Nghệ thuật Múa Đà Nẵng đồng hành cùng sự phát triển của thành phố bên sông Hàn

12.03.2025
Lê Huân

Nghệ thuật Múa Đà Nẵng đồng hành cùng sự phát triển của thành phố bên sông Hàn

Tiết mục Dấu chân trên cát do hội viên Hội Nghệ sĩ múa thành phố phục vụ nhân dân và du khách tại sân khấu bờ Đông cầu Rồng.

Kể từ Ngày Giải phóng thành phố Đà Nẵng 29/3/1975, nghệ thuật múa cách mạng Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trên các sân khấu ở thành phố Đà Nẵng, phục vụ nhân dân và chiến sĩ, mang đậm hơi thở tinh thần cách mạng, khơi dậy niềm tin và sức mạnh trong cộng đồng. Trước năm 1975, đất nước còn bị chia cắt, nghệ thuật múa chỉ xuất hiện hiếm hoi trong các dịp lễ hội quần chúng hoặc được lưu lại trong các bảo tàng, đền tháp và chùa chiền. Trong thời kháng chiến chống Mỹ, nghệ thuật múa cách mạng được các đoàn văn công giải phóng biểu diễn trong các chương trình ca múa nhạc phục vụ nhân dân, chiến sĩ nơi chiến trường trong những điều kiện sân khấu vô cùng hạn chế dưới ánh đèn măng xông hoặc dưới ánh đuốc lửa xà nu che mắt quân thù.

Khi đất nước thống nhất, thành phố bên sông Hàn rạng rỡ với cờ hoa và ánh đèn sân khấu. Nhà hát Trưng Vương mở rộng cửa đón các đoàn nghệ thuật của Trung ương và các tỉnh thành miền Bắc vào công diễn phục vụ khán giả Đà Thành.  Nghệ thuật múa cách mạng Việt Nam được dịp quảng bá, phát triển ngay trong các chương trình nghệ thuật của các đoàn địa phương: Đoàn Quảng Đà, Đoàn Văn công Giải phóng Trung Trung Bộ… sau này trở thành Đoàn ca múa Quảng Nam - Đà Nẵng. Với những tên gọi mang danh xưng địa phương như: Đoàn Tiên Sa, Đoàn Nhà hát Trưng Vương cùng với sự hoạt động tích cực của Đoàn Văn công Quân khu 5, những tác phẩm múa lớn nhỏ liên tục được ra đời. Sân khấu múa Đà Nẵng những năm 1975 - 1980 thu hút các biên đạo tài năng từ phía Bắc vào như: NSND Trần Minh, NSND Đoàn Long, NSƯT Trần  Đình  Quỳ;  các  nghệ  sĩ  biên đạo múa tên tuổi ở phía Nam như: NSND Thái Ly, NSND Ybrơm, NSND Đặng Hùng, NSND Lê Huân, NSND Việt Cường, NSƯT Bá Thái, NSƯT Thiện Tâm, NSƯT Hoàng Ngọc Chiến đã xây dựng nên nhiều tác phẩm múa thành công trên sân khấu biểu diễn chuyên nghiệp như: kịch múa “Huyền tích Ngũ Hành Sơn”, kịch múa “Ăng cor bất diệt”, thơ múa “Ngọn lửa Ba Tơ” (đây đều là những tác phẩm đoạt huy chương vàng tại các hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc, toàn quân).

Đặc biệt, trong giai đoạn này, nghệ thuật múa quần chúng phát triển mạnh mẽ nhờ vào sự quan tâm của Trung ương tới địa phương. Tiết mục múa quần chúng trở thành một phần quan trọng trong chương trình văn hóa - nghệ thuật của các cơ quan, đơn vị tiêu biểu như: Nhà máy dệt 29 tháng 3, Công ty Xây lắp công tư hợp doanh, Công ty công trình giao thông 5, Ngân hàng Đà Nẵng, Bưu điện Đà Nẵng, Công ty xe khách, Điện lực Đà Nẵng và những đơn vị bộ đội như tỉnh đội, Sư đoàn Phòng không, Sư đoàn Không quân, Trung tâm Văn hóa thuộc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Nam - Đà Nẵng.

Sự phát triển của nghệ thuật múa quần chúng ở Đà Nẵng - Quảng Nam có công rất lớn của các nghệ sĩ múa Đà Nẵng như: Lê Huân, Thiện Tâm, Hồng Hà, Hoàng Ngọc Chiến, Minh Tâm, Hội An, Dương Ngọc Lai… Ngoài công việc sáng tác họ còn tham gia tổ chức các lớp đào tạo biên đạo, diễn viên múa chuyên nghiệp và quần chúng.

Khi Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng được thành lập, Hội Nghệ sĩ Múa là một trong 09 chuyên ngành có sức hoạt động mạnh mẽ, cùng với Chi hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam tương tác, tương đồng về cả tinh thần, phương hướng nghệ thuật. Gần 40 năm qua, Hội Nghệ sĩ Múa đã xây dựng nên nhiều thành quả đóng góp tích cực cho ngành nghệ thuật múa Việt Nam. Đơn cử như Đà Nẵng là địa phương đầu tiên tham gia Liên hoan nghệ thuật kịch múa Việt Nam lần thứ nhất với vở kịch múa “Huyền tích Ngũ Hành Sơn” (Bằng khen của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (năm 2000)), tiếp đến là vở kịch múa “Một thời và mãi mãi”; hoặc tham gia Cuộc thi múa hài toàn quốc với 9 tác phẩm trong tổng số 32 tác phẩm. Đây là những thể loại đỉnh cao của nghệ thuật múa chuyên nghiệp Việt Nam và thế giới.

Lãnh đạo thành phố cũng ghi nhận, đánh giá rất cao về những chương trình của Hội Nghệ sĩ Múa thành phố đã xây dựng và phục vụ sự kiện chính trị quan trọng của thành phố như chương trình: “Đào mai hội tụ - Năm Rồng bay lên”, chương trình du lịch biển lần đầu tiên trên sân khấu sông Hàn, chương trình “Đà Nẵng đất Đồng Long” hay mới đây nhất là kịch múa “Điện Biên sáng tỏa tình người” (kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ).

Hội Nghệ sĩ Múa thành phố tới nay đã có lực lượng 114 hội viên, trong đó có trên 50 hội viên được kết nạp vào Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam. Chi hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam luôn có tên trong bảng vàng Chi hội xuất sắc hàng năm trong danh sách khen thưởng của Hội Trung ương. Những nghệ sĩ múa là “cánh chim đầu đàn” của Hội Nghệ sĩ Múa thành phố Đà Nẵng tự hào có NSND Lê Huân (Giải thưởng Nhà nước) và 11 NSƯT gồm: NSƯT Thiện Tâm, NSƯT Hoàng Mai, NSƯT Từ Công Lễ, NSƯT Phan Hồng Hà, NSƯT Hoàng Ngọc Chiến, NSƯT Nguyễn Chư, NSƯT A Lăng Hoa, NSƯT Minh Tâm, NSƯT Minh Vân, NSƯT Lê Tôn Sùng, NSƯT Hội An.

Cho tới hôm nay, các nghệ sĩ múa Đà Nẵng vẫn tiếp tục say mê khám phá, sáng tạo để góp phần đóng góp vào công cuộc phát triển xây dựng thành phố đáng sống, thành phố xanh sạch đẹp, thành phố tiêu biểu, trung tâm văn hóa, kinh tế của miền Trung. Chúng tôi luôn phát huy tinh thần đoàn kết, gắn bó trong đội ngũ nghệ sĩ múa, chú trọng sân khấu múa chuyên nghiệp và lĩnh vực múa phong trào quần chúng theo phương cách “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Đảng đã đề ra. Đồng thời mạnh mẽ tiến công vào giải pháp xây dựng các tổ chức hoạt động biểu diễn nghệ thuật theo tinh thần công nghiệp hóa, xã hội hóa để hòa đồng với nhịp sống xã hội.

Có những nghệ sĩ tâm huyết đã đứng ra xây dựng đề án thành lập Nhà hát nghệ thuật dân tộc, nhiều nhóm vũ đoàn đã hoạt động tự lực như: Vũ đoàn Nhật Huy, Vũ đoàn Hoàng Châu, Câu lạc bộ Khiêu vũ tăng gô, Achentina… phục vụ, biểu diễn cho cả sân khấu không gian đôi bờ sông Hàn.

Từ năm 2022, Hội Nghệ sĩ Múa thành phố Đà Nẵng luôn chú trọng công tác nghiên cứu, sáng tạo, tiếp thu nhịp điệu và thẩm mỹ múa hiện đại thế giới để phát triển ngôn ngữ, bản sắc dân tộc. Chúng tôi luôn sát cánh với anh chị em nghệ sĩ múa trẻ, là thế hệ nối tiếp để xây dựng ngành nghệ thuật múa Việt Nam hôm nay và ngày mai, luôn nhắc nhở làng múa phải thực sự yêu nghề, có lý tưởng nghệ thuật múa sâu sắc vì nhân dân, vì Tổ  quốc. Biết học tập, nâng  cao tri thức nghề nghiệp theo quy định: “Hiểu biết, khám phá, sáng tạo”.

Với đội ngũ nghệ sĩ tài năng, nhiệt huyết, Hội Nghệ sĩ Múa thành phố Đà Nẵng luôn mang trong mình khát vọng cống hiến, phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, phát triển ngôn ngữ nghệ thuật múa kết hợp giữa yếu tố hiện đại và bản sắc dân tộc, đồng thời phát triển các hình thức biểu diễn mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công chúng. Mỗi bước đi của chúng tôi, mỗi tác phẩm được ra đời đều không chỉ là những dấu ấn nghệ thuật, mà còn là sự đóng góp vào việc xây dựng một thành phố Đà Nẵng văn minh, hiện đại và đậm đà bản sắc truyền thống.

L.H

Bài viết khác cùng số

Những chuyện tình đều đã cũKý ức tằm tangGiọt xuânThành phố 50 năm - Hành trình khát vọngCác nhà văn Đà Nẵng đóng góp vào sự phát triển của văn học nước nhà50 năm văn học nghệ thuật Đà Nẵng (1975 - 2025): Thành tựu và triển vọngĐà Nẵng - "Đêm trước của bình minh"Không thể nào quênCuộc gặp gỡ tình cờThơ Nguyễn Duy KhoáiThơ Lê Hải KỳThơ Nguyễn Đức HạtThị trấn Hoa Thiên Điểu tàn phía núiMùa xuân đang chờNghe tiếng trống phong yêu JangguĐổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động nhằm phát huy vai trò Hội Kiến trúc sư trong thời kỳ mớiNghệ thuật Múa Đà Nẵng đồng hành cùng sự phát triển của thành phố bên sông Hàn50 năm xây dựng và phát triển âm nhạc Đà NẵngNhiếp ảnh Đà Nẵng - 50 năm một chặng đườngMỹ thuật Đà Nẵng 50 năm hình thành và phát triểnPhát huy những giá trị nghệ thuật truyền thống Đà NẵngVai trò của văn hóa, văn nghệ dân gian trong đời sống người dân Đà NẵngLàm gì để phát triển công nghiệp văn hóa ở Đà NẵngÂm nhạc Phật giáo - tiếng vọng của từ bi và trí tuệTriển lãm nghệ thuật Đà Nẵng 50 năm - Khát vọng vươn mìnhTriển lãm nghệ thuật Đà Nẵng 50 năm - Khát vọng vươn mìnhThiếu nữ và senLung linh sông HànThành phố niềm tinSông Hàn rực rỡ mùa xuân