Đọc thơ bằng một trái tim yêu

24.09.2021
Đỗ Thị Hoàng Anh
Thuở đôi mươi, tôi say mê thơ Lưu Quang Vũ - những vần thơ khắc khoải cô đơn, đầy suy tư và đau đớn về tình yêu, về cuộc đời. Lúc đó đọc thơ Xuân Quỳnh lại có cảm giác hơi nhàn nhạt, hay lòng thiếu nữ chưa thâm trầm, sâu sắc để thấm đủ vị mặn mòi?

Đọc thơ bằng một trái tim yêu

Vợ chồng cố thi sĩ Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ.

Thế rồi càng trưởng thành, tôi lại càng yêu thơ Xuân Quỳnh hơn. Mỗi lần đọc thơ bà, trong trái tim lại như có chút gì thuần khiết chảy nhè nhẹ, xoa dịu cho những tổn thương, những mất mát, những tiếc nuối trong cuộc đời.

Thơ Xuân Quỳnh hồn nhiên từ những lý giải ngây thơ con trẻ: "Nhưng còn cần cho trẻ/ Tình yêu và lời ru/ cho nên mẹ sinh ra/ Để bế bồng chăm sóc… Muốn cho trẻ hiểu biết/ Thế là bố sinh ra/ Bố bảo cho biết ngoan/ Bố dạy cho biết nghĩ..." (Chuyện cổ tích về loài người). Lời thơ ngộ nghĩnh mà chân thật, chan chứa tình yêu cho thế giới bé thơ. Mà thật kì lạ, trong con mắt trẻ thơ, quy luật cuộc sống dường như đảo ngược, không cần logic, không cần lập luận, diễn giải khoa học. Mọi thứ trên đời sinh ra là vì con, vì muốn cho con cảm nhận nhiều yêu thương trìu mến. Nữ sĩ có một tình yêu tha thiết với trẻ nhỏ, phải chăng vì sâu thẳm tâm hồn người đàn bà từng trải ấy vẫn trong trẻo, ngây thơ!


Cách Xuân Quỳnh nói, Xuân Quỳnh viết cho trẻ không phải là lời lý giải đầy phức tạp, lí trí của người lớn mà là những lời định nghĩa giản đơn đến đáng yêu. Có lúc bà thay lời con để nói về tình yêu hồn nhiên của em bé với mẹ  - "À mẹ ơi có con dế/ Luôn trong bao diêm con đây/ Mở ra là con thấy ngay/ Con yêu mẹ bằng con dế" (Con yêu mẹ); cũng có lúc trái tim người mẹ thổn thức bộc bạch tình yêu không thể kìm nén với con "Con làm bằng yêu thương/ Của cha và của mẹ/ Của bà và của ông/ Của má nữa - biết không?/ Con làm bằng tất cả" (Cắt nghĩa).

Những câu thơ ấy Xuân Quỳnh viết cho Lưu Minh Vũ - con riêng của Lưu Quang Vũ. Lời thơ thể hiện một tình yêu sâu sắc chân thành không hề có bóng dáng của sự gắng gượng, của sự gồng mình như một bổn phận, một trách nhiệm phải có với con. Có người lý giải, tấm lòng nhân hậu, tình yêu của bà dành cho trẻ nhỏ xuất phát từ những thiệt thòi về tình mẫu tử trong quá khứ. Nhưng bỏ qua những giả thiết, chỉ nhìn vào tình yêu ngập tràn trong những câu thơ, người đọc có thể hiểu được, tình yêu ấy phải bắt nguồn từ một trái tim trong sáng, hồn nhiên, một bản năng làm mẹ thiên phú trong trái tim người phụ nữ ấy.

Đâu chỉ giữ cho mình sự hồn nhiên khi viết về trẻ thơ, ngay cả trong những lúc đầy tan vỡ, hoài nghi về tình yêu, trái tim người con gái vẫn thuần khiết, vẫn bày tỏ những xúc cảm tinh khôi. Không che giấu nỗi buồn, niềm đau, sự hoài nghi, Xuân Quỳnh bộc bạch hết trên những trang thơ của mình "Lời yêu mỏng mảnh như màu khói/ Ai biết tình anh có đổi thay" (Hoa cỏ may), "Lời tình tự trăm lần trên ghế đá/ Biết lời nào giả dối với lời yêu", "Em lo âu trước xa tắp đường mình/ Trái tim đập những điều không thể nói…" (Tự hát). Để rồi dù đau khổ đến tận cùng, dù bao lần tan vỡ trước tình yêu, trái tim ấy vẫn khắc khoải nhịp đập sống đến trọn vẹn cảm xúc "Em trở về đúng nghĩa trái tim em/ Là máu thịt đời thường ai chẳng có/ Cũng ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa/ Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi" (Tự hát).

Trong cuộc sống hiện đại, khi chúng ta luôn đặt sự tỉnh táo, lý trí lên trên tình cảm thì dường như những câu thơ ấy dại khờ, bản năng quá. Nhưng chính những bản năng, dám yêu dám sống đến tận cùng lại là điều kiện để cảm xúc được thăng hoa, để con người có được hạnh phúc thuần khiết nhất. Có lẽ vì thế trong thời kì đó, Xuân Quỳnh là một tiếng thơ nữ hiếm hoi dám bộc bạch nỗi nhớ, tình yêu một cách trực tiếp và mãnh liệt.

Thơ bà tràn ngập những từ "nhớ" và lúc nào cũng đau đáu hướng về người mình yêu "Thương màu cúc giữa đông vàng rạo rực/ Đêm phương Nam em thức nhớ về anh" (Nghe rét đến, nhớ về Hà Nội); "Trái tim nhỏ nằm trong lồng ngực/ Giây phút nào tim đập chẳng vì anh" (Chỉ có sóng và em); "Trước cây cỏ vô tư em chẳng giấu/ Nỗi nhớ anh, nỗi nhớ khôn cùng" (Không đề), thậm chỉ còn thổ lộ lời yêu nồng nhiệt như trái tim mới lớn "Em yêu anh, yêu anh như điên" (Thơ viết cho mình và những người con gái khác).


Yêu đến cháy bỏng, tha thiết, đến dại khờ như thế nên khát vọng của Xuân Quỳnh luôn là kiếm tìm được một tình yêu đích thực. Yêu nhưng không ngại từ bỏ, người con gái dám dấn thân vào những hành trình mới cho dù muôn vàn khó khăn. Bài thơ "Sóng" của Xuân Quỳnh không chỉ là hành trình đi kiếm tìm tình yêu của đời mình mà còn là hành trình trở về với những xúc cảm chân thành nhất của con tim "Dữ dội và dịu êm/ Ồn ào và lặng lẽ/ Sông không hiểu nổi mình/ Sóng tìm ra tận bể" (Sóng).

Con sóng rời bỏ những không gian hạn hẹp, đến với không gian lớn lao hơn để có thể trải hết những cung bậc của đời mình; tìm đến "bể" nơi có thể dung chứa ngàn vạn trạng thái khác nhau của con sóng. Hóa ra hành trình đi tìm tình yêu không chỉ là để có một người yêu lý tưởng, mà là để sống thật với trái tim mình, để được là mình cho dù đó là "dữ dội" hay "dịu êm". Thế mới biết trái tim người phụ nữ khi yêu phức tạp biết nhường nào, không một chiều, một sắc mà biến đổi khôn lường, đến nỗi chính họ cũng không hiểu nổi những cảm xúc trong mình. Nhưng phải chăng đó mới là yếu tố làm nên hạnh phúc và những giây phút thăng hoa bất ngờ?

Xuân Quỳnh đã rời bỏ hào quang sân khấu để trở về với thơ như trở về với trái tim mình, với những gì thành thật nhất. Vì vậy, khi yêu thơ bà, ta mới nhận ra, bên cạnh một người phụ nữ dịu dàng, ân cần, chăm chút cho gia đình, chồng con từ giấc ngủ, manh áo "Trong tay anh, tay của em đây/ Biết lặng lẽ vun trồng gìn giữ/ Trời mưa lạnh tay em khép cửa/ Em phơi mền vá áo cho anh/ Tay cắm hoa, tay để treo tranh/ Tay thắp sáng ngọn đèn đêm anh đọc" (Bàn tay em), lại có một người phụ nữ đầy cá tính, mạnh mẽ và hóm hỉnh.

Xuân Quỳnh yêu thương, trân trọng những người đàn ông, ngưỡng mộ sự tài giỏi và mạnh mẽ của họ nhưng cũng không ngại thẳng thắn khẳng định vai trò không thể thiếu của những người đàn bà nhỏ bé, bình dị "Dẫu là nguyên thủ quốc gia hay là những anh hùng/ Là bác học… hay là ai đi nữa/ Vẫn là con của một người phụ nữ/ Một người đàn bà bình thường không ai biết tuổi tên" (Thơ vui về phái yếu).

Chân lý giản đơn ấy đâu phải ai cũng dám nói ra. Nếu nam giới giống như núi cao, mạnh mẽ, ổn định, rắn chắc thì phụ nữ lại như nước, mềm mại, dịu dàng nhưng tiềm ẩn sức mạnh thác lũ, là biến đổi không ngừng và không thể lường trước "Nếu đời anh đã xếp thành ngăn/ Em sẽ đảo tung lề thói cũ" (Thơ viết cho mình và những người con gái khác).

Xuân Quỳnh là thế, không ngại thể hiện thành thực con người mình trên những trang thơ, không giấu giếm kể cả những góc khuất rất bản năng, không dễ lường đoán trong trái tim mình. Phải chăng vì thế khi đọc thơ bà, ta như tìm lại được chính mình, được sống trọn vẹn với trái tim chân thật cùng những ngả rẽ nguyên sơ bí ẩn bất ngờ mà nhiều khi lí trí của ta còn ngại ngần đối diện!

Thơ Xuân Quỳnh không dễ khiến ta đau đớn, day dứt, ám ảnh như thơ Lưu Quang Vũ. Bởi đó không phải là thơ viết bằng nhiều lý trí, chiêm nghiệm mà là thơ viết bằng xúc cảm trái tim - thứ cảm xúc thuần khiết trong trẻo, tự thân nó đã hàm chứa những chân lí vừa giản dị, tự nhiên vừa bất khả lí giải. Đọc thơ bà vì lẽ đó, không nên quá bận lòng luận giải bằng thuyết lí, mà chỉ cần trở về chân thực với trái tim, nhìn sâu vào con người bên trong để nhận cảm. Đó cũng là một cách để thanh lọc tâm hồn, để cảm xúc thuần khiết nhất được trở về như nó vốn có. 

(vnca.cand.com.vn)