Đất người quê xứ - Kai Hoàng

27.03.2018

Chị cũng là một trong những đứa trẻ lớn lên của xóm Rặng Bần, mỗi lần nhắc về quê cũ lại cứ chạnh lòng ngút ngát. Năm tháng trôi chân, cuối cùng thì vào làm giúp việc của một ngôi nhà khang trang ở mặt phố. Hành trang mang theo cũng chẳng nhiều nhặn gì, ngoài mớ giỏ xách của hồi ức. Chị trầm trồ, thành phố đẹp lắm, tiện nghi lắm, đi chừng trăm bước là tới chợ, xa hơn chút nữa là tới mấy khu mua sắm sầm uất lót sàn gạch bóng loáng. Chẳng cần nhọc công như hồi băng ruộng lội sình dưới quê.

Đất người quê xứ - Kai Hoàng

Mỗi câu chị kể đều gợi những hình ảnh so sánh, giữa thành phố và xóm nghèo, giữa tân tiến và cũ kỹ. Câu nào cũng phải bồi thêm chữ “dưới quê”, như thể nếu không có hai chữ quen thuộc đó thì chắc người ta chưa hiểu ý chị. Bởi chắc sống ở thành phố lâu rồi, những điều chị nói dường như vọng lên từ một thế giới xa xôi nào đó mà người ta ít chủ tâm để ý.

Bằng cách đó, chị bỗng trở thành người kể chuyện. Những đứa trẻ sống ở phố rồi vút lên thành người lớn lúc đầu có hơi ngạc nhiên và ngỡ ngàng về những câu chuyện quê mùa, sau lại trở nên tò mò và chăm chú bởi mấy hình ảnh ví von dân dã trong cách nói đậm chất nhà quê của một người xa xứ. Như hôm qua chị ngồi ở quán nước lúc xách giỏ đi chợ về, cũng buột miệng vu vơ tháng này là mùa nước nổi, người ta ra đồng bắt cá về ăn không hết. Hay hôm kia chị bật cười khi thấy trên sân thượng của một ngôi nhà trồng đủ loại dây leo khô cong và héo quắt của bầu bí khổ qua, mấy cây này phía sau nhà chị ra trái nhiều đến nỗi phải đem cho hàng xóm. Cứ thế, những câu chuyện của chị bắt đầu trổ hoa trong lòng phố xá, nơi được mặc định chẳng thiếu thứ gì dù phải quy đổi bằng giá trị bạc tiền. Người ta bắt đầu thèm thuồng về một chốn quê thiên đường bờ bãi sẵn có qua lời chị kể.

Đôi lần ganh tị đến phát bực, người ta bèn vặn vẹo hỏi sướng vậy không bám quê mà sống. Chị cười trừ, cái cười nhăn nheo mấy rãnh sâu nơi đuôi mắt, tựa hồ những đường cày trên mùa nắng hạn. Chị biết rõ những thứ “sẵn có” không thể quy đổi thành học phí cho sắp nhỏ đến trường, cũng chẳng hóa thành thuốc thang viện phí cho mẹ già lúc trái trời gió trở. Rồi người ta cũng chợt biết, sở dĩ chị cứ vịn vào mấy chuyện quê mùa xóm cũ cũng chỉ để nguôi ngoai cho cái sự hoài nhớ của một kẻ tha phương. Chứ để so sánh với thành phố, dĩ nhiên xứ chị là kẻ thua thiệt. Người ta biết rõ nhưng người ta không đắc thắng, bởi dù sao thì chị vẫn có một nơi chốn để mong ngóng và hoài nghĩ, có cái để so sánh này kia kia nọ cho qua buổi nhọc nhằn. Những thứ đó người thành phố không có, thế giới của họ là một thế giới xoay mòng của bạc tiền, đi đâu cũng đụng phải những tòa nhà, còi xe, khói bụi... Những thứ đó không được yên bình và thơ mộng như những hồi ức quê mùa mà chị cất giữ ở trong vùng nhớ.

Chị khẳng định, thành phố vẫn là một nơi đáng sống hơn ở quê. Nhưng dù là một nơi đáng sống thì hồn chị vẫn treo ngược xứ Rặng Bần. Như lúc chị đi ngang qua những hàng me trút lá thì lại nhớ đến mấy cội me già đang ra trái dưới quê, rồi chị sẽ hái đầy giỏ xách để về nấu món canh chua cho tụi nhỏ. Hay khi đi qua khu đất trống thấy chập chờn vài cánh diều lại nhớ đến mấy bụi tre sau nhà, chắc giờ tụi nhỏ đang uốn nắn từng que rồi lấy giấy tập ra làm diều đem thả. Qua sông chị nhớ mấy rừng dừa nước uống ngọt phải biết. Và cứ thế, chị sống ở đất người nhưng lại vọng về quê xứ, nhiều lúc sự hồn nhiên nhung nhớ đó lại làm chạnh lòng những người phố thị chồn chân.

Nghe riết thành quen, người ta cũng chẳng còn lạ xa gì với việc chị buột miệng nhắc về quê xứ khi nhìn thấy vài hình ảnh thân thuộc giữa lòng phố xá. Bởi họ biết một khi hồn đã neo ở một bến đợi thì dù có đi xa mấy cũng chẳng thể nào gạt bỏ trong người được vùng hoài nhớ...

K.H