Giải mã pho tượng quý bằng đồng của Phật viện Đồng Dương: Bồ Tát Laksmindra-Lokesvara, Prajnaparamita hay Tara?

01.09.2020
Trần Phương Kỳ - Nguyễn Tú Anh

Giải mã pho tượng quý bằng đồng của Phật viện Đồng Dương: Bồ Tát Laksmindra-Lokesvara, Prajnaparamita hay Tara?

Hình 1: Pho tượng đồng bồ tát Tara Đồng Dương. Cuối thế kỷ IX.Bảo vật Quốc gia. Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Ảnh Paisarn Piammattawat, Bangkok.

Pho tượng quý này được phát hiện tại Đồng Dương vào tháng Tám năm 1978, và công bố lần đầu năm 1979 trên tạp chí Khảo cổ học. Bồ tát Laksmindra-Lokesvara (Quán Thế Âm) là danh hiệu của Phật viện xuất hiện trong minh văn của vua Jaya Indravarman II, trị vì khoảng năm 875. Danh hiệu của Phật viện đã được dùng đặt tên cho pho tượng này, rồi từ đó được dẫn lại trong nhiều nghiên cứu khác.

Năm 1984, Jean Boisselier công bố một nghiên cứu trên Tạp chí Trường Viễn Đông Bác Cổ ở Paris, trong đó ông đã định danh cho pho tượng là Tara. Năm 2005, một nghiên cứu khác gọi tên tượng là Prajanaparamita (Bồ tát Trí Độ hay Bát Nhã Ba La Mật); dù vậy, tên gọi chính xác của pho tượng vẫn còn gây nhiều tranh luận trong học giới bởi nhiều lý giải khác nhau.

Về tượng Phật nhỏ trang trí trên tóc của bồ tát

Vấn đề chính gây ra tranh cãi về danh hiệu của pho tượng này là bức tượng Phật trang trí trên tóc của nữ bồ tát. Mặc dầu đã phân tích chi tiết về pho tượng nhưng Boisselier đã không thể khẳng định được đây là vị Phật nào mà chỉ gọi chung là Jina - một vị Phật, vì, ông không thể giải thích được ý nghĩa và danh hiệu của hình rắn bảy đầu che chở cho vị Phật này. Theo truyền thuyết, vua rắn Mucalinda đã hiện lên che chở cho đức Phật Thích Ca khi ngài ngồi thiền định bảy ngày dưới cơn mưa; và vì, đức Phật A-di-đà không bao giờ được thể hiện ngồi dưới tán rắn bảy đầu, mà bồ tát Quán Thế Âm là hóa thân của đức A-di-đà cho nên hình tượng của ngài được trang trí trên tóc của vị bồ tát này. Ngoài ra, hình tượng Quán Thế Âm trong truyền thống nghệ thuật Ấn Độ và Đông Nam Á (ĐNÁ) luôn luôn được thể hiện với nhân dạng nam giới. Do vậy, dù định danh cho pho tượng đồng là Tara, nhưng danh hiệu của vị Phật ngồi dưới tán rắn bảy đầu trên tóc Tara vẫn chưa có câu trả lời.

Một nghiên cứu khác thì cho rằng vị Phật ngồi trên tóc của bồ tát chính là Phật Thích Ca được rắn Mucalinda che chở, cho nên pho tượng đồng có thể mô tả dáng vẻ của Laksmindra-Lokesvara dựa theo danh hiệu của Phật viện Đồng Dương; bức tượng được xem là mang cá tính của nghệ thuật Champa, cho nên đây là một trường hợp ngoại lệ trong nghệ thuật ĐNÁ khi bồ tát Quán Thế Âm được thể hiện trong thân nữ.

Vậy, hình tượng vị Phật được thể hiện ngồi trên tóc của pho tượng bồ tát Đồng Dương là ai? Theo chúng tôi, đó chính là Amoghasiddhi hay Bất Không Thành Tựu Phật. Đức Bất Không Thành Tựu Phật (不 空 成 就 佛) là một trong Ngũ Vị Như Lai hay Ngũ Trí Phật của Phật giáo Mật tông Kim Cương thừa. Vị Phật này là một ứng thân của Phật Thích Ca, sắc thân màu xanh lục, ngự ở phương bắc của Kim Cương giới mạn-đà-la. Ngài được diễn tả trong tư thế tĩnh tọa; tay phải thủ ấn Vô Úy Thí, tay trái cầm một kim cương chùy kép (visva-vajra), hoặc một thanh kiếm. Đôi khi Bất Không Thành Tựu Phật được thể hiện ngồi dưới tán rắn bảy đầu Mucalinda được kế thừa từ đức Phật Thích Ca.

Bức tượng Bất Không Thành Tựu Phật ngồi xếp chân dưới tán rắn bảy đầu có thể thấy rõ trên đầu pho tượng Đồng Dương, với cánh tay trái đặt ngang trên chân, cầm một thanh kiếm ngắn hướng về phía trên dựa vào nếp áo, nên khó phân biệt; bàn tay trái thể hiện rõ nắm tay cầm chuôi kiếm. Thanh kiếm tượng trưng cho sự đoạn trừ mọi chướng ngại để đạt đến thành tựu, vì Bất Không Thành Tựu Phật có nghĩa là 'đạt được ước nguyện hay thành tựu viên mãn'.

Danh hiệu Tara của pho tượng đồng Đồng Dương

Về hình tượng Tara, ngài luôn được thể hiện thân nữ, mang trang sức lộng lẫy, trang phục bằng lụa tốt. Ngài được thể hiện trong tư thế đứng hoặc ngồi trên tòa sen; tay phải thủ Thí Nguyện ấn, tay trái cầm đóa sen. Trên tóc của ngài trang điểm hình tượng Bất Không Thành Tựu Phật, vì Tara là biến thân nữ của Bất Không Thành Tựu Phật cho nên sắc thân của ngài cũng màu xanh lục còn gọi là Tara Xanh, tượng trưng sự bình yên, tươi thắm. Tara nguyên nghĩa là 'ngôi sao' trong tiếng Phạn. Ngài là đấng cứu tinh trước mọi biến cố trên thế gian, đặt biệt đối với thủy thủ hay người sinh sống trên sông biển.

Phật giáo Mật tông được truyền bá mạnh mẽ tại Đông Á vào khoảng thế kỷ VIII bởi ba vị cao tăng là Thiện Vô Úy (637-735), Kim Cương Trí (671-741), và Bất Không Kim Cương (705-774), các ngài đã đặt nền tảng cho sự phát triển của Mật tông tại Trung Hoa. Đáng lưu ý là, Kim Cương Trí và Bất Không Kim Cương đã đến Trung Hoa từ phía nam bằng đường biển thông qua vùng Nam Ấn Độ và Đông Nam Á; và trên lộ trình từ Ấn Độ đến kinh đô Trường An của nhà Đường, các ngài đã lưu trú tại các vương quốc trong vùng này để truyền bá Mật tông. Vì thế có rất nhiều đền thờ và ngẫu tượng thuộc Kim Cương thừa đã được chế tác tại đây trong thời hưng thịnh của tông phái này từ thế kỷ VIII-X; trong đó có cả vương quốc Champa là nơi sở hữu hệ thống cảng - thị quốc tế sầm uất và Phật giáo được thịnh hành tại đây theo những ghi chép của sư Nghĩa Tịnh (635-713), khi ngài lưu trú tại vương quốc này trong hành trình đi thỉnh kinh tại Ấn Độ vào cuối thế kỷ VII. Vì vậy, Kim Cương thừa của Champa đã tiếp nhận ảnh hưởng trực tiếp từ các vương quốc ở phía nam như Sri Lanka, Java, bán đảo Mã Lai và miền nam Thái Lan, nơi có nhiều cơ sở Mật tông quan trọng, chế tác nhiều ngẫu tượng của các vị Phật và bồ tát thuộc Kim Cương thừa trong đó có nhiều hình tượng Tara và Quán Thế Âm. Các nhà nghiên cứu Việt Nam cho rằng những yếu tố Mật tông trong Phật giáo ở Giao Châu, vào thời kỳ sớm, có thể được nhận trực tiếp từ Ấn Độ; chỉ từ thế kỷ VIII về sau thì mới nhận ảnh hưởng từ Trung Hoa, có thể thấy sự ảnh hưởng này qua các bản dịch kinh Mật tông được thể hiện trên các cột đà-la-ni dựng tại Hoa Lư vào thế kỷ X. Do đó, có thể Kim Cương thừa của Champa được truyền thừa bằng cả hai con đường, một từ Đông Á và một từ Nam Á từ thế kỷ VIII trở đi.

Champa cũng trao đổi nghệ thuật Phật giáo từ phía tây bắc, trong đó có Vân Nam là nơi sản xuất nhiều tượng Quán Thế Âm bằng đồng và chuyển đổi đến vùng Đông Nam Á. Vân Nam là quê hương của hai vương quốc cổ Nam Chiếu (738-937) và Đại Lý (937-1253), nơi đây Mật tông được sùng bái từ hoàng gia cho đến thứ dân nên tín ngưỡng thờ hình tượng Quán Thế Âm và Tara rất phổ biến. Vân Nam được xem là cửa ngõ chuyển giao tôn giáo và nghệ thuật Bắc Ấn và Tây Tạng đến khắp vùng Đông Nam Á thông qua con đường 'Trà Mã Cổ Đạo' (茶  馬  古  道) kết nối hai vùng đất này từ cuối thế kỷ VII cho đến giữa thế kỷ XX. Theo đó, trà được trồng phổ biến và vận chuyển từ vùng Vân Nam qua rất nhiều chặng trên những con đường mòn hẻo lánh men theo các sườn núi cao, dài hơn năm ngàn cây số, đến Tây Tạng, vì người Tây Tạng ăn nhiều thịt nên cần uống trà để dễ tiêu hóa; ngược lại, ngựa là món hàng quý giá được vận chuyển từ Tây Tạng về Vân Nam để phân phối cho vùng Đông Nam Á và Hoa Nam. Vân Nam nằm ở tây nam Trung Hoa vì vậy nó đã tương giao gần gũi với văn hóa Đông Nam Á, nghệ thuật Phật giáo của Vân Nam đã tiếp nhận nhiều đặc điểm của các nền nghệ thuật trong vùng này, đặc biệt từ Phật giáo Champa, mà nổi bật là truyền thống kết hợp tên cá nhân nhà vua với tên các vị bồ tát đã được phổ biến ở Vân Nam đương thời, tương tự trường hợp vua Jaya Indravarman II của Champa đã kết hợp tên riêng của ngài là Laksmindra với đức Quán Thế Âm để có danh hiệu Laksmindra-Lokesvara.

Vào cuối thời Đường (618-907), Phật giáo bị suy thoái, vì vậy tăng ni bị thế tục hóa, tự viện bị phá hủy. Vị thế nổi trội của Phật giáo trong văn hóa Trung Hoa bắt đầu bị suy giảm khi nền kinh tế của các triều đại và chính quyền Trung ương bị suy yếu. Năm 845, vua Đường Vũ Tông (814-846) đã ra lệnh đóng cửa vô số tăng viện và chùa chiền, buộc hàng trăm ngàn tăng ni phải hoàn tục. Cuộc pháp nạn này, về sau, được mệnh danh Hội Xương Diệt Pháp. Mặc dù lệnh cấm đã được dỡ bỏ sau khi Vũ Tông qua đời nhưng Phật giáo đã không bao giờ lấy lại được vị thế thống trị của nó trong văn hóa Trung Hoa. Vì các cuộc khủng hoảng tôn giáo và chính trị, trong đó có chính sách bài ngoại của triều đình, vào cuối thời Đường cho nên các cộng đồng thương nhân Phật tử ngoại quốc đã rời Trung Hoa để định cư tại các quốc gia khác nơi mà Phật giáo được sùng bái như ở Đông Nam Á. Giới thương nhân thượng lưu ngoại quốc cùng với quý tộc bản địa đã thành lập những trung tâm Mật tông mới trong vùng này, sinh hoạt Phật giáo đã được phát triển để tạo dựng nhiều cơ sở thờ tự quan trọng của Kim Cương thừa như Đồng Dương, Borobudur, v.v...    

Tín ngưỡng Tara phổ biến trong Kim Cương thừa là tông phái thịnh hành tại Champa dưới sự bảo trợ của hoàng gia và giới thương nhân quý tộc trong nhiều thế kỷ. Việc thờ Tara tại Champa phản ảnh mối giao lưu kinh tế, trao đổi văn hóa và tương tác nghệ thuật rộng rãi của vương quốc cường thịnh này với toàn vùng Đông Nam Á, Nam Á, Đông Á và Tây Hoa Nam bằng 'con đường tơ lụa trên biển' từ phía đông nam; cũng như qua mạng lưới trao đổi hàng hóa bằng đường bộ liên vùng từ hướng bắc và tây bắc bán đảo Đông Dương.

Hình 2: Hình tượng đức Phật Amoghasiddhi ngồi dưới tán rắn bảy đầu Mucalinda, tay trái cầm thanh kiếm ngắn. Ảnh Paisarn Piammattawat, Bangkok.

 

Hình 3: Hai vật cầm tay của Tara là hoa sen và con ốc, bị gãy từ khi mới phát hiện. Hiện được bảo quản tại Bảo tàng tỉnh Quảng Nam, thành phố Tam Kỳ. Ảnh Nguyễn Anh Tuấn.

 

Hình 4: Tara, Sri Lanka, thế kỷ VIII-IX, đồng. Trưng bày tại British Museum, London.

 

Hình 5: Tara Xanh, Tây Tạng, thế kỷ XIV-XV, đồng.

  T.P.K - N.T.A

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Beyer, Stephan (2001). Magic and Ritual in Tibet: The Cult of Tara. Delhi: Motilal Banarsidass Publishers.

Boisselier, Jean (1984). 'Un bronze de Tara du Musee de Đà-Nẵng et son importance pour l'histoire de l'art du Champa.' Bulletin de l'École française d'Extrême-Orient (BEFEO), 73 (1984): 319-338.

Ch'en, Kenneth (1964). Buddhism in China: A Historical Survey. New Jersey: Priceton University Press.

Chuttiwongs, Nandana (2005). 'Le Bouddhism du Champa.' Trong Trésors d'art du Vietnam: La Sculpture du Champa, V-XV siècle (eds. Pierre Baptiste and Thierry Zéphir), tr. 65-87. Paris: Musée Guimet.

Dasgupta, K. K. (1967). 'Iconography of Tara.' In The Sakti Cults and Tara (biên tập D.C. Sircar), tr. 115-27. University of Calcutta.

Hà Văn Tấn (2005). 'Về ba yếu tố của Phật giáo Việt Nam: Thiền, Tịnh, Mật.' Trong Đến với Lịch sử-Văn hoá Việt Nam (biên tập Hà Văn Tấn), tr. 279-294. Hà Nội: Nxb. Hội Nhà văn.

Howard, Angela (1996). 'Buddhist Monuments of Yunnan: Eclectic Art of a Frontier Kingdom.' Trong Arts of the Sung and Yuan (biên tập Maxell Hearn và Judith Smith), tr. 231-245. New York: Department of Asian Art, The Metropolitan Museum of Art.

Majumdar, R.C. (1985). History and Culture of an Indian Colonial Kingdom in the Far East, 2nd -16th Centuries A.D., Book III, The Inscriptions of Champa. Delhi: Gian Publishing House.

Nguyen, Trian (2005). 'Laksmindra-Lokesvara, main deity of the Đồng Dương monastery: A Masterpiece of Cham art and a New Interpretation.' Artibus Asiae, Vol. 65, No.1 (2005): 5-38. 

Sharrock, P. D., Emma Bunker (2016). 'Seeds of Vajabodhi: Buddhist Ritual Bronzes from Java and Khorat.' Trong Esoteric Buddhism in Mediaeval Maritime Asia: Networks of Masters, Texts, Icons (biên tập Andrea Acri), tr. 237-252. Singapore: ISEAS-Yusof Ishak Institute. 

Trần Kỳ Phương (1979). 'Tượng Bồ tát bằng đồng mới phát hiện tại Đồng Dương (Quảng Nam - Đà Nẵng).' Khảo cổ học, số 2 (1979): 61-63. Hà Nội: Viện Khảo cổ học.

Vessantara (2007). Meeting the Buddhas: Guide to Buddhas, Boddhisattvas, and Tantric Deities. Delhi: Motilal Banarsidass Publishers.

Yang, Bin (2009). Between Winds and Clouds: The Making of Yunnan (Second Century BCE to Twentieth Century CE). New York: Columbia University Press.