đến sững sờ. Hồi đó tôi chưa hề đến Tây Nguyên, chỉ biết Tây Nguyên qua Trường ca Đam Sam và nhất là qua tác phẩm Đất nước đứng lên... Thế mà đọc Bài ca chim Chơ rao, tôi đã cảm nhận được chất bi tráng, dữ dội, chất Tây Nguyên thấm đẫm trong từng lời thơ. Đến nay đã hơn 40 năm trôi qua, tôi vẫn nhớ đoạn trích nói về cái chết của hai chiến sĩ cách mạng: Hùng người Kinh và Rin người Thượng.

Đây là đoạn mở đầu:

Máy rú xe từ từ lăn bánh

Hai chiến sĩ điềm nhiên đến pháp trường

Hùng và Rin nhìn trời mây cây cỏ

Lần cuối cùng vĩnh biệt quê hương

Hai chiến sĩ bị kẻ thù trói chặt vào cây để hành hình

Trên nương sáng nay lúa vừa ngậm sữa

Chúng đem Hùng, Rin trói chặt vào cây

Thu Bồn ca ngợi tinh thần dũng cảm bất khuất của hai anh

Ôi chim đại bàng trong bão tố

Đầu sắp rơi mà cánh vẫn tung bay

 

Trước cái chết Rin nhớ về người mẹ đã cơ cực suốt đời để nuôi anh:

Mẹ ơi! Con vẫn ở giữa lòng đất nước

Trời nắng thiêu nghe rìu mẹ chém cây

Chiếc rìu cùn như đời mẹ cực

Đã cho con bao bát cơm đầy

 

Anh xót xa nhớ tới người yêu, cô Sao, đang bị giặc giam cầm:

Sao ơi! Em là con bướm trắng

Mắc giữa cành gai sắc dập vùi

Bao giờ em thoát đời tù ngục

Về với lũ làng múa hát vui

 

Rin nuối tiếc vì đã không còn được trở về quê Hùng uống nước dừa và gặp người con gái đẹp, người yêu của Hùng, Rin nghĩ về mối tình đoàn kết Kinh Thượng:

Thôi, những người con dân tộc

Sẽ thay Rin đi uống nước dừa

Nước ngọt như mối tình Kinh Thượng

Gạt hết hiềm thù cay đắng năm xưa

 

Kẻ thù man rợ tra tấn Hùng và Rin và chúng thiêu sống các anh. Giọng thơ Thu Bồn vừa đau đớn vừa hào sảng:

Sợi dây trói cháy thành tro bụi

Nhưng tim anh hùng còn đập giữa khói đen

Hai ngọn đuốc rùng rùng tiến lại

Cái chết đâu làm ta phải yếu hèn

 

Lửa rực hai khuôn mặt bầu rạng rỡ

Hai vòng tay lửa siết vào nhau

Người anh em ơi ! Đây là lời của Đảng

Gắn bó đến cùng cả lúc thương đau

 

Hai chiến sĩ hy sinh rồi, Thu Bồn đã miêu tả một cách thật gợi cảm sống động nỗi đau thương uất hận. Đây là của con người:

Ơi ới tiếng người tiếng cồng gào thét

 

Và của cảnh vật:

Dừa réo lên vuốt cong ngàn tia kiếm

 

Loài vật cũng tỏ thái độ;

Con hổ gầm rung vách núi

Bầy voi đi phun nước trắng dòng sông

 

Tình thương yêu của dân làng với hai chiến sĩ người Kinh và người Thượng khiến linh hồn các anh luôn được sưởi ấm:

Lệ dân làng thấm sâu vào đất

Ủ nóng hai anh giữa núi đồi

Hãy nhận lấy những hoa rừng đẹp nhất

Cả quê hương vùng dậy kia rồi

 

Toàn bộ đoạn trích trong sách giáo khoa hay từng câu từng chữ, từng hình ảnh. Nhưng tôi thấy Thu Bồn đặc biệt xuất thần trong đoạn kết:

Chim Chơ rao ơi! Bay về buôn vắng

Báo tin buồn đi khắp mọi nơi

Mặt trời đã rụng hai tia nắng

Rừng Tây Nguyên lửa đỏ sáng ngời

 

Người ta thường ví kẻ thù là bóng tối, bóng đêm và cách mạng là ánh sáng, ánh nắng. Ví hai chiến sĩ cách mạng người Kinh và Thượng như hai tia nắng nhà thơ muốn nói: họ là những người góp phần làm nên ánh sáng, nắng ấm trong cuộc đời này. Họ đã hy sinh, như hai tia nắng rụng nhưng ánh sáng, nắng ấm của cách mạng thì còn mãi. Sự hy sinh của hai anh càng làm ánh lửa của tinh thần bất khuất của người dân Tây Nguyên thêm rạng rỡ.

 Bài ca chim Chơ rao để lại trong tôi ấn tượng về tài thơ độc đáo của Thu Bồn. Tuy câu chữ, hình ảnh không mới lạ nhưng đọc lên thấy cả một không khí Tây Nguyên đầy bi tráng, giọng thơ cuồn cuộn như nước sông Ba… Sau đó tôi còn được nghe nhiều chuyện về ông. Chuyện ông cõng con vượt Trường Sơn ra Bắc, chuyện càng uống rượu nói càng hay và những mối tình thường xuyên thay đổi của ông. Đến khi Thu Bồn vào Sài Gòn rồi về Bình Dương đóng đô ở suối Lồ Ồ thì tôi mới có dịp gặp. Lúc ấy tên tuổi nhà thơ, đại tá Thu Bồn lan rộng cả dải đất miền Đông. Ông đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, giao tiếp bằng rượu, thơ và… cải lương cùng vợ ông, nghệ sĩ cải lương Lý Bạch Huệ biểu diễn. Ở Đồng Nai, vợ chồng ông thường tham gia sinh hoạt ở Hội Văn nghệ. Các buổi họp mặt anh em văn nghệ Đồng Nai, lễ mừng thọ nhà văn Hoàng Văn Bổn 70 tuổi, các trại sáng tác do Hội văn nghệ tổ chức tại Đà Lạt đều có mặt. Ông có mối quan hệ thân thiết với nhiều anh em văn nghệ Đồng Nai, trong đó nhà văn Hoàng Văn Bổn là bạn viết cùng trang lứa. Ngoài ra còn có các cây bút đàn em khác như Nguyễn Đức Thọ, Phạm Thanh Quang, Xuân Bảo, Hiền An Giang, Đặng Minh Hân, Hải Ba… đều coi ông như người thầy, người anh. Ông đã từng giới thiệu chất lính trong thơ Phạm Thanh Quang, phóng xe đến nhà Hải Ba để lấy bài thơ in trong một tuyển tập, uống rượu và nói chuyện văn cùng nhà văn Nguyễn Đức Thọ. Các cây bút Đồng Nai vẫn nhớ những lời nhận xét thẳng thắn, thấu lý đạt tình của ông về thơ trong trại sáng tác ở Đà Lạt năm nào. Trên dọc đường đi và khi tới Đà Lạt ông gặp từng người trao đổi về sáng tác của họ nhằm giúp anh em văn nghệ nâng cao chất lượng thơ lên. Vợ chồng ông còn rất thân thiết với Trường trung học sư phạm Đồng Nai, Sở giáo dục đào tạo Đồng Nai, đã từng đi biểu diễn giao lưu ở một số trường trong tỉnh. Không chỉ giới văn nghệ sĩ, các nhà giáo mà cả những người làm kinh tế cũng biết đến Thu Bồn. Ông là một nhà thơ đầy cá tính. Vóc dáng cao lớn, tóc bạc phơ phủ kín gáy, giọng Quảng Nam đặc sệt. Ở ông, người ta vừa thấy sự tinh tế, thông minh, tài hoa của một người có tầm văn hóa sâu rộng lại vừa đậm chất Tây Nguyên: bộc trực, chân thật, hoang dã… Sự tinh tế, tài hoa thể hiện rõ nét trong bài thơ Tạm biệt, một tuyệt bút của ông. Bao nhiêu người làm thơ về Huế, về sông Hương thấy ở sông Hương dòng sông thơ mộng, trữ tình. Nhưng ít người như Thu Bồn, phát hiện ở dòng sông này cái khía cạnh văn hóa, lịch sử:

Con sông dùng dằng con sông chẳng dứt

Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu

Con sông chảy vào lòng tạo nên nét thâm trầm, sâu lắng, dịu dàng của xứ Huế, con người Huế.

Chất Tây Nguyên thì đã thành gốc rễ của đời ông. Đến nhà Thu Bồn chúng ta sẽ thấy cả Tây Nguyên giữa đồi núi Bình Dương. Một căn nhà rông với đủ gùi, rựa, cồng chiêng, rượu cần. Nghe đâu bằng sức lao động của mình ông đã dựng nên căn nhà này, Thu Bồn rinh cả Tây Nguyên về nhà ông. Còn chất bộc trực, chân thật thì nhiều người phải ngạc nhiên, buồn cười. Ông đã không ưa ai thì nói vỗ vào mặt, không ngại ngùng nể nang, nhưng ông lại là người rất tình nghĩa, quý trọng nghĩa tình đồng đội, quý trọng bạn văn.

*

Cuộc đời và tác phẩm của Thu Bồn là một minh chứng cho sự gắn bó máu thịt của nhà thơ với nhân dân, với Tổ quốc và cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nhờ sự gắn bó đó Thu Bồn đã có hàng chục tập trường ca, thơ, tiểu thuyết, tiểu luận có giá trị. Sinh ra ở quê hương Quảng Nam, nhập ngũ từ năm 16 tuổi, tập kết ra Bắc trở về chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên vào năm 1960, anh bộ đội Hà Văn Trọng đã viết nên bản  trường ca Bài ca chim Chơ rao. Cái bút danh Thu Bồn có từ đó. Cánh chim Chơ rao đã đưa Thu Bồn ra nước ngoài nhận giải thưởng Văn học Á-Phi, đưa thẳng Thu Bồn vào Hội nhà văn Việt Nam, chẳng phải qua thủ tục hai người giới thiệu. Thu Bồn trở lại Tây Nguyên tiếp tục sáng tác và sau đó trở ra Hà Nội làm giáo vụ ở trường viết văn Nguyễn Du (cùng nhà văn Phan Tứ). Với năng khiếu bẩm sinh cộng với sự trải nghiệm cuộc sống, trải nghiệm văn hóa Thu Bồn luôn có một bút lực dồi dào. Tiếp theo Bài ca chim Chơ rao, ông đã viết nhiều trường ca và tập thơ, tiểu thuyết và tập sách cuối cùng của ông là tập tiểu luận Đánh đu cùng dâu bể. Con người sức vóc ấy, hăm hở đi, hăm hở viết, hăm hở làm kinh tế vườn đã phải dừng lại ở cột mốc 69 tuổi vào ngày 17/6/2003. Sau chuyến đi thực tế Tây Nguyên bị đột quỵ, ông yếu dần. Ngày Hội thơ Việt Nam đầu tiên ở Đồng Nai tổ chức ở Trung tâm văn hóa tỉnh, ngồi cạnh giáo sư Trần Thanh Đạm, ông còn gật gù khen nghệ sĩ Hồng Vân ngâm bài thơ Tạm biệt hay. Khi bước lên bục để chụp ảnh chân ông cất bước nặng nề, nhọc nhằn. Một thời gian sau trong buổi liên hoan tổng kết ở Hội văn nghệ Đồng Nai ở khách sạn 57 tôi để ý thấy ông buồn lặng lẽ không nói.

Bây giờ ông đã về trời. Cuối năm 2002 chúng ta mất nhà thơ lớn Tố Hữu, đầu năm 2003 nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi ra đi. Giữa năm 2003 nhà thơ Thu Bồn rời khỏi cõi đời. Một thế hệ nghệ sĩ cách mạng đã từng góp phần làm hưng phấn cả dân tộc trong chiến tranh và cách mạng lần lượt ra đi. Nhớ đến ông tôi nhẩm đọc câu thơ tuyệt vời của ông viết về cái chết:

Mặt trời đã rụng hai tia nắng

Mỗi nghệ sĩ chúng ta bằng tác tác phẩm của mình đã chiếu rọi vào tâm hồn, trí tuệ người đọc. Cái tia nắng lộng lẫy có tên Thu Bồn ấy đã rụng xuống nhưng ánh sáng từ những vần thơ của ông thì còn mãi.

Bùi Quang Tú
(Văn nghệ số 30)