Đà Nẵng - "Đêm trước của bình minh"
Xe tăng Quân giải phóng tiến vào giải phóng Đà Nẵng ngày 29/3/1975. Ảnh: TTXVN
Năm mươi năm trước, sau chiến thắng của đòn tiến công chiến lược tại Tây Nguyên, Chiến dịch Đà Nẵng (diễn ra từ ngày 26/3 đến ngày 29/3/1975) đã giáng một đòn quyết định, làm thay đổi hoàn toàn cục diện chiến tranh, tạo ra sự thay đổi lớn trong so sánh lực lượng và mở ra những điều kiện thuận lợi cho cách mạng. Chính từ những chiến thắng này, chúng ta đã có nền tảng vững chắc, đủ sức mạnh để tiến vào giải phóng Sài Gòn - Gia Định, giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước. Sau nửa thế kỷ, khi nhìn lại những tư liệu lịch sử, chúng ta càng hiểu rõ hơn về tình thế vô cùng nguy cấp của kẻ thù tại Đà Nẵng vào những ngày cuối tháng 3 năm 1975 lịch sử, trước sức tấn công mạnh mẽ của quân và dân ta, từ đó càng thấm thía sự đúng đắn và tài tình trong quyết sách chiến lược của Đảng và Quân đội ta.
Mạnh ai nấy chạy
Sau khi Quảng Tín, Quảng Ngãi, Huế được giải phóng, vào những ngày cuối tháng 3 năm 1975, Đà Nẵng thực sự trở thành một hòn đảo trơ trọi. Lúc này, địch vẫn còn khá đông với Sư đoàn 3 bộ binh, Sư đoàn thủy quân lục chiến, Sư đoàn không quân, 7 tiểu đoàn pháo, 1 trung đoàn thiết giáp, 15 tiểu đoàn bảo an, 5.000 cảnh sát, 24.000 phòng vệ dân sự và bộ máy kèm kẹp vẫn còn nguyên vẹn. Từ ngày 25/3, tàn quân từ phía Nam và Huế kéo về, nâng tổng quân số lên đến 100.000 tên. Bên cạnh đó, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã chỉ đạo chuyển gấp 20.000 khẩu súng ra Đà Nẵng để “tử thủ Đà Nẵng”.
Tuy nhiên, kẻ địch đang rơi vào tình thế hoang mang và tuyệt vọng. Cầu hàng không nhanh chóng thiết lập để chuyển số cố vấn Mỹ và sĩ quan cao cấp ngụy cùng gia đình di tản gấp vào Sài Gòn. Các chuyến bay chở khách và máy bay vận tải tấp nập đáp xuống sân bay Đà Nẵng. Máy bay lên thẳng ra vào bầu trời Đà Nẵng như thoi, liên tục chở người ra 3 tàu Hải quân lớn của Mỹ đang cập ngoài khơi: P. Commandor, T. Colorado, Minlenr. Hơn 20 tàu vận tải biển cỡ lớn và tất cả các chiến hạm của Hải quân vùng 1 duyên hải được huy động vào việc bốc người ra khỏi Đà Nẵng. Tình hình này càng khiến hàng ngũ địch thêm rối loạn. Mười vạn lính ở trong tình trạng vô tổ chức. Lính say rượu kéo nhau đi cướp bóc khắp các phố. Súng nổ loạn xạ, xác người la liệt trên đường phố cạnh những cửa hiệu và xe cộ cháy ngùn ngụt. Vào chiều ngày 28/3, một chiếc tàu chở đầy người chuẩn bị rời bến thì bị một nhóm lính xả súng, ném lựu đạn, rồi nhảy lên xô xát người xuống biển để cướp tàu rời đi.
Trong bối cảnh hoang mang này, vào lúc 23 giờ 30 phút ngày 28/3/1975, cuộc họp cuối cùng của Bộ Tư lệnh Sư đoàn 2 Không quân địch diễn ra tại đài kiểm báo trung tâm. Chuẩn tướng Nguyễn Đức Khánh, Tư lệnh Sư đoàn, báo cáo khẩn thiết và xin lệnh từ Trung tướng Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh Quân đoàn 1, Quân khu 1 về việc triệt thoái ngay căn cứ không quân Đà Nẵng. Trước tình thế này, Trưởng chấp nhận và ra lệnh: Một di tản ngay tức khắc căn cứ không quân Đà Nẵng; hai phá hủy trung tâm kiểm báo; ba tất cả lực lượng còn lại, bao gồm các đơn vị của Sư đoàn 3 bộ binh và Sư đoàn thủy quân lục chiến bảo vệ căn cứ không quân Đà Nẵng, rút ngay ra bãi biển Nam Ô.
Lúc 0 giờ ngày 29/3, Ngô Quang Trưởng và Nguyễn Đức Khánh bay tới căn cứ hải quân vùng 1 duyên hải tại Tiên Sa để chủ trì cuộc họp cuối cùng của Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1. Tham dự cuộc họp có Chuẩn tướng Lâm Quang Thi, Tư lệnh phó; Thiếu tướng Nguyễn Duy Hinh, Tư lệnh Sư đoàn 3 bộ binh; Phó Đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, Tư lệnh Hải quân vùng 1 duyên hải và An Phranxít, Tổng Lãnh sự Mỹ tại Đà Nẵng. Cuộc họp vừa khai cuộc được mấy phút thì căn cứ Tiên Sa chìm trong đạn pháo của Quân Giải phóng. Hai chiếc trực thăng, trong đó có một chiếc của Trưởng, bị hỏng nặng. Pháo vừa dứt, các tướng lĩnh Quân đoàn 1 mạnh ai nấy chạy. An Phranxít nhảy đại lên trực thăng bay tuốt ra tàu Milenr. Ngô Quang Trưởng nhảy lên trực thăng của Khánh. Chiếc này bị trúng mảnh đạn pháo, thùng dầu chảy, cần lái bị cứng, xăng gần cạn, cuối cùng cũng đáp được xuống phi trường Non Nước. Trưởng và Khánh vừa nhảy ra đã bị quân cảnh gác căn cứ thủy quân lục chiến xông tới tước vũ khí cá nhân, không cho máy bay cất cánh. Đại tá Ri, Tư đoàn phó Sư đoàn thủy quân lục chiến, phải ra can thiệp, cả hai mới được giải thoát. Ngay sau đó, viên tướng họ Ngô từng hô hào “tử thủ Huế”, “tử thủ Đà Nẵng” chuồn ra tàu HQ.404 về Sài Gòn. Lúc đó là 6 giờ 30 phút ngày 29/3/1975 - thời khắc tắt thở của Quân đoàn 1 và cũng là phút cáo chung chính quyền Sài Gòn tại Đà Nẵng.
Mạnh ai nấy chạy, đó là hình ảnh dễ thấy ở Đà Nẵng vào “đêm trước của bình minh”. Một phóng viên người Mỹ có mặt trên chiếc Boeing 727- chiếc máy cuối cùng rời khỏi “địa ngục Đà Nẵng” mô tả: “… Chuyến bay cuối cùng lăn bánh khỏi sân bay Đà Nẵng trong kinh hoàng, chật ních người. Khi chiếc vận tải phản lực cỡ lớn chạy xuôi đường băng thì một lính Sài Gòn vì không lên được máy bay đã ném một quả lựu đạn vào cánh máy bay. Lựu đạn nổ xé toác cánh đỗ của máy bay, trong khi rốc két của Quân Giải phóng rót tới nổ chặn đầu đường băng. Nhiều người trong cơn tuyệt vọng đã bám càn vào cánh máy bay. Nhiều người bị nghiền nát. Một số xác chết bị cuốn hút vào trong hốc bánh xe. Nhiều người rơi xuống khi máy bay lên cao. Mọi thứ mang theo được vất xuống đất nhưng máy bay vẫn quá nặng nên khi ở độ cao trên 1.000 mét, các nhân viên hàng không và lính trên máy bay phải dùng đến vũ khí và vũ lực ném gần 100 người xuống đất qua cửa chuyển hàng hóa phía sau. Cánh cửa giữa buồng lái đầy máu…”.
Thất bại Đà Nẵng, phía bên kia nói gì?
Năm mươi năm trước, nước Mỹ và phương Tây chấn động với tin Đà Nẵng sụp đổ. Vào ngày 30/3/1975, Bí thư báo chí Nhà Trắng thông báo với các nhà báo rằng: “Tổng thống G.Pho coi Đà Nẵng thất thủ là một tấn thảm kịch lớn của nhân loại”. Tại cuộc họp báo ở Lầu Năm Góc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Xơlexinhgiơ miêu tả tình hình quân sự ở Nam Việt Nam là “nghiêm trọng và bi đát”, các tuyến bảo vệ Sài Gòn sẽ bị thử thách nghiêm trọng trong vài tuần nữa và tổn thất trang bị của quân Sài Gòn ở Quân đoàn 1 và vùng 1 chiến thuật có thể lên đến 1 tỷ đô la Mỹ.
Ngày 31/3, báo Le Monde (Pháp) có bài xã luận “Nỗi thống khổ của một dân tộc”, trong đó viết: “… Gần một triệu sinh linh bị ném lên các nẻo đường của Nam Việt Nam, người ta xông lên các máy bay vận tải để chiếm chỗ, liều mạng bám vào những thành xe cammiong đã chất đầy người, đám đông xô đẩy, giẫm đạp nhau tại các cầu tàu… Quang cảnh đó làm thức dậy tấm thảm kịch của lương tri thế giới tưởng không bao giờ có thể nguôi nổi... Bộ máy chính quyền Sài Gòn sụp đổ từng mảng lớn khi mà các viên chức từ bỏ nhiệm sở, quân đội đại bại, hoảng loạn chạy qua các thành phố, làng mạc với đám binh lính thất thần, nhếch nhác, chỉ còn mong sao cứu được mạng sống của chính quyền… Sự lúc nhúc, hốc hác của dân tỵ nạn và lính đào ngũ cùng sự tan rã của Nam Việt Nam sẽ còn mãi như là một trong những cảnh tượng thương tâm nhất của thế kỷ. Nó biến thành trò cười trước lịch sử...”. Đài BBC (Anh) sáng ngày 02/4 cho hay: “Các quan chức của Chính phủ Hoa Kỳ ở tất cả các cấp bậc đã kinh hoàng trước sự thất thủ của Đà Nẵng, sự tan rã đột ngột của tình hình tại Nam Việt Nam”.
Đáng chú ý là xã luận báo Daily Mail (Anh) ngày 01/4 cảnh báo: “Sau khi Đà Nẵng bị thất thủ, Sài Gòn bị đe dọa trực tiếp. Sắp đến lúc Mỹ phải nhận một cái tát nảy lửa nhất của lịch sử nước Mỹ. Đâu đâu các nước bạn cũng phát sợ và những kẻ thù của Mỹ thì châm biếm Mỹ là con hổ giấy. Sự đảo lộn ghê gớm ấy chỉ cần có mấy tháng là đã xảy ra rồi. Sự sụp đổ của Đà Nẵng là thảm họa của loài người. Nhưng đây còn là lời cảnh báo rằng, chúng ta ở Châu Âu phải tự lo lấy công việc phòng thủ riêng của chúng ta”.
Chiến thắng của quân và dân ta tại Đà Nẵng năm 1975 là bước ngoặt quan trọng trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là một minh chứng hùng hồn cho trí tuệ, lòng kiên cường và quyết tâm của dân tộc Việt Nam. Dù trong cơn hoảng loạn, quân đội ngụy Sài Gòn và đồng minh không thể thoát khỏi sự thất bại thảm hại, nhưng chính những mất mát này đã tạo nên cơ hội để quân và dân ta tiến về phía trước, tiến thẳng vào giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhìn lại, Chiến dịch Đà Nẵng không chỉ là chiến thắng quân sự mà còn là chiến thắng của ý chí và niềm tin vững chắc vào một tương lai tươi sáng của dân tộc Việt Nam.
V.T