Tình yêu không tên

28.09.2021
Nguyễn Xuân Nhĩ

Tình yêu không tên

(Tiếp số 281 tháng 7 năm 2021)

 

Thời gian trôi đi nhanh quá, mới đó mà đã gần đến Tết âm lịch năm 1973, thằng Tin thưa với Chi bộ trong một cuộc họp, xin được tìm hiểu con bé để có cơ hội qua lại chăm sóc, yêu thương. Mọi người trong Chi bộ tỏ ý khen ngợi thằng Tin thực hiện đúng nguyên tắc của Đảng, muốn tìm hiểu ai phải báo cáo xin phép Chi bộ trước. Mười mấy người đều đồng ý, Bí thư Chi bộ hỏi ý kiến con bé thế nào. Con bé ấp úng một lúc, chẳng biết nói sao cho đúng tâm trạng hiện tại của mình, đành nói: “Thôi thì cứ để cho anh Tin tự mình tìm hiểu, em chẳng biết gì đâu, nên em không có ý kiến gì”. Chi bộ và mọi người trong cơ quan cứ nghĩ, con gái nói đến đó nghĩa là đã ưng rồi.

Giữ lời hứa, hôm nay có người về xuôi, chú Tuấn cho con bé đi cùng, nói về xuôi, nhưng thực ra chỉ xuống đến đèo Đá Trắng là ở lại đó thôi, nhưng nó vẫn đi. Về đến nơi đúng 4 giờ chiều, gặp ngay con Hoa là chị em bà con với nó, hai chị em vui mừng vì lâu rồi không gặp. Tối hôm đó hai chị em gọi con Ba cùng quê đến liên hoan một ống mì ông Phật luộc, với lon cá hộp nấu lên cho thêm ít nước nữa để chan, vừa ngon miệng vừa vui. Con bé đem theo võng, nhưng không treo, mà ngủ chung cái sạp tre với con Hoa và con Ba, con Ba tuy khác thôn nhưng cùng học với nhau từ nhỏ, ba chị em trò chuyện đến gần sáng mới chịu ngủ. Con bé ở lại đó ba ngày, mọi chuyện trên trời dưới đất đều nói cho nhau nghe hết, duy chỉ một chuyện thằng Tin xin phép Chi bộ tìm hiểu nó về chuyện yêu đương thì con bé không hề  nhắc tới. Con bé kể lại chuyện mỗi chiều nó ra suối ngồi khóc vì anh Nguyễn hy sinh cho con Hoa và con Ba cùng nghe, nhớ thương, buồn tủi hơn hai năm rồi mà chưa vơi nỗi nhớ.

- Ai nói với bà anh Nguyễn hy sinh, cái bà này trù ẻo người ta đến hơn hai năm rồi kia đó! Cả con Hoa và con Ba cùng đồng thanh nói như hát song ca.

- Ủa chứ sao?

- Sao chi, ai nói với bà?

- Thì đây, con bé lại lôi quyển nhật ký ra, chỉ tay vào những dòng ghi bằng bút mực đỏ, cả giờ, ngày, tháng, năm anh Nguyễn hy sinh cho hai đứa coi.

- Hai đứa lại đồng thanh: Bà này khùng rồi, bả ở hoài trên núi, nơi “khỉ ho cò gáy” ấy nên làm sao mà biết.

- Chứ sao nghe nói anh Nguyễn với mấy người núp hầm công sự bị tên chiêu hồi dẫn xe tăng về bao vây, rồi cho xe chà qua, ghì lại trên nóc hầm công sự, và cho nổ mìn làm chết hết không còn một ai.

- Đúng rồi, có một tên phản bội, đi chiêu hồi dẫn xe tăng về cày ủi hầm công sự anh Nguyễn và mấy người đang núp dưới đó, có người hy sinh, nhưng anh Nguyễn bị mìn nổ hất tung qua một bên, bị thương rất nặng và ngạt thở suýt chết, nhưng cứu được.

- Hai bà đừng có xạo với tui, vậy giờ ảnh ở đâu?

- Cứu sống được, nhưng ảnh bị bắt đi tù ngoài đảo Phú Quốc, mai mốt trao trả tù binh theo Hiệp định Paris ảnh sẽ về, hai đứa lại đồng thanh:

- Bà lo chuẩn bị mà đi đón ảnh, còn không để cho hai đứa tui oẳn tù tì đứa nào thắng đứa nấy rinh ảnh về nuôi.

Con bé ngơ ngác, không tin vào tai mình nói: “Hai bà nói chi đâu, mình chưa hiểu nổi”.

- Con Hoa điên người, nói thêm:

- Bà tưởng chỉ có mình bà yêu ổng đấy hả. Từ chị - em, nãy giờ xưng hô bà với tui hết: “Con Tuyết còn xinh đẹp gấp mấy bà kia kìa, cũng yêu ổng chết mê, chết mệt, hắn là con nhà giàu có thuộc hàng tầm cỡ của cái xã bên kia sông, nghe đâu ở xóm Phú Cát, bỏ làng, bỏ quê lên vùng địch, khi nghe tin anh Hai bị bắt, hắn đi tìm người quen làm việc trong Ty cảnh sát nhờ bảo lãnh cho anh Hai về, nhưng ba ảnh không cho, anh Hai cũng không chịu. Thà đi ở tù, không thèm nhận bảo lãnh của bọn đó, con Tuyết cụt hứng, chán đời, cuối cùng lấy một thằng thương phế binh ngụy làm chồng dẫn vào Sài Gòn sinh sống”.

- Giờ thì con bé nghẹn ngào ôm con Hoa và con Ba khóc, không nói được một tiếng nào, thầm cảm ơn chú Tuấn đã cho nó có được chuyến đi về gặp hai đứa lần này, cảm ơn con Hoa, con Ba đã biết rõ ngọn ngành về anh Nguyễn, còn con Tuyết nào đấy, mặc kệ nó không đáng để quan tâm. Thật may mắn, ông trời vẫn còn thương.

Hôm sau, con bé lấy trong ba lô ra hai gói đường trắng gửi biếu cho Hoa và Ba rồi chia tay lên đường về lại cơ quan.

Hơn 4 giờ chiều hôm đó con bé về đến cơ quan, nhiều người đến hỏi thăm đủ chuyện, nhưng hình như trong sâu thẳm vẫn có cái gì hơi ngờ ngợ. Con bé vui vẻ trả lời, và tỏ ra thích thú khi có được chuyến đi quá đẹp, sau đó đi xuống suối tắm, giặt giũ rồi ăn cơm tối. Nó để ý thấy một chi tiết khác thường, là tại sao không thấy thằng Tin xuất hiện, nó nghĩ chắc đi công việc gì đó, nhưng không hỏi. Từ lâu thằng Tin đã không là gì với nó, giờ thì càng không cần phải để tâm đến hắn làm gì cho thêm mệt.

Tối đến con Nghĩa đem võng đến mắc chung phòng cùng ngủ để nói chuyện với con bé, hy vọng con bé nghe xa xa, gần gần trước những chuyện về thằng Tin để đến khi biết tin chính thức con bé khỏi bị sốc, nhưng con Nghĩa nói gì mặc kệ, nó không để ý: Thôi, thằng Tin đi công tác, hay chuyển đi đâu thì cũng chẳng có gì quan trọng.

Giờ thì con bé mới truy ngược lại con Nghĩa: Cách đây hơn hai năm ai nói với bà về anh Nguyễn hy sinh?

- Thì tau nghe ai đó nói quên mất, chứ lâu quắc rồi mà mi nhớ chi cho mệt.

- Sao lại mệt, chuyện hệ trọng đến tính mạng một con người, mà bà giỡn, làm tui muốn chết và xấu xí đi mất hơn hai năm đó biết hông?

- Thì nghe sao tau nói vậy chứ có giỡn đâu, bộ hồi đó yêu quá hay sao mà quan tâm để ý đến ảnh dễ sợ vậy mi?

- Mẹ tui thương anh ấy lắm, hồi mẹ còn sống lúc nào mẹ cũng nhắc, ở nhà có gì vui là biểu tui đi tìm ảnh về cho bằng được, mỗi lần vậy là tui mừng ghê lắm bà biết hông. Không biết sao hồi đó tui thương anh Nguyễn dễ sợ, ngày nào cũng muốn nhìn thấy ảnh một lần, tối nào cũng trông anh đến nhà chơi mong cho anh ngủ lại, rồi cả nhà cùng nằm ngang trên cái giường đôi kê sát miệng hầm phi pháo, thế mà vui.

- Vậy là mi yêu anh Nguyễn rồi, quá sớm.

- Yêu thì có sao?

- Thì con nít bồng bột vậy chứ yêu đương chi, bồng bột là dễ đổi thay lắm.

- Trời, không có ảnh trong tui, là tui chết luôn chứ bồng bột, đổi thay.

- Chứ sao hai năm nay mi vẫn sống mà không phải chết?

- Đâu phải tắt thở mới là chết. Trái tim đau khổ, tâm hồn trống trải mới là cái chết đáng sợ nhất đó nghe bà.

- Chà... Kinh thiệt, mi đi mấy ngày mà lý lẽ về tình yêu, nghe như tiểu thuyết, đọc ở đâu nhanh vậy. Tau chịu mi rồi. Nhưng cuối cùng thì sao?

- Sao trăng chi, ảnh vẫn sống, mai mốt về gặp, may chứ không tui bắt đền bà chết với tui.

- Thiệt hả. Hai người gặp nhau hay nghe ai nói?

- Chưa gặp nhưng một trăm phần trăm còn sống, không hiểu sao năm đó khi nghe bà nói ảnh hy sinh tui buồn muốn chết, nhưng trong tâm hồn thì luôn luôn nghĩ lúc nào anh cũng ở bên cạnh tui, hình như linh tính mách bảo cho tui nuôi hy vọng một ngày nào đó sẽ gặp lại anh. Đúng là bài ca hy vọng. Sắp đến tui với bà đi gặp ảnh, trời ơi có chi vui hơn khi một người được giữ trọn trong trái tim này chết đi sống lại, chắc chắn sẽ làm nổ tung cả khu rừng này mới đã.

- Thực tình tau phải gọi mi bằng chị về cái chuyện bồ bịch yêu đương, hễ nhắc đến anh Nguyễn là mi cứ tưng tưng như người lên đồng, tau xin chúc mừng cho mi và cho anh Nguyễn.

- Nè, yêu thương thôi chứ không có chuyện bồ bịch giữa hai đứa tui đâu nhé. Cứ đi gặp rồi biết.

- Rồi, tau đi với mi, hồi còn ở dưới quê đến giờ tau chưa gặp lại ảnh lần nào, vậy mà cứ nghĩ ảnh hy sinh, may quá tau cầu mong cho mi luôn hạnh phúc bên anh. Mi đi về chiều nay có nghe chi chưa?

- Chưa nghe chi, chỉ có cảm giác cơ quan mình có chi đó hơi là lạ, mà tui không hỏi.

- Ông Tin bị công an bắt đi rồi, mi đi một bữa đến trưa hôm sau là công an đến còng tay bắt đi.

- Cái gì kinh vậy mi? Vì sao?

- Thằng Tin lấy cắp gần hết kho dược đem đi bán, lấy tiền tiêu xài và mua cả lon ghi-gô vàng về cất, bên An ninh họ biết lâu rồi.

- Hèn chi hắn tiêu tiền dễ sợ, đáng đời cho hắn, thế bà sáng mắt ra chưa, cứ biểu tui ưng.

- Biết đâu mi, chú Tuấn còn tin tưởng hắn nữa là tau. Đúng là nó có tiền nên bịp được quá nhiều người trong cơ quan, sợ thiệt.

- Tui thì không. Nói thiệt tui không biết hắn ăn cắp kho dược đi bán, nhưng tui chưa một lần thấy hắn có tí tẹo cảm tình và không tin hắn là người tử tế.

                                                              

Đúng là sau mấy tháng ký kết Hiệp định Paris, thì không khí sẵn sàng đón “Đoàn quân chiến thắng trở về” rất sôi nổi, mọi sự chuẩn bị hết sức khẩn trương. Trước hết là thành lập trại an dưỡng, có bác sĩ, y tá, dược sĩ được điều chuyển về phục vụ, lương thực thuốc men đầy đủ. Đoàn văn công tập luyện chương trình văn nghệ biểu diễn chào đón, mọi việc diễn ra náo nức, làm con bé nôn nao đến mất ngủ; nó lấy chiếc võng ni lông cũ ra nằm, đem cái võng dù đôi đến thợ may nhờ cắt may một cái ba lô bằng vải dù, có ba túi, một túi lớn phía sau, hai túi hai bên thiệt đẹp, để khi đón anh Nguyễn về là tặng ngay, kèm theo cái quần tây vải sa vi ốt màu tím than, cái áo sơ mi ngắn tay màu trứng sáo.

Cũng tại thời điểm này thì chú Tuấn đi miền Bắc, không biết do liên quan đến chuyện thằng Tin bị bắt hay cấp trên điều chuyển chú đi như có lần chú nói: “Đến ngày hòa bình là bố về Bắc ngay chứ không ở đây lâu nữa”. Một người khác trẻ tuổi hơn về thay chú Tuấn. Con bé xin đi theo chú Tuấn để vừa tiễn đưa chú với tình cảm như một người bố, đồng thời cũng để được đi theo đến K5, nơi đầu tiên đón “Đoàn quân chiến thắng trở về” may ra gặp được anh Nguyễn sớm hơn. Nói K5, nhưng thực tình con bé chẳng biết K5 là gì, ở đâu, đến nơi thì cũng thấy lán trại trong rừng sâu, dựng quanh ven bờ suối có người phục vụ cơm nước đầy đủ, y tá, bác sĩ cũng không khác gì trại an dưỡng gần cơ quan nó.

Tội nghiệp con bé, đến K5 chờ đợi mấy ngày đêm, gặp gỡ rất nhiều người, nhưng vẫn không tìm thấy anh Nguyễn đâu, hỏi ra mới biết bọn Mỹ trao trả những người tù binh ngược nhau về quê quán, ai ở miền Nam tụi nó trao trả ra vùng giải phóng phía Bắc, ai ở miền Trung, miền Bắc nó lại trao trả về vùng giải phóng phía Nam; nhằm gây khó khăn cho bên mình di chuyển quân, đồng thời cũng trở ngại cho anh em khi trở về quê hương, hay về lại đơn vị cũ. Nghe đâu Nguyễn được trao trả về trong Tây Ninh, hay Lộc Ninh gì đó xa lắc mà chẳng biết khi nào mới về đến quê hương.

Quay về lại cơ quan chưa đến mười ngày, thì nhận được quyết định chuyển công tác, con bé được chuyển về bệnh viện làm điều dưỡng viên, con Nghĩa cũng chuyển đi làm y tá tại một cơ quan khác. Hôm liên hoan chia tay thì mới biết cơ quan cần tinh gọn để chuyển xuống đồng bằng phục vụ cho chiến dịch theo chủ trương của cấp trên. Và cũng nghe thêm thông tin là thằng Tin bị tòa án kết tội tham ô, tuyên án 5 năm tù giam, và tịch thu toàn bộ tiền bạc với cả lon ghi-gô vàng hắn cất trong kho thuốc. Những thông tin vừa nghe đều do chú thủ trưởng cơ quan thông báo công khai cho tất cả mọi người đều biết.

Khoác ba lô lên vai đi về bệnh viện, con bé nói với con Nghĩa: “Nè mi cũng đi, nhưng về ở một cơ quan dễ có thông tin, nếu biết tin anh Nguyễn về là báo gấp cho mình nghe”. Con Nghĩa trả lời: “Biết rồi, mi không cần phải dặn hễ biết, hay gặp ảnh ở đâu là tau nắm tay dắt ảnh chạy về chỗ mi ngay lập tức, con si tình ni ạ”.

Đầu tháng 4 năm 1974, Nguyễn đã về tới khu an dưỡng, cách cơ quan cũ con bé ở suối Đá Nhảy chừng một tiếng đồng hồ đi bộ. Con Nghĩa nghe tin, nhưng con bé lại được bệnh viện cử tham gia cùng Đội phẫu đi phục vụ ở sát vùng ven. Cuộc đời có những lúc nghịch cảnh, éo le vậy đó, giống như một cuộc kiếm tìm và trốn chạy, nhất là với con bé luôn nặng lòng với một người con trai tha thiết yêu thương, nhưng chưa một lần lên tiếng.

Sau khi an dưỡng xong, Nguyễn được người của cơ quan con Nghĩa đến xin về làm việc tại một phòng chuyên môn bên cạnh, nhưng qua ngày hôm sau con Nghĩa mới nhận ra, vì nó quá ngỡ ngàng và không tin rằng chuyện này lại xảy ra ở đây, anh Nguyễn lại về công tác ngay nơi nó cũng vừa mới đến nhận nhiệm vụ cách đây ít  tháng, là anh em quê hương, người mà con bé “si tình” ngày đêm mong đợi. Lạ thiệt, bây giờ làm sao tin cho con bé, đứa bạn thân của nó biết đây. Nó đã đi cùng Đội phẫu ra vùng ven xa tít.

Vậy là suốt mấy buổi tối liên tục, Nguyễn mới về chưa có nhiều việc nên con Nghĩa bám riết mà kể hết chuyện này, đến chuyện khác chung quanh cũng là chuyện tình yêu không lên tiếng, mà con bé giữ trọn trong trái tim mình suốt mấy năm qua. Nghe đến đâu, Nguyễn chạnh lòng đến đấy, lúc vui lúc buồn, khi rạo rực, nhiều khi đầu óc trống rỗng qua mấy tâm tư được nghe, được biết, không còn gì để suy nghĩ thêm. Hy vọng ngày mai, đêm mai, ngày kia hai đứa sẽ gặp lại nhau, ôm chặt vòng tay nghẹn ngào trong nước mắt chan chứa yêu thương, đong đầy hạnh phúc... Đến giờ Nguyễn mới tâm sự vài câu nho nhỏ:

- Thực lòng mà nói, mình với con bé có cảm tình từ khi còn đi sinh hoạt Thiếu sinh quân với nhau, con bé thường hẹn hai đứa cùng đi, cùng về và lúc nào cũng muốn ngồi cạnh bên nhau, mình rất thích nhưng mà lại chẳng biết nói ra những suy nghĩ trong lòng. Tuy nhiên con bé vẫn hiểu và nhiều khi còn mạnh dạn nắm lấy bàn tay mình cùng lặng lẽ sánh vai đếm những bước chân trên đường làng mỗi lần đi sinh hoạt, chẳng đứa nào nói lấy một câu nhưng trong lòng rộn ràng dâng lên bao cảm xúc lạ thường.

- Nghĩa nói: Đúng là hai người ni biết yêu sớm quá, hằng chi bà nhỏ mang nặng mối tình đầu.

- Giờ lớn lên có thể nói đó là thương yêu, chứ ngày đó hai đứa mình tự hiểu và cảm nhận rằng trong tâm hồn mỗi đứa đã có phần của nhau chứ nào đâu dám nói “anh yêu em, hay em yêu anh”, Nguyễn phân trần.

- Em tin, anh và con bé sớm gặp lại nhau.

- Anh cũng mong như vậy, thôi em đi ngủ đi, muộn rồi.

- Dạ anh cũng ngủ đi, em còn nhiều chuyện để kể cho anh nghe trong những ngày sắp tới.

Nghĩa âm thầm thực hiện lời hứa: “Tau nắm tay ảnh dắt chạy về chỗ mi ngay lập tức”, bằng cách xin phép cơ quan để hai anh em đồng hương cùng đi về xuôi một lần, vì từ ngày anh Nguyễn được trao trả đến nay chưa được về phép thăm quê. Cơ quan nghe có lý nên đồng ý cho phép hai đứa đi ngay. Vậy là qua ngày hôm sau hai anh em lên đường về xuôi thăm quê, Nghĩa quen biết đường sá nên cố tình đi thật sớm, về dưới đó còn có thời gian tìm hiểu Đội phẫu đang ở đâu, để biết mà đi đến, đem theo một “trời” bất ngờ cho con bé “si tình”.

- Đến nơi, lại gặp con Hoa và con Ba, chưa kịp chào hỏi chi nhau hai đứa đã nhận ra ngay anh Nguyễn, và rồi dang tay ôm chầm vào người anh Nguyễn, mỗi đứa một câu nghẹn ngạo trong nước mắt:

- Chậm mất rồi anh Nguyễn ơi!

- Chậm mất rồi anh Hai ơi! Nguyễn bàng hoàng không biết điều gì, nhưng linh cảm có chuyện không lành.

- Nghĩa hỏi liên hồi: Cái chi vậy, chậm cái chi hai đứa? Nói nghe đi?

- Con Hoa nói: Chị Hai em hy sinh mất rồi! Anh ơi! Đúng là chị Hai trông chờ anh đến chết vẫn không gặp được anh!

- Nghĩa hỏi: Vì sao mà hy sinh ác nghiệt vậy Hoa?

- Hôm Đội phẫu đi xuống cánh Đông bị địch phục kích chị hy sinh rồi! Tội chỉ quá anh Hai ơi, không lúc nào trong người chị thiếu vắng bóng hình anh! - Con Hoa vừa khóc vừa nói.

- Con Ba chen vào, bộ đội bám đường đi trước không việc chi hết, đến khi mấy anh chị Đội phẫu mình đi qua thì bọn địch nổ súng tấn công, bộ đội quay lại bắn trả, bọn chúng rút quân bỏ chạy gọi pháo bầy các nơi dội tới cấp tập, anh em mình chỉ kịp lấy xác mấy anh chị thôi.

Nãy giờ Nguyễn đứng như trời trồng, nước mắt chảy dài, không nói một câu, đầu óc trống không, thấy như không thấy, nghe nhưng không nhớ được ai nói gì!

- Nghĩa hỏi: Vậy mộ con bé hai đứa biết đâu không?

- Nghe mấy anh cùng đi kể lại là mai táng ven đường trong đêm rồi đi tiếp chứ không đưa được về phía sau chị Nghĩa ơi!

- Làm sao đi viếng mộ con bé ta?

- Không được chị, phải có bộ đội hay du kích bám đường mới được.

- Khó quá, tội con bé dễ sợ.

- Mộ chị nằm vùng ven giáp với vùng tranh chấp, nên không thể đi lại dễ dàng được.

- Con Hoa nói: Em có lập bàn thờ cho chị, anh Hai, chị Nghĩa lại thắp hương!

Trên bàn thờ, mấy nén hương đang còn cháy dở, một đĩa trái dâu rừng, một đĩa đường trắng, một đĩa sắn luộc, một chén cơm, một đôi đũa, một nắm hoa rừng. Đặc biệt có được tấm ảnh đen trắng bằng ba ngón tay dán vào giữa cái đĩa sắt tráng men dựng cao lên phía trong, con bé đứng cười, cầm chiếc nón lá che nghiêng.

Nguyễn lặng lẽ bước tới thắp hương vái tạ, giờ anh mới lâm râm cầu khấn: Em yêu! Anh đã về đứng trước mặt em đây, sao ông trời khắt khe với hai đứa mình quá vậy em! Anh vẫn nhìn thấy em cười với anh đó, em có nhìn thấy anh không? Những tháng ngày trong tù ngục nhiều lần bị địch tra tấn rướm máu, nát người, nhưng lúc nào anh cũng nghĩ về em, nghĩ về gia đình, quê hương, đồng đội, để có thêm ý chí, nghị lực đấu tranh với kẻ thù; nhiều đêm nằm mơ nhìn thấy em và mẹ đang nhổ sắn trong vườn, thấy hai đứa nắm tay nhau đi dạo trên đường làng và trên bờ thổ quanh nhà. Cuộc đời hai đứa mình tội nghiệp quá phải không em? Khi mới biết yêu nhau thì khờ dại, anh không nói được với em câu nào, không dám nắm chặt lấy bàn tay, không dám nhìn thẳng vào mắt em! Còn giờ đây khi đã mạnh dạn dành cho nhau những lời yêu thương nồng thắm, thì chỉ được gửi qua nén hương này! Em sống khôn thác thiêng về chứng kiến lòng anh, anh cũng yêu em bằng sự mách bảo của trái tim mình, đêm ngày chờ đợi, mong được ôm em vào lòng và giữ em trong vòng tay anh mãi mãi, biết không em?

 Lần lượt Nghĩa, Hoa, Ba mỗi người đều thắp nén hương thơm cầu khấn cho linh hồn em siêu thoát, rồi xúm nhau lại nấu cơm tối đặt lên bàn thờ con bé.

Đêm đó cả bốn anh em cùng nằm ngủ chung trên tấm liếp vừa khiêng từ bên góc trái nhà qua, kê ngay trên nền đất trước bàn thờ con bé theo sáng kiến của con Nghĩa. Nói là nằm ngủ, nhưng có ai ngủ được đâu, hết đứa này lên tiếng, đến đứa khác, ba đứa con gái luôn miệng tranh nhau bình phẩm về chuyện con bé ngoan hiền, duyên dáng, dễ thương, sâu nặng với mối tình đầu, con Nghĩa nói thêm:

- Mà lạ là, suốt mấy năm trời ở rừng, ở núi nhưng con bé không một lần bị sốt rét, nên nước da nó lúc nào cũng hồng hào trắng trẻo, nhìn cái mặt hắn “dễ điên”, nhưng mệt cái tính, đa tình, đa cảm..., con Hoa chen vào:

- Nói vậy cũng tội nghiệp cho chị Hai tui, mang tiếng là đa tình, đa cảm, nhưng có được chi đâu, bả chỉ có si tình một mình cái ông anh này thôi chứ có ai đâu, thế mà chết đi rồi vẫn chưa được gặp! Phải chi chị Hai chậm đi xuống cánh Đông vài bữa, phải chi anh Hai về sớm hơn mấy ngày để cho hai người gặp nhau chút rồi chết đi cũng được. Tội chỉ quá mấy người ơi!

- Con Ba tiếp: Nói thiệt chứ biết đâu hai người gặp nhau có khi chỉ không hy sinh đâu đó nhé. Vì vừa gặp nhau, chắc chắn đơn vị sẽ cho chị ở lại chơi với anh Hai mấy bữa, là chị không đi xuống cánh Đông đêm hôm đó, thấy chưa?

- Con Nghĩa nói: Mình cũng nghĩ thế! Nhưng cái số con bé vậy, cuối cùng bỏ lại anh Nguyễn để ra đi, đi mãi không về trước khi anh Nguyễn về đây tính ra chỉ có 76 giờ đồng hồ chứ mấy! Quá nghiệt ngã, quá éo le, nghĩ tới không thể nào chịu được!

Cả ba đứa cùng òa lên khóc, con Hoa vừa lau nước mắt vừa nghẹn ngào:

- Nói thiệt chứ chuyện tình của chị Hai với anh Hai, nếu có ông nhà văn nào biết được có khi viết thành tiểu thuyết rất hay? Đối với con Hoa bao giờ cũng gọi anh Hai, chị Hai chứ không gọi tên anh Nguyễn.

Nguyễn từ tối đến giờ vẫn nằm im, không lên tiếng nhưng nghẹn lòng nuốt nước mắt vào trong, bần thần khó chịu muốn ngồi dậy đi ra đi vào, nhưng lại thôi; anh đứng lên thắp hương trên bàn thờ con bé, rồi với giọng nhỏ nhẹ anh nói: Mình tin là em sẽ ghi nhận được hết tình cảm của anh em mình, chắc chắn ở nơi suối vàng em cũng thấy nhẹ lòng khi được chia sẻ nỗi niềm và sự mất mát to lớn không gì bù đắp được của anh em mình. Nếu nói đến yêu, mình tin em nhận nơi mình một tình yêu tinh khôi, đằm thắm, ngọt ngào dành cho em; nói thương thì hết chỗ để chất chứa tình thương của hết thảy mấy anh em mình. Thôi thì anh em mình đừng bàn sâu thêm chuyện này nữa, để cho linh hồn em thanh thản, sớm siêu thoát về cõi vĩnh hằng.

Sau khi Nguyễn nói, mọi người lặng im một lúc rồi chìm vào giấc ngủ. Nguyễn là người lớn hơn ba đứa con gái một vài tuổi nên bao giờ mấy đứa cũng lắng nghe và yêu quý. Với Nguyễn cả đêm nay vẫn nằm đó, cứ mỗi lần sắp tàn nén hương thì anh lại ngồi dậy thắp cây khác nối theo, cứ thế, cứ thế cho đến khi trời sáng, anh gọi mấy chị em thức dậy. Mọi việc xong xuôi, bốn anh em, mỗi người một góc lại cùng nhau khiêng tấm liếp đưa về vị trí cũ, rồi cùng nhau lo bữa sáng, sau đó đến trước bàn thờ thắp hương, anh Nguyễn xoay mặt qua ba đứa con gái nói: “Trong bốn anh em mình có mặt hôm nay nếu còn sống cho đến ngày quê hương sạch bóng quân thù, đất nước hòa bình, thống nhất hãy cùng đến với nhau chọn một ngày thật đẹp làm lễ đón em trở về với đất mẹ quê nhà, nếu còn ba, còn hai, hay chỉ còn một trong số này, cũng phải làm như thế, tìm cách đưa bằng được em về nằm bên cạnh phần mộ mẹ em”. Cả ba đứa con gái đồng thanh: “Đúng đó anh, bọn em xin được hứa với nhau trước bàn thờ con bé về điều đó”. Nguyễn, Nghĩa, Hoa, Ba không ai nói với ai thêm một lời nào nữa mà quay lại, chuyền tay ôm vào nhau thật chặt, thật lâu, rồi lưu luyến chia tay, hẹn ngày gặp lại.

N.X.N

Bài viết khác cùng số

Đà Nẵng - Những ngày phòng tránh dịchĐại dịchChiều vàng phaiTình yêu không tênBóng Tròn lưu lạcThương gửi ấu thơChim khổng tước hay hótBạn tôiHòa Xuân, những ngày tránh dịch CovidĐà Nẵng ơi, bình yên sẽ trở vềTrên đỉnh đèo Hải Vân trong những ngày dịch CovidĐừng buồn nghe conThơ Thái Bảo - Dương ĐỳnhThơ Bùi Viết AnhThơ Tần hoài Dạ VũThơ Thái HuyềnThơ Huỳnh Thị Quỳnh NgaLá Quốc kỳ đầu tiên của Việt Nam tung bay lần đầu ở Đà NẵngĐóng góp của Phạm Phú Thứ đối với Hải Dương và Quảng YênNhững hình ảnh tiêu biểu nhất xứ Quảng thế kỷ XVIIIChủ đề dịch bệnh trong văn học và phim ảnh Hàn Quốc đương đạiĐi tìm “Gió hoang vu” trong truyện và ký của Mỹ AnĐynh Trầm Ca, lỡ chuyến... giữa đời rộng ga buồnNhớ Vũ HânHội họa của vua Hàm NghiHoài niệm rừng khộp khôDi tích Phong Lệ: Suy nghĩ về tiềm năng và phát triển du lịch văn hóa - nghệ thuật Champa tại Đà NẵngHội Âm nhạc Đà Nẵng chú trọng nâng cao chất lượng tác phẩmTừ góc nhìn văn hóa, nghĩ về dự án “Vườn Mẹ”Tiếng gọi bản ngã trong “Người yêu ơi”Chiều muộn bên cầu tình yêuRa khơiTất cả sẽ ổnTung mồiPhút giải laoHải đăng Sơn TràPhía bên kia thành phốVượt quaRồi sẽ bình yênHết dịch rồi về với con