Vệt nắng trong vườn
Minh họa: Hải Kiên
Mảnh vườn nhỏ của tôi ấy không còn nữa chẳng phải vì người mua lại vài chục năm trước biến nó thành thứ khác. Nó biến mất vì một lí do đầy những tính toán thị dân. Con đường mới mở qua mảnh đất ấy đã biến chiều dài mảnh vườn hơn chục mét thành đất mặt phố. Nói không ngoa, giờ đây tấc đất chỗ ấy giá cả thước vàng. Tình vợ chồng bỗng nhiên trở nên quá nhỏ bé. Thực ra, nó đã nhỏ bé đi vài chục năm nay rồi. Nhiều thứ trở nên nhỏ bé trước đất cát chứ chẳng riêng gì tình vợ chồng. Họ bắt đầu gấu ó nhau về việc bán mảnh vườn ấy đi lấy tiền. Và kế hoạch tiêu bao giờ cũng có sẵn trước khi bán đất. Vợ bảo, mua một cái xe Lexus mà chạy tội gì cứ phải kẽo kẹt xe máy mãi. Chồng gạt đi, bán mảnh vườn sẽ dùng tiền ấy xây lại ngôi nhà cao ráo ở cho mát, còn thừa đi du lịch, đứa khác phải lái xe chứ mua xe làm gì. Vợ quắc mắt, ông chỉ được cái tiêu hoang, mà đàn ông gì đến cái vô lăng cũng không biết vặn. Ái dà, chồng gằn giọng, tôi đã vặn đủ các loại nô rồi. Giờ làm gia nô nữa chăng. Vợ cũng chẳng vừa, nếu thế thì giải tán hết đi. Ông tự làm gia nô cho ông, tôi cũng có việc của tôi, chẳng việc gì mà cứ phải bìu ríu nhau mãi thế. Cuối cùng thì đàn bà bao giờ cũng đưa ra tiếng nói quyết định cho không chỉ một cuộc tình.
Câu chuyện kể ra thì nhanh nhưng thực hiện không hề đơn giản. Từ lúc đăng báo bán nhà vườn cho đến lúc chủ mới nữa dọn đến cũng mất gần một năm. Trải qua rất nhiều thủ tục từ công chứng cho đến luật sư chia chác. Khoảng thời gian ấy đủ để cho hai kẻ chán nhau đẩy mối quan hệ của mình lên mâu thuẫn đỉnh điểm. Họ li dị. Chia đôi tài sản. Mảnh vườn cũ của tôi vậy là hai ngả chia li. Trong hoàn cảnh này, câu ngạn ngữ nước ngoài có thể áp dụng vào trường hợp của tôi được. “Nửa cái bánh mì là bánh mì, nửa mảnh vườn có nghĩa là chả còn vườn tược nào cả.”
Không còn khu vườn, lẽ dĩ nhiên, chẳng có nắng nôi nào ở đấy cả. Hai người chủ mới lập tức cho san phẳng và dựng lên hai building cao ngất ngưởng. Đó là tâm lí chung của gần như toàn bộ dân phố. Càng nghèo thì lại càng ao ước lớn. Ai ai cũng nhìn thấy ở những khoảng đất trống một tương lai thu nhập khổng lồ. Cỏ cây hoa lá trong thành phố chỉ còn sót lại ở ven những con đường, những diện tích chung không thuộc quyền sở hữu của ai cả.
Từ khi bán ngôi nhà có mảnh vườn ấy, tôi vẫn thỉnh thoảng vui chân xuống thăm người chủ mới mà thực ra là thăm lại mảnh vườn mình đã dày công chăm sóc gây dựng, chứ ông chủ mới là lái xe với ấm nước chè đặc sít và cái điếu cày không phải hạng người ở phố tôi thích chuyện trò cùng. Chuyện của các lão ấy chỉ mắt trước mắt sau quay về đề tài muôn thuở. Gái.
Mảnh vườn không đầy trăm mét vuông ngày xưa được tôi bày biện sắp đặt khá kì công. Một cây hoa giấy trùm lên bộ cổng sắt ngoài xa thường xuyên trổ bông đỏ rực. Một khóm nứa xin giống mãi trên vùng Thái Nguyên khi lên thăm đơn vị đóng quân cũ. Lá nứa to bản xanh thẫm cựa mình trong gió rì rào gợi nhớ đến những cánh rừng đại ngàn phía Bắc. Thân nứa cọ vào nhau phát ra âm thanh bổng trầm thân thuộc đến lạ kì, cứ như lời thủ thỉ của thằng bạn lính thuở tráng niên đói khổ, nơi tôi từng cống hiến vài năm tuổi trẻ. Một hồ nước nhỏ trồng hoa súng bên dưới chiếc cầu xi măng bắc ngang. Cá vàng sống lẫn cá rô cá cờ dưới ấy. Cá vàng mua ở hàng cá cảnh. Rô, cờ tuyển trong mớ cá vợ mua ở chợ ngoại ô. Cúc thiên đóa rủ trên những bậc cầu thang lên sân thượng, mùa thu về nở hàng nghìn bông vàng chói. Những chậu si, sung mua trên chợ hoa Hoàng Hoa Thám bày vuông hàng thẳng lối trong vườn cùng mặc lan, trần mộng, bạch ngọc tỏa hương suốt những ngày tết. Tất cả được đặt trên những đôn sứ cầu kì mua tận dưới Đông Triều. Góc vườn, cây khế lùn - loại khế chua hiếm hoi của thành phố, mùa hè trĩu trịt quả gọi bầy chim khuyên ríu rít và cũng là món ăn ưa thích của gia đình tôi cùng bạn bè mỗi khi tổ chức những bữa thịt luộc mắm tép tinh vi gia truyền không thể có ở bất cứ đâu.
Tất nhiên tôi cũng chỉ về thăm khu vườn được vào quãng thời gian vợ chồng người chủ mới còn vui vẻ chung sống. Càng về sau họ càng tỏ thái độ khó chịu, cứ như thể tôi chính là nguyên nhân gây ra cuộc đổ vỡ này. Tôi bán ngôi nhà có mảnh vườn lúc ấy chỉ với mỗi mục đích để cho con cái lên phố đi học gần trường hơn. Số tiền bán tôi phải thêm ngần ấy nữa mới đủ mua ngôi nhà trong phố. Thật lạ là tôi không bao giờ phiền trách họ về những lủng củng trong gia đình tôi khi chuyển sang chỗ ở mới chật chội hơn. Vợ chồng cái con chạm mặt nhau đôm đốp suốt ngày. Mặt lưng mày vực cũng chẳng biết cất vào đâu, cứ chường ra như thêm phần khiêu khích bởi không còn vườn cây để tránh mặt, giải tỏa mỗi khi có va chạm. Cũng may vợ tôi vốn chẳng thích thú gì cảnh vườn tược cây cối nên không bao giờ có ý định về thăm ngôi nhà cũ cùng tôi. Và như thế, mình tôi độc quyền đến thăm nó một thời gian khá dài. Quãng ấy với tôi, như những bước chạy chậm dần theo quán tính của một cuộc đua ngược. Nghĩa là cuộc chạy đua mà người chạy chùng chình hết mức để có thể chậm về đích nhất.
II.
Chiều nay bỗng nhiên được đắm mình trong một khu vườn rộng lớn. Xanh đến bất ngờ. Cái màu xanh miên man lồng trong tán lá chính là thứ thu hút cái nhìn, uốn nắn được cả tâm trạng của tôi. Đang buồn nhìn nó thấy vui. Đang hớn hở biết kìm lòng lại. Cây xoài lá nâu non ngược nắng trong như ngọc thạch. Cây doi lốm đốm vài con sâu róm xù xì trễ nải im lìm trong nắng. Những cây phượng già đẫm tiếng ve trưa. Và hàng cau nước uốn tàu lá rười rượi vàng bên lối đi mướt cỏ. Những vệt nắng đan cài quanh tán lá rung rinh khép mở như môi cười. Loáng thoáng vài bông hoa dại vàng rực góc vườn. Những bồn hoa màu đỏ sẫm chẳng biết là loại gì. Vài năm nay các giống hoa mới trở nên cực kì khó hiểu và nhớ tên. Có thể nhận xét chung, chúng sống và phát triển xanh tươi chưa từng có.
Khu vườn mênh mông ấy kéo tôi về vùng kỉ niệm ở miền Trung. Khu vườn kí ức ấy cũng ở ven biển như đây. Thực ra, nó nằm gần một cửa sông và hầu như hoang hóa sau chiến tranh. Những cây dừa già lúc lỉu quả mọng không có người hái. Những cây trứng cá rườm rà bói quả chi chít vàng. Vài cây đào tiên xanh om tối sẫm cuối vườn. Mấy cây xoài bắt đầu có quả non xanh màu ngọc thấp thoáng trong kẽ lá.
Thế nhưng ngần ấy thứ ắt chẳng thể làm nên kỉ niệm. Kỉ niệm là của cô gái tuổi đương thì sống một mình trong căn nhà khang trang cạnh khu vườn ấy. Chẳng cần phải hỏi han cũng phần nào đoán được gia cảnh của nàng. Sau chiến tranh, nhiều gia đình li tán. Người đi các trại cải tạo học tập chưa về. Vài người khác tìm đường vượt biên đến chân trời mới. Thất bại nhiều hơn thành công. Điều ấy có thể đọc được trong mắt người ở lại.
Cô gái có gương mặt thanh thoát với nước da rắn rỏi màu nắng gió. Đôi mắt đượm buồn xa xăm và một giọng nói dịu dàng gió thoảng. Giọng nói mà cho đến nhiều chục năm sau vẫn còn thảng thốt trong những giấc mơ tôi. Ở nàng, vẻ đẹp tạo hình hết sức sinh động. Dường như mỗi bước đi cùng những động tác khoan thai ấy đều toát vẻ thanh tân thánh thiện bất ngờ - điều lũ sinh viên trường mĩ thuật chúng tôi chưa bao giờ tìm thấy ở bất cứ cô người mẫu chuyên nghiệp nào.
Mỗi chiều gặp tôi, gương mặt phảng phất nỗi buồn ấy đều ánh lên niềm vui bí ẩn. Chẳng hẹn hò gì, cứ đúng khi trời gần tắt nắng tôi lại lôi tấm bảng vẽ của mình ra khu vườn. Không phải để vẽ. Chỉ là lí do để ngắm nàng đi thong thả từ bên trong cánh cửa ra phía vườn. Đôi mắt chậm rãi tìm đến chỗ tôi ngồi. Chậm rãi trao ánh nhìn nửa như hờ hững, nửa an phận. Bâng quơ ngó mấy chùm quả trứng cá chín mọng. Chiều nào cũng thế, trên tay nàng là một quả dừa đã chặt sẵn núm và một chiếc ca inox quân dụng. Tôi chẳng thể hình dung nổi, làm sao nàng hái được chúng trên những thân cây cao vút ấy. Và lại càng không tưởng tượng ra bàn tay mảnh dẻ kia làm sao chặt trái dừa với những nhát bén ngọt như vậy.
Cuối cùng, tôi đánh bạo đề nghị với nàng, anh xin phép được vẽ một bức chân dung em nhé? Từ khá lâu rồi tôi không còn coi chuyện làm quen với phụ nữ là việc quá khó khăn nữa. Một lúc nào đấy đại khái như hiện giờ tôi còn đề nghị những chuyện dạn dĩ hơn. Nhưng vì cái không khí có phần trang nghiêm bí ẩn của khu vườn gần như đã triệt tiêu toàn bộ sự bạo dạn trong tôi. Nàng quay mặt sang hướng khác. Lần đầu tiên tôi thấy chút ửng đỏ nơi gò má nàng. Em xấu lắm, anh vẽ làm gì... Nàng cúi đầu. Tay vân vê gấu áo bà ba. Giây lâu, nàng ngước lên, tôi chợt thấy ở mắt một giọt nước mơ hồ bên khóe. Tôi không tin đó là nước mắt. Và nếu đúng, thì chắc chẳng liên quan gì đến đề nghị của tôi.
Tôi hối hả lấy tờ giấy mới trong cặp vẽ ra. Những nét phác chuệch choạc đầu tiên hình thành. Nắng chiều lịm tắt sau vòm cây tối sẫm. Tôi buộc phải ngừng lại công việc đang còn dở dang và hẹn nàng chiều hôm sau. Những bài học như thế này chỉ có bắt tay vào mới biết. Mọi chuẩn bị và cảm xúc đều không bao giờ diễn ra như ý muốn.
Định bụng hôm sau sẽ thu xếp thời gian sang vườn sớm hơn nhưng lại bận vài việc của đoàn nên tôi cũng chỉ đến sớm hơn được chừng nửa tiếng. Nàng đã ngồi đợi sẵn bên gốc cây trứng cá với nét mặt hình như vui hơn hôm qua. Ca nước dừa được rót ra đầy đặn đặt ngay chỗ tôi ngồi. Tôi chưa bao giờ thích nước dừa. Nhưng cũng hiểu rằng món quà quê ấy ở chỗ này là duy nhất và đáng trân trọng. Tôi khẩn trương lấy bức vẽ dang dở ra làm việc tiếp. Lần này thì những mảng màu và nét bút ào ạt tuôn ra xối xả. Này là nâu non hơi ửng hồng nơi gò má. Này là tà áo bà ba trắng ôm sát thân hình uyển chuyển như một vũ điệu. Này là đôi bàn tay mảnh dẻ như đang còn run rẩy khi vừa đặt lên đầu gối. Này là hai nếp ống quần thẳng tắp đoan trang khép nép… Tôi mê man trong từng nét bút của chính mình. Và không tài nào hiểu nổi vì sao bức chân dung lại xong sớm hơn dự đoán với vẻ hoàn chỉnh bất ngờ. Dường như có một sức mạnh vô hình nào đó trợ giúp cho bàn tay tôi làm nên điều kì diệu ấy. Tất nhiên cũng hơi chạnh lòng khi nghĩ đến các bậc tiền nhân. Hình như khi họ có những những phút xuất thần đều là lúc được chuẩn bị kĩ càng và đều ở những nơi quý phái. Chứ không phải như tôi, trải tấm bảng vẽ lên mặt đất và với cô người mẫu lần đầu cống hiến cho nghệ thuật.
Bức tranh được hoàn thành khi vệt nắng cuối cùng đã tắt hẳn phía cuối vườn. Tất cả chìm trong thứ bóng tối nhờ nhợ xanh xao. Gương mặt nàng xanh xao. Chỉ còn đôi mắt ánh lên rạng ngời. Cuống quýt, tôi đặt bức tranh xuống đất vòng tay ôm siết lấy nàng. Những cái lắc mình nhẹ bỗng mơn man trong vòng tay tôi. Tôi đặt lên môi nàng nụ hôn đầu tiên. Đằm thắm thiết tha với lòng biết ơn vô hạn.
III.
Đêm về, tôi cứ tự thầm trách mình, vì sao tôi lại quên tặng nàng bức tranh đã vẽ hoàn chỉnh. Thậm chí đến cả một lời nói đơn giản nhất để tỏ lòng biết ơn nàng, tôi cũng không thốt ra nổi. Trằn trọc mãi cho đến lúc tiếng gà gáy sáng vang lên từ phía bờ sông. Chực thiếp thì nghe đâu đó có tiếng người lao xao hoảng hốt, trời ơi con Nhi làm sao rồi? Có ai nhìn thấy nó đâu không? Vừa lúc nãy đây mà…
Những bước chân gấp ruổi vang lên trong xóm. Ánh đèn pin loang loáng trên những mái nhà lụp xụp tối om. Tiếng gọi nhau í ới xa dần. Chúng tôi được dặn rằng tuyệt đối không can thiệp vào những câu chuyện xóm làng như thế. Thành phần dân chúng ở bất kì đâu trong vùng mới giải phóng đều rất phức tạp. Họ không dễ gì đối thoại với mình. Đành phải nằm im chờ trời sáng hẳn.
Lúc tôi lễ mễ mang đồ nghề ra đến chỗ vẫn ngồi nghiên cứu mấy con thuyền gỗ trên sông mọi ngày, đã thấy cả bờ sông lô nhô những người là người. Vài chiếc thuyền mảnh dẻ rẽ sóng băng ra giữa dòng. Vài sợi dây buộc móc câu rà xuống. Những tiếng hét thất thanh vọng xuống mặt nước lan tỏa vào trong xóm. Tôi dừng bước cách bờ sông chừng năm chục mét cố tìm hiểu xem chuyện gì xảy ra mà không tài nào. Những người dân câm lặng, tôi biết nếu có đặt câu hỏi chắc chắn sẽ không nhận được câu trả lời.
Đến chiều thì tôi mới biết được điều đã xảy ra trên khúc sông ấy. Nàng đã trẫm mình vào lúc nửa đêm. Có người dân trong xóm gặp nàng đi ra bến sông lúc ấy. Như một bản năng của cư dân vùng sông nước, họ chờ tiếng bước chân quay lại mà không thấy. Đó là lúc họ bắt đầu kéo nhau ra bờ sông tìm kiếm. Và cũng là khi đã quá muộn.
Dĩ nhiên, trên một khúc sông ngắn và gần ra tới cửa biển thì lưu tốc dòng nước đã chậm lại rất nhiều. Việc tìm kiếm thi thể của nàng không hề khó. Dân làng nhanh chóng làm lễ an táng cho nàng theo phong tục vào buổi trưa. Không hề có một tiếng khóc nào cả. Băn khoăn, tôi tự nhủ, đám ma không có tiếng khóc mới thật sự buồn. Và tôi day dứt với một câu hỏi cho đến tận bây giờ vẫn chưa có lời đáp. Vì sao? Câu hỏi này theo tôi suốt nhiều ngày khi còn ở lại mảnh đất ấy. Chỉ có hai câu trả lời mà thôi. Một là nàng quá xấu hổ với tôi và làng xóm vì những gì đã diễn ra. Hai là ngược lại, tôi nên xấu hổ với nàng. Tôi biết rằng mình chưa làm điều gì đáng trách. Chỉ duy nhất dằn vặt là tại sao mình không tặng bức tranh ấy cho nàng. Nhưng có phải nàng xấu hổ với tôi và xóm làng nên làm điều dại dột không, cho đến bây giờ tôi vẫn chưa biết, nhưng từ thời ấy, một nụ hôn chẳng bao giờ đẩy con người ta đến chỗ tuyệt vọng ở khắp hai miền Nam Bắc cả. Vậy là vẫn còn một câu trả lời thứ ba mà tôi vĩnh viễn chẳng bao giờ biết được. Bởi nàng đã mang nó đi mất rồi.
Những ngày tiếp sau chẳng có chuyện gì xảy ra. Dĩ nhiên tôi vẫn phải tiếp tục công việc. Tôi âm thầm thực hiện những ngày đi thực tế vào những buổi chiều trong khu vườn giờ đã trở nên câm lặng hoàn toàn. Cố tình nán lại khi nắng đã tắt hẳn. Chỉ mong sao tìm ra được câu trả lời sáng sủa hơn. Nhưng vẻ như rất vô vọng.
Cho đến một hôm.
Buổi chiều ấy, tôi mệt nhoài quay lại khu vườn tối sẫm lúc không còn vệt nắng nào cả. Tôi vứt đồ nghề và ngả lưng xuống mặt đất. Cả khu vườn như một tấm chăn đen phủ kín mặt người. Gió từ triền sông tràn vào ma quái động trên những tàu dừa khô khốc như có người nhẩn nha giật từng nhánh lá. Bỗng chốc bóng tối giãn rộng ra để lộ một vạt đất âm u. Một chiếc bóng dài tha thướt bay là là trên ấy. Tôi nhướng mắt nhìn kĩ. Đó là nàng với nụ cười lưng lửng khép. Nụ cười như đóng băng trên gương mặt trong bức chân dung tôi vẽ nàng. Thực ra, nó làm tôi nhớ đến bức chân dung trong cặp vẽ chứ không phải ngược lại. Tôi cố trấn tĩnh tự nhắc mình về cái hiện thực rõ ràng hư ảo ấy. Nhưng hình bóng của nàng cuốn tôi bay theo. Là là trên mặt đất. Quẩn quanh bên những gốc cây già lỏng lẻo trong bóng đêm. Tôi nhận thấy vị ngọt của nụ hôn cuối cùng đọng trên đầu lưỡi. Lòng chợt hân hoan như vừa thoát ra khỏi một gánh nặng nhiều năm mang vác. Hóa ra nàng vẫn nhớ đến tôi. Nhớ đến nụ hôn hôm nào nóng bỏng. Và hơn hết, tôi biết, mình đã không làm gì có lỗi với nàng. Hoặc giả như đó là một lỗi lầm thì đã được nàng tha thứ.
IV.
Cho đến tận chiều nay ngồi ngắm những vạt nắng cuối cùng trong khu vườn trước mặt, có một kí ức vẫn rất rõ nét hiện về. Càng lúc càng như mới hôm nào đây thôi. Hình như kí ức là thứ chẳng dễ gì cũ đi. Bởi nó đã cũ sẵn rồi. Không thể hơn được nữa. Tôi là người phố vô cùng ít kí ức. Nói đúng ra, phố tôi và cả thành phố cũng ít kí ức như vậy. Nhẩn nha sống cho đến già thì cũng vẫn những con người ấy mà thôi. Thực ra, thành phố luôn được bổ sung một phần dân số đáng kể qua từng ngày. Nhưng đã chẳng ai bắt tôi phải làm quen thêm người mới. Họ cũng không góp phần nhiều lắm làm dày lên kí ức thành phố. Và như thế, những kí ức mới thật sự hiếm hoi. Và cũng chẳng quan trọng gì dưới cái nhìn cộng đồng.
Thật lạ, theo chiều ngược lại, kí ức là thứ rất dễ bị xóa bỏ ở thành phố. Đại khái như nụ hôn với một đàn bà mới quen chẳng hạn. Đàn ông ở phố rất ít ai có thể nhớ được mạch lạc. Thậm chí chỉ một phần tư số ấy đã là phi phàm rồi. Rất có thể người ta bình tĩnh nhớ ra cô ấy, bà ấy là người ở phố nào. Thậm chí con ai, mẹ ai. Nhưng nụ hôn thoảng qua ấy dứt khoát phải dặn lòng mình quên nó đi. Ở thành phố lại là nơi mà bây giờ người ta rất hãn hữu gặp nhau. Gặp bất ngờ trên đường lại càng không. Phố xá chật căng không còn dành cho những điều như thế. Và cũng chẳng còn cơ hội nhận ra nhau sau chiếc khẩu trang và bộ quần áo chống nắng kín mít như một ninja hoa hoét tùy theo mùa. Hẹn hò với những nụ hôn cũ lại càng là điều không thể. Phần lớn những nụ hôn trong quá khứ đều đã và đang có những nụ hôn khác thế chỗ rồi.
Tôi chờ cho vạt nắng cuối cùng khuất sau lùm doi cổ thụ mới bước chân ra vườn. Bóng tối nhanh chóng ập xuống chiếm lĩnh thảm cỏ xanh bên dưới những gốc cây già. Bóng tối loang ra, trải rộng khắp trên triền đồi và bò lan xuống thung lũng. Tôi chăm chú nhìn sâu thẳm vào đó. Quyết không bỏ sót bất kì chuyển động hư ảo nào. Và những hình ảnh của tưởng tượng bỗng chốc kéo về tràn ngập trong tâm trí. Gốc cây, những vòm lá. Tiếng chim kêu thê thiết về tổ. Ca nước dừa hơi mặn tanh mùi inox. Những hạt cát lạo xạo dưới chân trần. Áo bà ba trắng đục dịu dàng xua tan cơn khát. Cơn gió nhẹ kéo vòm lá giãn rộng ra. Một thân hình mảnh mai quấn quýt hân hoan bên những gốc cây xù xì. Một nụ cười bí ẩn tươi tắn trên đôi môi xanh xao. Cặp mắt buồn có giọt nước li ti trên khóe mắt. Tất cả như vừa mới đây thôi. Cả niềm vui và nỗi buồn. Vậy mà, đã gần nửa thế kỉ trôi qua.
Trại viết VNQĐ tại Phú Yên, tháng 5/2020
(vannghequandoi.com.vn)