800 năm tháp nghiêng Pisa - Văn Khoa

04.12.2018

800 năm tháp nghiêng Pisa - Văn Khoa

Rời chuyến xe bus, tôi đến tháp Pisa vào lúc 5 giờ chiều. Nắng vàng vọt trải dài trên những thảm cỏ xanh. Một vài du khách cúi đầu rảo bước nhanh trên quảng trường Campo dei Miracoli (cánh đồng mầu nhiệm), một khu vực nguy nga rộng lớn, với những bức tường cổ, nằm ở phía Bắc của dòng sông Arno, Toscana, Ý.

Nơi đây còn gọi là Piazza del Duomo (Vương cung thánh đường), là một trong những trung tâm chính của nghệ thuật kiến trúc thời trung cổ. Toàn bộ khu vực là các thảm cỏ xanh mướt, những con đường lát đá dẫn đến 3 công trình tráng lệ được xây dựng bằng đá cẩm thạch trắng bao gồm Duomo (nhà thờ chính tòa), tháp nghiêng Pisa (gác chuông của nhà thờ) và Baptistery (nhà rửa tội). Năm 1987, quần thể kiến trúc này được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Thả bộ dọc từ cổng thành loang lổ, người hướng dẫn viên hồi tưởng, thành phố Pisa có từ thời cổ đại, trước đế quốc La Mã. Đến năm 180 (trước Công Nguyên) miền đất này được hoàng đế Augustus mở mang thành một hải cảng quan trọng. Tháp nghiêng Pisa là một trong những kiến trúc nghệ thuật nổi tiếng của nước Ý, được đánh giá là kiệt tác của nhân loại. Nét độc đáo của nó chính là độ nghiêng của tòa tháp, dường như thách thức với thời gian, khiến các nhà khoa học không thể lý giải vì sao tháp không sụp đổ? Bởi thế, Mark Twain, một nhà văn nổi tiếng của Mỹ, từng gọi tháp nghiêng Pisa là "kiến trúc kỳ lạ của thế giới". Sự kỳ lạ của công trình xây dựng này nằm ở chính lịch sử của nó, thậm chí cả cái tên "tháp nghiêng".

Tháp Pisa bắt đầu xây dựng vào năm 1173, cách đây gần 850 năm. Năm 1178, khi xây đến tầng thứ 3, tháp bắt đầu nghiêng, phần móng dày 3 mét bị lún do nền đất phía dưới yếu, không chịu được sức nặng của tháp. Sau đó, công trình tạm hoãn gần 100 năm bởi những cuộc chiến tranh giữa Pisa và các thành lân bang như Lucca và Genova. Năm 1272, công trình được tiếp tục do kiến trúc sư Giovanni Di Simone đảm trách. Để giúp tháp đứng thẳng, ông cho xây các tầng kế tiếp với một bên cao, bên thấp. Năm 1319, tầng thứ 7 xây xong nhưng mãi đến năm 1372, tầng cuối cùng (còn gọi là tháp chuông) mới hoàn thành.

Tòa tháp cao 55,86 m tính từ mặt đất lên đến nóc bên thấp và 56,70 m đến nóc bên cao với 294 bậc thang, tường tháp dày 4,09 m ở phía chân tháp, rồi nhỏ dần, chỉ còn 2,48 m trên đỉnh. Trọng lượng toàn bộ tháp khoảng 14.500 tấn với độ nghiêng 5,5 độ. Về kiến trúc, tháp xây dựng bằng đá cẩm thạch, hình trụ tròn có 8 tầng kể cả tầng trệt phía dưới là chân tháp, cộng thêm tháp chuông là tầng cao nhất nhỏ hơn các tầng kia, nơi chứa 7 quả chuông đồng với những âm thanh khác nhau.

Thế kỷ XVI, tháp Pisa nổi tiếng khi nhà bác học Galileo Galilei, cư dân của thành phố, thí nghiệm lý thuyết về khối lượng tại nơi đây. Ông leo lên tháp, thả 2 quả banh với khối lượng khác nhau từ trên đỉnh xuống để chứng minh rằng, khối lượng không ảnh hưởng đến gia tốc rơi của vật, nghĩa là vật nặng hay nhẹ cũng đều rơi với tốc độ như nhau, một nội dung mà chúng ta từng học trong bộ môn vật lý thời phổ thông.

Đứng dưới chân tháp, một người dân địa phương chỉ vào tầng 1 của tháp kể rằng, cuộc chiến tranh giữa người Pisa và Florence kéo dài đến 9 năm. Sự phản bội của bá tước Ugolino della Gherardesca khiến người Pisa thua cuộc trong trận hải chiến với hạm đội Genoa. Họ trừng phạt kẻ phản bội bằng cách nhốt cả gia đình ông vào trong tháp rồi vứt chìa khóa cửa xuống dòng sông Arno, họ đã chết đói trong đó.

Tháp Pisa sống sót qua bom đạn của cuộc chiến tranh thế giới thứ II khi người Đức tràn vào thành phố, lấy tòa tháp làm đài quan sát và chỗ trú ẩn. Trong một cuộc không kích thành phố Pisa, một trung sĩ phi công người Mỹ biết điều này nhưng ông không thả bom vào tòa tháp cổ. Mới hay, kể cả trong cuộc chiến một mất, một còn, người ta vẫn ý thức, tìm mọi cách tránh việc hủy hoại những nền văn hóa của nhân loại.

Những năm sau đó, tháp càng ngày càng nghiêng, mỗi năm dịch chuyển 1 milimet, có nguy cơ sụp đổ. Trước thực trạng đó, chính quyền Ý khẩn cấp khai mạc hội nghị tại đảo Azores với sự tham dự của các chuyên gia từ nhiều nước nhằm cứu vãn tình thế của di sản. Năm 1990, tháp đóng cửa không tiếp nhận du khách để khởi công tu sửa, các quả chuông trên tầng cao nhất được đem xuống để tháp nhẹ bớt. Người ta buộc các dây cáp từ tầng thứ 3 cố định với mặt đất cách đó vài trăm mét để giữ tháp không đổ, các chung cư lân cận phải sơ tán để di dời 64 tấn đất dưới nền móng nghiêng. Sau một thập kỷ sửa chữa và ổn định, tháp Pisa được mở cửa trở lại cho công chúng vào ngày 15/12/2001.

Cho dù mọi nỗ lực khoa học giúp tòa tháp thẳng hơn 48cm, chỉ còn nghiêng 3,9 độ so với 5,5 độ trước đây nhưng kỹ sư Michele Jamiolkowski (người phụ trách dự án bảo tồn di tích tháp nghiêng Pisa) cho biết, nhiều khả năng Pisa sẽ sụp đổ trong vòng 300 năm tới. Để bảo tồn di sản văn hóa thế giới, người Ý chỉ cho phép khoảng 14 người lên tháp. Du khách mua vé để lên tháp rất đông cho dù phải trèo 296 bậc thang để tới tận lầu chuông. Từ trên đỉnh tháp, chúng ta có thể quan sát thành phố Pisa và vùng phụ cận rất đẹp với dòng sông Arno lặng lờ xuôi về biển cả.

Rời “viên ngọc quý” Pisa, tôi bắt đầu hành trình về Rome. Hoàng hôn buông dần trên những chiếc cầu cổ kính, thấp thoáng vài đôi tình nhân ôm nhau trên bờ sông đầy sương khói khiến tôi chạnh nhớ đến câu chuyện tình lãng mạn đẫm nước mắt của Romeo và Juliet thời trung cổ tại Verona (miền Bắc nước Ý). Có thể không tráng lệ như Roma nhưng thành phố Pisa đã thu hút hàng triệu khách du lịch mỗi năm nhờ sức hấp dẫn của tháp Pisa, một trong 7 kỳ quan của thế giới.

V.K