Đôi bàn chân mẹ
Đi chợ, ra đồng, bán buôn, dự đám cưới, đám giỗ…, từ việc nhỏ tới việc lớn, đôi chân ấy bao năm đã đi mòn con đường làng. Dấu chân của mẹ in lên đó từ lúc con đường còn nhão nhoẹt đất bùn những ngày mưa, đến khi được trải nhựa thênh thang, thẳng tắp. Bàn chân đã cùng mẹ ngược xuôi với ngổn ngang bao công việc từ nhà ra đồng, đều đặn hằng ngày.
Đôi bàn chân dãi dầu ấy lâu nay vốn không quen với những chiếc guốc cao cầu kỳ sắc màu, kiểu dáng. Không quen với những màu sơn móng chân bóng bẩy, nổi bật. Không quen cả những nơi chốn trang hoàng sang trọng, lấp lánh đèn hoa. Mẹ chỉ vui khi bàn chân được thong thả dạo quanh xóm làng, biếu cho nhau con cá, con cua từ cái tình nhà quê thơm thảo, chiều chiều cắp rổ đi hái rau tập tàng về nấu nồi canh giản dị mà ngon miệng, ngọt lòng. Mẹ chỉ hạnh phúc khi bàn chân được bước những bước mừng vui ra ngõ đón đứa con đi học xa trở về, chưa đi tới cửa nhà mà đứa con đã rối rít gọi mẹ. Bước chân mẹ chỉ thực sự thảnh thơi, nhẹ nhàng khi được đặt trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn, có tổ ấm yêu thương, có tình chòm xóm nồng hậu, tối lửa tắt đèn san sẻ cùng nhau.Những kẽ móng chân lâu ngày lội sông, lội ruộng tích tụ bùn đất, mẹ cọ rửa thế nào chúng cũng lì lợm không trôi đi hết. Mười chiếc móng chân ngả sang một màu vàng của phèn, của nỗi lam lũ tảo tần đã ăn sâu vào dáng hình mẹ. Giữa các ngón chân như còn lưu lại dấu vết của những mùa mưa mẹ bị nước ăn chân. Làn da đã chai sần theo năm tháng, nước da dạn dày gió sương của cuộc mưu sinh cơm áo, lặng thầm nhen nhóm ước mơ chữ nghĩa cho đàn con thơ. Sao tôi thương quá đôi gót chân đã hằn lên nhiều vết rạn của mẹ, những vết rạn như những đường cày trên cánh đồng quê mùa cày ải. Lúc tôi về nhà nép mình bên mẹ, nhìn đôi bàn chân quanh năm bươn bả làm lụng, lòng không khỏi cuộn lên những cơn sóng xót xa.
Mẹ tôi ít chữ, quanh năm chỉ biết chắt chiu, dành dụm cùng cha tính trước lo sau, vun vén nhà cửa, nuôi nấng đàn con ăn học, trưởng thành. Mẹ không biết đi xe. Nhưng đâu phải vì vậy mà tôi bớt tự hào khi được hỏi về mẹ, về gốc gác nông dân của mẹ. Bàn chân mẹ từng lội qua sông dài, từng đi trên cát nóng, dẫm lên bao gian truân để sống một cuộc đời lương thiện, bao dung, yêu thương bằng tất cả những gì mẹ có. Những ngón chân khi đêm về từng sưng tấy lên vì cả ngày bán buôn lam lũ, bàn chân từng tươm máu do dẫm phải mảnh chai, mẻ chén.
Bao trở trăn dài hơn giấc ngủ của mẹ. Mẹ ngủ nhưng tôi biết những nhọc nhoài gió sương trong mẹ vẫn thức. Mẹ vẫn cảm nhận được những chuyển động âm thầm của bóng đêm bằng trực giác vốn có của một người mẹ quê. Những ngày trở trời, khớp xương nhưng nhức, chiếc giường mẹ nằm sực nức mùi dầu gió quen thuộc. Mùi dầu gió, thứ mùi hương khiến tôi mỗi lần bắt gặp ở đâu đó là tâm trí lại nghĩ về mẹ, là nguồn cơn cho nỗi nhớ mẹ khắc khoải.
Tôi đi học xa, cuộc đời dài rộng dạy tôi biết mình phải trân quý, phải sưởi ấm yêu thương từ những điều giản đơn nhất. Lúc về nhà, tôi muốn tự tay tỉ mẩn cắt từng chiếc móng chân cho mẹ, lấy đi những hạt đất li ti còn sót ở kẽ, mài giũa cho thật chỉn chu, vừa ý. Mẹ nhìn những chiếc móng chân được tôi chăm chú cắt giũa, nở nụ cười hiền đùa rằng Tết này mẹ không cần phải đến nhà chị làm móng của xóm nữa. Mẹ tôi lâu nay vẫn vậy, chỉ chờ đến Tết lúc đã xong xuôi hết việc trong năm, thì mới nghĩ đến bản thân mình.
Được về nhà với mẹ, tôi lại muốn xức dầu, bóp chân cho mẹ như những ngày còn nhỏ, muốn loanh quanh bên mẹ như một chú chim non không bao giờ lớn. Khi ở bên mẹ, tôi mới thật là mình, những bão giông ngoài kia gói lại trong sự bình yên quá đỗi dịu dàng, ấm áp.
Bây giờ, đời sống không còn chật vật như trước. Nhưng mẹ nói nếu để mẹ chỉ ở một chỗ, tay chân mẹ sẽ bứt rứt không yên. Đôi chân đã quen với sự tảo tần hằng ngày đi chợ, ra đồng, lúc rảnh mẹ lại lặn lội đi cắt lá, mua bột đậu về làm bánh, lại nhón gót phơi lên giàn nong chuối chín, nia cá phơi khô gửi vào phố cho anh em tôi. Bàn chân, đôi tay, ánh mắt, cả con người, cả cuộc đời của mẹ không khi nào là không hướng về con. Tôi thầm cảm ơn mẹ, thầm nghe niềm hạnh phúc êm dịu tỏa lan trong từng mạch máu vì có mẹ trong đời...
(baodanang.vn)