Mỹ thuật Đà Nẵng 50 năm hình thành và phát triển

12.03.2025
Thân Trọng Dũng

Mỹ thuật Đà Nẵng 50 năm hình thành và phát triển

Mỹ thuật Đà Nẵng đã trải qua một chặng đường dài, hình thành từ lực lượng sáng tác bằng cả tâm hồn và tình cảm sâu nặng với quê hương. Chính từ tình yêu ấy, các họa sĩ đã chắt lọc tinh hoa qua cái nhìn thẩm mỹ, tạo ra những tác phẩm phong phú, đa dạng. Khi tìm lại tư liệu những năm tháng đầu tiên, chúng ta thấy rằng các nghệ sĩ và chiến sĩ từ miền Bắc vào đã nhanh chóng tập hợp thành lực lượng sáng tác, kết nối với đội ngũ văn nghệ sĩ Quảng Nam - Đà Nẵng, họ đã sớm hòa mình vào hiện thực cuộc sống mới, đầy nhiệt huyết và say mê sáng tạo không ngừng.

Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, và đặc biệt là ngày 01/4/1978, Đại hội thành lập Hội Văn nghệ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng được tổ chức đã đánh dấu bước phát triển mang tính chính quy trong hoạt động văn học, nghệ thuật về sau này. Từ đó, Mỹ thuật chính thức trở thành một chuyên ngành (phân hội Mỹ thuật). Chúng ta phải ghi nhận công lao của thế hệ họa sĩ đi trước, những người móng vững chắc cho phong trào Mỹ thuật về sau. Dù không có danh sách chính thức về những người đã khởi xướng và dẫn dắt phong trào Mỹ thuật Quảng Nam - Đà Nẵng giai đoạn này nhưng có thể khẳng định rằng những họa sĩ, nhà điêu khắc như cố họa sĩ Nguyễn Hoàng Kim; cố điêu khắc gia Đỗ Toàn; Nhà điêu khắc Phạm Hồng đã đóng góp không ít cho sự phát triển của Mỹ thuật địa phương. Chính họ là những người truyền cảm hứng, định hướng cho thế hệ họa sĩ kế tiếp. Tôi tạm chia ra hai giai đoạn phát triển Mỹ thuật Quảng Nam - Đà Nẵng như sau:

1. Lớp họa sĩ tiên phong dẫn dắt phong trào từ năm 1975 - 1997

Đây là thời kỳ vô cùng khó khăn đối với Mỹ thuật Quảng Nam - Đà Nẵng, sau những mất mát, đau thương do chiến tranh để lại, các nghệ sĩ địa phương đã không ngừng nỗ lực để khôi phục và phát triển nền Mỹ thuật quê hương, định hình cho phong trào hoạt động từng địa phương. Dù đối mặt với nhiều khó khăn như chất liệu sáng tác khan hiếm, cơ sở vật chất thiếu thốn, cùng với gánh nặng cuộc sống đã kìm hãm sự sáng tạo. Tuy nhiên trong khó khăn cũng có nhiều cơ hội được mở ra. Tinh thần yêu nước, khát khao xây dựng kiến tạo cuộc sống mới đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho các nghệ sĩ, chính quyền địa phương cũng đã có những chính sách quan tâm tạo điều kiện để các hoạt động nghệ thuật diễn ra thuận lợi. Theo lời kể của cố họa sĩ, nhà điêu khắc Lê Huy Hạnh: “Để đánh giá về phong trào Mỹ thuật Quảng Nam - Đà Nẵng mà không nhắc đến cái tên cố họa sĩ Nguyễn Hoàng Kim thì có thể nói họ không hiểu biết gì về Mỹ thuật ở mảnh đất miền Trung này”. Chính anh là người thay mặt cho Hội Văn nghệ Quảng Nam - Đà Nẵng tổ chức những đợt thực tế sáng tác về vùng đất nhiều nắng và gió này. Nhiều tác phẩm trong giai đoạn này ra đời như “Xưởng đóng tàu Sông Thu”; “Công nhân cơ khí Đà Nẵng” của cố họa sĩ Nguyễn Hoàng Kim ra đời mang sức sống mới sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng. Tác phẩm của anh không nhiều nhưng công sức xây dựng phong trào của anh đối  với Mỹ thuật Quảng Nam - Đà Nẵng là rất lớn, xứng đáng tôn vinh. Rất tiếc anh ra đi khi tuổi còn trẻ vì tai nạn nghề nghiệp trong sáng tác. Hay như các tác phẩm “Phố bình yên” của họa sĩ Trần Như Ái; “Tổ mũi nhọn” của nhà điêu khắc Mai Ngọc Chính; “Đêm trăng sông Thu Bồn” của họa sĩ Vĩnh Thuận; “Tổ trực chiến” của họa sĩ Nguyễn Đức Hạnh; “Hoàng Diệu với Thành Thăng Long” của nhà điêu khắc Phạm Hồng; “Những người đàn  bà” của họa sĩ Nguyễn Thị Phi. Các họa sĩ: Duy Ninh, Từ Duy, Nguyễn Tường Vinh, Vũ Dương, Hoàng Đặng, Lê Đợi, Nguyễn Văn Tài, Phó Đức Vượng,… cũng đã đóng góp không ít cho sự phát triển của Mỹ thuật địa phương. Họ là thế hệ họa sĩ đầu tiên truyền cảm hứng cho thế hệ họa sĩ trẻ. Tác phẩm của các họa sĩ trong giai đoạn này đều lấy cảm hứng từ cuộc sống, từ những năm tháng trải qua kháng chiến đến những công trường xây dựng và phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ của quê hương, đất nước.

Khoảng thời gian này cũng chính cố họa sĩ Nguyễn Hoàng Kim đã kết nối với Trung ương Hội, đã có nhiều tác phẩm Mỹ thuật được trưng bày ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vào tháng 9 năm 1978. Triển lãm tranh đồ họa hiện đại Bulgaria do Vụ Mỹ thuật và Bộ Văn hóa - Thông tin tổ chức đầu năm 1979 tại Đà Nẵng. Từ hai cuộc triển lãm này, các họa sĩ Quảng Nam - Đà Nẵng có thêm nhiều kinh nghiệm hiểu biết về nền Mỹ thuật Việt Nam và các nước xã hội chủ nghĩa khác. Một số trại sáng tác mới có các họa sĩ có tên tuổi từ Hà Nội vào như họa sĩ: Nguyễn Thế Vinh, Văn Đa, Đặng Thu Hương,... Năm 1981, trại thứ hai được tổ chức có các họa sĩ: Bùi Xuân Phái, Đinh Trọng Khang, Phan Kế An, Vĩnh Phối,… Từ đây Mỹ thuật Quảng Nam - Đà Nẵng đã hình thành lực lượng sáng tác tuy ít khoảng trên dưới 30 hội viên trong đó có 05 hội viên Trung ương gồm: nhà điêu khắc Phạm Hồng, họa sĩ Nguyễn Thị Phi, cố nhà điêu khắc Lê Huy Hạnh, họa sĩ Ái Nhi và họa sĩ Đinh Gia Thắng từ trường Yết Kiêu, Hà Nội vào Đà Nẵng công tác. Sau sự ra đi bất ngờ của cố họa sĩ Nguyễn Hoàng Kim, nhà điêu khắc Phạm Hồng tiếp tục đảm nhiệm chức danh Tổng thư ký Hội Mỹ thuật Quảng Nam - Đà Nẵng và tiếp tục đứng ra tổ chức xây dựng phong trào, nhiều công trình tượng đài, đài tưởng niệm của cố nhà điêu khắc Đỗ Toàn, nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng, nhà điêu khắc Phạm Hồng, cố họa sĩ, nhà điệu khắc Lê Huy Hạnh; cố nhà điêu khắc Mai Ngọc Chính được đầu tư và xây dựng tại thành phố Đà Nẵng và các huyện lân cận Quảng Nam. Những tác phẩm hội họa  của  thế hệ đàn anh như họa sĩ: Nguyễn Duy Ninh Hoàng Đặng, Nguyễn Văn Tài, Nguyễn Thị Phi, Vũ Dương, Nguyễn Tường Vinh, Lê Đợi, Phan Ngọc Minh, Dư Dư, Nguyễn Trọng Dũng, Hồ Minh Quân, Trần Thị Cúc, Võ Thanh Tịnh trong giai đoạn này phản ánh trung thực cuộc sống của người dân, sự phát triển của thành phố. Nhiều cuộc triển lãm được tổ chức tại địa phương để giới thiệu tác phẩm đến với công chúng làm cầu nối quan trọng để công chúng tiếp cận và thưởng thức những giá trị tinh thần sâu sắc, qua các triển lãm người xem không chỉ được chiêm ngưỡng tính thẩm mỹ mà còn hiểu rõ hơn về con người và những vấn đề xã hội. Đây cũng là dịp các họa sĩ nhận được những đánh giá, góp ý quý báu từ các nhà chuyên môn và người yêu Mỹ thuật để hoàn thiện hơn nữa khả năng sáng tạo của bản thân. Tuy nhiên, trong bối cảnh lịch sử và xã hội lúc bấy giờ, thông tin về các giải thưởng và thành tựu từ các cuộc triển lãm Mỹ thuật vẫn còn khá hạn chế đã phần nào làm giảm bớt động lực sáng tạo và khích lệ các nghệ sĩ.

Chào mừng Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ V, triển lãm tranh của họa sĩ Hoàng Đặng và Nguyễn Văn Tài năm 1983 được tổ chức tại Câu lạc bộ dệt Hòa Thọ Đà Nẵng. Đây là triển lãm đầu tiên của Mỹ thuật Quảng Nam - Đà Nẵng tổ chức thành công tốt đẹp thời bấy giờ. Việc lưu trữ tài liệu về các cuộc triển lãm vô cùng khó khăn dẫn đến việc mất mát quá nhiều thông tin quý giá. Tài liệu, hồ sơ về các hoạt động nghệ thuật thời kỳ này còn thiếu sót. Việc liên hệ và phỏng vấn các nghệ sĩ cũng gặp nhiều khó khăn do nhiều lý do khác nhau, chỉ tìm thấy một số bài viết về Mỹ thuật in trong Tạp chí Văn hóa - Nghệ thuật do Bộ Văn hóa - Thông tin xuất bản nhận xét về Mỹ thuật Quảng Nam - Đà Nẵng:“Quảng Nam - Đà Nẵng là một trong số địa phương có phong trào Mỹ thuật phát triển nhanh và mạnh nhất cả nước” được vinh danh tại triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1985, họa sĩ Nguyễn Thị Phi đạt giải thưởng huy chương Đồng triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1990, nhà điêu khắc Phạm Hồng được tặng huy chương Bạc.

2. Lớp họa sĩ kế cận và phong trào triển lãm, giải thưởng Mỹ thuật 1997 - 2024

Đại hội Đảng lần thứ VII tiến hành vào cuối tháng 6 năm 1991, đường lối đổi mới được triển khai và bước đầu đã phát huy tác dụng tích cực. Quá trình mở cửa và hội nhập với bên ngoài đã tạo nên sức mạnh vật chất, công nghiệp hóa, nông thôn hóa, hiện đại hóa đất nước. Một số họa sĩ, nhóm họa sĩ đã gửi tranh ra nước ngoài để tham gia triển lãm như họa sĩ: Nguyễn Duy Ninh, Nguyễn Tường Vinh, Phan Ngọc Minh, Hoàng Đặng, Vũ Dương, Lê Đợi, cố họa sĩ Từ Duy... Cụ thể triển lãm nhóm 06 tác giả được một tổ chức nghệ thuật Đan Mạch chọn tranh để triển lãm cùng họa sĩ địa phương. Các họa sĩ tham gia triển lãm ở nước ngoài như: Nguyễn Tường Vinh tại Hà Lan năm 1994, Từ Duy tại Pháp năm 1995, Nguyễn Thượng Hỷ tại Nhật năm 1995, Nguyễn Duy Ninh tại Mỹ năm 1996, Lê Đợi tại Úc năm 1996; các họa sĩ Vũ Dương, Phan Ngọc Minh tại Pháp, Hoàng Đặng tại Mỹ giai đoạn 1995 đến 1997... Qua trao đổi với họa sĩ Nguyễn Tường Vinh, năm 1994 có hai triển lãm đáng lưu ý gồm: Triển lãm“Nhìn từ hai phía” do Vụ Mỹ thuật, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức, chương trình nghệ thuật Đông Dương đưa vào Đà Nẵng tháng 4 năm 1994. Lần đầu tiên các nghệ sĩ Quảng Nam - Đà Nẵng được tiếp cận trực tiếp với một phần nghệ thuật hiện đại Mỹ. Triển lãm tranh thứ hai về Đô thị cổ Hội An do Hội Nghệ sĩ Tạo hình Việt Nam, Hội Văn hóa - Nghệ thuật Quảng Nam - Đà Nẵng và Phòng Văn hóa - Thông tin Hội An đồng tổ chức tại 16 Ngô Quyền, Hà Nội, trưng bày 100 tác phẩm của 37 tác giả. Trong đó có 19 tác giả Quảng Nam - Đà Nẵng, một số họa sĩ danh tiếng của quốc gia như: Phạm Kế An, Nguyễn Văn Tị, Lưu Công Nhân, Thế Vinh, Đinh Trọng Khang, Trần Khánh Chương, Đặng Thu Hương, Mai San cũng tham gia trong triển lãm này. Điều đáng mừng là nhiều vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước đã tới dự khai mạc. Đây được xem như là một thành công đã tác động rất lớn tới chính quyền Quảng Nam - Đà Nẵng và không khí sáng tác của văn nghệ sĩ Quảng Nam - Đà Nẵng. Thành công của văn nghệ Quảng Nam - Đà Nẵng còn ghi nhận thêm từ triển lãm Điêu khắc toàn quốc 10 năm (1983 - 1993) với 02 giải khuyến khích của nhà điêu khắc Phạm Hồng và nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng. Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 1995 của Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng đã đánh dấu bước trưởng thành cho phong trào Mỹ thuật Quảng Nam - Đà Nẵng. Họa sĩ Nguyễn Duy Ninh và nhà điêu khắc Phạm Hồng nhận thêm 02 giải khuyến khích, họa sĩ Nguyễn Trọng Dũng nhận giải SIDA trong triển lãm toàn quốc năm này. Trong ấn phẩm “Tác giả và tác phẩm” do Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tại Quảng Nam - Đà Nẵng làm chủ biên xuất bản năm 1996, nhà nghiên cứu phê bình Mỹ thuật Phan Cẩm Thượng viết:“Có những nghệ sĩ lớn lên từ bản địa, có những người từ Nam ra Bắc, từ Bắc vào Nam. Tất cả đều muốn ghi một nét riêng của cội rễ, lại muốn làm rạng danh mảnh đất có quá khứ phức tạp và hào hùng này... Rõ ràng sáng tác của những họa sĩ và nhà điêu khắc trên là đa dạng và quan tâm trước tiên đến tính biểu hiện của tác phẩm. Không có tiếp mạch truyền thống một cách trực tiếp, không vươn đến hiện đại một cách quá khích. Dường như đã dần dần hình thành một khoảng trời nghệ thuật riêng mà chúng ta không cảm thấy đó là Quảng Nam - Đà Nẵng”.

Từ năm 1997 khi Quảng Nam và Đà Nẵng chính thức tách tỉnh, Mỹ thuật 02 địa phương đã bước vào một giai đoạn phát triển mới với nhiều đổi thay. Việc tách tỉnh đã tạo được điều kiện thuận lợi cho mỗi địa phương tập trung phát triển các thế mạnh riêng. Giai đoạn này, họa sĩ Vũ Dương với chức vụ Tổng thư ký Hội đã truyền cảm hứng cho lớp họa sĩ, nhà điêu khắc trẻ kế cận như: Hồ Đình Nam Kha, Nguyễn Quang Huy, Thân Trọng Dũng, Nguyễn Quang, Nguyễn Trường Chinh,... Có thể nói phong trào Mỹ thuật trong giai đoạn này liên tục phát triển đem về nhiều thành tích cho thành phố từ những triển lãm khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên. Tất cả đều hội tụ đủ các yếu tố để kết nạp vào hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Đây là lớp họa sĩ tôi cho rằng họ tiếp cận nhanh trào lưu Mỹ thuật đương đại của thế giới, nỗ lực trong sáng tạo, hy vọng sự thành công của Mỹ thuật Đà Nẵng trong tương lai, đặt niềm tin vào thế hệ này. Vào ngày 24/12/2001, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đã ký Quyết định số 8193/ QĐ-UB thành lập Hội Mỹ thuật thành phố Đà Nẵng.

Sau khi Đại hội Hội Mỹ thuật thành phố Đà Nẵng thành công năm 2002, nhà điêu khắc Phạm Hồng với cương vị mới là Chủ tịch, ông đã có những đóng góp vô cùng quan trọng trong việc xây dựng và phát triển các hoạt động của Hội. Quan tâm tới việc phát triển hội viên, nâng tổng số hội viên lên 42 người, trong đó có 18 hội viên Trung ương. Ông cũng là người khởi xướng nhiều cuộc triển lãm quy mô lớn tạo nhiều cơ hội giao lưu cho các nghệ sĩ. Cuộc ra quân rầm rộ nhất của Mỹ thuật Đà Nẵng ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên này đã có hơn 46 tác giả của hội viên Trung ương và địa phương gồm 100 tác phẩm trưng bày.

Trong hồi ký của họa sĩ Nguyễn Tường Vinh viết về họa sĩ Lê Văn Thìn (Hà Nội) đã xem và ghi lại cảm xúc của mình như sau: “Tranh và tượng Đà Nẵng lần đầu tiên ra mắt công chúng Thủ đô đã gây ấn tượng mạnh. Tranh Đà Nẵng mang cái nắng, cái gió, cái đặc trưng của xứ sở ngời lên từng mảng màu chói ngợp, quyết liệt sóng gió, nhiều sắc vàng và biển xanh thật thẳm, thật sâu”. Thật vậy, các họa sĩ Đà Nẵng đã mang làn gió mới và làm phong phú đa dạng hóa các chất liệu, các loại hình nghệ thuật, tiếp cận các xu hướng của nghệ thuật đương đại và mạnh dạn thử nghiệm những phương pháp sáng tạo mới. Nhà phê bình Mỹ thuật Nguyễn Hùng - Tổng Biên tập Tạp chí Mỹ thuật đánh giá về tác phẩm của các họa sĩ trẻ giai đoạn này như sau: “Tranh họa sĩ Nguyễn Trọng Dũng với mảng màu nóng, có khuynh hướng tạo khối, các chi tiết được cân nhắc và biểu hiện tỉ mỉ mang lối tạo hình rất riêng; Họa sĩ Thân Trọng Dũng biết kết hợp sự hài hòa, có khi cách tân mạnh mẽ giữa màu sắc và ý tưởng sáng tạo để có độ sâu sinh trưởng; Họa sĩ Hồ Đình Nam Kha bút pháp trẻ trung, khỏe khoắn trong từng mảng, tạo nên diện mạo dung dị trong tranh của anh. Mỹ thuật Đà Nẵng là một bức tranh toàn cảnh mang dấu ấn thành tựu nghệ thuật đáng ghi nhận”. Tác giả trẻ và tác phẩm gây ấn tượng mạnh trong giai đoạn này phải kể đến họa sĩ Nguyễn Quang Huy với “Hương thời gian”; Thân Trọng Dũng với “Mùa vàng”; Hồ Đình Nam Kha với “Đồng dao”; Nguyễn Quang với “Anh em”; Nguyễn Trường Chinh với “Đẹp với thời gian”; Nguyễn Trung Kỳ với “Ra khơi sau bão”; Nguyễn Trọng Dũng với “Ấn tượng Mỹ Sơn”; Trần Thị Trúc với “Hoa chuối”; Nguyễn Thị Dư Dư với “Chân dung Mẹ Thứ”; Trịnh Thăng Sơn với “Không gian”; Tôn Nữ Tâm Hảo với “Thiếu nữ”; Nguyễn Duy Hối với “Xưởng đóng thuyền”;... Ngày 03 tháng 12 năm 2003, triển lãm chủ đề ngày mới của 04 họa sĩ Thân Trọng Dũng, Hồ Đình Nam Kha, Nguyễn Quang Huy, Nguyễn Trường Chinh gây quỹ ủng hộ vì người nghèo trong chương trình “Nối vòng tay lớn” của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gây ấn tượng mạnh cho phong trào Mỹ thuật Đà Nẵng về sau này.

Rất nhiều cuộc triển lãm nhóm của Câu lạc bộ họa sĩ nữ Đà Nẵng, Câu lạc bộ Đồ họa Đà Nẵng do cố họa sĩ, nhà điêu khắc Lê Huy Hạnh làm chủ nhiệm. Từ đây, thêm lớp họa sĩ, nhà điêu khắc kế cận như: Đỗ Thanh, Phan Thanh Hải, Trần Hữu Cân, Bảo Tân, Trương Nguyễn Nguyên Kha, Đặng Công Tuấn, Nguyễn Văn Yên, Nguyễn Văn Hiệp, Ngô Thanh Hùng, Đặng Thị Phượng, Mai Liên, Lê Lộc, Phan Minh Nhật, Phan Văn Thành, Trần Chí Thành, Trần Hải, Phạm Ngọc Bình, Đinh Hương, Nguyễn Thanh Bình, Lê Hữu Hóa, Lê Công Dũng, Nguyễn Thành Tựu, Nguyễn Văn Thương,... đã góp phần đem về cho Mỹ thuật Đà Nẵng những thành tựu mới, những thành công mới. Sự đa dạng về độ tuổi của hội viên đã tạo nên một sân chơi năng động. Các anh chị hội viên Trung ương thường xuyên tương tác hỗ trợ cho các họa sĩ địa phương về văn hóa và con người nơi đây, họ đã mang đến những kiến thức và kinh nghiệm quý báu giúp nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật sáng tác trong từng chất liệu, định hướng cho các họa sĩ trẻ. Các lãnh đạo Hội Mỹ thuật Đà Nẵng trong giai đoạn này đều là những họa sĩ có uy tín và nhiều kinh nghiệm. Họa sĩ Nguyễn Trọng Dũng - Chủ tịch Hội Mỹ thuật thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2008 - 2013, là người luôn bám sát chủ trương mở rộng quan hệ giao lưu nghệ thuật trong nước và quốc tế. Phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đề xuất lãnh đạo thành phố tiến hành thực hiện sưu tập các tác phẩm Mỹ thuật cho Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng. Họa sĩ Hồ Đình Nam Kha trong 02 nhiệm kỳ 2013 - 2018 và 2018 - 2023 đã có những đóng góp quan trọng trong việc xây dựng và phát triển các hoạt động của hội. Anh là người năng động, khởi xướng nhiều cuộc triển lãm quy mô lớn tiêu biểu như: Năm 2013 triển lãm mỹ thuật khu vực V Nam miền Trung và Tây Nguyên lần thứ 19 tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng; Phối hợp với Hội Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh giao lưu triển lãm tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2014; Năm 2022 triển lãm Mỹ thuật khu vực V Nam miền Trung và Tây Nguyên lần thứ 27 tại công viên APEC Đà Nẵng thành công để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng các họa sĩ 09 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Các cuộc triển lãm thời gian này không chỉ giới hạn ở các tác phẩm hội họa truyền thống, bao gồm cả điêu khắc, đồ họa sắp đặt và các loại hình nghệ thuật đương đại khác, thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng góp phần nâng cao vị thế Mỹ thuật địa phương so với khu vực. Song song với việc chú trọng chất lượng nghệ thuật, Ban Chấp hành hai nhiệm kỳ này chú trọng phát triển nghệ thuật cộng đồng, đưa Mỹ thuật gần với người dân thành phố hơn. Chú trọng phát triển hội viên nhất là hội viên trẻ cũng như các hoạt động của câu lạc bộ, trong hai nhiệm kỳ này kết nạp nhiều hội viên địa phương và giới thiệu kết nạp 05 hội viên vào Hội Mỹ thuật Việt Nam, nâng tổng số hội viên lên 84 người, trong đó có 31 hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Tiếp tục vận động sáng tác nhiều đề tài lớn  về “Lực  lượng vũ trang chiến tranh cách mạng”; “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; “Xây dựng nông thôn mới”; “Triển lãm Đà Nẵng trên tuyến đầu phòng, chống Đại dịch Covid-19 năm 2020”, đẩy mạnh các hoạt động phong trào Mỹ thuật tổ chức nhiều trại sáng tác cho lớp họa sĩ trẻ như: Nguyễn Hữu Đức, Lê Ngân Thũy; Nguyễn Thị Đào, Mai Minh Thành, Bùi Tuấn, Duy Phước, Trần Thị Ái Vân, Văn Tường Vy... tiếp nhận các hồ sơ chuyển sinh hoạt của các họa sĩ từ Huế vào như: Hà Hoàng Ngâu, Phạm Anh, Vũ Hữu Chung,...

Tích cực tham gia các sự kiện nghệ thuật quốc tế như giao  lưu với trường Đại học Mahasarakham (Thái Lan). Giao lưu chương trình biểu diễn và triển lãm nghệ thuật Đà Nẵng Daewoo “Thắm tình hữu nghị” tại công viên APEC, Đà Nẵng vào tháng 6 năm 2024. Mỹ thuật Đà Nẵng qua dòng chảy thời gian đã ghi dấu những thăng trầm của lịch sử, những biến đổi của xã hội và trở thành một cuốn nhật ký sống động về tâm hồn của người dân thành phố. Từ những tác phẩm mang đậm chất hiện thực ca ngợi cuộc sống mới đến những sáng tác đương đại đầy tính thử nghiệm, Mỹ thuật Đà Nẵng luôn phản ánh chân thực những biến động xã hội và tâm hồn con người. Các họa sĩ Đà Nẵng với tài năng và sự sáng tạo không ngừng đã góp phần làm phong phú, đa dạng đời sống văn hóa của thành phố. Chính họ là những người luôn dám nghĩ dám làm không ngừng khám phá những vùng đất mới của nghệ thuật. Qua các tác phẩm Mỹ thuật trong mỗi giai đoạn phát triển, chúng ta có thể nhận ra và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cuộc sống, khám phá những góc khuất tâm hồn và tìm thấy những ý nghĩa sâu xa. Mỹ thuật Đà Nẵng không chỉ đơn thuần là những tác phẩm nghệ thuật mà còn là một phần không thể thiếu của di sản lịch sử văn hóa thành phố Đà Nẵng, đó là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa con người với thiên nhiên. Việc tìm hiểu  về  lịch sử hình thành và phát triển của Mỹ thuật Đà Nẵng 50 năm qua, không chỉ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về quá khứ mà còn giúp chúng ta trân trọng hơn những giá trị hiện tại và hướng tới tương lai. Để tri ân những thế hệ họa sĩ đi trước, những người đã nền móng vững chắc để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa quý báu này, chúng ta cần có những định hướng, chính sách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho họa sĩ đi thực tế sáng tác và tham gia các cuộc triển lãm. Đồng thời, cần tăng cường giáo dục thẩm mỹ cho cộng đồng, giúp mọi người hiểu và trân trọng nghệ thuật một cách sâu sắc hơn.

T.T.D

Bài viết khác cùng số

Những chuyện tình đều đã cũKý ức tằm tangGiọt xuânThành phố 50 năm - Hành trình khát vọngCác nhà văn Đà Nẵng đóng góp vào sự phát triển của văn học nước nhà50 năm văn học nghệ thuật Đà Nẵng (1975 - 2025): Thành tựu và triển vọngĐà Nẵng - "Đêm trước của bình minh"Không thể nào quênCuộc gặp gỡ tình cờThơ Nguyễn Duy KhoáiThơ Lê Hải KỳThơ Nguyễn Đức HạtThị trấn Hoa Thiên Điểu tàn phía núiMùa xuân đang chờNghe tiếng trống phong yêu JangguĐổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động nhằm phát huy vai trò Hội Kiến trúc sư trong thời kỳ mớiNghệ thuật Múa Đà Nẵng đồng hành cùng sự phát triển của thành phố bên sông Hàn50 năm xây dựng và phát triển âm nhạc Đà NẵngNhiếp ảnh Đà Nẵng - 50 năm một chặng đườngMỹ thuật Đà Nẵng 50 năm hình thành và phát triểnPhát huy những giá trị nghệ thuật truyền thống Đà NẵngVai trò của văn hóa, văn nghệ dân gian trong đời sống người dân Đà NẵngLàm gì để phát triển công nghiệp văn hóa ở Đà NẵngÂm nhạc Phật giáo - tiếng vọng của từ bi và trí tuệTriển lãm nghệ thuật Đà Nẵng 50 năm - Khát vọng vươn mìnhTriển lãm nghệ thuật Đà Nẵng 50 năm - Khát vọng vươn mìnhThiếu nữ và senLung linh sông HànThành phố niềm tinSông Hàn rực rỡ mùa xuân