Làm gì để phát triển công nghiệp văn hóa ở Đà Nẵng
Đà Nẵng đạt danh hiệu Điểm đến sự kiện lễ hội hàng đầu châu Á.
Công nghiệp văn hóa là thuật ngữ sử dụng cho các ngành công nghiệp kết hợp sự sáng tạo, sản xuất và thương mại hóa các nội dung sáng tạo. Hay nói cách khác, công nghiệp văn hóa là sự ứng dụng những tiến bộ công nghệ và kỹ năng kinh doanh, sử dụng nguyên liệu đầu vào là sự sáng tạo, nguồn vốn văn hóa, nguồn vốn trí tuệ, để tạo đầu ra là các sản phẩm - dịch vụ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, hưởng thụ văn hóa của người dân.
Công nghiệp văn hóa thể hiện rõ xu thế kinh tế và văn hóa thấm vào nhau, đem lại lợi ích thiết thực về kinh tế, đồng thời làm phong phú đời sống tinh thần người dân, bảo tồn bản sắc dân tộc, tham gia hội nhập quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa của từng quốc gia, dân tộc.
Công nghiệp văn hóa xuất hiện ở những nước tiên tiến từ nhiều thập kỉ nay, tạo nên nhiều chuyển biến sâu sắc cho xã hội, mang lại nguồn thu lớn cho tổng sản phẩm trong nước. Ở châu Á thì Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc là những nước có ngành công nghiệp văn hóa phát triển vô cùng mạnh mẽ, trong đó, 85% thu nhập quốc dân ở Hồng Kông đến từ dịch vụ giải trí, truyền hình và quảng cáo. Nhật Bản thì rất mạnh về viết truyện, xuất bản truyện, làm quà lưu niệm, làm game từ các sản phẩm này. Hàn Quốc thì đầu tư mạnh cho các nhóm nhạc, phim truyền hình, và được các phương tiện truyền thông đưa đi khắp thế giới.
Thấy rõ vai trò, ý nghĩa của công nghiệp văn hóa đối với sự phát triển của đất nước, Đảng và nhà nước ta đã có những chủ trương và triển khai nhiều chính sách cụ thể nhằm phát triển ngành công nghiệp mới này. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: “Khẩn trương triển hai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công việc văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị và thành tựu của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới”. Năm 2024, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 30/CT-TTg “Về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam” với yêu cầu “sáng tạo, bản sắc, chuyên nghiệp, lành mạnh, bền vững, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu”.
Là đô thị lớn của miền Trung, nơi có cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ và hiện đại, là đầu mối giao thông của khu vực và cả nước, có trình độ dân trí khá cao so với mặt bằng chung, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng phát triển, đã và đang hướng đến một thành phố đáng sống, là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư, của du khách trong và ngoài nước, thành phố Đà Nẵng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Trung ương xác định công nghiệp văn hóa nước ta có 12 lĩnh vực: Quảng cáo, Kiến trúc, Phần mềm và các trò chơi giải trí, Thủ công mỹ nghệ, Thiết kế, Điện ảnh, Xuất bản, Thời trang, Nghệ thuật biểu diễn, Mỹ thuật - nhiếp ảnh - triển lãm, Truyền hình - phát thanh, Du lịch văn hóa.
Thành phố Đà Nẵng hiện có cả 12 lĩnh vực công nghiệp văn hóa nói trên, tuy nhiên, trước hết và chủ yếu cần tập trung đầu tư phát triển các lĩnh vực: Nghệ thuật biểu diễn; Điện ảnh; Du lịch văn hóa; Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, bởi các lĩnh vực này có nhiều tiềm năng và lợi thế hơn so với các lĩnh vực còn lại
Về nghệ thuật biểu diễn
Thành phố hiện có hai đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, đó là Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (nghệ thuật truyền thống) và Nhà hát Trưng Vương (nghệ thuật đương đại). Bên cạnh những chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị như lâu nay, hai nhà hát cần xây dựng những chương trình riêng, chủ yếu phục cho nhu cầu giải trí cho nhân dân và cho du khách để có nguồn thu nhằm tái đầu tư cho việc dàn dựng chương trình.
Theo đó, nhà hát Tuồng tập trung đầu tư xây dựng các chương trình nghệ thuật truyền thống như Tuồng, Dân ca, Múa hát Chăm, còn Nhà hát Trưng Vương dàn dựng những chương trình mang tính chất mới mẻ, hiện đại. Các chương trình này sẽ vừa biểu diễn định kỳ tại Nhà hát, vừa sẵn sàng biểu diễn lưu động bên ngoài theo đề nghị của các cơ quan, đơn vị, nhất là các doanh nghiệp phục vụ du lịch.
Trên địa bàn thành phố, một số chương trình nghệ thuật do các doanh nghiệp tư nhân tổ biểu diễn như: Vũ hội Ánh Dương, Trận chiến ở Vương quốc Mặt Trăng, Fairy Blosson tại Bà Nà Hill, Charming tại Nhà văn hóa Lao động thành phố, Vũnhạckịch Tiên Sa tại Nhà hát Trưng Vương… có chất lượng tốt, được đầu tư với qui mô lớn, dàn dựng chuyên nghiệp, nội dung phong phú, nghệ thuật trình diễn hiện đại, thu hút đông đảo người xem. Chính quyền thành phố, trực tiếp là Sở Văn hóa - Thể thao cần khích lệ, động viên, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các chương trình này tồn tại và phát triển.
Về sân khấu biểu diễn, thành phố hiện đang rất thiếu thốn. Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh sức chứa chỉ 300 khán giả, Nhà Trưng Vương chứa chưa đến 1000 khán giả, Sân khấu pháo hoa bên bờ sông Hàn (pháo hoa cũng có thể được coi là nghệ thuật biểu diễn) thì chỉ tạm thời (được dựng lên theo từng mùa bắn pháo hoa rồi tháo gỡ). Nếu có những chương trình nghệ thuật lớn như chương trình của nhóm nhạc nữ Hàn Quốc BlackPink, các chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc ở ta hiện nay như: Anh trai say hi, Anh trai vượt ngàn chông gai với yêu cầu sức chứa lên đến vài chục ngàn khán giả thì không thể tổ chức được ở Đà Nẵng. Do vậy, yêu cầu đặt ra là Đà Nẵng cần có sân khấu biểu diễn lớn, khang trang, hiện đại. Trước đây, thành phố đã qui hoạch 4,2 ha đất để xây dựng Nhà hát thành phố tại khu đô thị Đa Phước thì nên có kế hoạch sớm triển khai thực hiện. Địa điểm trình diễn pháo hoa được qui hoạch ở Công viên Châu Á (quận Hải Châu), và sân khấu xem pháo hoa bên đối diện (quận Ngũ Hành Sơn) cũng cần khuyến khích, tạo điều kiện cho Công ty CP Tập đoàn Mặt trời (Sun Group) triển khai càng sớm càng tốt. Sân khấu không chỉ phục vụ cho việc trình diễn pháo hoa hàng năm mà còn có thể phục vụ cho các chương trình biểu diễn nghệ thuật hoành tráng khác.
Khi có được hạ tầng biểu diễn nghệ thuật (Nhà hát, các quảng trường, sân khấu ngoài trời rộng lớn) thì thành phố cũng cần có kế hoạch (hoặc thông qua các doanh nghiệp) liên hết với các đơn vị lớn ở hai đầu đất nước và ở nước ngoài về biểu diễn phục vụ nhân dân và du khách.
Về Điện ảnh
Nghệ thuật điện ảnh xuất hiện khá sớm ở Đà Nẵng nhưng phát triển chậm so với hai đầu đất nước, mặc dầu nơi đây có nhiều tiềm năng.
Trước hết, cảnh quan thành phố có núi, có sông, có đồng, có biển, như một phim trường tự nhiên khổng lồ, rất thuận lợi về bối cảnh để các nhà làm phim ghi hình. Về mặt xã hội, đây là mảnh đất có nhiều biến động lớn trong lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm bảo vệ đất nước ta (cả Pháp và Mỹ đều mở đầu cuộc xâm lăng Tổ quốc ta qua cửa biển Đà Nẵng). Thời kỳ xây dựng hòa bình, Đà Nẵng nổi lên là thành phố đầy trẻ trung, đầy năng động. Con người xứ Quảng nói chung, Đà Nẵng nói riêng khẳng khái, giàu lòng yêu nước, khát khao đổi mới. Tất cả những yếu tố trên là nguồn cảm hứng, là chất liệu, đề tài cho các ngành nghệ thuật nói chung, điện ảnh nói riêng, sáng tạo nên tác phẩm. Thực tế cho thấy, nơi nào được các nhà làm phim tên tuổi đến quay phim, chọn làm bối cảnh phim thì sau khi phim được trình chiếu, nơi đó sẽ trở thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn. Ngành du lịch Trung Quốc triệt để khai thác các địa điểm như thế này thành điểm tham quan sau khi thực hiện xong các phim cổ trang, lịch sử. Ở nước ta, sau khi đạo diễn Victor Vũ thực hiện bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh vào năm 2015 thì khách du lịch đến Phú Yên luôn tìm đến những địa điểm đã được ghi hình vào phim. Du khách đến Tây Bắc, qua Hà Giang thì không quên tìm đến ngôi nhà cổ từng là bối cảnh trong bộ phim Chuyện của Pao của đạo diễn Ngô Quảng Hải thực hiện năm 2006. Còn ở Quảng Bình thì có hồ Yên Phú, nơi được đạo diễn người Mỹ Jondan Vogt-Roberts chọn làm bối cảnh quay phim Kong: Đảo Đầu lâu cũng trở nên một điểm đến hấp dẫn cho du khách.
Cho đến nay, các đoàn làm phim truyện nước ngoài chưa mặn mà vào làm phim ở nước ta, mặc dù bối cảnh làm phim ở ta, trong đó có Đà Nẵng, không hề thua kém các nước trong khu vực, bởi các lý do: Một là, thủ tục hành chính còn nhiêu khê (yêu cầu phải nộp kịch bản đầy đủ, thời gian lưu trú hạn chế…), hai là, chưa có chính sách ưu đãi về thuế (hầu hết các nước chung quanh ta ưu đãi từ 20-35%), ba là, ta chưa sẵn sàng hợp tác sản xuất và cung cấp các dịch vụ cho các đoàn làm phim.
Luật Điện ảnh (sửa đổi) năm 2022 đã cho nới lỏng hai điều trên (Chỉ cần nộp kịch bản tóm tắt và sẽ ưu đãi thuế), riêng việc hợp tác sản xuất và dịch vụ làm phim thì thành phố cần sẵn sàng, tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp đủ khả năng và điều kiện thực hiện.
Xây dựng phim trường để kêu gọi các nhà làm phim trong nước và quốc tế đến sản xuất phim cũng cần được tính đến. Nếu thành phố Đà Nẵng bố trí được 50 ha rồi kêu gọi hợp tác đầu tư để có một phim trường lớn, hiện đại thì khả năng thu hút các đoàn làm phim sẽ có tính khả thi cao.
Đối với thể loại phim tài liệu (phản ánh câu chuyện về người thực, việc thực) thì Đà Nẵng đã và đang có một đội ngũ những người làm phim chắc tay, yêu nghề, tâm huyết (đang sinh hoạt tại Hội Điện ảnh Đà Nẵng) đã khẳng định chỗ đứng vững vàng của mình trước đồng nghiệp khắp nơi, sản xuất được nhiều bộ phim đoạt giải thưởng cao trong nước và quốc tế. Khi một bộ phim tài liệu do người Đà Nẵng sản xuất, lấy câu chuyện, bối cảnh từ Đà Nẵng được tham dự các Liên hoan phim, chiếu ở rạp, phát trên sóng truyền hình trong nước và quốc tế thì có nghĩa là đã góp phần quảng bá Đà Nẵng ra cả nước và thế giới. Lãnh đạo thành phố cần tiếp tục thực hiện và nâng cao chính sách động viên, đãi ngộ, khen thưởng xứng đáng cho đội ngũ làm phim tài liệu này (hỗ trợ sáng tác kịch bản, làm phim, phát hành, trao tặng giải thưởng, đặt hàng sản xuất…).
Thành phố có dòng sông Hàn vắt qua như một dải lụa mềm, cùng các cây cầu có kiến trúc đẹp tạo nên sức quyến rũ cho dòng sông, nhất là về ban đêm. Việc sử dụng công nghệ 3D Mapping chiếu trên mặt nước sông Hàn về đêm thì chắc chắn sẽ tạo nên nét đẹp lung linh, huyền ảo, cuốn hút đông đảo người dân và du khách.
Thành phố Đà Nẵng có đủ khả năng, đủ điều kiện để tổ chức các Liên hoan phim lớn. Liên hoan phim quốc gia (Giải Bông Sen Vàng) được tổ chức rất thành công tại đây lần 1 năm 1988, lần 2 năm 2017. Và gần
đây, liên tục 2 năm 2023, 2024, thành phố đã phối hợp với Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam tổ chức rất thành công Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng lần 1 và lần 2. Hiện lãnh đạo thành phố đã ký văn bản cam kết với Hiệp hội nói trên tiếp tục hợp tác tổ chức thêm 5 năm nữa. Nên chăng, thành phố có quyết định tổ chức thường xuyên Liên hoan này để sở hữu hẳn thương hiệu “Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng” như Liên hoan phim Busan của Hàn Quốc. Cách đây 30 năm, liên hoan phim Busan 1995 được tổ chức lần đầu rất khiêm tốn tại một thành phố không mấy tên tuổi. Nhưng sự kiện đó đã đồng hành với sự lớn mạnh của điện ảnh Hàn Quốc. Vô số phim xuất sắc của Hàn Quốc và thế giới đã quy tụ về đây. Bây giờ, Busan được cả thế giới biết đến và thu hút khách du lịch vào loại nhất, nhì ở Hàn Quốc. Đây có thể được coi là bài học quý mà thành phố Đà Nẵng cần tham khảo, nghiên cứu nhằm xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh.
Về du lịch văn hóa
Trong cơ cấu phát triển kinh tế của thành phố, dịch vụ - mà chủ yếu là dịch vụ du lịch, được xác định là mũi nhọn. Du lịch của thành phố có nhiều loại hình khác nhau, trong đó du lịch văn hóa có vai trò, vị trí khá quan trọng, có tiềm năng và lợi thế khá lớn để phát triển. Loại hình du lịch này có ưu điểm lớn là không lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, có thể phục vụ du khách quanh năm chứ không như loại hình du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái…
Trước hết, hệ thống di sản văn hóa khá phong phú và độc đáo của thành phố là nguồn tài nguyên dồi dào của ngành du lịch. Danh thắng Ngũ Hành Sơn hội tụ đến 4 di sản văn hóa quốc gia và quốc tế. Trong lòng Di tích quốc gia đặc biệt này có hai di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là Nghề đá mỹ nghệ Non Nước, Lễ hội Quán Thế Âm, một di sản Tư liệu ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương được UNESSCO vinh danh là văn khắc Hán - Nôm trên vách đá (còn gọi là Ma Nhai). Di tích quốc gia đặc biệt khác là Thành Điện Hải - công trình phòng thủ quan trọng bậc nhất dưới thời nhà Nguyễn, nơi diễn ra cuộc đọ sức quyết liệt, một mất một còn của quân dân ta trong buổi đầu kháng chiến chống Pháp xâm lược giữa thế kỷ XIX, đã và đang được bảo tồn, tu bổ và phục hồi nguyên trạng. Nơi đây, nếu thành phố đầu tư xây dựng một bảo tàng hình tròn (panorama) bằng công nghệ 3D (như bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ) để tái hiện cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tại thành Điện Hải thì sẽ là một điểm đến tham quan vô cùng hấp dẫn.
Hải Vân Quan là di tích quốc gia chung của thành phố Huế và thành phố Đà Nẵng, vừa thực hiện xong dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi, và đang được đưa vào phục vụ khách, bước đầu trở thành một điểm tham quan thú vị, hàng ngày thu hút trên cả ngàn lượt du khách. Việc cùng nhau quản lý chung một di tích văn hóa - lịch sử cấp quốc gia là điều chưa có tiền lệ ở nước ta. Do vậy, ngành văn hóa hai địa phương cần phối hợp xây dựng qui chế hoạt động chặt chẽ, đảm bảo tốt bảo vệ di tích đồng thời khai thác tốt nguồn thu nhằm trang trải công tác quản lý và tu bổ di tích quan trọng chung này.
Vấn đề đặt ra là giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển du lịch. Ngành văn hóa cần đổi mới cách nghĩ, cách làm theo hướng khai thác một cách hợp lý các di sản văn hóa để có nguồn thu nhằm góp phần phát triển kinh tế địa phương và đầu tư trở lại cho việc bảo tồn di sản văn hóa. Và ngành du lịch cũng phải có trách nhiệm góp phần bảo tồn di sản văn hóa để nuôi dưỡng nguồn thu một cách bền vững. Tuyệt đối không để hoạt động du lịch xâm hại làm xuống cấp các di tích, di sản văn hóa.
Đà Nẵng là một trong vài tỉnh thành hiếm hoi trong cả nước có hệ thống bảo tàng đa dạng, độc đáo và hoạt động rất có hiệu quả. Đó là 5 bảo tàng công lập, gồm: Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Quân khu 5, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Chi nhánh Quân khu 5 cùng 3 bảo tàng ngoài công lập. Các bảo tàng này hiện đang bảo quản và trưng bày hàng ngàn hiện vật quí hiếm, độc đáo, có giá trị cao về văn hóa, lịch sử, trong đó có cả chục bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Những năm gần đây, nhờ được cải tạo, tu bổ, nâng cấp cơ sở vật chất, thực hiện mạnh mẽ việc áp dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số (đưa vào sử dụng hệ thống thuyết minh tự động, quản lý hiện vật bằng công nghệ quét mã QR, ứng dụng tham quan ảo VR 360, sử dụng phần mềm bản đồ di tích để quảng bá và phục vụ khách tham quan từ xa…) nên thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm, được xếp vào nhóm các bảo tàng hoạt động hiệu quả nhất cả nước.
Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm
Thành phố hiện đang có một đội ngũ các nghệ sĩ hoạt động trên lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh khá đông đảo, thiết tha yêu nghề, lăn lộn trong thực tế cuộc sống, say sưa sáng tạo nghệ thuật. Khá nhiều tác phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ đạt được nhiều giải thưởng cao trong nước và quốc tế. Các trại sáng tác, các chuyến đi thực tế, các cuộc trưng bày, triển lãm tác phẩm của tập thể hoặc cá nhân được tổ chức khá thường xuyên. Tại Bảo tàng Mỹ thuật thành phố, các cuộc giao lưu, trao đổi nghề nghiệp giữa các nghệ sĩ mỹ thuật và nhiếp ảnh thành phố với các nghệ sĩ ở Trung ương, ở các địa phương bạn và cả nghệ sĩ đến từ các châu lục cũng thường diễn ra, tạo nên không khí phấn khởi và truyền cảm hứng sáng tạo nghệ thuật.
Thời gian qua, Đà Nẵng nổi lên là điểm đến thú vị của nhiều nghệ sĩ tài năng trong nước và quốc tế. Vì yêu mến Đà Nẵng mà họ mang đến triển lãm và gửi lại cho Đà Nẵng lưu giữ, trưng bày những đứa con tinh thần của mình. Nhờ vậy mà Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng sở hữu được nhiều tác phẩm nghệ thuật quý hiếm, độc đáo, có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Ông Ytoh, một nhà sưu tập lão thành Nhật Bản đã hiến tặng 250 tác phẩm hội họa mà ông đã dày công sưu tầm ở Việt Nam trong hơn 30 năm, trong đó có cả tranh của các danh hoạ thời Mỹ thuật Đông Dương. Ngoài ra, tại Bảo tàng còn có không gian riêng trưng bày tác phẩm của nhiều họa sĩ nổi tiếng như Lê Công Thành, Lê Bá Đảng, Vũ Trọng Thuấn, Lê Vĩnh Khoa, có cả tranh của danh họa Bùi Xuân Phái… Có thể nói rằng, hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm ở Đà Nẵng khá thường xuyên và sôi nổi, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ ngoại giao văn hóa, ngoại giao nhân dân của thành phố.
Để mỹ thuật và nhiếp ảnh trở thành công nghiệp văn hóa của thành phố thì việc đầu tư xây dựng một Nhà Triển lãm bề thế, khang trang là yêu cầu rất thiết thực. Bởi lâu nay, nơi trưng bày, triển lãm tác phẩm của anh chị em rất đơn sơ, tạm bợ, thường bị động khi tổ chức như ở hai bên bờ Sông Hàn, Thư viện Tổng hợp, Công viên APEC…
Với tầm nhìn xa, bao quát, thành phố cũng nên tính đến một Sàn đấu giá tranh tầm cỡ Châu Á hoặc khu vực, như sàn đấu giá tranh ở Hồng Kông hoạt động rất hiệu quả, đóng góp đáng kể ngành công nghiệp văn hóa ở Đặc khu Hong Kong. Thành phố có thể kêu gọi các doanh nghiệp lớn đầu tư cho Sàn đấu giá tranh này.
Tóm lại, 12 lĩnh vực công nghiệp văn hóa ở nước ta mà Trung ương đã xác định đều hiện hữu ở Đà Nẵng. Mỗi lĩnh vực đều có vài trò, vị trí khác nhau, đều có điểm mạnh, điểm yếu riêng. Trong khi đề xuất chọn 4 lĩnh vực như trên để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm thì các lĩnh vực khác không thể bị xem nhẹ, mà tùy theo khả năng, điều kiện để đầu tư, cùng phát triển.
Công nghiệp văn hóa phải tính đến hiệu quả kinh tế, nhưng hiệu quả kinh tế chưa phải là tất cả, vì vậy không nên đơn giản chỉ lấy kinh tế để đánh giá việc thành bại của công nghiệp văn hóa. Công nghiệp văn hóa hình thành và phát triển phải có một quá trình, do vậy tránh tư tưởng nóng vội, đòi hỏi phải chứng minh ngay tính hiệu quả, mà cần có một thời gian nhất định, thậm chí là dài lâu. Để công nghiệp văn hóa thành phố có điều kiện phát triển nhanh và mạnh thì cần phải có cơ sở vật chất rộng rãi, khang trang, có trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, hiện đại, thường xuyên đổi mới. Việc huy động các nguồn lực trong xã hội, liên hết, hợp tác với bên ngoài, kể cả nước ngoài, để đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ hiện đại là vô cùng cần thiết, có ý nghĩa quyết định. Và bao trùm lên tất cả là nhân tố con người, cần có kế hoạch lựa chọn, qui hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ có năng lực, trình độ, yêu nghề, tâm huyết, trách nhiệm để đảm trách nhiệm vụ quan trọng này.
H.H