Những chuyện tình đều đã cũ

12.03.2025
Truyện ngắn của Lệ Hằng

Những chuyện tình đều đã cũ

Minh họa: Hồ Đình Nam Kha

Đó là lần cuối cùng tôi thấy Lam.

Vào một chiều Chủ nhật, tại phòng trưng bày nghệ thuật mà chúng tôi thường xuyên ghé qua. Khi ấy bên ngoài còn nắng đượm vàng như mật dù sương sắp sửa xuống, chúng tôi đi giữa những bức tranh xám lạnh gợi vẻ u buồn cũ kỹ. Tôi không chắc mình thích gì nơi ấy nhưng đó là địa điểm duy nhất được chọn vì phòng trưng bày cũng là một quán cà phê, có thể ngồi bao lâu cũng được, cà phê chỗ ấy lại ngon, phải nói là ngon nhất xứ, hơn hết thảy các quán tôi đã thử trong thị trấn nhiều sương và đầy khách du lịch ấy. Tôi nhớ mãi vị cà phê mình đã uống, và nhớ mãi vẻ lặng lẽ của những buổi chiều mình đã đi qua. Tôi chớm ba mươi, đường đời khúc khuỷu, sau một đoạn chông chênh mất định hướng thì dạt về một nơi mình chưa bao giờ nghĩ tới và làm một công việc rất kỳ cục nhưng kiếm ra tiền. Về bản thân, căn bản chẳng có gì quan trọng để kể, tôi muốn nói về con người nơi ấy hơn.

Đó là cái xứ mà cả khách lẫn chủ ai cũng mang vẻ trầm mặc hệt như những lâu đài cổ trong truyền thuyết. Thị trấn du lịch nhưng chẳng ồn ào, không có nhiều âm thanh bên ngoài mà chỉ có sự sống động của nội tâm, người ta nói rất ít, trong tầm mắt tôi, mỗi người lướt qua mang theo một gương mặt đầy tâm sự, họ di chuyển cùng với thế giới nội tâm của mình, tôi như thấy được rõ ràng, một thứ gì đó sánh quyện như sương lúc chiều tà. Chỉ có người chủ quán là thỉnh thoảng bắt chuyện với chúng tôi. Chị ấy đứng tuổi, cao, gầy, tướng người quý phái, gương mặt đượm nét thanh tân và buồn bã. Chị tưởng tôi và Lam là một cặp và điều đó gợi cho chị một nỗi nhớ hay kỷ niệm gì đấy khiến chị muốn nói chuyện. Một hiểu lầm nho nhỏ mà hợp lý, ai nhìn vào cũng nghĩ như chị thôi, rằng chúng tôi yêu nhau. Nếu không phải là tình nhân thì ở tuổi này làm gì có một nam một nữ ngồi cùng nhau suốt những chiều Chủ nhật như thế. Chúng tôi dĩ nhiên có nhiều cơ hội để đính chính với chị nhưng Lam không làm thế, tôi cũng không làm thế, đúng ra thì không việc gì phải quan tâm đến cảm xúc của chị thế mà tôi vẫn sợ làm chị cụt hứng. Ý nghĩ chúng tôi yêu nhau đã làm nảy nở trong lòng chị một thứ cảm xúc dễ thương nào đó mà tôi không nỡ lấy đi. Chị không biết tôi và Lam chỉ vô tình va vào nhau, vô tình mà gần nhau, vô tình mà ở đó, lặng lẽ như hết thảy cư dân của xứ sở sương giăng như mộng ấy. Lam am tường về côn trùng và cây cỏ trong vùng và đó là những gì tôi cần cho công việc của mình. Tôi cũng mang đến cho Lam vài thứ nàng cần, chẳng hạn như sự im lặng, điều mà tôi đã làm rất tốt. Một cô gái kỳ lạ và nhàm chán, thường xuyên nói về những nỗi buồn như một ám ảnh khó hiểu dù tôi thấy chúng chẳng liên quan gì đến cuộc sống đang diễn ra. Lam cần một người đủ kiên nhẫn để ngồi nghe nàng nói, có khi cả tiếng đồng hồ. Sự im lặng dường như là thỏa thuận ngầm giữa chúng tôi. Chỉ cần nghe, không cần hỏi, không cần phụ họa, cũng không cần hiểu.

Thực ra cũng chẳng có gì để hiểu vì nàng chỉ nói về nỗi buồn nằm trong những bức tranh. Phòng  trưng  bày có một góc chiếm đến gần một phần ba không gian chỉ treo tranh của một họa sĩ, duy nhất họa sĩ ấy và bức nào cũng có tông màu chủ đạo là xanh lam. Một thứ sắc xanh buồn  bã  vì tuy là xanh đấy, nhìn vào biết là xanh nhưng không phải kiểu xanh của hy vọng, bình an hay là xanh như bầu trời tháng tám mà nó pha thêm với nhiều đen, trắng, rồi thêm chút tím hoặc chút xanh lá đậm tạo nên một thứ xám xanh ám ảnh. Tôi biết những điều này là bởi Lam nói thế. Những bức tranh buồn. Lam bảo đấy là những bức tranh buồn. Và đẹp. Đó là lý do tại sao chúng tôi có mặt nơi ấy, quán ấy chứ không phải chỗ nào khác.

Nhiều lần Lam bảo em không thích những gì buồn bã, một bản nhạc buồn, một góc quán cà phê đìu hiu, một tiểu thuyết, một câu chuyện, một bộ phim hay một bức tranh buồn đều không phải là thứ em tìm kiếm nhưng em lại không thể rời chúng. Em bị chúng thu hút, anh ạ. Lam nói khi nàng đứng trước một bức tranh mà tôi nhìn vào chỉ toàn thấy màu xanh sẫm tối, thật ra cũng có chút vàng chút cam và có một nụ cười nhưng tất cả không cứu được cảm giác u buồn mà tôi thấy nơi Lam. Đôi lần tôi cũng nổi máu anh hùng muốn nói cái gì đó hay là làm cái gì đó để giải cứu người con gái ngây thơ và buồn bã ấy khỏi những ám ảnh vô lý nhưng tôi không làm. Quan hệ giữa chúng tôi chưa thân mật đến mức can thiệp vào nỗi buồn của nhau, mà giả sử làm được đi thì tôi lại sợ dính đến tình cảm, cơ bản tôi sợ trách nhiệm, sợ ràng buộc, không rõ lắm, có một nỗi sợ mơ hồ lảng bảng như sương. Hơn nữa, với những chuyện phi lý thế này thì tôi biết có nói gì cũng không giải quyết được. Chí ít cũng phải hiểu nguồn cơn nỗi buồn ấy nó là thế nào mới có thể giúp, mà tôi nghe Lam nói bao nhiêu lần vẫn thấy mơ hồ, nỗi buồn viễn vông như thuộc về một thế giới khác. Điều duy nhất tôi nhận ra là đôi mắt mở to chăm chú đầy cảm xúc của Lam mỗi khi nàng đối diện với thứ buồn cố hữu. Có cần phải mở to mắt để đón lấy thế giới buồn bã trong tranh cách ngấu nghiến vậy không? Nếu nỗi buồn là dòng suối thì Lam đang để cho nó chảy vào mình mà không phòng vệ, có đáng không? Nên không? Em có thể lơ chúng đi mà, đúng chứ. Tôi đã thử bảo thế nhiều lần, trong tâm tưởng, và lúc nào cũng nhận được một câu trả lời, cũng trong tâm tưởng, rằng em không tìm kiếm chúng, em bị chúng thu hút vì chúng quá đẹp. Tôi nghĩ mình không thể thay đổi được ai, dần dà thấy mọi thứ thật bình thường.

Chúng tôi gặp nhau vào Chủ nhật, khi này khi khác, tôi nghe Lam nói trong im lặng hoàn toàn, rõ ràng nàng có thể nói những điều đó một mình nhưng nàng vẫn cần người nghe dù chẳng để làm gì. Hoặc là, với nàng, sự im lặng của tôi cũng có giá trị hùng biện ngang bằng với tất cả âm thanh nàng tạo ra. Dù sao thì tất cả chuyện này đã trở thành thói quen, tôi cứ mãi dừng chân bên một nỗi buồn mà không cần tìm hiểu, cũng như Lam không cần biết tôi nghĩ gì về chúng hay nghĩ gì về nàng. Tôi sợ mình sẽ yêu, yêu Lam mất thôi nên phải cố dừng chân nơi ranh giới của sự im lặng. Nếu một ngày tôi nói ra điều gì đó thì sao? Lam sẽ phản ứng thế nào? Tôi có thể phá vỡ cái điệu buồn cố hữu ấy không? Thế giới của Lam có vì tôi mà chông chênh sóng gió? Tôi vẫn chưa sẵn sàng để chịu trách nhiệm với tình cảm của mình mà Lam thì mong manh nhạy cảm chân thành quá. Thành ra, tôi âm thầm đón nhận ánh mắt của chị chủ quán mỗi khi nhìn chúng tôi, và âm thầm coi việc ngồi bên nhau như thói quen cố hữu. Và càng thêm nhiều chiều Chủ nhật như thế thói quen càng thêm củng cố.

Rồi một buổi chiều Lam không tới. Dạo ấy sức khỏe nàng hình như không tốt. “Hình như” thôi vì tôi để ý thấy nàng có vẻ xanh xao hay thở dốc chứ không hỏi nhiều, chúng tôi đâu phải là quan hệ yêu đương nên tôi nghĩ mình không được phép. Khi ấy, tôi thực sự không còn cần Lam hỗ trợ cho công việc của mình nữa vì tôi đã nắm bắt được kha khá thứ và tự mình hoàn toàn có thể xoay xở được nhưng tôi không cho Lam biết, căn bản là tôi không thể bỏ được một thói quen. Lam không đến, tôi ngồi cả buổi chiều trước những bức tranh. Chị chủ quán bất ngờ ngồi xuống cạnh tôi, vị trí Lam vẫn ngồi. Chị không hỏi gì cả, chỉ nói về mấy bức tranh, gần như những gì Lam đã nói. Có phải chị nghe trộm chúng tôi những chiều Chủ nhật trước? Tôi nghĩ nhưng rồi mặc kệ chẳng buồn hỏi đến làm gì. Chị nói xong thì bất ngờ hỏi tôi có biết tác giả của chúng không? Hẳn rồi, tôi biết, bức tranh nào cũng có một cái tên bên dưới. Nhưng chị không hỏi điều hiển nhiên ấy. Chị muốn tôi nghe một câu chuyện. Chuyện tình buồn của chị với một người họa sĩ. Người mà chị đã bỏ tiền ra mua rất nhiều tranh và dành ra gần một phần ba không gian nghệ thuật này. Đúng là khi người ta có tiền, người ta yêu cũng khác, tôi thầm nghĩ lúc chị bắt đầu kể chi tiết.

Một thiên tình sử như bất kỳ câu chuyện tình yêu nào khác trên trái đất, kể cả chi tiết người họa sĩ đã có vợ con thì cũng không có gì gọi là động trời cả. Điều duy nhất khiến tôi chú ý chính là câu hỏi cuối cùng của chị, rằng liệu có phải chị đã yêu, liệu tình yêu có thật sự tồn tại? Họ đã có những khoảnh khắc với nhau, có vô số điều riêng tư chỉ dành riêng cho nhau, cũng đã có đau khổ có nước mắt có sân hận nhưng cuối cùng khi người họa sĩ ấy không còn vẽ những bức tranh buồn u uất mà tôi đang ngắm đây thì chị cũng hết yêu. Tự nhiên nó hết thôi. Một ngày thức dậy thấy không còn gì nữa, mọi chuyện đều là chuyện đã qua. Tình yêu, nó có phải là cơn cảm nắng bất chừng mà người ta sẽ qua khỏi khi được uống thuốc và uống đúng thuốc? Chị không thoải mái với trạng thái hết yêu ấy của mình, kỳ lạ, đau khổ đấy nhưng người ta như nghiện nỗi đau. Đáng ra chị phải vui mừng sung sướng khi tự mình đã giải thoát chính mình khỏi mối quan hệ không thể đi đến đâu vì người đàn ông chị yêu không bao giờ từ bỏ gia đình để đến với chị. Đáng ra phải thấy đầy ân phước vì bản thân không còn lụy vì tình, đáng ra có thể làm một người ung dung tự tại và kiêu bạc trước đàn ông như thế phải khiến người ta sảng khoái tinh thần, vậy mà không, chị thấy hụt hẫng và mất mát. Đúng là có mất mát thật, mất một nỗi đau, mất một mối nguy, mất nỗi muộn phiền. Nghĩ lạ chưa, người ta đã phải lén lút quan tâm lén lút thân mật với người đàn ông đã có vợ rồi lén lút khóc bao năm rồi nhưng khi tình cảm không còn gì để níu kéo, người ta khó chịu, người ta hoang mang. Tại sao? Tại người ta mất lòng tin vào chính mình và vào tình yêu, thứ mà họ sẵn sàng đánh đổi bình yên để đặt cược đời mình vào đó. Người ta tưởng mình có thể tin đinh ninh vào chính mình vậy mà chẳng phải, chẳng có điều gì vững bền như người ta nghĩ. Mà rốt cuộc có cái gì gọi là tình yêu không? Tôi không trả lời được. Tôi cũng không biết liệu tôi và Lam, những gì tôi đã cảm thấy ấy, nó có phải là tình yêu, thứ mà chị đã ảo tưởng còn tôi thì rụt rè. Rồi chị bảo chị nghĩ là có mỗi khi nhìn thấy tôi và Lam ở bên nhau. Sự hiện diện của chúng tôi là cái gì đó như một niềm an ủi, một đốm lửa nhen lên nơi cõi lòng lạnh giá của chị. Tôi, chị chủ quán, Lam, giữa chúng tôi dường như tồn tại những kết nối vô hình, chúng tôi chuyển động để tạo ra cái gọi là duyên phận chăng? Tôi tìm Lam suốt những ngày sau đó.

Tôi đã tìm và đã gặp và tiếp tục một buổi chiều Chủ nhật trong không gian của người phụ nữ giàu có đáng kính và khó hiểu kia. Hôm ấy, tôi nghĩ rằng mình sẽ nói điều gì đó khác ngoài thứ ngôn ngữ không lời mà tôi đã nói suốt bao nhiêu buổi chiều trong không gian ấy. Thế mà, Lam chẳng nói về bức tranh nào nữa. Nàng kể tôi nghe một câu chuyện và nó thậm chí còn buồn hơn. Mẹ nàng, trước khi gặp cha nàng, là vợ chưa cưới của người khác, một người đàn ông sống trong căn biệt thự ngay dưới dốc này, nàng nhìn ra ngoài, mùa này sương xuống sớm và tôi thấy sương hòa trong nắng, những chóp nhà xa mờ im lìm như muốn chìm vào phông nền bàng bạc, có khi chúng như đang trôi, những ngôi nhà dường như không còn cố định vào đất nữa mà trôi trôi. Mẹ nàng yêu cha nàng bằng thứ tình đậm sâu trường cửu, thứ tình vẫn có trong các tiểu thuyết diễm tình. Phải rồi, nó là kiểu tình yêu mà chị chủ quán đã nói. Khi ấy, tôi nghĩ dẫu mẹ nàng có trải qua trăm ngàn nhọc nhằn đau khổ mới đến được với cha nàng, dẫu bi kịch đến thế nào đi nữa thì mẹ nàng vẫn hạnh phúc hơn chị ấy biết bao. Chẳng phải với mẹ nàng, tình yêu là điều có thật và bà có thể kiêu hãnh bởi đã đấu tranh vì nó, bảo vệ nó, sống với nó cho tới cuối cùng. Cho tới cuối cùng là cho tới lúc chết, mẹ nàng đã mất, và tôi biết nàng đã có một gia đình trọn vẹn, trước đó, thỉnh thoảng khi nói chuyện nàng có tiết lộ với tôi đôi điều về cha mẹ mình, tôi âm thầm ngưỡng mộ họ như người ta ngưỡng mộ một thiên diễm tình.

“Anh có tin là có cái gì đó gọi là tình yêu không?”.

Bất ngờ, nàng hỏi. Tôi khựng lại, không trả lời vì cảm giác câu hỏi đột ngột quá mà tôi thì chưa nắm bắt được ý tứ của nàng. Chúng tôi nhìn nhau. Nàng cười, rồi lại nhìn lơ đễnh ra bên ngoài, dường như không thực sự chờ đợi câu trả lời.

“Có chứ, có lẽ là có”.

Tôi nói bằng tất cả sự rụt rè của mình. Chị chủ quán đã hỏi câu này, tôi cũng hỏi câu này, tôi hỏi chính mình hàng trăm lần rồi, giá mà tôi dám khẳng định là có thì biết đâu buổi chiều của chúng tôi đã khác.

“Nếu có thì nó là cái gì mới được”.

Bất ngờ, đúng vào lúc ấy trong lòng tôi chợt dấy lên một cảm giác dìu dịu, tôi không còn rụt rè nữa, tôi muốn cầm lấy tay nàng và nói nó là tất cả sự rạo rực của tôi lúc này, là tất cả những gì tôi cảm thấy bấy lâu nay.

“Anh biết không, trước khi chết mẹ em đã muốn gặp một người…”.

Nàng nói và câu chuyện rẽ sang một hướng khác. Người mà mẹ nàng muốn gặp chính là người chồng chưa cưới trước đây. Tại sao lại muốn gặp ông ấy? Chuyện này thì quá dễ đoán, quá rõ ràng. Cuối cùng, người bà thương nhớ lại chính là người bà nhất quyết từ hôn, nhân danh tình yêu bà từ hôn, rồi nhân danh tình yêu bà nói những lời cuối cùng trong vòng tay người ấy. Cuộc đời có cái gì kỳ quặc hơn thế không? Tôi không hiểu, nàng không hiểu, và cả chúng ta nữa, tất cả chúng ta không thể hiểu được cái quái gì đang diễn ra trên trái đất này đâu. Chúng ta cứ như những con bệnh, yêu đương, khờ dại, hoài nghi. Đôi khi còn tỏ ra thông thái mà rồi chính những người cho rằng mình thông thái hơn cả lại không thể trả lời câu hỏi của cuộc đời mình. Mẹ nàng đã tự tin biết bao nhiêu về cái chuyện yêu đương ấy, vậy mà cuối cùng thừa nhận cái mà bà tưởng là tình yêu ấy lại chẳng phải là tình yêu. Ôi, tâm hồn tôi choáng váng. Tình cảm họ mãnh liệt thế kia mà cũng chính họ, chính những người yêu đương cuồng nhiệt nhất lại cứ bảo rằng họ ảo tưởng, và họ không biết thế nào là yêu, yêu là gì…

Tôi quay cuồng trong cái thế giới ái tình của họ. Dù trong lòng rất khó chịu vì họ khiến tôi nghi ngờ bản thân mình nhưng hôm ấy tôi không chia tay nàng như thường lệ mà đưa nàng về. Phần nào tôi hiểu những tổn thương và xáo động trong lòng nàng. Tôi lại oán cái khung trời thơ mộng, ảo huyền, trầm mặc của xứ nhiều thông nhiều dốc nhiều những chuyện tình ấy. Nó gợi cho lòng ta cái cảm giác bình lặng yên ắng, cảm giác nhẹ nhàng thong thả, cảm giác êm ái dịu dàng nhưng nó ẩn giấu bên trong bao nhiêu giông tố, bao nhiêu đấu tranh, bao nhiêu đổ vỡ lẫn nỗi niềm, nó không bình yên như vẻ ngoài nó mang đến, chính thế mà không thể phòng vệ được. Phải chi nàng sinh ra nơi phồn hoa phố hội, nơi sầm uất huyên náo, hay là nơi nông thôn bình dân lam lũ thì chắc hẳn tính cách con người nàng đã khác. Mạnh mẽ hơn. Vui tươi hơn. Bất cần hơn. Nông cạn hơn. Sâu sắc thì có gì hay ngoài đổi lấy sầu muộn, thứ mà cuộc đời luôn thừa thãi.

Chúng tôi đi bên nhau dọc theo lối dốc vòng vo ngoằn ngoèo như chính cuộc đời vậy. Khi ấy, nhà hai bên đường đã sáng đèn, một vài quán ăn, cửa hiệu chuyên phục vụ về đêm đã có khách ghé đến. Ánh chiều tà chỉ còn thấp thoáng trên ngọn thông già vi vút. Lòng tôi chập chùng như núi, một nỗi buồn man mác lan tỏa trong không gian, vấn vít giữa chúng tôi.

“Anh biết không…”.

Giọng nàng dường như loãng ra bởi không gian ấy. Tôi giật mình, cảm giác nàng sẽ lại nói một điều gì đó thật buồn và tôi sợ cảm giác ấy.

“Những bức tranh mà  chúng  ta đã xem ấy, ba em chính là người vẽ chúng. Giờ anh biết tại sao tên của em là Lam rồi nhỉ?”.

Tôi im lặng trong nỗi xúc động khủng khiếp. Lam không biết gì về chị chủ quán. Chị không biết gì về Lam. Còn tôi, một kẻ ất ơ được ai đó lựa chọn để ráp vào giữa câu chuyện của họ, như một mắt xích kết nối các cuộc đời lại với nhau. Tôi lạc giữa dòng suy nghĩ của mình. Chúng tôi đã đi một quãng rất xa và trời bắt đầu tối.

“Anh biết không, thực ra em không phải muốn nói về những bức tranh, hay là sự buồn bã. Đó là những gì em nghe được từ mẹ em, có lẽ mẹ em đã nghe từ ba em. Anh có nghĩ thế không? Thực ra em hay nhớ mẹ em, nhớ những chuyện mẹ nói trước khi mẹ đi nên em hay nói lại thế, mà em nói là vì em thích có ai đó bác bỏ mấy cái suy nghĩ linh tinh ấy. Anh biết không, kiểu như là kéo em ra tát cho một phát là xong.”

Lam nói một dây khi chúng tôi đã đến ngõ nhà nàng.

“Anh có nghĩ là có cái gì đó thực sự là tình yêu không?”, Lam hỏi, rất nghiêm túc.

“Có”.

Tôi trả lời dứt khoát và nàng biến mất sau cánh cổng khi tôi nghe loáng thoáng nàng đáp lại “cảm ơn anh”.

Và đó là lần cuối cùng tôi thấy Lam.

Tôi đã chờ đợi suốt những chiều Chủ nhật sau đó và đã tìm Lam suốt nhiều tháng liền nhưng không thấy nàng thêm lần nào nữa. Thời ấy không phải như sau này, không phải  như bây giờ, người ta chỉ có thể gặp nhau bằng những cuộc hẹn, những cánh thư, muốn gọi một cuộc điện thoại phải đi mấy con dốc mới gặp được nhà có điện thoại bàn. Cuối cùng, tôi quyết định đến tìm gặp cha nàng, người được nói đến nhiều nhất trong những câu chuyện của chúng tôi. Ông tiếp tôi, vừa gặp đã bảo “thế mà tôi tưởng sẽ không gặp được cậu nữa chứ”. Tôi bất ngờ nhưng chẳng hỏi gì vì đang rối trí chỉ muốn nghe về Lam, tôi có dự cảm xấu về nàng.

Thật như vậy. Lam bị tim bẩm sinh. Giải pháp cuối cùng người cha có thể làm cho con gái mình là gom góp chạy vạy gửi Lam sang Mỹ điều trị, mọi thứ đều có thể xảy ra, cuộc đời vốn là vậy. Em chẳng nói một lời nào với tôi hay tại tôi đã không cho em cơ hội? Tôi đã quá hèn nhát.

Tôi ngồi cứng đơ trên ghế nhìn những bức tranh trong phòng, lòng dấy lên một thứ cảm xúc kỳ lạ, một mong ước mãnh liệt rằng tôi có thể nói hết ra những gì mình đã nghe và những gì mình đã trải qua trong bao nhiêu dằn vặt. Cuộc nói chuyện giữa hai người đàn ông dù sao cũng phần nào khiến tôi thấy dễ dàng, ít ra là thẳng thắn. Rút cuộc, có cái gì gọi là tình yêu không và ông đã yêu ai trong hai người phụ nữ ấy?

“Cậu biết không” ông có cách nói chuyện y hệt như Lam, “câu trả lời thực ra không quan trọng như cậu nghĩ đâu, thậm chí là với họ. Mà nói thật tôi cũng chẳng có câu trả lời nào cả. Nếu có cái gì đó gọi là tình yêu thì tôi nghĩ là tôi yêu các tác phẩm của mình”.

Lòng tôi trống rỗng, chẳng nghĩ được gì vào lúc ấy. Tôi đứng dậy chào ông về, ông tiễn tôi, đi sóng đôi, ra đến cổng thì bất ngờ choàng tay qua vai tôi như hai người bạn.

“Anh bạn trẻ, cậu biết không, có nhiều thứ đừng cố tìm đáp án là có hay là không. Hãy cứ đón nhận dù chỉ là ảo tưởng”.

“Cậu biết không, tôi đây, nghệ thuật của tôi cũng chỉ là một thứ ảo tưởng”.

Tôi nghĩ rằng đó là câu nói sẽ thay đổi cuộc đời tôi, quyết định thái độ sống của tôi. Và tôi tiếp tục chờ Lam nhưng không bao giờ gặp được nữa. Trong ba năm liền, tôi chờ Lam trở về.

Trong ba năm liền tôi đến gặp người họa sĩ tài hoa ấy vào mỗi chiều Chủ nhật cho đến một ngày chính ông cũng biến mất khỏi thị trấn mà không một lời nhắn lại. Có lẽ tôi không quan trọng đến mức ông thấy mình cần phải để lại một lời nhắn. Hoặc có lẽ ông gặp phải chuyện gì đó, một biến cố bất ngờ ập đến, có thể là một tai nạn, hoặc là Lam đã… Tôi không bao giờ được biết phần còn lại của chuyện tình dang dở mà tôi đã viết ra ấy.

Đừng tiếc cho tôi vì tôi đã dành quá nhiều thì giờ để hối tiếc cho chính mình. Cho đến bây giờ khi đã đi hết một vòng Can Chi của đời người tôi vẫn chưa trả lời được có cái gì gọi là tình yêu không. Hay tình yêu chỉ là thứ ảo tưởng vĩ đại của giống loài nhiều mộng mơ như chúng ta đây, nhưng chắc chắn giữa việc không làm-một- cái-gì-cả và việc làm-một-cái-gì-đó rồi đón nhận kết quả của nó thì nên chọn vế thứ hai, ngọt hay đắng vẫn là thứ quả của riêng mình.

Kìa, sương đã buông rèm trên đọt thông, về thôi, những chuyện tình đều đã cũ. Những chuyện tình ru ngủ chúng ta.

L.H

Bài viết khác cùng số

Những chuyện tình đều đã cũKý ức tằm tangGiọt xuânThành phố 50 năm - Hành trình khát vọngCác nhà văn Đà Nẵng đóng góp vào sự phát triển của văn học nước nhà50 năm văn học nghệ thuật Đà Nẵng (1975 - 2025): Thành tựu và triển vọngĐà Nẵng - "Đêm trước của bình minh"Không thể nào quênCuộc gặp gỡ tình cờThơ Nguyễn Duy KhoáiThơ Lê Hải KỳThơ Nguyễn Đức HạtThị trấn Hoa Thiên Điểu tàn phía núiMùa xuân đang chờNghe tiếng trống phong yêu JangguĐổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động nhằm phát huy vai trò Hội Kiến trúc sư trong thời kỳ mớiNghệ thuật Múa Đà Nẵng đồng hành cùng sự phát triển của thành phố bên sông Hàn50 năm xây dựng và phát triển âm nhạc Đà NẵngNhiếp ảnh Đà Nẵng - 50 năm một chặng đườngMỹ thuật Đà Nẵng 50 năm hình thành và phát triểnPhát huy những giá trị nghệ thuật truyền thống Đà NẵngVai trò của văn hóa, văn nghệ dân gian trong đời sống người dân Đà NẵngLàm gì để phát triển công nghiệp văn hóa ở Đà NẵngÂm nhạc Phật giáo - tiếng vọng của từ bi và trí tuệTriển lãm nghệ thuật Đà Nẵng 50 năm - Khát vọng vươn mìnhTriển lãm nghệ thuật Đà Nẵng 50 năm - Khát vọng vươn mìnhThiếu nữ và senLung linh sông HànThành phố niềm tinSông Hàn rực rỡ mùa xuân