Văn học mạng ở Việt Nam: Có hay không có thành tựu?

12.07.2022
Hà Thah Vân
Khác với văn học in giấy truyền thống, văn học mạng tạo ra cơ hội cho độc giả tiếp cận nhanh chóng nhất đối với tác phẩm của nhà văn và phản hồi trực tiếp đối với nhà văn. Có thể nói, cùng với sự phát triển của Internet, những người cầm bút đã có cơ hội dễ dàng hơn bao giờ hết để chuyển tải tác phẩm của mình đến với người đọc, cũng như để lắng nghe ý kiến phản hồi của độc giả một cách thuận tiện, nhanh chóng hơn bao giờ hết.

Văn học mạng ở Việt Nam: Có hay không có thành tựu?

Một số tác phẩm văn học mạng làm nên thành công của tác giả.

Sự phát triển của văn học mạng tại việt nam trong thời gian qua

Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ trong thời đại ngày nay, mà đặc biệt là sự phát triển của công nghệ thông tin, cụ thể là sự ra đời của Internet, cuộc sống của con người ngày càng được số hóa và có nhiều thay đổi trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Cộng đồng công dân mạng (netizens) Việt Nam cũng đang bắt nhịp để phát huy những ứng dụng tuyệt vời mà Internet mang lại. Ngày nay, các bạn trẻ không chỉ  lên mạng để đọc tin tức, để tìm kiếm thông tin, để tra cứu, để giải trí v.v… mà còn lên mạng để viết blog, tham gia mạng xã hội, bộc lộ cá tính, sở thích… của bản thân mình, trong đó có không ít nhà văn đã sử dụng Internet như là một công cụ để chuyển tải sáng tác của mình đến với công chúng.

Ở đây theo quan điểm của tôi nói về văn học mạng tại Việt Nam, có nghĩa là tập trung nói về những tác phẩm do các nhà văn Việt Nam sáng tác online trên mạng, được đông đảo công chúng Việt Nam biết đến, chứ không đề cập đến mảng văn học dịch trên mạng vì đây là một lĩnh vực rất phức tạp và có thể sẽ được tiếp tục đề cập đến ở một dịp khác, cũng không đề cập đến trường hợp các trang web đăng những sáng tác văn chương đã xuất bản thành sách trước khi lên mạng, vì thực chất đây chỉ là sự phổ biến lại văn chương theo một phương cách khác.

Nhà văn Trang Hạ, một nhà văn chủ yếu thành danh nhờ mạng cho biết: “Tác phẩm được coi là văn học mạng khi được sáng tác từng phần trên mạng, quan trọng hơn là phải được độc giả tham gia vào quá trình sáng tác, thậm chí thay đổi cả kết cấu nội dung, văn phong của tác phẩm. Ở đó tác giả xây dựng được nhóm công chúng cho riêng mình, nhận những lời phẩm bình của độc giả để thay đổi tác phẩm của mình. Chính độc giả mới là người khai sinh tác phẩm văn học mạng chứ không phải nhà văn mạng.

Sự đón nhận, truyền bá của bạn đọc mới biến một văn bản mạng thành một tác phẩm văn học mạng” (Trang Hạ, “Chính độc giả khai sinh ra văn học mạng”, http://www.thethaovanhoa.vn, truy cập ngày 1.10.2021). Cùng đồng quan điểm với nhà văn Trang Hạ và có phần còn cực đoan hơn là nhà thơ Inrasara. Ông cho rằng: Văn chương mạng phải là văn chương của “các tác giả chỉ muốn xuất hiện trên mạng. Họ sống đời sống văn chương của mạng, viết trên mạng, vận dụng ưu thế kĩ thuật của Internet, xử lí thông tin trên mạng, tương tác trên mạng, tồn tại trên mạng, buồn vui trên mạng, hi vọng hay thất vọng cũng trên mạng… Họ là công dân mạng toàn phần. Và có thể nói đây là thứ văn chương mạng đúng nghĩa, khác hẳn các sáng tác được đăng trên mạng. Văn chương mạng khi in ra giấy sẽ mất đi hơi thở đời sống mạng và giảm “giá trị đích thực” của nó không ít!” (Inrasara, “Văn học mạng”, http://www.tienve.org, truy cập ngày 10.8.2021).

Còn quan điểm của tôi thì có lẽ rộng hơn hai quan điểm trên. Tôi cho rằng: “Văn học mạng là những tác phẩm văn học được nhà văn sáng tác trực tiếp trên mạng, với tâm thế của một công dân mạng, thu hút được sự theo dõi của đông đảo công chúng sử dụng mạng và khi in thành sách giấy, tác phẩm văn học đã trải qua nhiều lần chỉnh sửa”. Với quan điểm này, tôi cho rằng trong thời gian vừa qua, kể từ khi Internet chính thức được cung cấp dịch vụ ở Việt Nam vào ngày 19.11.1997, thì văn học mạng đã góp phần đáng kể vào việc thay đổi diện mạo cũng như góp phần quảng bá văn học Việt Nam ra với thế giới.

Ngoài việc mang lại một phương thức sáng tác mới, khác với những phương thức sáng tác truyền thống, ngoài việc nhiều tác phẩm ra đời hơn hẳn so với những thời kỳ trước đó, ngoài việc độc giả tiếp cận tác phẩm văn chương dễ dàng hơn, nhanh chóng hơn thì một số nhà văn nhờ vào sự hoạt động tích cực trên mạng cả trong văn học và ngoài văn học đã được thế giới biết đến.

Đồng thời, nhiều hoạt động giao lưu, trao đổi giữa các nhà văn Việt Nam và các nhà văn nước ngoài cũng phổ biến hơn nhờ vào sự kết nối mạng. Những tác giả văn học mạng Việt Nam mà tôi ấn tượng như: Đặng Thân, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Đặng Thiều Quang, Song Hà, Nguyễn Phong Việt, Nguyễn Ngọc Thạch, Nguyễn Đăng Khoa… và còn nhiều tác giả trẻ khác nữa. Mỗi người đều có những đề tài riêng, những thế mạnh riêng trong sáng tác.

Tính chất hai mặt của văn học mạng ở Việt Nam

Văn học mạng mang lại nhiều điều tích cực cho tác giả và người đọc. Đó là:

Hình thành thế hệ những tác giả văn học mạng có sức ảnh hưởng đối với công chúng. Trong khoảng 20 năm trở lại đây, đã dần hình thành một thế hệ các tác giả văn học mạng ở Việt Nam. Họ hầu hết là những người thuộc thế hệ 7X, 8X, 9X và cả thế hệ sinh sau năm 2000. Tất nhiên cũng phải kể đến một bộ phận các nhà văn đã thành danh từ lâu, hiểu được sức mạng của Internet nên cũng sử dụng các trang mạng và blog cá nhân để chuyển tải sáng tác của mình, chẳng hạn như cố nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, cố nhà văn Triệu Xuân, nhà thơ Inrasara, nhà thơ Hồng Thanh Quang… Nhưng hầu hết những tác giả này chỉ đưa sáng tác của mình từ văn bản in giấy lên mạng, chứ không trực tiếp sáng tác tác phẩm online như các tác giả văn học mạng. Còn hiện nay có thể nói ngoài những tên tuổi đã thành danh từ nhiều năm về trước, văn đàn bây giờ là thế hệ của các tác giả mạng, do các tác giả mạng chiếm lĩnh.

Khác với văn học in giấy truyền thống, văn học mạng tạo ra cơ hội cho độc giả tiếp cận nhanh chóng nhất đối với tác phẩm của nhà văn và phản hồi trực tiếp đối với nhà văn. Có thể nói, cùng với sự phát triển của Internet, những người cầm bút đã có cơ hội dễ dàng hơn bao giờ hết để chuyển tải tác phẩm của mình đến với người đọc, cũng như để lắng nghe ý kiến phản hồi của độc giả một cách thuận tiện, nhanh chóng hơn bao giờ hết. Công cụ duy nhất của người sáng tác cũng như độc giả là một máy tính có kết nối mạng Internet. Người viết chủ động công bố tác phẩm của mình, mà không cần biết đến sự thông qua của nhà xuất bản hay qua công lao biên tập của các biên tập viên.

Cũng trên mạng Internet, do tính chất “động” của nó, sáng tác có thể được thay đổi, được gỡ đi, được sửa chữa, thêm thắt theo như ý kiến góp ý của các độc giả, cho nên các nhà văn có thể dễ dàng thử nghiệm những sáng tác mới, sáng tạo ra những tình tiết mới, câu thơ mới… để bổ sung cho tác phẩm của mình theo thời gian. Nhà văn Phan An trước khi xuất bản những truyện ngắn của mình đã cho lên blog và diễn đàn để tham dò ý kiến của người đọc và khi tác phẩm “Giường ra đời”, thì những truyện ngắn trong đó đã được trau chuốt, gọt giũa hơn so với khi còn nằm trên mạng.

Nhờ vào sự phát triển của mạng xã hội, độc giả ngày nay có thể trực tiếp giao lưu chuyện trò với nhà văn, tiếp nhận phản hồi của nhà văn với ý kiến đóng góp của mình, cũng trực tiếp thấy được chân dung sống động của nhà văn, điều mà ngày xưa không thể có. Chính vì thế đời sống văn học mang nhiều màu sắc sinh động hơn, thực tế hơn.

Không gian sáng tạo của các tác giả văn học mạng được mở rộng có thể nói là không giới hạn.  Không chỉ là không gian cụ thể trong tác phẩm của các tác giả, mà còn là không gian của ngôn ngữ. Ngôn ngữ trên mạng là một cơ hội cho các nhà văn thể nghiệm và ngôn ngữ này có thể thay đổi rất nhanh nhạy theo thị hiếu của người đọc. Không phải ngẫu nhiên mà khoảng 10 năm về trước, nhiều entry (bài viết) với tựa đề rất câu khách của Keng lại góp phần giúp cho tác phẩm “Dị bản” bán rất chạy, đó là những entry: Yêu cũng được, không yêu cũng chẳng sao, Những cuộc tình chia ly chầm chậm, Tình ảo như cánh diều đang bay… Hay một loạt tác phẩm của Anh Khang, Iris Cao và Hamlet Trương cũng rất ăn khách nhờ vào lối đặt tên thu hút sự chú ý của độc giả. Tác phẩm “Ký ức vụn” của nhà văn Nguyễn Quang Lập xuất phát từ blog cũng là một thể nghiệm lạ. Tập tản văn này đậm đặc ngôn ngữ mạng với những khẩu ngữ thường dùng, những tiếng “hi hi”, “he he” rất quen thuộc khi chat.

Tuy nhiên, không gian rộng mở của Internet cũng giống như một con dao hai lưỡi. Trong một thế giới tưởng là ảo mà không ảo, khi mà mỗi ngày, mỗi giờ, lượng thông tin mới ập đến nhanh chóng như vũ bão, những sáng tác của các nhà văn cũng sẽ rất nhanh lướt qua mắt người đọc rồi trôi vào quên lãng. Nếu tác phẩm của nhà văn  mạng thật sự xuất sắc nhưng độc giả không để ý thì có lẽ nhiều nhà văn lại chọn một con đường khác để nổi tiếng. Con đường khác ở đây là nhắm đến yếu tố câu khách bằng những ngôn ngữ gây sốc, bằng cách viết chiều theo ý độc giả, bằng cách xây dựng những chi tiết, tình tiết vô lý, miễn làm hài lòng người đọc. Thật sự, với lượng thông tin hàng ngày trên mạng, để được nhớ đến, để được bạn đọc chờ mong đón nhận những sáng tác online, thì vẫn là một thách thức không nhỏ cho các nhà văn Việt Nam dấn thân vào nghiệp viết trên mạng.

Và khi đã thành danh trên mạng, mục đích hướng đến của các nhà văn Việt Nam vẫn là… in thành sách giấy. Cho nên không phải ngẫu nhiên mà nhiều nhà nghiên cứu và bản thân các nhà văn, khi so sánh với dòng văn học mạng ở các nước lại có quan niệm cho rằng ở Việt Nam chưa có văn học mạng thật sự. Trong khi ở Trung Quốc, theo ước tính, có khoảng hai triệu người cầm bút trên mạng và nhiều người trong số đó đã trở nên giàu có nhờ vào việc viết văn online, tức là để đọc tác phẩm của họ trên mạng, độc giả phải trả một số tiền.

Ở Việt Nam, tình hình ngược lại khi xu thế của các nhà văn Việt Nam vẫn là cho đọc tác phẩm miễn phí và hy vọng vào hiệu ứng best – seller khi tác phẩm được in thành sách. Đây cũng là điều mà văn học mạng Việt Nam chưa làm được. Ngoài ra trong khi Trung Quốc đã có các Hiệp hội như Hiệp hội Văn học mạng tiếng Hoa, Hiệp hội Văn học mạng Trung Quốc, Hội Biên tập Văn học mạng, Tuần lễ văn học mạng diễn ra thường niên, các giải thưởng về văn học mạng do các nhà văn và độc giả bình chọn… thì ở Việt Nam văn học mạng mang tính phát triển cá nhân và tự phát là chính.

Để văn học mạng ở Việt Nam khẳng định được vị thế của mình, có lẽ tôi mượn kết quả của cuộc điều tra xã hội học về văn học mạng ở Việt Nam của tôi cách đây hai năm để thay lời. Độc giả mà tôi điều tra ở độ tuổi từ 15 đến 50 tuổi, với 1000 người thuộc mọi tầng lớp. Họ cho rằng:
Văn học mạng thường do các nhà văn trẻ viết, do vậy gần gũi với giới trẻ, hiểu được tâm tư, tình cảm, cuộc sống của người trẻ và có tác động đến giới trẻ khi họ tìm thấy chính mình trong đó.

Văn học mạng tiếp cận được với một khung cảnh công nghệ hiện đại, tiện lợi cho độc giả trẻ đọc và theo dõi online, không rườm rà như khi mua và đọc sách giấy.

Văn học mạng có sự tham gia trực tiếp của độc giả vào quá trình sáng tác tác phẩm. Nhà văn có thể đăng lần lượt từng phần tác phẩm của mình lên mạng, lắng nghe những ý kiến góp ý, bình luận (comment) để tiếp tục công việc sáng tác của mình, sao cho phù hợp với sở thích của độc giả. Hoặc nhiều tác phẩm được đăng trên mạng, đến khi trở thành sách in đã mang một diện mạo trau chuốt hơn rất nhiều so với khi còn trên mạng.

Ở khía cạnh ngược lại, những ảnh hưởng xấu đến thị hiếu người đọc được tập trung chủ yếu vào những lý do:

Nhiều tác phẩm sáng tác còn dễ dãi, nội dung hay dở lẫn lộn do không có sự trau chuốt hay thẩm định giá trị bản thảo, biên tập trước khi xuất bản như ở sách in.

Nhiều sáng tác còn phi lý, không thực tế, không phù hợp với thực tại cuộc sống.

Bắt đầu hình thành một đội ngũ nhà văn ảo có chất lượng không đồng đều, dẫn đến những sáng tác cũng có độ chênh lệch rất lớn về mặt nội dung hay nghệ thuật.

Tôi nghĩ rằng nếu duy trì và phát triển được ưu thế của văn học mạng, cũng như hạn chế được những khuyết điểm như độc giả đã nhận xét thì văn học mạng ở Việt Nam sẽ còn phát triển trong tương lai. Khi ấy diện mạo nó có thể thay đổi, có thể khác đi, song những giá trị khiến nó song hành được với văn học truyền thống, chắc chắn sẽ vẫn tồn tại và công chúng trên mạng cũng sẽ vẫn là lực lượng độc giả hùng hậu, chủ chốt, góp phần làm nên thành công cho tác phẩm. Và văn học mạng cũng là sự thích ứng của đời sống văn học đương đại trong bối cảnh toàn cầu hóa, khi mà các phương tiện kỹ thuật giúp người ta xích lại gần nhau hơn.

(vanvn.vn)