Đi tìm ẩn ngữ văn chương - Trần Hoài Anh

21.08.2017

Đi tìm ẩn ngữ văn chương - Trần Hoài Anh

Văn chương, tự bao đời luôn là hành trình của khám phá và sáng tạo. Đó là một hành trình đi tìm cái mới, lạ trong hiện thực để trả lời những vấn đề cuộc sống đặt ra.

 

Vì vậy, trong sáng tạo văn chương, việc khát khao đi tìm cái mới là một phẩm tính của người cầm bút, nó hoàn toàn xa lạ với lối viết theo khuôn mẫu được lập trình sẵn, không quan tâm đến cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ. Bởi, theo Nam Cao “Văn chương không cần đến người thợ khéo tay, làm theo một kiểu mẫu đưa cho: Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, sáng tạo những cái gì chưa có…” (Đời thừa - Nam Cao). Công việc của người viết lý luận phê bình, phải chăng cũng là hành trình sáng tạo, kiếm tìm cái mới để tạo nên sự kết nối tri âm từ nhà văn đến người đọc qua những thông điệp ẩn chứa trong tác phẩm.

 

Với ý nghĩa ấy, tập sách Đi tìm ẩn ngữ văn chương gồm có 4 phần: 1/ Lý luận – phê bình văn học miền Nam trước 1975 – Di sản văn chương dân tộc. 2/ Lý luận – phê bình văn học thời kỳ đổi mới từ một góc nhìn 3/ Về một số hiện tượng thơ Việt Nam hiện đại. 4/ Về một số hiện tượng văn xuôi Việt Nam đương đại, gởi đến các bạn là những nghĩ suy của người viết trong quá trình cảm nhận, giải mã các hiện tượng văn học, để tìm ra các giá trị phía sau những diễn ngôn mà nhà văn thể hiện.

 

Hiểu một con người đã khó. Hiểu văn chương của họ lại càng khó hơn. Vì vậy, trong hành trình đi tìm ẩn ngữ các tác phẩm văn chương, người viết không có tham vọng sẽ giải mã tất cả những gì nhà văn nói đến trong tác phẩm mà chỉ mong những “khám phá” của mình có thể chạm đến một phần nào chân lý nghệ thuật và chân lý đời sống được nhà văn gởi gắm trong tác phẩm. Từ đó, hy vọng tạo một chiếc cầu kết nối những tri âm.

 

Ước mơ và khát vọng của con người thì vô hạn nhưng năng lực của mỗi người thì hữu hạn. Vì vậy, tập sách sẽ không tránh khỏi những thiếu sót. Rất mong bạn đọc sẻ chia và lượng thứ. Bởi với tôi, dấn thân vào văn chương là thực thi những điều định mệnh và phận số đặt để, không hề có tham vọng thực hiện một sứ mệnh nào cả…

 

Một nền văn chương đích thực là một nền văn chương hướng đến con người và vì con người với những giá trị nhân bản sâu sắc nhất. Người sáng tạo văn chương dù hoạt động ở lĩnh vực nào cũng không được xa rời những giá trị nhân văn ấy. Vì vậy, Đi tìm ẩn ngữ văn chương với tôi cũng là hành trình đi tìm những giá trị nhân bản vốn là những yếu tính không thể thiếu của mọi nền văn học hôm nay và mai sau…

 

Trần Hoài Anh
(nhavantphcm.com.vn)