Nghĩ về ngôn ngữ thơ

26.12.2020
Huỳnh Văn Hoa

Nghĩ về ngôn ngữ thơ

Thơ ca, về bản chất, là một hệ thống ký hiệu ngôn ngữ mở. Đặc trưng này mở ra biên độ tiếp nhận của người đọc là vô cùng rộng, không có giới hạn. Trường liên tưởng của ngôn ngữ vừa đồng hành với người đọc, sáng tạo ra những chân trời mới, vừa cộng hưởng với chủ thể sáng tạo về sự ra đời của tác phẩm.

Trước kia, Paul Valéry (1871-1945), nhà thơ lớn Pháp, có nói: Cái tinh túy của văn xuôi để tiêu mất (L'essence de la propose est de périr). Ý này, P. Valéry muốn nói rằng, với văn xuôi, người ta chỉ nhớ câu chuyện, thể dạng, nhân vật, còn với thơ, người ta yêu cả hồn lẫn xác, thuộc lòng câu chữ, giọng điệu, tâm tình của nhà thơ.

Ngôn ngữ thơ là ngôn ngữ cô đọng, hàm súc, đa nghĩa, ngoài tính biểu cảm, tính chính xác, tính hệ thống và sự mới lạ. Biên độ của trí tưởng tượng mở rộng khôn cùng, kéo người đọc vui buồn theo với hình tượng thơ, sống với nhân vật trữ tình có khi cả một đời người. Tính chất đồng sáng tạo, song hành giữa nghệ sĩ và người đọc là một đặc trưng của ngôn ngữ văn chương, nhất là ngôn ngữ thơ. Hiện thực trong thơ không giống hiện thực trong văn xuôi. Hiện thực trong thơ thăm thẳm. Thơ không đòi hỏi phải chính xác, nhưng phải đa nghĩa, đa tầng. Thơ không chấp nhận sự dễ dãi trong sử dụng ngôn từ. Dụng công mới có chữ hay, hình ảnh lạ. Cuộc sống có vẻ đẹp của cuộc sống. Thơ có vẻ đẹp của thơ. Dương Tường có bài thơ ngắn viết rất hay về cái mơ hồ, cái không tên nhưng dằng dặc nỗi nhớ. Đó là bài Chợt thu (1968):        

một thoáng rợn tên là heo may

một hương cây tên là kỉ niệm

một góc phố tên là hò hẹn

một nỗi nhớ tên là không tên

Cuộc đời con người có những khoảnh khắc thoáng qua mà vương vấn suốt đời. Một thoáng heo may của đầu thu. Một mùi hương của cây với bao vết hằn kỉ niệm. Một góc phố hẹn hò của ngày chớm yêu. Một nỗi nhớ bàng bạc, bảng lãng, không tên. Một mà không một. Một mà vọng mãi theo thời gian. Một mà hút mất một đời.

"Chữ" là yếu tố nội tại của văn bản. Khảo sát "chữ" là tìm đến chiều sâu của phát ngôn, là nỗi niềm, tiếng lòng, điệu hồn của nghệ sĩ. Sau "chữ" là thế giới tâm hồn của một thi sĩ. Chả thế, Jean-Paul Sartre (1-6-1905/ 15-4-1980), nhà văn, nhà triết học vĩ đại của thế kỷ XX, từng đặt tên cho cuốn tự truyện quan trọng của mình là Chữ (Les mots).

Trên hai trục, trục ngang - trục kết hợp (l'axe de la combinaison) và trục dọc - trục lựa chọn (l'axe de la sélection), thì, với thơ, trục dọc - trục lựa chọn, quan trọng hơn hết. Trục dọc thể hiện tài năng, vốn văn hóa, ngữ ngôn, độ kinh lịch, lao động nghệ thuật của người làm thơ.

Truyện Hoa Tiên, Nguyễn Huy Tự, có một câu thơ hay, đọc đến khó quên:

Đã sương, đã khói, đã vài năm nay (Câu 582)

Bóng thời gian đổ trên dòng thơ, hư ảo của sương khói, của năm tháng: đã, đã, rồi đã, con người phôi pha đi với bao điệp trùng nhân sinh. 

Trong Thơ - Thơ dịch - Bình thơ, NXB Hội Nhà văn, 2005, trang 286, Ngô Tất Tố giới thiệu bài thơ nôm Ra xem vườn sau khi trời mưa của Nguyễn Gia Thiều (1741-1798):

Lởm chởm vài hàng tỏi

Lơ thơ mấy khóm khương (1)

Vẻ chi teo tẻo cảnh               (2)

Thế mà cũng tang thương?

Bài thơ chỉ có 4 câu, 20 chữ, song, phản ánh toàn bộ thế giới quan của một thi sĩ yếm thế, ở thời tao loạn thế kỷ XVIII, nhìn đâu cũng thấy bể dâu, bi kịch, tang thương. Nỗi buồn thời đại phủ lên cây cỏ, lòng người, "cũng tỏ cái ý chán đời của tác giả(1). Những từ "lởm chởm", "lơ thơ" của vài hàng tỏi, của mấy khóm gừng với cái nhìn "tang thương" cùng từ ngữ chua chát "thế mà" vẽ ra nỗi ngao ngán thế sự. Tâm sự đó, nỗi niềm đó, có lần trong Cung oán ngâm khúc, nhà thơ đã thở than:

Phong trần đến cả sơn khê

Tang thương đến cả hoa kia, cỏ này...

Người đọc nhớ Hữu Loan, Phùng Quán, Quang Dũng, Chính Hữu, Nguyễn Đình Thi, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Hữu Thỉnh, Tô Thùy Yên... là nhờ cái hàm ngôn, mờ ảo, đa sắc của ngôn ngữ. Trường Sa hành, một bài thơ viết sớm nhất về Trường Sa, một bài hành mang chất bi tráng của thời đại được Tô Thùy Yên viết vào tháng 3-1974, 16 khổ, 64 câu, thổi vào đấy bao cung bậc ngút ngàn tâm trạng. Tạp chí Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam đã đăng lại bài thơ này. Xin trích:

Trường Sa! Trường Sa! Đảo chếnh choáng/ Thăm thẳm sầu vây trắng bốn bề/ Lính thú mươi người lạ sóng nước/ Đêm nằm còn tưởng đảo trôi đi/

Mùa Đông Bắc, gió miên man thổi/ Khiến cả lòng ta cũng rách tưa/ Ta hỏi han, hề, Hiu Quạnh lớn/ Mà Hiu Quạnh lớn vẫn làm ngơ

Đất liền ta gọi, nghe ta không ?/ Đập hoảng Vô Biên tín hiệu trùng/ Mở, mở giùm ta khoảng cách đặc/ Con chim động giấc gào cô đơn...      

Có lần, nhà thơ Lê Đạt (1929-2008), một phu chữ, đã viết: "Theo tôi thơ là một nghề. Đã là một nghề thì phải có kỷ luật lao động... Làm thơ là một nghề hơi bị nguy hiểm... Cái nguy hiểm trầm trọng hơn là tình trạng mà Rilke gọi là niềm "cô đơn không tận" của nghiệp thơ. Các nhà văn xuôi cũng cô đơn, nhưng cô đơn khủng khiếp nhất hình như vẫn là các nhà thơ"(2).

Lao động thơ thực chất là lao động chữ. Làm thơ phải có ý thức ngôn từ. Bồi dưỡng ý thức này đòi hỏi người làm  thơ luôn tự bồi dưỡng, rèn luyện, nâng cao vốn văn hóa. Lê Quý Đôn trong Vân đài loại ngữ viết:"Bản chất ở văn chương vốn từ học vấn mà ra, học vấn uyên bác thì viết văn mới hay"(3). Lao động thơ là thứ lao động không hề đơn giản. Chế Lan Viên từng viết:

Trái đất rộng thêm ra một phần vì bởi các trang thơ

Vì diện tích tâm hồn các nhà thi sĩ ...

Bài thơ anh, anh làm một nửa mà thôi

Còn một nửa cho mùa thu làm lấy

Cái xào xạc hồn anh chính là

xào xạc lá

Nó không là anh, nhưng nó là mùa(4) ...

Thật ra, trái đất không rộng thêm ra, bao đời nay cũng chỉ ngần ấy diện tích. Rộng hơn, ở "diện tích tâm hồn các nhà thi sĩ", ở nghĩa, con người gần nhau hơn, hiểu nhau hơn, chung tay bảo vệ sự sống và cái đẹp tồn tại trên đó, bởi vì, nói như Xuân Diệu: "Trái đất - ba phần tư nước mắt/ Đi như giọt lệ giữa không trung" (Lệ, Xuân Diệu). Nằm trong mạch suy tưởng này, Vũ Hoàng Chương (1916-1976) có hai câu thơ đậm chất suy tư và triết luận:

Từ phen Trái Đất ra đi

Lệ chia phôi đã xanh rì trùng dương

(Nhịp trúc mùa thơ)

Trái đất và đại dương là hai thực thể vừa địa l‎í vừa tâm linh đối với con người. Từ đất liền nhìn ra đại dương, con người thấy cái lớn lao của biển cả, cái mênh mông của trùng khơi và cũng thấy cái nhỏ bé của con người. Từ biển cả, đại dương nhìn về chân mây mặt đất thấy cái vời vợi của xa cách, của “đáo bỉ ngạn”.

Ta yêu Quang Dũng với Tây Tiến, Đôi bờ, Đôi mắt người Sơn Tây, Quán bên đường, Những làng đi qua, Mây đầu ô hay Chính Hữu với Những buổi vui sao, cả nước lên đường, Xao xuyến bờ tre, từng hồi trống giục (Đường ra mặt trận), Quê ta lên khói cơm mùa/ Ai hát tin về thắng trận/ Bâng khuâng nắng nghiêng mái nhà (Sáng hôm nay), Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm/ Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa (Ngày về)... hay Nguyễn Đình Thi, Hoàng Cầm là yêu một phần xương thịt của non sông, của đèo cao dốc thẳm, của sau lưng thềm nắng lá rơi đầy, của Hà Nội dáng kiều thơm, của sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc, của mùa thu tỏa nắng... Tất cả đều từ vẻ đẹp của ngôn ngữ.

Ở xứ Quảng, ta yêu một giọng thơ mệnh yểu - Nguyễn Nho Nhượn. Yêu phố thị nhỏ nhoi mỗi khi trở về, nói đến. Đó là Vĩnh Điện. Vĩnh Điện nằm trên con đường Bắc Nam. Đẹp như một bài thơ buồn. Những mái ngói cũ kỹ, dọc hai bên phố. Một ngôi trường nằm bên dòng sông, bốn mùa chảy về biển đông. Có con đường đổ về Hội An, băng qua những cánh đồng. Nơi đó, những nhà thơ, họa sĩ tài hoa như Nguyễn Nho Sa Mạc, Đynh Trầm Ca, Lê Trọng Nguyễn, Nguyễn Kim Phượng, Phan Duy Nhân, Đỗ Toàn, Từ Huy,... sống và viết nên những bài thơ, những bức tranh, những giai điệu hay và đẹp.

Có lẽ, cho đến bây giờ, Khi trở về Vĩnh Điện của Nguyễn Nho Nhượn, ra đời hơn nửa thế kỷ, vẫn là bài thơ hay nhất viết về cái thị trấn nhỏ bé trong những ngày lửa đạn của chiến tranh. Nguyễn Nho Nhượn mất sớm, khi mới 23 tuổi (1946-1969). Một bài thơ ngắn, 24 câu, mô tả ngày trở về thị trấn của tuổi thơ, nơi có căn nhà xưa, những người thân yêu, mái trường xưa, cái quán cũ, lòng phố âm u, lũy tre xơ xác, dáng ai ngập ngừng sau khung cửa, người mẹ gượng vui, con phố buồn ngủ gục,... Những hình ảnh đó không che không khí thời chiến, những buổi chiều vọng âm tiếng súng, nỗi kinh hoàng thất thủ trong trái tim người trở về. Bài thơ có nhiều từ láy chỉ sắc thái tình cảm: trơ vơ, ngập ngừng, tái tê, bỡ ngỡ, xơ xác, hắt hiu, xót xa. Chất ngậm ngùi, thương cảm, thương mình và thương cuộc sống. Cảnh yên bình cũ đã mất. Người đọc dễ nhận ra nỗi bơ vơ của một tâm hồn nhạy cảm trước một quê hương không còn soi thấu được ngày mai. Các dòng thơ như nghẹn ngào, sau mỗi lần trở lại, trở về, nỗi mất mát thêm lên:

Khi trở lại thấy tường xiêu ngói đổ

Nền trơ vơ đón đợi bước chân về

 

Khi trở về con đường cây lá rụng

Quán ngày xưa ôi bè bạn đâu rồi

 

Khi trở về thấy ngại ngùng cuộc sống

Nỗi ưu tư cửa đóng với then cài ...

Anton Pavlovich Chekhov (1860 - 1904), nhà văn Nga vĩ đại có khuyên người làm văn chương nên nắm nghệ thuật cắt bỏ. Tuy vậy, cắt bỏ không có nghĩa làm mất cái lấp lánh của ngôn ngữ. Ngôn ngữ thơ mà không còn sự dùng dằng giữa hai bờ hư và thực, giữa cái mờ ảo, cái lung linh của chữ nghĩa với cái đa dạng của cuộc đời thì sức hấp dẫn của câu thơ cũng mất.

Trong tập Quê ngoại, Hồ Dzếnh có bài Đợi thơ, viết theo thể lục bát. 16 câu trong Đợi thơ là nói về sáng tác văn chương. Những giấy trắng, mực đen, ý thần, phút linh cầu... song, các câu thơ không làm ai nhớ đến chuyện "đợi thơ", dẫu rằng cả mở đầu và kết thúc bài thơ, Hồ Dzếnh đều chờ đợi:

Phút linh cầu mãi không về

Phân vân giấy trắng chưa nề mực đen

Thế nhưng, người đọc yêu thích và nhớ lâu lại là những câu thơ bát ngát không khí Đường thi, đậm chất thơ xưa:

Tô Châu lớp lớp phù kiều

Trăng đêm Dương Tử, mây chiều

Giang Nam

Rạc rời vó ngựa quá quan

Cờ treo ý cũ mây giàn mộng xưa...

Nhớ thương bạc nửa mái đầu

Lòng nương quán khách, nghe màu

tà huân        

Buồn Tư Mã, nhớ Chiêu Quân...

Tô Châu, một cổ trấn nổi tiếng, nơi có những chiếc cầu đá đẹp mê hồn, "lớp lớp phù kiều", tô đậm thêm huyền hoặc của khung cảnh. Dương Tử, con sông dài trên 6000 km, bao thi sĩ có thơ về dòng sông này, chảy qua những thác nguồn lịch sử và văn hóa, những đám mây chiều trôi trên bầu trời Giang Nam, vó ngựa quan ải, hàng cờ của mộng xưa. Rồi quán khách, tà huân, Tư Mã, Chiêu Quân. Quan ải trong thơ Đường đi vào Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du: "Quá quan này khúc Chiêu Quân, nửa phần luyến chúa nửa phần tư gia".

Nếu cắt đi những hình ảnh đậm chất Đường thi đó, chẳng ai nhớ Hồ Dzếnh và cũng chẳng ai biết đến Đợi thơ. Ngôn ngữ thơ ca kỳ diệu là vậy.

Thơ mà mở rộng nghĩa đi về phía cụ thể sẽ phủ định các mặt khác. Thơ gắn với cuộc sống, xuất phát từ cuộc sống và trở về phục vụ cuộc sống. Tuy nhiên, trong quá trình sắp xếp ngôn ngữ, hình ảnh, biểu tượng, mỗi bài thơ là một cơ thể sống, mang trong mình nó trùng vợi ý nghĩa. Bài thơ không dừng lại ở câu cuối cùng, chữ cuối cùng, người đọc nghĩ tiếp những chân trời mới. Một số bài thơ của Nguyễn Kim Huy nằm trong tư duy thơ kiểu này, như Ngọn gió đồng quê, Tâm hồn anh hoa dẻ hoa mua, Những que diêm trong đời một người đàn bà, Nghe mép vườn nhà mình nước lũ đang lên, Đưa tang người bác câm, Mẹ ngồi nhai trầu móm mém đọc thơ con... 

Chỗ đến cuối cùng của một bài thơ là để lại ấn tượng trong lòng người đọc. Không lưu dấu ấn tượng, không níu giữ người đọc, dù chỉ một hình ảnh, một từ ngữ, thì, buồn lắm(5)! Xuân Diệu từng nói vậy. Edga Poe (1809 - 1849) có nói: "Cái Đẹp là lĩnh vực chính đáng duy nhất của thi ca. Đó là một niềm vui thích rất mãnh liệt, rất cao cả, và cũng rất thuần khiết mà con người chỉ có thể tìm thấy trong sự chiêm ngưỡng Cái Đẹp”. Cái đẹp đó, xét đến cùng, đó là cái lung linh, kỳ diệu của ngôn ngữ, của chữ.

H.V.H