Định hướng sưu tầm, nghiên cứu văn nghệ dân gian ở thành phố Đà Nẵng hiện nay

26.12.2020
Bùi Văn Tiếng

Định hướng sưu tầm, nghiên cứu văn nghệ dân gian ở thành phố Đà Nẵng hiện nay

BBT: Đầu tháng 11 vừa qua, Hội Văn nghệ Dân gian thành phố Đà Nẵng đã tổ chức tọa đàm với chủ đề “Nâng cao chất lượng sưu tầm, nghiên cứu Văn hóa dân gian trong xã hội đương đại”. Đây là hoạt động học thuật để các nhà nghiên cứu trao đổi nhiều vấn đề quan trọng trong công tác điền dã, sưu tầm, định hướng nghiên cứu văn hóa dân gian ở thành phố Đà Nẵng hiện nay nhằm nâng cao năng lực sưu tầm, nghiên cứu của hội viên, góp phần lưu giữ, bảo tồn các di sản văn hóa. Trong số này, Tạp chí Non Nước xin gửi tới bạn đọc tham luận: “Định hướng về sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian ở thành phố Đà Nẵng hiện nay” của Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng.

Định hướng sưu tầm, nghiên cứu văn nghệ dân gian ở thành phố Đà Nẵng hiện nay

 1. Trước hết là về vấn đề phạm vi sưu tầm, nghiên cứu. Đã là Hội Văn nghệ dân gian thành phố Đà Nẵng thì đương nhiên phải ưu tiên sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian bản địa Đà Nẵng theo địa giới hành chính hiện nay (gồm sáu quận nội thành Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ và hai huyện Hòa Vang, Hoàng Sa). Nhưng văn hóa dân gian bản địa Đà Nẵng ngày nay lại là một bộ phận không thể tách rời của văn hóa dân gian đất Quảng, vì vậy Hội Văn nghệ dân gian thành phố Đà Nẵng cũng không thể không mở rộng sưu tầm, nghiên cứu toàn bộ văn hóa dân gian đất Quảng. Không phải ngẫu nhiên mà những công trình văn hóa/ văn nghệ dân gian do Hội Văn nghệ dân gian thành phố Đà Nẵng chủ trì biên soạn và xuất bản đều có phạm vi sưu tầm, nghiên cứu chung cả đất Quảng như: Ca dao, dân ca Đất Quảng (Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2006), Truyện kể dân gian Đất Quảng (Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2008), Tập tục, lễ hội Đất Quảng (Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2009), Nghề và làng nghề truyền thống Đất Quảng (Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2010), Ẩm thực Đất Quảng (Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2011)...

 

Và suy đến cùng thì văn hóa dân gian đất Quảng cũng là một bộ phận không thể tách rời của văn hóa dân gian Nam Trung bộ, rộng hơn là của văn hóa dân gian Đàng Trong và rộng hơn nữa là của văn hóa dân gian Việt Nam. Cho nên một số hội viên Hội Văn nghệ dân gian thành phố Đà Nẵng như Nguyễn Xuân Hương từng chủ trì nghiên cứu về Diễn xướng dân gian của người Việt ở vùng biển Nam Trung bộ... Trong cuốn Văn hóa, văn nghệ dân gian đất Quảng dưới góc nhìn đương đại (Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2015), tôi đã nêu rõ quan điểm khi đưa vào chuyên luận của mình các bài khảo cứu về cổ tích Việt: “Tìm hiểu văn hóa văn nghệ dân gian đất Quảng dưới góc nhìn đương đại không nên chỉ giới hạn vào việc cảm nhận những sản phẩm dân gian được hình thành ngay trên đất Quảng mà còn có thể mở rộng việc cảm nhận đến những sản phẩm dân gian chung của cả dân tộc. Chương Truyện cổ dân gian Việt Nam - một góc nhìn là nỗ lực của tác giả cuốn sách nhằm góp phần khẳng định chân lý: đất Quảng bao giờ cũng là một phần lãnh thổ của đất nước, người Quảng bao giờ cũng là một phần huyết thống của người Việt”. Đương nhiên một số hội viên Hội Văn nghệ dân gian thành phố Đà Nẵng cũng có xu hướng sưu tầm, nghiên cứu hẹp hơn, “cục bộ” hơn, chẳng hạn trong phạm vi một huyện như Đinh Thị Hựu và Võ Văn Hòe sưu tầm, nghiên cứu Văn học dân gian Điện Bàn (Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, 2010); hay trong phạm vi một làng như Võ Văn Hòe sưu tầm, nghiên cứu Địa chí dân gian làng Phong Lệ (Nhà xuất bản Thanh Niên, 2011)... Cả hai xu hướng rộng/hẹp này vẫn cần được tiếp tục khi sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian trong xã hội đương đại.

2. Sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian đất Quảng cũng không thể chỉ bắt đầu từ khi có tục cúng tá thổ - tức là từ lúc những lưu dân Đại Việt vào vùng đất này Quảng-Nam-mở-cõi. Chính vì thế nhiều năm nay, một số hội viên Hội Văn nghệ dân gian thành phố Đà Nẵng đã tập trung sưu tầm, nghiên cứu di sản văn hóa dân gian Champa và Cơtu. Có thể kể Võ Văn Hòe, Trần Hồng, Hồ Tấn Tuấn với Văn hóa dân gian Việt - Chăm nhìn trong mối quan hệ: Qua cứ liệu văn hóa dân gian miền Trung (hai quyển, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2015); Văn Thu Bích với Âm nhạc Chăm: Những giá trị đặc trưng (Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin, 2012); Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng với Bảo tồn văn hóa dân gian Cơtu huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng (Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2019)...

 

Do hầu như không còn người Chăm bản địa sinh sống trên địa bàn thành phố Đà Nẵng hiện nay nên việc sưu tầm, nghiên cứu di sản văn hóa dân gian Champa của Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng rất cần được kết nối với việc sưu tầm, nghiên cứu di sản văn hóa dân gian Champa ở một số địa phương còn có đồng bào Chăm bản địa sinh sống, chẳng hạn như Ninh Thuận… Ngay cả việc sưu tầm, nghiên cứu di sản văn hóa dân gian Cơtu cũng rất cần những cuộc điền dã để khảo sát sưu tầm văn hóa dân gian Cơtu tại những địa bàn có đông người Cơtu sinh sống như chuyến điền dã của Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng ở làng Gừng huyện Đông Giang tỉnh Quảng Nam hồi đầu tháng 10 vừa qua. Nghiên cứu khoa học nói chung rất cần tiếp cận thực địa, nghiên cứu di sản văn hóa dân gian các sắc tộc thiểu số như Chăm, như Cơtu càng cần tận mục sở thị không gian văn hóa ấy, cần trực tiếp tham gia các sinh hoạt văn hóa ấy và trực tiếp giao lưu với những nghệ nhân dân gian bản địa ấy thì mới có thể cảm nhận sâu sắc thế giới nghệ thuật và thông điệp nghệ thuật của từng di sản văn hóa...

3.Việc sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian ở Đà Nẵng còn phải gắn với việc giáo dục địa phương trong các trường phổ thông. Đà Nẵng không thể không tự hào về ba sự kiện văn hóa phi vật thể từng được vinh danh: một là sự kiện Nghệ thuật Tuồng xứ Quảng ở Đà Nẵng được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 1877/QĐ-BVHTTDL ngày 08 tháng 6 năm 2015; hai là sự kiện Lễ hội Cầu ngư tại thành phố Đà Nẵng được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 829/QĐ-BVHTTDL ngày 10/3/2016; ba là sự kiện Nghệ thuật Bài chòi ở Đà Nẵng được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 4036/QĐ-BVHTTDL ngày 21/11/2016 - chính thành tựu này của Đà Nẵng cũng đã góp phần để ngày 7/12/2017, tại Hàn Quốc, hội nghị lần thứ 12 của UNESCO đã ra Nghị quyết đưa “Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam” vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong ba sự kiện này thì sự kiện vinh danh Lễ hội Cầu ngư tại thành phố Đà Nẵng và sự kiện vinh danh Nghệ thuật Bài chòi ở Đà Nẵng được xem là có liên quan trực tiếp đến việc sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian.

Chính vì vậy mà nhiều năm qua, Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng cùng Hội Nghệ sĩ Sân khấu Đà Nẵng đã tích cực góp phần cùng ngành giáo dục - đào tạo và ngành văn hóa - thông tin ở các quận huyện đưa một số làn điệu dân ca khu 5, nghệ thuật hô/hát bài chòi và nhiều tri thức văn hóa dân gian đất Quảng vào trường học. Tuy nhiên nỗ lực này chủ yếu là để giúp học sinh phổ thông có những hiểu biết cần thiết, từ đó có tình cảm trân quý và ý thức bảo tồn di sản văn hóa dân gian ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chứ không phải để đào tạo nghệ nhân dân gian. Nếu trong số học sinh phổ thông có người do quá đam mê cộng với đôi chút năng khiếu về nghệ thuật biểu diễn mà quyết tâm đi theo con đường nghệ thuật này, trở thành nghệ nhân dân gian thì cũng rất đáng trân trọng, nhưng đó không phải là mục tiêu cơ bản của chủ trương đưa di sản văn hóa dân gian vào trường học, thành nội dung giáo dục địa phương ở các trường phổ thông. Mục tiêu giáo dục quyết định nội dung và phương pháp giáo dục, nếu không xác định mục tiêu phù hợp sẽ dẫn đến nội dung và phương pháp đưa làn điệu dân ca khu 5, nghệ thuật hô/ hát bài chòi và nhiều tri thức văn hóa dân gian đất Quảng vào trường học giống như nội dung và phương pháp các nghệ nhân dân gian truyền dạy cho người học nghề hô/hát bài chòi hoặc hát dân ca... 

B.V.T