Đọc sách Đi tìm chân dung vua Quang Trung của Nguyễn Duy Chính

01.09.2020
Võ Văn Thắng

Đọc sách Đi tìm chân dung vua Quang Trung của Nguyễn Duy Chính

Tập sách Đi tìm chân dung vua Quang Trung, tác giả Nguyễn Duy Chính, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh và Tao Đàn Thư Quán phối hợp xuất bản, 2020). Sách 366 trang, tập hợp các bài viết riêng lẻ, nhưng liên quan đến tiêu đề của cuốn sách "Đi tìm chân dung vua Quang Trung". Bốn mươi trang đầu là "Mười bài thơ của Tôn Sĩ Nghị (TSN) khi đem quân sang nước ta", được sáng tác ở những điểm dừng chân trên đường tiến quân, cho thấy một hình ảnh TSN thong dong, tự tin. Bài thứ hai, "Trận Kỷ Dậu từ tài liệu gốc nhà Thanh", Nguyễn Duy Chính (NDC) giới thiệu bản tấu ngày mùng 6 tháng Giêng năm Kỷ Dậu của TSN gửi về triều đình nhà Thanh, gồm bản chụp chữ Hán và phần dịch nghĩa. TSN nói lên nỗ lực của mình trong giao chiến với quân của Nguyễn Huệ và tìm cách biện minh cho sự thua trận.

Bài thứ ba có tiêu đề "Quang Trung thật, Quang Trung giả: Bàn thêm về phái đoàn Đại Việt sang Trung Hoa năm Canh Tuất (1790). Đây là bài chứa nhiều biện luận của NDC nhằm đi đến nhận định "cho đến nay, việc nêu lên một vua Quang Trung giả sang dự lễ Bát tuần khánh thọ chỉ hiện diện trong các tài liệu thứ cấp (secondary sources) từ thành phần đối nghịch với Tây Sơn. Những chi tiết ấy đều mâu thuẫn với các tài liệu sơ cấp còn lưu trữ, dù trong đáng án của nhà Thanh hay di văn của nước ta" (tr 104).

Bài thứ tư là bản dịch bài viết của Trương Minh Phú (Trung Quốc) "Khảo luận về thuyết quốc vương An Nam Nguyễn Quang Bình sang Trung Hoa cuối đời Càn Long là người giả". Trương Minh Phú cho rằng những thông tin như "Nguyễn Quang Bình sai em mạo danh nhập cận" hay "Phạm Công Trị đóng giả vua Quang Trung" có những mâu thuẫn và dẫn các thông tin trong chính sử nhà Thanh để đi đến kết luận "thuyết người giả không có chứng cứ gì trong sử, những điều ghi trong Càn Long thượng dụ đáng, Khâm định An Nam kỷ lược, Thanh Cao Tông thực lục là việc đáng tin" (tr 134).

Có lẽ bài viết trọng tâm nằm giữa cuốn sách (tr 173 - 203),  "Đã tìm ra chân dung vua Quang Trung?". Nguyễn Duy Chính đã lần theo thông tin trên internet của Trần Quang Đức và tìm thấy một bức tranh trên cuốn Ca-ta-lô của Công ty đấu giá Sotheby's,  có ghi chú "Một bức truyền thần bằng màu nước vẽ trên lụa vua nước An Nam mới được phong vương, Nguyễn Quang Bình...". NDC cung cấp bản chụp bức tranh, phiên âm, dịch nghĩa bài thơ ghi trên bức tranh, phân tích các chi tiết mũ, áo trên bức chân dung và đi đến kết luận "Việc phát hiện ra bức chân dung vua Quang Trung của nhà nghiên cứu Trần Quang Đức là một đóng góp lớn cho những ai quan tâm đến bang giao Thanh - Việt thời Tây Sơn" (tr 197).

Gần nửa cuốn sách còn lại là những bài viết, tuy không trực tiếp nói đến việc "Đi tìm chân dung vua Quang Trung", nhưng có ý nói đến "kết quả tốt đẹp" của bang giao Thanh - Việt sau chuyến đi của vua Quang Trung; đáng chú ý là bài viết của Trương Minh Phú, "Phúc An Khang và việc khôi phục quan hệ tông - phiên Trung Hoa - An Nam cuối đời Càn Long" và bài của Trang Cát Phát, "Khảo cứu về việc quốc vương Việt Nam Nguyễn Phúc Ánh sai sứ đến triều cống nhà Thanh". Đây là các bài viết thể hiện cách giải thích lịch sử của một số học giả Trung Quốc theo ngôn ngữ chính trị ngoại giao mới. Trương Minh Phú viết: "Cuối đời Càn Long, quan hệ tông phiên (tông chủ - phiên thuộc) giữa Trung Hoa và An Nam nhiều lần gặp sóng gió, phải xét lại đôi ba bận. Đến năm Càn Long 53 và 54 thì lại càng gay go, lại có chiến tranh nên quan hệ tông chủ - phiên thuộc đã bị đứt đoạn trong khoảng gần hai năm, là một chuyện đáng tiếc trong quan hệ Trung Hoa - An Nam. Tuy nhiên hai nước có truyền thống quan hệ tốt đẹp nên việc qua lại của hai bên đều có nguyện vọng chân thành và sốt sắng. Vì nỗ lực chung của cả Trung Hoa và An Nam nên đến năm Càn Long 55 tình hình trở lại ấm áp và mọi sự đều quay lại bình thường" (tr 207). Và theo Trang Cát Phát thì quan hệ lợi ích này đã chấm dứt khi "điều ước Pháp Việt đồng minh được ký kết, nước Pháp mới có cơ hội đặt chân vào xứ sở An Nam, Nguyễn Phúc Ánh nhận viện trợ của Pháp không khác gì dẫn sói vào nhà, bán đảo Đông Dương từ đó gặp nhiều điều rắc rối..." (tr 326).

Giá trị của cuốn sách Đi tìm chân dung vua Quang Trung là cung cấp bản dịch một số tài liệu lịch sử của Trung Hoa cuối đời Càn Long liên quan đến các đời vua Quang Trung và Gia Long, qua đó giúp độc giả có thông tin từ "phía bên kia" trong cuộc đối đầu giữa vua Quang Trung và nhà Thanh cũng như trong bang giao giữa Gia Long và Càn Long; đặc biệt là hiểu được lập luận của một số học giả Trung Quốc đương đại về giai đoạn lịch sử đặc biệt này.

Tuy vậy, mặc dù là tư liệu đầu tay hay chính sử trong văn khố nhà Thanh, cũng không tránh khỏi những thông tin chủ quan; đặc biệt là về những vấn đề mà từ những tờ tấu ban đầu cho đến khi biên soạn, phê duyệt đều đã cố ý che đậy sự thật hoặc thổi phồng thành tích.

Riêng các lập luận bác bỏ "giả vương" thì không đủ mạnh. Tác giả Nguyễn Duy Chính, cũng như bài của học giả Trung Quốc, khi bác chuyện "giả vương", đã nêu ra 4 vấn đề chính:

(1) Các tài liệu đầu tay của phía Càn Long và phía Quang Trung đều có ghi chép việc vua Quang Trung đi chúc thọ Càn Long.

(2) Các tài liệu của Việt Nam chép chuyện "giả vương" hầu hết là tài liệu thứ cấp, các ghi chép theo tin đồn, độ tin cậy thấp.

(3) Trong thời gian phái đoàn vua Quang Trung đi chúc thọ, công việc trong nước đều do Nguyễn Quang Toản xử lý; không thấy sự xuất hiện của vua Trung trong các giao dịch công việc trong nước.

(4) Một số tài liệu tuy nói đến chuyện "giả vương", nhưng tên người đóng giả vua Quang Trung thì không giống nhau trong các tài liệu; và có khi mâu thuẫn với tài liệu đầu tay.

Vấn đề 1, 2 và 3 không thể xem là lập luận để bác chuyện "giả vương", bởi lẽ chuyện "giả vương", nếu có, thì là một kế sách tuyệt mật của phía Quang Trung, mọi chuyện công khai như văn, thơ, tấu, biểu... đều phải làm như thật; đồng thời vua Quang Trung cũng không thể công khai lộ diện ở các văn từ giao dịch công việc trong nước. Về phía Càn Long thì đương nhiên mọi sự đều không có gì là giả, và thậm chí nếu có đôi chút nghi hoặc thì cũng nhanh chóng xóa tan để bảo tồn thể diện. Do vậy, dẫu có tìm hàng vạn trang tài liệu "tiên nguyên" của hai phía cũng không thể có chuyện "giả vương".

Vấn đề 4 cũng không phải là một cơ sở mạnh để bác chuyện "giả vương", bởi lẽ, đã là mật kế bị rò rỉ thì không thể có được những chi tiết chính xác, và các tài liệu ghi tên người đóng giả khác nhau hoặc mâu thuẫn cũng là điều dễ hiểu(1).

Bài "Giải mã một bức tranh" (tr 135 -172) có nêu một nhận định "...Họa sĩ thường chọn những chi tiết quan trọng nhất để miêu thuật, có khi ghép nhiều cảnh ở nhiều nơi, nhiều lúc cốt làm nổi bật ý nghĩa của bức tranh... Ngay cả tác giả có thực sự chứng kiến hay chỉ dựa trên một số chi tiết rút ra từ sách vở hoặc do người khác thuật lại chúng ta cũng không dám chắc. Việc đó cũng hiển nhiên vì cũng như bao nhiêu tranh vẽ thời xưa, nội dung luôn mang theo một thông điệp "tuyên truyền" lắm khi còn ưu tiên hơn mục đích "thông tin" (tr 151).

Với những bài viết tập hợp từ nhiều nguồn khác nhau, cuốn sách Đi tìm chân dung vua Quang Trung, bên cạnh giá trị cung cấp tư liệu, dễ mang đến cho độc giả cảm giác đang tiếp xúc với một "tranh vẽ thời xưa",  mặc dù tác giả hẳn không mong muốn như thế.

V.V.T